Nghịch lý biên chế giáo viên theo định mức, học sinh lớp 10 tự do chọn tổ hợp
Những học sinh chuẩn bị vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022- 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Bắt đầu từ năm học 2022 – 2023 tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai đối với học sinh lớp 10 và áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo đến lớp 12 vào năm học 2024-2025.
Điều đặc biệt là nội dung giáo dục cấp trung học phổ thông gồm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (Ngữ Văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương), cùng với hai môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2.
Ngoài ra, học sinh phải chọn 5 môn trong 3 tổ hợp: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Vậy, những học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 tới đây để bước vào năm học 2022 – 2023 có được chọn môn tổ hợp theo sở thích cá nhân hay theo tổ hợp của nhà trường định sẵn?
Chúng tôi cho rằng không trường nào dám cho học sinh tự lựa chọn bởi nếu làm như vậy thì trường lấy đâu ra nhân lực để dạy những môn mà học sinh chọn nhiều và những môn mà học sinh chọn ít thì giáo viên sẽ bố trí làm việc gì khi dạy thiếu định mức quy định?
Nhiều trường trung học phổ thông đã định hướng cụ thể nhóm tổ hợp(Ảnh: Lê Văn Minh)
Trên giao theo định mức giáo viên cho nhà trường thì trường làm sao dám cho học sinh lựa chọn tự do
Tại khoản 3, Điều 8 của Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp trung học phổ thông được hướng dẫn như sau:
Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên trên một lớp; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,40 giáo viên trên một lớp; Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,10 giáo viên trên một lớp. Như vậy, định mức giáo viên phổ thông/lớp đã được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng.
Và, thực tế thì trong những năm qua, các địa phương đã giao biên chế cho các nhà trường rất chặt chẽ theo số lượng lớp học nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở cấp trung học phổ thông ít xảy ra hơn các cấp học còn lại.
Không chỉ giao định mức biên chế giáo viên và các trường cũng được khoán kinh phí từng năm nên các hiệu trưởng nhà trường phải cân đối nhân sự phù hợp để hạn chế phát sinh về kinh phí phải chi trả.
Chính vì thế, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mà nếu phải tuyển thêm thì các địa phương, các trường cũng chỉ có thể tuyển giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật là những môn học hoàn toàn mới.
Các môn học còn lại phải tận dụng nguồn lực hiện có để sắp xếp, bố trí cho phù hợp với thực tế. Việc tuyển mới có lẽ chỉ khi trong trường có giáo viên về hưu hoặc nghỉ việc.
Vậy nên, những ý kiến của dư luận trong thời gian gần đây lo lắng khi thực hiện chương trình mới ở lớp 10 tới đây ở cấp trung học phổ thông sẽ có hiện tượng một số môn học sẽ có nhiều học sinh lựa chọn trong nhóm tổ hợp và ở chiều ngược lại thì sẽ có những môn học có ít học sinh lựa chọn.
Video đang HOT
Từ đó, sẽ có những môn học giáo viên sẽ “thất nghiệp” và cũng sẽ có môn giáo viên sẽ phải dạy thừa theo định mức hiện hành là 17 tiết/ tuần. Song, có lẽ chuyện này sẽ rất khó xảy ra và các trường học sẽ điều tiết theo tình hình thực tế.
Cũng chính vì vậy, ngay thời điểm này thì nhiều trường trung học phổ thông đã gửi kế hoạch tuyển sinh 10 đến các trường trung học cơ sở và họ đã định hướng nhóm tổ hợp cho từng lớp cụ thể để phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Nhìn chung, các trường có sự sắp xếp, bố trí tương đối đồng đều các lớp ở các nhóm tổ hợp để phù hợp với nhân lực hiện có của đơn vị nhằm không phát sinh thừa giờ và đảm bảo định mức giảng dạy cho giáo viên.
Vì thế, theo quan điểm người viết, những nhóm tổ hợp đông học sinh lựa chọn có thể phải tổ chức thi để đảm bảo quyền lợi và sự công bằng cho học sinh và tất nhiên là không phải học sinh nào lựa chọn môn mình thích trong tổ hợp là đều được học các môn học đó.
Nhiều trường chưa đưa môn Âm nhạc, Mĩ thuật vào tổ hợp
Tham khảo nhiều kế hoạch tuyển sinh của các trường trung học phổ thông gửi cho các trường trung học cơ sở, chúng tôi thấy đa phần chưa đưa môn Âm nhạc và môn Mĩ thuật vào tổ hợp cho lớp 10 trong năm học tới đây.
