Ngoài Styren, dầu thải gây ô nhiễm nước Hà Nội còn có thể chứa hóa chất độc hại nào?
Lượng Styren vượt ngưỡng được cho là nguyên nhân gây ra mùi khét trong nguồn nước sinh hoạt tại nhiều khu vực ở Hà Nội những ngày vừa qua. Dưới góc nhìn của chuyên gia, trong dầu thải gây ô nhiễm ở đầu nguồn cấp nước còn có thể tồn tại nhiều hóa chất độc hại khác!
Như tin đã đưa, trong những ngày vừa qua, nguồn cấp nước cho Nhà máy nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có dấu hiệu ô nhiễm, nghi do hàng tấn dầu nhớt thải bị đổ trộm ở khu vực đầu nguồn khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, dẫn đến hiện tượng nước sinh hoạt tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy, tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông xuất hiện mùi “khét”.
Những hóa chất độc hại nào có thể tồn tại trong dầu thải?
Theo Tiến sĩ Lê Thái Hà, trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ có thành phần chính là các Hidrocacbon thơm như: Benzen, Toluen, Etyl Benzen, Xylen, Styren, mỗi chất đều có giá trị hướng dẫn riêng về sự ảnh hưởng khi chúng có mặt ở trong nước.
Tiến sĩ Lê Thái Hà, trưởng khoa Xét nghiệm và Phân tích, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường
Đặc biệt, trong dầu Diesel rất phong phú các chất Hidrocacbon thơm kể trên. Ngoài ra, đối với dầu thải, tùy theo các nguồn phát sinh, mà có thể chứa thêm những thành phần đặc thù khác, ví dụ: nguồn dầu thải từ quá trình vận hành máy móc thường chứa nhiều kim loại nặng (chủ yếu phát sinh từ sự ma sát của các chi tiết cơ khí kim loại).
Cũng vì bản chất là các Hidrocacbon thơm nên một khi bị lẫn vào nước, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện ra mùi đặc trưng của dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, kể cả khi nồng độ của các chất này vẫn còn thấp hơn ngưỡng có thể gây hại đến sức khỏe.
“Về vấn đề này, trong Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chúng đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước.” – Tiến sĩ Lê Thái Hà nhấn mạnh.
Hướng dẫn về chất lượng nước uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã xếp các chất như: Etyl Benzen, Styren, Toluen, Xylen vào nhóm các chất mà khi tồn tại với nồng độ bằng hoặc dưới ngưỡng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đã có thể ảnh hưởng đến hình thức, mùi hoặc vị của nguồn nước
Cũng theo chia sẻ của vị chuyên gia này, về nguyên tắc trong quy trình xử lý nước để phục vụ cho mục đính cấp nước sinh hoạt, các sản phẩm dầu mỏ sẽ được xử lý bằng cách hấp thụ qua cột lọc than hoạt tính.
Ý kiến của chuyên gia về chất Styren, được cho là nguyên nhân gây mùi “khét” của nước
Video đang HOT
Về việc Sở Y tế Hà Nội kết luận Styren vượt ngưỡng (cao nhất lên đến 3,65 lần) là một nguyên nhân dẫn đến mùi bất thường trong nước sinh hoạt mà người dân phản ánh, tiến sĩ Hà đưa ra nhận định: “Styren là một chất có trong các sản phẩm dầu mỏ và trong các nguồn khác, đặc biệt ngành công nghiệp chất dẻo sử dụng rất nhiều Styren. Ngoài ra, các loại dầu thải từ hoạt động photocopy cũng có lượng Styren cao, tùy thuộc vào lượng có trong nước mà Styren có thể gây ra mùi ngọt cho đến khó chịu (nồng độ càng cao thì mùi càng khó chịu).
Công thức cấu tạo của Styren
Thông thường, ở nồng độ 4 g/L, Styren đã bắt đầu gây mùi và có thể nhận biết thông qua cảm quan. WHO đưa ra giá trị hướng dẫn về hàm lượng cho phép của Styren là 20 g/l và Việt Nam cũng lấy giá trị này để áp dụng trong “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt” (QCVN 01-1:2018/BYT).”
Như vậy nồng độ Styren có trong các mẫu nước của Viwasupco vượt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần, như thông tin đã được công bố trong buổi họp báo ngày 15 tháng 10 vừa qua, thì hóa chất này đã đủ lượng để có thể gây ra mùi bất thường cho nguồn nước!
Khuyến cáo về việc sử dụng nguồn nước có mùi lạ
Theo tiến sĩ Lê Thái Hà, nước sinh hoạt có mùi lạ là không đạt Quy chuẩn về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT), dù nguyên nhân có do Styren hay bất kỳ lý do gì.
“Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người dân không nên sử dụng nguồn nước có xuất hiện mùi lạ, mùi khét!” – Tiến sĩ Lê Thái Hà khuyến cáo.
Minh Nhật
Theo dantri.com.vn
Dân Linh Đàm chật vật lo nước sạch sau 3 ngày nước máy vẫn 'khó ngửi'
Kể từ khi nguồn nước sạch sông Đà có mùi khó chịu như nhựa cháy và đến nay vẫn chưa được khắc phục, mỗi ngày cửa hàng tạp hóa tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội bán ra gần 300 bình nước.
