Ngoại trưởng Nga bình luận về triển vọng quan hệ Moskva-Washington sau bầu cử Mỹ
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết kết quả bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Washington và Moskva.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một cuộc họp ở Moskva. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài phát thanh Sputnik, Ngoại trưởng Lavrov cho biết bất kể ai trong số hai người là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thắng cử tổng thống trong ngày 5/11 tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục coi Nga là một “đối thủ” hoặc thậm chí còn tệ hơn là “kẻ thù”.
Hiện chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến ngày bỏ phiếu, ứng viên đảng Cộng hoà Trump và nữ ứng viên đảng Dân chủ Harris vẫn đang bám đuổi sát nút trong các cuộc thăm dò.
“Bất kể kết quả bầu cử ra sao, đối với Mỹ, nếu không phải là kẻ thù, Nga sẽ vẫn chắc chắn là đối thủ. Trong mọi trường hợp, là đối thủ cạnh tranh”, Ngoại trưởng Lavrov trả lời phỏng vấn báo Nga Argumenty i Fakty xuất bản ngày 19/10.
Tương tự trước đó, đầu tháng 10, khi bình luận vấn đề này với báo Mỹ Newsweek, nhà ngoại giao hàng đầu này của Nga cho biết kết quả của cuộc bỏ phiếu sắp tới “không tạo ra sự khác biệt” đối với Moskva vì cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà của Mỹ đều cùng chung quan điểm về việc chống lại Nga.
“Trong trường hợp có những thay đổi chính trị ở nước Mỹ và có những đề xuất mới đối với chúng tôi, chúng tôi sẽ sẵn sàng xem xét và quyết định xem chúng có phù hợp với lợi ích của chúng tôi hay không”, Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Vào đầu tháng 6, trong trong cuộc gặp những người đứng đầu các cơ quan truyền thông Nga và quốc tế, bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ nhận định về quan hệ Mỹ-Nga trong tương lai. Nhà lãnh đạo cho rằng sẽ không có gì thay đổi trong quan hệ Nga-Mỹ, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ làm việc với bất kỳ Tổng thống nào mà người dân Mỹ bầu ra”.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc đã xấu đi trong nhiều năm nhưng đã lao dốc xuống mức thấp nhất sau khi xung đột giữa Moskva và Kiev nổ ra vào tháng 2/2022. Việc Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine, cung cấp cho nước này hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự và tấn công Nga bằng một loạt các lệnh trừng phạt đã bị phía Nga chỉ trích Mỹ “trở thành một bên tham gia xung đột”.
Hồi tháng 9, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mối quan hệ giữa hai quốc gia đã đạt đến “điểm rạn nứt” trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. “Mối quan hệ song phương hiện có lẽ đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, không có triển vọng nào cho thấy sẽ bước vào quỹ đạo tăng trưởng”, người phát ngôn nêu rõ.
Bình luận về cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ, ông Peskov cho biết “Đảng Dân chủ dễ đoán hơn” về việc tiếp tục các chính sách của Mỹ đối với Nga cũng như sức ép của họ đối với các nước EU.
Đường đua vào Nhà Trắng 'nổi bão' vì phát biểu của ông Trump
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt áp lực sau khi cho rằng cần phải triển khai quân đội Mỹ xử lý các đối tượng mà ông gọi là "kẻ thù nội tại" vào ngày bầu cử Mỹ.
Trong bối cảnh chiến dịch tranh cử năm 2024 ở Mỹ đang tiến vào giai đoạn cuối cùng, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ đang khai thác những phát biểu mới nhất của ứng viên Trump để giáng đòn tấn công đối thủ đảng Cộng hòa.
Kẻ thù nội tại ?
Trả lời phỏng vấn Đài Fox News hôm 13.10, ông Trump cho hay không quá lo ngại về nguy cơ ngày bầu cử có thể tái diễn vụ tấn công Điện Capitol hôm 6.1.2021, hoặc mối đe dọa từ các thế lực nước ngoài. Thay vào đó, ông cảnh báo cần phải lưu ý hành động của "những kẻ điên cuồng cực tả".
Ông Trump kêu gọi quân đội đối phó 'kẻ thù trong nước' vào ngày bầu cử
"Tôi cho rằng, nếu cần thiết, vấn đề này có thể được xử lý một cách dễ dàng bằng việc huy động lực lượng Vệ binh quốc gia, hoặc thật sự cần thiết thì viện dẫn đến quân đội", ứng viên đảng Cộng hòa bổ sung.
