Nghiên cứu: Các lớp học không nên bắt đầu trước 9 giờ sáng, kể cả học online
Do sự thay đổi nội tiết tố làm xê dịch đồng hồ sinh học ở tuổi dậy thì, 7h30 sáng của thanh thiếu niên cũng giống như 5h30 sáng của người lớn.
Đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra tổn hại về mặt sức khỏe thể chất, 2 năm kéo dài đằng đẵng còn gây ra nhiều xáo trộn khiến sức khỏe tinh thần của chúng ta cũng bị ảnh hưởng. Thanh thiếu niên có lẽ là một trong những nhóm chịu tác động nặng nề nhất.
Khi trường học đóng cửa, hàng triệu học sinh, sinh viên đã không thể đến lớp học với bạn bè, thầy cô và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận tác động tâm lý tiêu cực ảnh hưởng tới thanh thiếu niên từ cuộc sống trong đại dịch này.
Nhưng trong một nghiên cứu mới trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà khoa học Thụy Sĩ lại chỉ ra một sự an ủi nhỏ mà nhiều cô cậu học trò nhận được từ đại dịch: Ít nhất, họ không phải dậy quá sớm để tới trường như trước nữa.
“Mỗi ngày, những học sinh, sinh viên của chúng tôi được ngủ thêm trung bình 75 phút“, nhà nghiên cứu quá trình phát triển của trẻ em Oskar Jenni đến từ Đại học Zurich cho biết. Điều này đã giúp cải thiện tình trạng thiếu ngủ và nhiều khía cạnh sức khỏe khác của thanh thiếu niên.
Tại sao các lớp học không nên bắt đầu trước 9 giờ sáng?
Đã bao giờ bạn thấy con em mình, hoặc chính bản thân bạn ngày xưa phải thức dậy trong trạng thái uể oải để chuẩn bị cho tiết học đầu tiên bắt đầu vào 7h30 phút sáng? Đối với những đứa trẻ có nhà ở xa trường học, và những ngôi trường có giờ truy bài sớm hơn, mỗi buổi sáng như vậy có thể là một cơn ác mộng.
Theo National Sleep Foundation, trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng cần được ngủ nhiều hơn so với người lớn. Trẻ từ 6-13 tuổi cần ngủ 9-11 tiếng đồng hồ vào ban đêm. Trong khi đó, thanh thiếu niên 14-18 tuổi cần ngủ 8-10 tiếng đồng hồ.
Tuy nhiên, các khảo sát cho thấy có từ 60-70% trẻ em và thanh thiếu niên không ngủ đủ giấc. Một lý do đó là sau tuổi dậy thì, có một sự thay đổi đồng hồ sinh học diễn ra trong cơ thể trẻ. Nó thường làm xê dịch giờ ngủ đi 2 tiếng.
Một đứa trẻ có thể dễ dàng đi ngủ lúc 9 giờ tối, nhưng thanh thiếu niên thường hiếm khi ngủ cho tới 11 giờ. Nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng thói quen thức khuya và ngủ nướng này là do con mình mê chơi điện thoại. Nhưng thực tế, đó là một sự thay đổi tự nhiên trong cơ thể mỗi chúng ta, bắt nguồn từ những thay đổi nội tiết tố xuất hiện trong quá trình trưởng thành.
Như vậy, để một học sinh cấp ba đi ngủ lúc 23 giờ và ngủ đủ 8-10 tiếng, lẽ ra các lớp học không nên bắt đầu trước 9 giờ sáng. Nó sẽ đặt thanh thiếu niên vào trạng thái thiếu ngủ, gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển.
Khuyến cáo thời gian ngủ theo lứa tuổi từ National Sleep Foundation.
Các nghiên cứu đã chỉ ra một loạt tác hại từ việc thiếu ngủ ở thanh thiếu niên, bao gồm: làm giảm tập trung, tăng nguy cơ tai nạn khi tham gia giao thông, giảm thành tích học tập, tăng nguy cơ chấn thương thể thao.
Video đang HOT
Thiếu ngủ còn ảnh hưởng tới hành vi của học sinh sinh viên theo những cơ chế tinh tế. Chẳng hạn, nó khiến thanh thiếu niên dễ cáu kỉnh, bốc đồng hơn, làm tăng khả năng tham gia vào các hành vi rủi ro như đánh lộn và bắt nạt học đường, tăng khả năng có hành vi không lành mạnh bao gồm hút thuốc lá, sử dụng rượu và ma túy.
