Nghị trường ‘nóng’ bởi sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội hiến nhiều kế mạnh
Các vấn đề liên quan tới sách giáo khoa nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (2/6).
Rà soát, tinh giản vì quá nhiều đầu SGK
Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, trong lúc cuộc sống của người dân khó khăn vì chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, việc giá bán sách giáo khoa (SGK) tăng cao sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Tán thành với những giải trình và giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đưa ra để giảm giá SGK, bà Nga đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá SGK – mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu.
Chỉ ra thực trạng số lượng đầu SGK quá nhiều, trong đó nhiều cuốn sách chỉ mang tính tham khảo nhưng phụ huynh không được hướng dẫn nên không biết có thể mua cuốn nào, không mua cuốn nào, đại biểu Việt Nga đề nghị rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học.
Từ đó, ngoài SGK bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể và nhu cầu.
Đưa SGK vào danh mục quản lý giá
Tranh luận về vấn đề SGK, đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là phải đưa SGK vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện KTXH hiện nay của người dân.
Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Đại biểu Thành cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường truyền thông rộng rãi để nphụ huynh, học sinh hiểu SGK là sách bắt buộc học sinh có đi học; còn sách bổ trợ, tham khảo thì tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.
Video đang HOT
Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện SGK trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường.
Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản SGK cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện SGK. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.
Đề nghị cấm bán sách tham khảo trong nhà trường
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành là “cần nói cho người dân hiểu sách tham khảo không cần mua” đặt ra vấn đề: Nếu có bán sách tham khảo trong trường, thì tất cả phụ huynh học sinh cũng đều sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
“Sách tham khảo này chính là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Vì vậy, cần hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo”, đại biểu chỉ ra và đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.
Nhấn mạnh việc đổi mới SGK là rất đúng đắn, đại biểu Hiếu lưu ý cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
“Sẽ có các sản phẩm tốt và rẻ hơn và đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh và khoa học thì SGK sẽ trở lại đúng vị trí, trang trọng của mình”, đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cắt chi phí trung gian để giảm giá SGK
Trước đó, phát biểu làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm về SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo Nghị quyết số 88/2014, công việc biên soạn SGK đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Với mong muốn học sinh luôn được mua SGK với giá thấp nhất, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để sách xuất bản có thể dùng lại được nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm.
Bộ GD&ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất.
Đồng thời, đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.
Đối với NXB Giáo dục là một doanh nghiệp Nhà nước do Bộ quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa khâu trung gian
Theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất từ công văn số 4146 ngày 22/9/2021 và đã có chính sách trợ giá.
Cần thiết phải giám sát tối cao đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Trước thực tế đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều điểm chưa phù hợp, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần thiết phải giám sát tối cao hoạt động này, nhằm đánh giá đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm, từ đó có định hướng để tiếp tục thực hiện tốt công tác có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn đối với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Giải quyết bức xúc trong đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XV, đối với dự kiến chương trình giám sát năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Trong đó, một số đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội đưa chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vào chương trình giám sát tối cao trong năm 2023 của Quốc hội, trước những bức xúc trong nhân dân và cử tri về hoạt động này.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nội dung cốt lõi trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông, có tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn, nhưng việc thực hiện trong thời gian qua đang cho thấy nhiều điểm chưa phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân và cử tri.
Đại biểu nêu dẫn chứng, từ khi đổi mới, thực tế cho thấy sách giáo khoa còn in sai, nhiều ngôn từ chưa phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực. Hơn nữa, có quá nhiều bộ sách được đề nghị sử dụng, gây ra sự lúng túng trong việc lựa chọn cho cả phụ huynh và các các sở giáo dục.
Ngoài ra, từ khi đổi mới, sách giáo khoa không còn được sử dụng lại, nên hằng năm ước tính toàn xã hội phải chi hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm sách giáo khoa mới, gây ra sự lãng phí rất lớn, đặc biệt gây khó khăn cho các gia đình nghèo có con đi học.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đồng tình với kiến nghị cần giám sát tối cao chuyên đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, 2 Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được thực hiện trong thời gian khá dài. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 thì sau 2 năm nữa sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông.
Do đó, theo đại biểu, việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các Nghị quyết trên, từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới hiệu quả trong những năm tiếp theo.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, trong những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để triển khai các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, thực tế kết quả triển khai còn một số vấn đề được báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra từ kỳ họp trước nhưng chưa được giải quyết, như những sai sót trong 3 bộ sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, hay những bất cập trong lựa chọn sách giáo khoa.
Đại biểu cho rằng, những vấn đề này nên được thảo luận rộng rãi ở Quốc hội để thu nhận ý kiến từ nhiều chiều và để cử tri cả nước được biết. Qua giám sát, Quốc hội có thể khẳng định những việc ngành giáo dục đã thực hiện đúng, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những điểm cần khắc phục để hỗ trợ ngành thực hiện tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, qua giám sát, Quốc hội cũng có thể rà soát để xem xét điều chỉnh các nghị quyết hoặc bổ sung chính sách nếu cần thiết.
Tiếp tục triển khai giám sát chuyên đề tại địa phương
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)
Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2021, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) khẳng định, những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm qua nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của cử tri và nhân dân cả nước cùng các cơ quan, địa phương, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan giám sát, đơn vị được giám sát, tạo sự đồng thuận, thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra giám sát, đồng thời sớm nghiên cứu để ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành Đề án đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Liên quan đến thực hiện giám sát chuyên đề năm 2023, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố triển khai các cuộc giám sát chuyên đề tại địa phương. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì giám sát và thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố cùng phối hợp giám sát về cùng 1 nội dung, bảo đảm không trùng lặp và hợp lý trong tổ chức phục vụ của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu thảo luận tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đánh giá, với việc thực hiện các giám sát chuyên đề ở địa phương, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã hết sức có trách nhiệm đối với việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Song trong quá trình thực hiện đã có những khó khăn, hạn chế khi tiến hành giám sát ở địa phương như số lượng đại biểu ở mỗi Đoàn ít, thiếu chuyên gia ở địa phương, việc có được các tài liệu như kết quả kiểm toán thanh tra ở địa phương cũng rất hạn chế.
Ngoài ra, một số vấn đề theo đề cương của Đoàn giám sát khi giám sát ở địa phương không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương mà thuộc thẩm quyền của trung ương, cho nên Đoàn đại biểu Quốc hội khó có thể đưa ra kết luận.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị có đề cương giám sát riêng cho địa phương, cho phép địa phương lựa chọn một số nội dung cụ thể trong nội dung chung của Đoàn giám sát phù hợp với tình hình ở địa phương để tiến hành giám sát.
Sách giáo khoa 'khổ to, giấy tốt' làm lợi cho ai? Nếu xã hội hóa mà khiến giá SGK tăng cao, trở thành gánh nặng cho người dân thì cần phải xem lại ở cách thức vận hành, ở vai trò điều tiết của Nhà nước, cụ thể là của Bộ GD&ĐT. Trả lời các đại biểu Quốc hội về giá sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ, Bộ trưởng Bộ...