Ngoài đào tạo “chui”, Đại học Đông Đô từng có nhiều sai phạm khác
Từng là trường đại học dân lập nổi tiếng, thu hút đông đảo thí sinh dự thi trong giai đoạn đầu thành lập, nhưng trường ĐH Đông Đô lại liên tiếp xảy ra sai phạm trong công tác đào tạo, tuyển sinh trong nhiều năm.
Từng có sức hút
Thời gian vừa qua, lùm xùm liên quan đến trường ĐH Đông Đô (có trụ sở tại Hà Nội) khiến nhiều sinh viên của trường hoang mang, lo lắng, dư luận cũng hết sức quan tâm. Tuy nhiên, cũng ít ai biết được rằng trường ĐH Đông Đô sau 25 năm thành lập cũng từng là ngôi trường nổi tiếng một thời.
Để thu hút tuyển sinh, trên website chính thức của trường ĐH Đông Đô giới thiệu: Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hiện ĐH Đông Đô đào tạo 20 ngành hệ Đại học hệ chính quy, 06 chuyên ngành trình độ Thạc sĩ và 1 chuyên ngành trình độ Tiến sĩ. Trường đã đào tạo 45.000 sinh viên tốt nghiệp. ĐH Đông Đô vinh dự nhận 5 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, 25 bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội,…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trường ĐH Đông Đô được thành lập vào ngày 3/10/1994. Trong những năm đầu được thành lập, trường ĐH Đông Đô là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên và có sức hút mạnh đối với sinh viên khu vực phía Bắc. Học phí cao, song các kỳ thi đầu vào của trường rất đông thí sinh đăng ký dự thi, điểm trúng tuyển phổ biến từ 16 đến trên 20 điểm (tùy từng ngành).
Tuy nhiên, càng hoạt động về sau, trường ĐH Đông Đô lại càng có dấu hiệu tụt lại so với những trường ngoài công lập khác, trong đó hệ thống cơ sở vật chất ít được chú trọng, đầu tư, chủ yếu là thuê mướn địa điểm học. Có những thời điểm, trường có tới cả chục địa điểm nằm rải rác các quận nội thành như: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm… hầu hết là các phòng học, giảng đường được thuê mướn, nhiều chỗ học là dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn, nóng bức, chật chội.
Video đang HOT
Một cơ sở của trường ĐH Đông Đô tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Liên tiếp xảy ra sai phạm trong tuyển sinh
Cơ sở vật chất thuê mướn, song chất lượng đào tạo và sức hút của trường ngày càng giảm sau hàng loạt vụ lùm xùm liên tiếp xảy ra. Cụ thể, đầu năm 2002, Công an Hà Nội ra lệnh khởi tố vụ án lạm dụng quyền hạn khi thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng (theo điều 281, Bộ luật Hình sự) ở trường này trong tuyển sinh năm 2001 với nhiều bài thi được chấm nâng điểm, tuyển sinh vượt 2,8 lần số lượng cho phép.
Năm 2012, Bộ GD&ĐT công bố kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường đại học. Theo đó, trường ĐH Đông Đô bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 với lý do tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao: 4.276 SV/77 GV (55%). Bộ GD&ĐT yêu cầu đến năm 2013, trường này không khắc phục được các điều kiện bảo đảm chất lượng sẽ xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.
Dù cơ sở vật chất đã được khắc phục trong thời gian qua, song trong vòng 3 năm qua, trường ĐH Đông Đô lại tiếp tục vi phạm tuyển sinh và đào tạo trình độ văn bằng 2 (VB2). Một số báo phản ánh tình trạng trường này xảy ra tình trạng cứ nộp hồ sơ, đóng tiền là thi đỗ VB2 mà không cần phải học nhiều cũng được cấp bằng…
Liên quan tới vụ việc này, Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng chưa cấp phép đào tạo VB2 cho trường Đông Đô, chuyện cấp phôi bằng là “giúp đỡ” trường gặp khó khăn trong công tác in ấn… Tuy nhiên, đã xuất hiện một số văn bản của trường ĐH Đông Đô tới Bộ GD&ĐT, cũng như một số văn bản của Bộ tới trường này cho thấy đã có sự thông báo chỉ tiêu đào tạo VB2 và được Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) xác nhận chỉ tiêu đào tạo VB2.
