Nghị lực phi thường của “võ sư một chân” đi giao báo kiếm sống
“Ý chí của con người luôn phải được đặt lên hàng đầu. Đôi khi nhiều người đầy đủ lại hay đầu hàng với cuộc đua của cuộc đời lắm. Mình tin mình làm được thì mình sẽ làm được”…
Đó là lời chia sẻ của vị võ sư một chân Tạ Anh Dũng (55 tuổi) đã nói với chúng tôi và cho rằng nghị lực vượt khó để đến với đỉnh cao của võ học chỉ là nhờ lòng tin vào chính bản thân mình.
Võ sư một chân Tạ Anh Dũng
Để rồi ông đã khiến hàng trăm học trò môn phái “Kim Kê Tây Sơn Nhạn” phục sát đất bằng nghị lực tuyệt vời mà không phải người nào cũng có thể làm được.
Video đang HOT
18h30′ tối, cơn mưa chiều muộn đổ xuống sân trường THCS Lý Phong (Quận 5). Cơn mưa dông nặng hạt không khiến buổi học của thầy trò võ sư Dũng dừng lại. Những hạt mưa thấm ướt áo thầy trò không làm thay đổi thế đứng tấn rồi tập luyện miệt mài của các môn sinh. “Muốn theo học thầy phải khổ cực tập luyện, có thế sau này mới thành tài được. Cả lớp học ai cũng được thầy truyền đạt điều đó” em Nguyễn Lý Thụy Hương (học sinh lớp 7, trường THCS Hồng Bàng), nữ sinh duy nhất của lớp võ cho biết.
25 năm nay, sân trường này là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện của hơn 100 môn đệ. Thầy không chỉ dạy các em về võ học, các thế tấn công, phòng thủ khi giao chiến với đối phương mà quan trọng hơn cả đó chính là võ đạo, đạo học võ.
Hướng dẫn tận tụy học trò các thế võ
Trải qua bao truân chuyên của cuộc đời, đến bây giờ thầy mới nghiệm ra một điều: Dù xảy ra biến cố gì, thầy cũng không bao giờ từ bỏ nghiệp võ mà chính người cha mình truyền thụ từ khi mới 4 tuổi.
Dù đó là lần phải cưa mất chân trái trong một tai nạn đường sông cách đây 35 năm. Đó là trong một lần đi ghe mưu sinh trên sông cùng bạn bè, ông gặp tai nạn nghiêm trọng. Mở mắt, ông thấy một màu trắng toát của bệnh viện và dưới chân ông cũng là một màu trắng của dây băng. Chân trái ông bị cưa bỏ.
“Tôi tưởng cuộc đời như đóng lại với mình. Suốt ngày buồn bã, khóc cạn nước mắt vì mình bị mất đi một phần thân thể khác nào ông trời cướp đi của mình một cuộc sống bình thường. Rồi tôi nghe tin nhiều người nằm cùng phòng mình không vượt qua được đành tìm đến cái chết. Đêm đến, tôi tự hỏi không lẽ cuộc đời mình chỉ có cái chết mới giải thoát được hay sao và tôi tự nhủ: Không, mình phải vượt lên được số phận.”- thầy Dũng nhớ lại.
Trở lại với cuộc sống bình thường khi chỉ còn một chân, những tháng ngày đầu tiên để làm quen với mọi hoạt động của ông đã gặp muôn vàn khó khăn. Việc đứng một chân và giữ thăng bằng tốt là một thành công rồi. Vậy mà ông đã vượt qua tất cả để đeo đuổi niềm đam mê võ học của mình. Mãi đến 5 năm trời sau, ông mới bắt đầu luyện tập các bài tập đầu tiên để quay lại với nghiệp võ học. Rồi sau đó, thành công nối tiếp thành công, ông đã được vào hội võ thuật cổ truyền TP.HCM đi thi đấu và giành nhiều huy chương vinh quang.
Học trò đến với lớp võ của thầy vì sự khâm phục nghị lực của thầy Dũng
“Mình có thể thua kém người ta về tiền tài vật chất nhưng được sống trên đời với niềm đam mê của mình thì tôi nghĩ mình đã sống một cuộc sống quá hạnh phúc rồi”- thầy Dũng kể.
“Em xem trên ti vi thấy thầy Dũng chỉ với một chân mà có nghị lực thật phi thường. Cảm phục thầy, em đến với thầy và đã học được rất nhiều điều từ thầy, không chỉ là võ mà cả là những trải nghiệm học làm người”- em Lê Hồng Quân, học sinh lớp 12, trường THPT Nguyễn Khuyến, môn sinh thầy Dũng kể.
Tất bật với đám học trò, ít ai biết được một võ sư giỏi giang, giành được hàng chục huy chương lại phải dậy từ 4h sáng đi giao báo khắp các ngõ ngách trong thành phố kiếm từng đồng bạc lẻ sống qua ngày.
Vì đam mê võ thuật quá lớn, cùng với cuộc sống thiếu thốn trăm bề, năm cô con gái út lên 3 tuổi, cuộc sống hôn nhân của ông đổ vỡ, ông sống trong cảnh gà trống nuôi 4 người con gái ăn học nên người. Trong căn nhà lụp xụp của ông ở gốc khu chợ Lò Than (đường Phạm Thế Hiển, Q.8) ngày ngày ngoài giờ dạy võ ông lại lui cui trong bếp nấu cơm chăm cháu. Cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng với ông “sống trọn vẹn với đam mê của mình thì ông cảm thấy ấm áp lắm rồi”.
Theo infonet