Có lẽ, tình hình chung hiện nay là các địa phương chưa tuyển được giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật cho năm học tới nên họ đã chủ động không đưa 2 môn học này vào nhóm các tổ hợp theo định hướng, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nếu, trong năm học tới đây không có môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong nhóm tổ hợp thì có lẽ cả cấp trung học phổ thông lứa học sinh này sẽ không được học 2 môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong Nội dung giáo dục địa phương.
Và, những em có ý định lựa chọn các môn học này cho định hướng nghề nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn, gần như là không thể lựa chọn được sau khi đã lên đến lớp 11 và 12.
Một bài toán khó đã đặt ra cho các địa phương mà đặc biệt là các trường trung học phổ thông khi thực hiện chương trình mới bởi năm học mới sẽ được bắt đầu sau 4 tháng nữa và kế hoạch tuyển sinh, xếp lớp tổ hợp thì các trường phải xây dựng ngay từ lúc này.
Chương trình có, môn học có, học sinh yêu thích và muốn lựa chọn các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật cho định hướng nghề nghiệp tương lai của mình có thể không nhiều nhưng chắc chắn sẽ có nhiều em chọn…
Nhưng, cái khó bây giờ đối với các nhà trường là chưa tuyển được giáo viên và tất nhiên là tuyển giáo viên phải gắn liền với định mức biên chế mà Bộ đã hướng dẫn. Làm sao các trường dám tuyển dụng khi những năm qua nhà trường đã đủ định mức biên chế hoặc có thể đã thừa biên chế?
Bài toán về nhân lực, bài toán về tổ hợp ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra cho các nhà trường nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại và có thể phải nhiều năm nữa mới khắc phục được.
Việc lựa chọn tổ hợp trong nhóm môn lựa chọn của học sinh cũng là một câu chuyện rất dài, không phải cứ thích môn nào là học sinh chọn và học môn đó. Bởi, nếu như vậy thì những môn có thế mạnh lâu nay nhà trường lấy đâu ra giáo viên để giảng dạy.
Vì thế, học sinh có thể lựa chọn môn nhưng phải lựa chọn theo tổ hợp định sẵn của nhà trường và có thể học sinh phải thi – nếu như tổ hợp đó có số lượng học sinh lựa chọn quá sĩ số quy định của nhà trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Có 108 tổ hợp, các trường như 'ngồi trên đống lửa'chờ hướng dẫn từ Bộ Giáo dục
Việc có đến 108 cách chọn tổ hợp môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 10 sẽ khiến cho học sinh, giáo viên gặp nhiều rối rắm khi lựa chọn.
Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu áp dụng cho bậc trung học phổ thông đối với lớp 10.
Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh chỉ phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương.
Các môn học tự chọn là: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật), Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học và Nghệ thuật).
Riêng môn Nghệ thuật sẽ bao gồm 2 phân môn là Âm nhạc, Mỹ thuật thì học sinh chỉ cần chọn học 1 trong 2 phân môn này (sẽ được tính là 1 môn).
Trừ ngoại ngữ thì tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề, cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.
Với việc tổ chức chương trình, phân phối các môn học như trên, sẽ có tới 108 cách lựa chọn tổ hợp để cho học sinh chọn. Do có quá nhiều lựa chọn nên các chuyên gia, thầy cô lo ngại có thể sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều môn/tổ hợp môn được nhiều học sinh lựa chọn và ngược lại.
Việc quá nhiều tổ hợp môn tự chọn sẽ gây khó khăn cho học sinh, giáo viên (ảnh minh họa: P.L)
Việc này cũng có thể sẽ dẫn đến tình trạng thừa/thiếu giáo viên tương ứng theo sự lựa chọn của học sinh đối với số môn/tổ hợp môn.
Khó đảm bảo nguồn nhân lực khi triển khai
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ còn khoảng 5 tháng nữa để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 10.
Các trường hiện nay như là "ngồi trên lửa" để chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, để triển khai thực hiện, còn phụ huynh và học sinh vẫn chưa thể hiểu mình sẽ chọn gì, học gì trong vòng 3 năm học cuối cấp bậc trung học phổ thông
Thầy Huỳnh Thanh Phú đã nói rằng, có quá nhiều tổ hợp môn tự chọn, nên phụ huynh, học sinh rối rắm là điều hiển nhiên, ngay cả đối với những người làm trong ngành đôi lúc còn cảm thấy hoang mang.
Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du khẳng định, khó có thể đảm bảo nguồn nhân lực khi triển khai là điều có thể xảy ra.