Kiốt số 10 tòa HH1C Linh Đàm mỗi ngày bán gần 300 bình nước, phía đại lý phân phối phải chở nước đến nhập thường xuyên. Ảnh: MAI THƯƠNG
Những ngày qua, hàng trăm hộ dân tại khu vực tổ hợp 12 toà HH, Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) sống trong sự hoang mang vì nguồn nước gia đình sử dụng từ nước sạch sông Đà có mùi rất khó chịu.
Trong lúc chờ cơ quan chức năng có kết quả kiểm nghiệm nước, người dân Linh Đàm chủ động mua nước bình để đối phó tạm thời. Nhu cầu tăng cao, các cửa hàng tạp hóa trong khu vực này luôn tấp nập người dân xuống mua nước, chủ yếu là bình 20 lít để dự trữ trong nhà.
Hầu hết các kiốt trong khu vực tổ hợp 12 tòa HH, Linh Đàm đều chất đầy bình nước trước cửa hàng. Ảnh: MAI THƯƠNG
Sáng 13/10, theo ghi nhận, tại nhiều kiốt thuộc khu tổ hợp HH khu đô thị Linh Đàm, hàng trăm bình nước đã được tiêu thụ.
Anh Minh Anh, chủ kiốt số 10 toà HH1C, chia sẻ: Mấy ngày hôm nay, mỗi ngày đều bán gần 300 bình nước loại 20 lít, phía đại lý phân phối nước phải liên tục chở nước đến để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
"Ba hôm nay, sáng nào cũng có người xuống mua nước. Loại 5 lít và 20 lít được mua nhiều nhất. Ai cũng lo sợ chất lượng nước tại nguồn nước gia đình ảnh hưởng đến sức khoẻ nên mua nước sạch đóng chai dùng cho lành", anh Minh Anh chia sẻ thêm.
Nhu cầu người dân tăng cao, đến cửa hàng sửa chữa điện thoại cũng nhập bình nước về để bán. Ảnh: MAI THƯƠNG
Cô Nguyễn Thị Thiên (51 tuổi), cư dân phòng 934 chung cư HH3C, vừa khệ nệ xách bình nước 20 lít vào thang máy, vừa thở dài: "Chúng tôi phát hiện nước có mùi từ hôm 10/10, vậy mà đến nay vẫn chưa nhận được lời giải đáp nào thích đáng.
Chờ cơ quan chức năng không được thì mình phải tự cứu mình trước thôi. Nhà có cháu nhỏ nên dùng nước không đảm bảo chất lượng thì lo lắng lắm".
Tuy nhiên, các cư dân ở đây cũng cho biết đây chỉ là giải pháp tạm thời. "Có mua nước đóng chai để dùng thì cũng chỉ vài ngày thôi, nhu cầu dùng nước thì nhiều mà mua thế này lại đắt. Mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để chúng tôi an tâm", cô Thiên nói.
Với những hộ gia đình có trẻ nhỏ, việc sử dụng nguồn nước gia đình không đảm bảo chất lượng khiến cho họ thực sự không an tâm. Ảnh: MAI THƯƠNG
Sự việc bắt đầu từ trưa, chiều 10/10, một số khu dân cư phía nam Hà Nội, trong đó có khu đô thị Linh Đàm, phát hiện nước máy có mùi clo khử trùng nồng nặc. Đến tối, nước chuyển sang mùi khét và hắc như khói đốt đồ nhựa. Đến sáng 11/10, nước có mùi khét nồng nặc như mùi nhựa cháy.
Đến hôm nay 13/10, dù Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ nguyên nhân sự cố, vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào từ phía các cơ quan liên quan như Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà, giám đốc Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông...
Khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố này rất rộng, bao gồm các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm của TP Hà Nội.
Cô Nguyễn Thị Thiên (cư dân chung cư HH3C) phải dùng nước đóng bình để vo gạo nấu cơm. Ảnh: MAI THƯƠNG
Gia đình cô cũng dự trữ nước sạch trong nhà tắm, nhưng với nhu cầu sử dụng cao khiến việc không có nước sạch dùng rất bất tiện. Ảnh: MAI THƯƠNG
Anh Nguyễn Quốc Huy, cư dân phòng 3232 tòa HH4C, đi mua nước đóng bình cho cả gia đình sử dụng trong những ngày chờ kết quả xét nghiệm nước Sông Đà. Ảnh: MAI THƯƠNG
Ghi nhận tại các tòa nhà thuộc khu HH, nhiều cư dân tranh thủ đi chở nước vào ngày nghỉ để dự trữ dùng cho những ngày tới nếu vẫn chưa có giải pháp xử lý. Ảnh: MAI THƯƠNG
Nhiều người còn chở một lần nhiều bình nước để dùng dần. Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo Tuổi Trẻ
Tìm thấy nước trên hành tinh ngoài hệ mặt trời Hành tinh chứa nước mới được phát hiện bằng kính viễn vọng không gianHubble. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy nước trên một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời. Hành tinh đó được gọi là K2-18b, mệnh danh là "siêu trái đất" vì nặng hơn và lớn hơn Trái Đất của chúng ta. Và trên hết, nó...