Nghị lực vượt khó của nữ sinh người dân tộc Thái
Đạt 27,75 điểm khối C, Lục Thị Doanh, người dân tộc Thái, trở thành học sinh có điểm số đứng đầu khối của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Nhờ thành tích đó mà Lục Thị Doanh được vinh danh trong lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu lần thứ 7, năm 2019, do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Lục Thị Doanh là một trong 120 gương mặt học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2019. Ảnh: Thùy Trang
Lục Thị Doanh sinh ra và lớn lên tại vùng quê miền núi nghèo khó của xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Gia đình em thuộc diện khó khăn, đông anh em, bố mắc bệnh suy thận mãn tính phải chạy thận chu kỳ, một mình mẹ bươn chải kiếm sống bằng đủ nghề cơ cực, lam lũ. Trước hoàn cảnh đó, ngay từ thuở bé, Lục Thị Doanh đã là cô gái chăm ngoan, học giỏi. Em là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn lên trong học tập. Tốt nghiệp Trung học cơ sở, Doanh vào học Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An, bỡ ngỡ làm quen với cuộc sống xa nhà. Em tâm sự: “Ngay khi xuống thành phố Vinh theo học, em đã mang theo kỳ vọng lớn của gia đình nên phải nỗ lực hơn người khác gấp hai, gấp ba lần”.
Quyết tâm và nỗ lực hơn người của nữ sinh người dân tộc Thái được minh chứng bằng việc cái tên Lục Thị Doanh luôn đứng trong tốp đầu của lớp, của trường và là học sinh giỏi toàn diện suốt 3 năm cấp Trung học phổ thông. Không chỉ tiêu biểu trong học tập, Lục Thị Doanh còn là đoàn viên năng nổ, luôn tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ của trường, của lớp với những vai trò như phụ trách biên đạo, dàn dựng các tiết mục văn nghệ, người dẫn chương trình… Với những thành tích nổi bật đó, Lục Thị Doanh đã được Chi bộ Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An xét kết nạp Đảng vào tháng 3-2019.
Vào đầu năm lớp 12, qua nhiều lần thi thử tại trường với số điểm chỉ đạt 22-23 điểm, Lục Thị Doanh luôn tự nhủ, bản thân cần phải đầu tư thời gian, công sức hơn nữa để ôn tập nhuần nhuyễn kiến thức và tập làm các dạng bài, dạng đề khác nhau. Nhưng khi vào giai đoạn ôn luyện “nước rút” của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, bố của Lục Thị Doanh không vượt qua cơn bạo bệnh và đột ngột qua đời. Khi nhớ lại ngày bố mất, ánh mắt tươi vui của em không còn nữa, thay vào đó là sự nghẹn ngào: “Sau khi về thăm nhà, em trở lại trường tiếp tục ôn luyện cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì nhận được điện thoại của mẹ báo rằng bố em đã mất. Em òa khóc và không tin nổi vào những điều mình nghe được.
Sau khi bố mất, nỗi đau đã gần như hút cạn đi nguồn sống của mẹ, nên em lại suy nghĩ, trong những lúc thế này, em phải là chỗ dựa cho mẹ và mọi người trong gia đình. Và rồi, em xốc lại tinh thần, tạm gác những suy nghĩ về bố và tập trung ôn thi cho thật tốt”.
Video đang HOT
Không chỉ tham gia thi thử và luyện đề thi thầy, cô giáo giao cho, Lục Thị Doanh còn tự tìm tòi, làm những đề thi thử trên mạng internet của các trường chuyên ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa để luyện kỹ năng làm bài. Kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Lục Thị Doanh xuất sắc đạt tổng điểm 27,75 (Ngữ văn 9,25 điểm, Địa lý 9,5 điểm, Lịch sử 9 điểm) và trở thành thủ khoa Trường Đại học Vinh năm 2019. Yêu thích cái hay, cái đẹp trong văn chương, nghệ thuật, cô gái người dân tộc Thái này chọn khoa Ngữ văn để biến ước mơ làm cô giáo thành hiện thực.
Lục Thị Doanh chia sẻ: “Khi cảm thụ những tác phẩm văn học, em thấy kho tàng văn học đồ sộ của Việt Nam và thế giới chứa đựng nhiều giá trị nhân văn đẹp đẽ, giúp con người hoàn thiện hơn, nên em muốn trở thành cô giáo dạy Văn để truyền thụ được những điều cảm nhận của em với học sinh thế hệ sau. Hơn thế nữa, em là một người dân tộc thiểu số, con đường học tập đã mang lại tương lai tươi sáng hơn cho em, chính vì thế, em muốn mình cũng sẽ trở thành người mang chìa khóa tri thức đến với các trẻ em người dân tộc thiểu số khác”.