Ngủ không đủ giấc cũng làm tăng các triệu chứng trầm cảm, ý định tự tử và nhiều căn bệnh khác bao gồm béo phì, tiểu đường, Alzhiemer và nhóm bệnh chuyển hóa mạn tính.
Bằng chứng về lợi ích của các lớp học bắt đầu muộn
Trong nghiên cứu của mình, Jenni và các đồng nghiệp tại Đại học Zurich đã khảo sát thói quen ngủ của 3.600 học sinh trung học ở Zurich trong thời gian học trực tuyến vì đại dịch COVID-19. Họ so sánh kết quả này với khảo sát trên 5.300 học sinh trước đó, thực hiện năm 2017.
Kết quả cho thấy khi học online ở nhà, các lớp học bắt đầu muộn đã cho phép học sinh Thụy Sĩ ngủ thêm 90 phút vào buổi sáng. Tuy nhiên, họ cũng ngủ muộn hơn 15 phút vào mỗi đêm, so với thời kỳ trước đại dịch.
Tổng thời gian ngủ của học sinh tăng lên khoảng 75 phút mỗi ngày. Điều này tạo ra các tác động tốt tới sức khỏe và tinh thần. Các học sinh báo cáo việc được ngủ dậy muộn đem lại cảm giác thoải mái và tràn đầy năng lượng.
” Mặc dù việc đóng cửa [trường học] rõ ràng đã làm suy giảm sức khỏe và hạnh phúc của nhiều người trẻ tuổi, nhưng những phát hiện của chúng tôi cho thấy một mặt tích cực vốn ít được chú ý cho đến nay“, Jenni nói.
“Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra lợi ích rõ ràng của việc bắt đầu lớp học muộn hơn vào buổi sáng, để trẻ có thể ngủ nhiều hơn”.
Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học cũng đã nhiều lần chỉ ra lợi ích của việc lùi thời khóa biểu học buổi sáng đối với học sinh, sinh viên. Năm 2019, một trường trung học ở Đức đã thực hiện một thí nghiệm kéo dài 9 tuần. Họ cho phép một nhóm học sinh đi học muộn hơn 1 tiếng đồng hồ.
Các nhà khoa học sẽ đo lường tác động của việc đổi lịch học này dựa trên các thiết bị đeo tay cấp cho học sinh, nhật ký giấc ngủ của họ và các bài kiểm tra trên lớp học.
Kết quả theo dõi cho thấy 97% học sinh sau đó đã ngủ tốt hơn và tập trung hơn. Những học sinh đi học muộn hơn thực hiện tốt hơn các bài kiểm tra phản xạ, cho thấy họ ít mệt mỏi hơn và có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn trên lớp học. Kết quả bài tập về nhà của các học sinh này cũng được cải thiện.
” Trong nghiên cứu của chúng tôi, hầu như tất cả các học sinh tham gia (97%) được hưởng lợi từ thời gian học muộn hơn, có giấc ngủ dài hơn vào các buổi học với tiết bắt đầu từ 9 giờ sáng trở đi – trung bình sinh viên có thêm được 1 giờ ngủ vào những ngày đó”, các tác giả nghiên cứu viết.
Trước đó năm 2015, 18 trường trung học ở Mỹ đã cùng tham gia vào một nghiên cứu dời lịch học từ 7h50 phút sáng xuống 8h45 phút. Kết quả cho thấy học sinh tại các trường này đã ngủ được nhiều hơn mỗi đêm, trong khi không bị cám dỗ bởi việc thức khuya vì sáng mai được đi học muộn.
Điểm kiểm tra trung bình của các học sinh này cũng tăng 4,5%. ” Yêu cầu thanh thiếu niên thức dậy và tỉnh táo vào lúc 7h30 cũng giống như yêu cầu một người lớn phải làm việc và tỉnh táo vào lúc 5h30 sáng“, tác giả nghiên cứu, nhà sinh vật học Horacio de la Iglesia tại Đại học Washington cho biết.
Một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Clinical Sleep Medicine còn quan sát thấy một dữ liệu thú vị. Theo đó, một quận ở Mỹ đã đồng loạt lùi thời gian vào lớp buổi sáng của học sinh trung học xuống 1 tiếng đồng hồ. Kết quả là số lượng các vụ va chạm giao thông liên quan tới học sinh trong quận này đã giảm tưới 16,5 %.