"Học sinh được học các môn bắt buộc, được lựa chọn 5 môn trong 3 nhóm môn có thể dẫn đến tình trạng học sinh chọn nhiều môn khác nhau, tạo ra sự chênh lệch số lượng học sinh giữa các môn. Điều này sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong sắp xếp nhân sự, giáo viên của trường học.
Môn nào ít học sinh lựa chọn thì có thể dẫn đến tình trạng thừa giáo viên, không thể tránh khỏi chuyện một lớp học chỉ có vài học sinh, và cũng có những môn học sẽ có rất đông học sinh mà đội ngũ giáo viên lại có thể không đáp ứng. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng thừa - thiếu một cách cục bộ", thầy Phú nói.
Ngoài ra, thầy Huỳnh Thanh Phú còn cho hay, nhiều môn học mới còn có thể xảy ra chuyện khó khăn khi tuyển giáo viên.
Một khía cạnh khác mà thầy Phú cũng đề cập đến, đó là vấn đề học sinh được lựa chọn hay bỏ môn học.
Theo thầy Phú, những nước trên thế giới luôn đề cao môn Lịch sử, nhưng ở chương trình mới thì lại đưa môn này vào lựa chọn. Vậy phải giáo dục lòng yêu nước, nguồn cội của dân tộc, lịch sử của đất nước, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của của ông cha ta như thế nào, nếu các em học sinh không chọn học môn này?
Muốn đẩy nhanh quá trình triển khai chương trình mới, thầy Huỳnh Thanh Phú đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố kho học liệu, bài giảng e-learning mẫu để các giáo viên nghiên cứu và học hỏi.
Việc chọn sách giáo khoa nên để cho các trường quyết định, thay vì như hiện nay. Bên cạnh đó, học sinh chọn môn học thì cũng cần gắn liền với định hướng thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, nên Bộ cũng cần sớm có định hướng làm nền tảng để phụ huynh, học sinh lựa chọn.
Không có chuyện một môn cả 3 năm không học
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Hảo - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây, thành phố Thủ Đức cho biết, hiện giáo viên của trường đang nghe giới thiệu sách giáo khoa, sau đó mới có đề xuất sử dụng bộ sách giáo khoa nào, rồi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ có định hướng.
Theo cô Hoàng Thị Hảo, việc lựa chọn tổ hợp môn dựa trên nguyện vọng của học sinh lớp 10 khi trúng tuyển vào trường, dựa trên cơ cấu và năng lực của giáo viên từng trường.
Nếu đáp ứng hết theo nguyện vọng và sự lựa chọn của học sinh, thì có thể xảy ra tình trạng dư giáo viên ở một số môn.
Ngoài việc học các môn bắt buộc, môn tự chọn thì trong chương trình còn có học theo các chuyên đề, dạy theo những môn còn lại.
Cô Hoàng Thị Hảo khẳng định: "Hoàn toàn không có chuyện một môn nào đó mà trong suốt 3 năm trung học phổ thông học sinh không phải học, vì giáo dục là phải toàn diện".
Trong khi đó, cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1 thì lại không phải băn khoăn việc học sinh sẽ chọn quá nhiều tổ hợp môn, gây xáo trộn, mà là lo lắng việc có thể học sinh sẽ chọn quá nhiều môn Tin học, bỏ rơi môn Công nghệ.
Song song đó, cô Dung cho biết, sẽ có thêm một khó khăn nữa là tìm giáo viên dạy Mỹ thuật và Âm nhạc là không dễ có.
Người đứng đầu trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân nói, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình mới, trường dự định sẽ chỉ thực hiện việc dạy Mỹ thuật.
"Còn với giáo viên dạy Âm nhạc, trường cũng đã tính đến phương án mời giáo viên tiểu học nhưng giáo viên phải có bằng đại học để về dạy Âm nhạc, để có sự bài bản, chuyên nghiệp, nhưng phải một năm học sau đó nữa mới thực hiện việc này" - cô Vũ Thị Ngọc Dung chia sẻ.
Vụ ép học sinh không thi vào lớp 10: bức xúc và hy vọng Bức xúc, xót xa, phẫn nộ, chờ đợi..., đó là những tâm trạng đi kèm những lời chia sẻ mà phụ huynh, học sinh và bạn đọc gửi đến VietTimes sau khi thông tin về việc ép học sinh không thi vào lớp 10 được công khai. Getty Sau khi đưa tin về việc một số trường THCS trên địa bàn Hà Nội...