Nhằm ổn định nhà trường, đảm bảo quyền lợi của các sinh viên trường ĐH Đông Đô, Hội đồng quản trị, lãnh đạo trường ĐH Đông Đô đã bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Phụ trách Nhà trường với PGS.TS. Lê Ngọc Tòng, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục pháp lý công nhận danh hiệu Hiệu trưởng đối với ông.
Hiện nay, cơ quan điều tra đang điều tra, làm rõ vụ việc. Song dư luận xã hội cũng đặt ra câu hỏi vai trò quản lý của Bộ GD&ĐT ở đâu khi trong vòng mấy năm trường này tuyển sinh và cấp VB2 nhưng Bộ chỉ mới biết và thông tin phủ nhận cấp phép đào tạo VB2, trong khi lại xuất hiện một số văn bản của Bộ chấp thuận chỉ tiêu VB2 của trường ĐH Đông Đô?
Quang Anh
Theo giaidinh.net
Sau sai phạm đào tạo "chui": Sinh viên ĐH Đông Đô đi về đâu?
Hôm nay (28/8), Trường ĐH Đông Đô chính thức lên tiếng xin lỗi các học viên sau bê bối đào tạo văn bằng 2 sai phép và hứa giải quyết hậu quả gây ra.
Trong thư gửi đến học viên, PGS.TS Lê Ngọc Tòng, Phó Hiệu trưởng ĐH Đông Đô cho biết: "Trong 25 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Đông Đô đã có những thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, sinh viên nhà trường luôn tự hào khi học tập và tốt nghiệp trong ngôi trường này. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thực hiện nhiệm vụ, nhà trường không tránh khỏi một số sai sót.
ĐH Đông Đô chính thức lên tiếng sau bê bối của trường.
Sự việc xảy ra trong thời gian qua là một điều đáng tiếc, tổn hại đến uy tín của trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của các sinh viên, học viên. Qua đây, Trường Đại học Đông Đô xin gửi lời xin lỗi chân thành tới toàn thể sinh viên, học viên đã và đang theo học tại Trường".
Trả lời về quyền lợi của sinh viên, PGS.TS Lê Ngọc Tòng cho biết, về bộ máy tổ chức hoạt động của trường, nhà trường đang hoàn thiện thủ tục pháp lý bổ nhiệm Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội Đồng quản trị. Sau khi có quyết định chính thức, trường sẽ thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mọi hoạt động giảng dạy và học tập vẫn diễn ra bình thường.
Về các văn bằng của sinh viên, học viên, đối với sinh viên đã tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ đang chờ cấp bằng, bảo vệ luận văn: Hiện nay nhà trường đang có sự thay đổi Hiệu trưởng nên chưa ký được các văn bằng này. Sau khi có quyết định của Ủy Ban Thành phố Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm Hiệu trưởng mới của trường sẽ ký các văn bằng gửi các học viên, sinh viên đã tốt nghiệp.
Đối với học viên học văn bằng 2 các ngành, những sinh viên đã nhận bằng, sinh viên đang chờ nhận bằng, sinh viên đang chờ thi tốt nghiệp: Nhà trường sẽ đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo quyền lợi cho các học viên, công nhận văn bằng đã học.
"Những sinh viên đang học, Nhà trường sẽ hoàn thiện hồ sơ đào tạo đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 theo đúng quy định pháp luật.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo chính thức, Nhà trường sẽ có phương hướng giải quyết , đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các sinh viên, học viên", ông Tòng khẳng định./.
Theo VOV
ĐH Đông Đô từng nhận nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trường ĐH Đông Đô từng nhận được nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các tổ chức trong và ngoài nước, điển hình như bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 5 bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, 25 bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội,... Những ngày này, thông tin về viêc Chủ tịch HĐQT trường ĐH Đông...