Tựu chung lại, ngày càng có nhiều nghiên cứu ủng hộ việc điều chỉnh giờ học cho học sinh phù hợp với đồng hồ sinh học của lứa tuổi vị thành niên. Việc lùi thời gian học xuống sau 9 giờ sáng không chỉ giúp học sinh ngủ tốt hơn, tập trung hơn và có kết quả học tập cao hơn, mà còn giúp các em cải thiện được sức khỏe cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Giúp học sinh ôn tập môn Toán hiệu quả khi trở lại trường
Khi học sinh quay lại trường học trực tiếp, chuẩn bị làm bài kiểm tra định kỳ và hướng đến kỳ thi cuối khóa đối với các em lớp 9 và lớp 12, nhiều giáo viên trăn trở làm thế nào để ôn luyện môn Toán có hiệu quả.
Học sinh Hà Tĩnh trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Hồ Lài
Lí do bởi trong một lớp học (trừ lớp chuyên, lớp chọn) luôn có học sinh khá, giỏi, trung bình và yếu.
Đối với nhà trường
Giáo viên ôn tập như thế nào mà học sinh khá giỏi không bị nhàm chán nhưng học sinh trung bình và yếu vẫn theo được. Để học sinh ôn tập môn Toán có hiệu quả cần có kế hoạch của nhà trường, khả năng ôn luyện của giáo viên và sự nỗ lực phấn đấu của học sinh.
Với phương châm, với học sinh khá giỏi: Một bài toán giải nhiều cách, trong khi học sinh trung bình và yếu: Một cách giải được nhiều bài. Do đó, trong quá trình ôn tập nhà trường cần chia lớp học theo trình độ của học sinh.
- Lớp khá giỏi: Đây là những học sinh tinh túy của nhà trường nên yêu cầu đặt ra là xét tuyển vào các trường chuyên (đối học sinh lớp 9) và vào trường đại học tốp đầu, tốp giữa (đối học sinh lớp 12). Ngoài kiến thức hiện hành học ở lớp, giáo viên bổ trợ thêm kiến thức của các lớp dưới có liên quan đến kỳ thi của các em.
- Lớp trung bình và yếu: Đây là những học sinh nhà trường cần quan tâm nên yêu cầu đặt ra là xét tuyển vào các trường THPT đại trà (đối với học sinh lớp 9) và trường đại học tốp dưới, cao đẳng và công nhận tốt nghiệp (đối học sinh lớp 12). Giáo viên chỉ ôn tập những kiến thức hiện hành các em đang theo học.
- Phân công giáo viên ôn tập: Nhà trường nên phân công giáo viên dạy theo từng chuyên đề. Dạy kiến thức cơ bản cho học sinh trung bình và yếu. Những học sinh khá giỏi, được dạy thêm phần nâng cao.
Đối với học sinh
Học sinh muốn ôn tập môn Toán có hiệu quả, các em cần bảo đảm một số điều kiện.
Thứ nhất, biết hệ thống hóa (tổng kết) các kiến thức đã học qua từng chuyên đề. Qua đó, các em xem kiến thức nào là quan trọng cần ghi nhớ và biết vận dụng kiến thức vào giải toán. Ví dụ, khi ôn tập chuyên đề hàm số của lớp 12, học sinh cần nắm vững đường lối khảo sát và vẽ đồ thị ba hàm số, các bài toán liên quan đến khảo sát và biết cách tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm số trên một đoạn.
Thứ hai, biết phân tích và nhận xét các bài toán trong từng chuyên đề. Mục đích là lập luận chặt chẽ và chính xác, biết đưa các bài toán giống nhau về một dạng để nắm lấy phương pháp giải tổng quát và biết tìm tòi lời giải tối ưu cho các bài toán khó. Ví dụ, muốn xác định khoảng cách của hai đường thẳng chéo nhau a và b (a, b không vuông góc với nhau) của lớp 11, học sinh chọn mặt phẳng (P) chứa b và song song với a. Khi đó, khoảng cách giữa a và b chính là khoảng cách giữa a và mặt phẳng (P).
Thứ ba, kiên trì và chịu khó giải bài tập trong từng chuyên đề của giáo viên biên soạn. Mục đích nhằm tìm ra một phương pháp tối ưu cho mỗi bài toán. Ví dụ, khi học về số phức của lớp 12, dựa trên tập hợp điểm để tìm giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của mô-đun số phức, học sinh phải biết tập hợp điểm là đường thẳng hay đường tròn từ đó mới tìm được số phức.