Thùy Trang
Theo bienphong.com
Ước mơ làm giáo viên
Trương Hồng Hà và Ly Xuân Tiến (dân tộc Pu Péo) là 2 trong hơn 100 gương mặt được vinh danh trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 sắp diễn ra.
Với bảng thành tích học tập đáng nể, các em xứng đáng là tấm gương để các bạn học tập, noi theo.
Ly Xuân Tiến.
Mơ làm cô giáo mầm non
Sinh ra trong gia đình người Pu Péo (dân tộc rất ít người) tại huyện miền núi Yên Sơn (Tuyên Quang), nhưng ngay từ bậc tiểu học, Trương Hồng Hà đã có thành tích học tập xuất sắc. Hiện nay, em là sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm mầm non, Trường Đại học Tân Trào.
Những năm tiểu học, Hà học ở trường cách nhà gần 4km, nhưng em đều đi bộ đến lớp. Gia đình khó khăn, bố mẹ chạy ăn từng bữa, không có thời gian chăm lo nhiều cho con cái.
Vượt qua vất vả, bằng nghị lực của mình, Hà đã tự trau dồi kiến thức, nỗ lực học tập. Trong 12 năm liền, em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.
Năm 2018, Hà đạt điểm cao tại kì thi THPT quốc gia và nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Sư phạm mầm non, Trường Đại học Tân Trào.
Từ những ngày mới nhập học, Hà đã thể hiện quyết tâm học tập rất cao, lắng nghe thầy cô giảng bài, tìm kiếm tài liệu học tập trên thư viện, tự tìm tòi cách học, tự nghiên cứu. Nhờ đó, Hà luôn dẫn đầu về thành tích học tập trong lớp, kết quả học tập của em luôn đạt thành tích khá, giỏi.
Trương Hồng Hà
Nhờ thành tích học tập xuất sắc và là tấm gương học sinh dân tộc nỗ lực vươn lên trong học tâp, Hà vinh dự được vào danh sách học sinh được vinh danh trong "Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu".
Hà chia sẻ, đó là niềm vui, niềm tự hào của em khi được tuyên dương và cũng là động lực để em tiếp tục học tập, rèn luyện để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô.
Giấc mơ từ cao nguyên đá
Sinh ra và lớn lên ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang), chàng trai Ly Xuân Tiến (dân tộc Pu Péo), sinh viên năm thứ 3 ngành Sư phạm tiểu học, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, là sinh viên người dân tộc duy nhất của trường.
Tiến cho biết: Đồng Văn quê em là huyện miền núi biên giới của tỉnh Hà Giang nằm ở điểm cực Bắc của Tổ quốc, cách thành phố Hà Giang gần 200 km. Nhà có 3 anh chị em, kinh tế gia đình chủ yếu sống dựa vào đồng lương giáo viên eo hẹp của bố và thu nhập thêm từ làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, chăn nuôi..
Thấu hiểu sự vất vả của bố mẹ, Tiến đã chăm chỉ học tập, tự lập vươn lên trong cuộc sống, nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ làm thầy giáo trong tương lai. Trong 12 năm học, Tiến đều đạt thành tích học tập xuất sắc, đạt điểm cao tại kì thi THPT quốc gia và nộp hồ sơ theo học tại Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc.
Tiến chia sẻ: Xa gia đình khi mới hơn 10 tuổi giúp em trở thành một người mạnh mẽ, sống tự lập. Mỗi tháng em được bố mẹ chu cấp 2 triệu đồng phục vụ cho việc học tập và chi tiêu. Số tiền này chỉ tạm đủ tiêu, mua giáo trình và đóng tiền học nhưng không đủ mỗi khi có việc phát sinh. Do đó, ngoài thời gian học trên lớp, em đi làm thêm thợ sơn, mỗi buổi làm được khoảng 100.000 đồng, thêm vào khoản tiền sinh hoạt hàng tháng.
Chia sẻ về ước mơ của mình, Tiến cho biết: "Em muốn trở thành thầy giáo, về quê để dạy cho học sinh đồng bào dân tộc mình".
Lan Anh
Theo GDTĐ
Gương điển hình: Ước mơ của cô sinh viên dân tộc Thái Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông tại xóm 4, xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), từ nhỏ, Lục Thị Doanh - dân tộc Thái (trong ảnh) đã luôn nỗ lực, vượt khó vươn lên, đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Em đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Sư phạm Ngữ văn, Trường đại...