Phát biểu trên của ông Trump lập tức trở thành "vũ khí" mới cho chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ. Tại cuộc mít tinh ở hạt Erie (bang Pennsylvania) diễn ra hôm 14.10, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cảnh báo cử tri ở bang chiến địa rằng ông Trump có ý định trả thù những người Mỹ không bỏ phiếu cho ông vào ngày bầu cử 5.11. Theo bà, ông Trump xem những người bất đồng với ý kiến của mình là "kẻ thù", cũng như có thể tấn công các nhà báo đưa tin bất lợi cho ông, và các quan chức bầu cử từ chối thao túng kết quả theo hướng có lợi cho mình. Bà kết luận rằng đối thủ đảng Cộng hòa đang ngày càng "bất ổn và mất kiểm soát".
Ông Donald Trump phát biểu tại sự kiện tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 14.10. ẢNH: REUTERS
Bên cạnh đó, ông Ian Sams, người phát ngôn và cố vấn chiến dịch tranh cử của bà Harris, tranh luận rằng bất kỳ người Mỹ nào cũng nên cảnh giác trước tuyên bố trên của ứng viên đảng Cộng hòa.
"Ông Trump đang ám chỉ rằng có những người đồng hương Mỹ là "kẻ thù" còn tồi tệ hơn những thế lực nước ngoài, và ông ta nói cần phải huy động quân đội đối phó họ", Đài CNN dẫn lời ông Sams. Chiến dịch của bà Harris cũng nhanh chóng cho phát sóng nội dung quảng cáo mới, trong đó lặp lại hình ảnh ông Trump nói câu "kẻ thù nội tại".
Trong bài xã luận hôm 14.10, tờ The Washington Post giật tít "Ông Trump muốn trừng phạt mọi kẻ thù, chứ không chỉ dừng lại ở dân nhập cư". Bài báo cũng phân tích theo hướng quan ngại về việc ông Trump có vẻ như tìm cách trừng phạt những người trái ý mình.
Bầu cử Mỹ: Ông Biden ra lệnh bảo vệ ông Trump như 'tổng thống đương nhiệm'
Nhà Trắng cảnh báo Iran
Trong khi ông Trump tỏ ra không quá lo lắng về sự can thiệp của thế lực nước ngoài, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính quyền Washington cho hay Nhà Trắng đã cảnh báo chính phủ Iran hãy ngưng ngay mọi âm mưu nhằm vào ông Trump, Reuters đưa tin. Quan chức này (không nêu tên) cho hay Tổng thống Joe Biden nhận được báo cáo thường xuyên về các mối đe dọa từ Tehran. Theo chỉ đạo của ông Biden, Mỹ đã gửi thông điệp đến cấp cao nhất của chính quyền Tehran, yêu cầu phía Iran ngừng mọi âm mưu đối phó ông Trump và các cựu quan chức Mỹ.
Iran bác bỏ những cáo buộc can thiệp nội bộ nước Mỹ. Ngược lại, chính quyền Tehran lên án Mỹ từ nhiều thập niên qua luôn tìm cách can thiệp sự vụ nước này, từ âm mưu lật đổ Thủ tướng đắc cử Mohammad Mosaddegh năm 1953 đến vụ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds, tướng Qassem Soleimani năm 2020. Chính ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo vụ tấn công nhằm vào tướng Soleimani.
Quan chức Mỹ nhấn mạnh Washington xem mọi âm mưu của Iran ám sát ông Trump là hành động tuyên chiến.
Ông Trump yêu cầu chuyển vụ án chi tiền bịt miệng lên tòa án liên bang
Ngày 14.10, đoàn luật sư đại diện ông Donald Trump kiến nghị thẩm phán tòa phúc thẩm ở Manhattan (TP.New York, bang New York) chuyển vụ án chi tiền bịt miệng ngôi sao khiêu dâm lên tòa cấp liên bang, theo Reuters. Hồi tháng 5, tòa án hình sự Manhattan ra phán quyết kết luận ông Trump phạm 34 tội danh liên quan đến cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh trong vụ chi tiền bịt miệng. Sau đó, thẩm phán tòa quận Alvin Hellerstein hôm 3.9 từ chối chuyển vụ việc lên tòa liên bang.
Trong đơn kiến nghị mới, luật sư của ông Trump viện dẫn phán quyết của Tối cao Pháp viện vào ngày 1.7 cho rằng ông Trump không bị truy tố vì những hành động trên cương vị tổng thống. Theo luật Mỹ, các vụ án dân sự hoặc hình sự xử quan chức có thể được chuyển lên tòa cấp liên bang nếu liên quan đến vai trò của họ khi đương chức.
Bầu cử tới chặng nước rút, ông Trump và bà Harris đang ở đâu? Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ vẫn ở thế sít sao, hai ứng viên tổng thống đang chạy đua để thuyết phục các nhóm cử tri đóng vai trò quyết định cho kết quả tranh cử. Phó Tổng thống Kamala Harris ngày 13/10 (giờ Mỹ) đã có mặt tại một nhà thờ của cộng đồng người da màu ở thành phố Greenville,...