Thứ tư, học sinh phải thể hiện sự ham thích, say mê học toán. Các em có thể tìm thêm các bài toán ngoài sách giáo khoa nhưng nó liên quan đến kiến thức đã học để tự giải, củng cố kiến thức và nâng cao năng lực giải toán.
Ảnh: Hồ Lài
Đối với giáo viên
Để thành công trong việc ôn tập cho học sinh, giáo viên cũng cần thực hiện đầy đủ các quy trình. Cụ thể:
- Chuẩn bị bài trước khi lên lớp: Đầu tư nghiên cứu, lựa chọn bài tập phù hợp với từng nhóm học sinh qua mỗi chuyên đề. Xác định nội dung trọng tâm cần ôn tập của mỗi chuyên đề và chọn phương pháp dạy học phù hợp. Ví dụ, khi ôn tập chuyên đề phương trình lượng giác lớp 11, giáo viên cần khắc sâu dạng phương trình tích, phương trình chứa ẩn ở mẫu. Khi dạy chuyên đề tích phân, nội dung cần truyền đạt cho học sinh là tính tích phân và tính diện tích hình phẳng.
- Quá trình lên lớp: Phân phối thời gian hợp lý cho các khâu như kiểm tra bài cũ, truyền thụ kiến thức mới, luyện tập củng cố và hướng dẫn về nhà. Không được bỏ qua hoặc thực hiện qua loa một bước nào, bởi mỗi bước có tầm quan trọng riêng.
Giáo viên phải kiên trì trong việc rèn luyện ý thức và ý chí học tập để học sinh nhận thức học tập là cần thiết cho cuộc sống. Giáo viên hình thành động cơ học tập cho học sinh vì để bản thân phấn đấu vươn lên trong học tập nhằm hình thành thói quen tốt, xóa bỏ thói quen xấu. Xây dựng uy tín của giáo viên dựa trên bồi dưỡng năng lực chuyên môn và phẩm chất nghề nghiệp để tạo niềm tin cho học sinh trong quá trình ôn tập.
- Cung cấp một số năng lực giải toán cho học sinh: Năng lực suy luận chính xác, lập luận chặt chẽ các bước trong lời giải, trình bày lời giải rõ ràng. Năng lực toán học hóa tình huống và vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn. Khả năng vận dụng kiến thức và phương pháp giải toán vào một số môn học khác có liên quan (Vật lý, Hóa học, Sinh học...). Năng lực khái quát toán học: Hình thành phương pháp thông qua hoạt động giải bài tập. Biết phân loại các dạng toán để lấy phương pháp giải chung. Biết tổng quát bài toán thông qua bài toán cụ thể.
- Xây dựng tiết dạy luyện tập: Vì mục đích cuối cùng của học sinh lớp 12 khi ôn tập là giải được toán, do đó, giáo viên hướng dẫn cách trình bày lời giải bài toán nhằm tránh sai lầm cho học sinh. Xây dựng các bài toán theo mức độ nâng cao dần trên cơ sở bài toán trong sách giáo khoa, nhóm bài tập thể hiện qua bài soạn của giáo viên. Giúp học sinh tìm tòi lời giải, chủ động suy nghĩ, làm nhiều hơn và tham gia giải bài tập nhiều hơn. Rút ra những thuật toán tự tạo và định hướng giải cho mỗi loại toán. Đặc biệt mỗi bài toán, người ra đề mang dụng ý để cho học sinh hiểu rằng: Mỗi từ, mỗi chữ mang một ý nào đó mà các em phải lột tả.
- Hướng dẫn về nhà: Bài tập về nhà phải phù hợp và vừa sức với trình độ học sinh. Giáo viên hướng dẫn và giúp trò nhận dạng bài tập và phương pháp giải. Chuẩn bị bài mới với câu hỏi cụ thể và hướng dẫn học sinh cách thực hiện.
Trong quá trình ôn tập, giáo viên bộ môn cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh để duy trì sĩ số, nhắc nhở những em còn chểnh mảng trong học tập. Giáo viên cần tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh để kịp thời động viên và giúp đỡ. Ngoài ra, giáo viên phân công những em khá giỏi giúp đỡ học sinh yếu kém.
'Ươm chữ' trên đỉnh Đun Pù Trên đỉnh Đun Pù, xã Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) có một lớp học đặc biệt được dựng lên bằng tranh tre, nứa lá giữa chênh vênh gió núi, mây ngàn. Lớp học ấy là tấm lòng, là cái tâm của những người thầy đang miệt mài ngày đêm với sự nghiệp trồng người. Bà con dân bản trong...