Nghị lực phi thường của thủ khoa Học viện Báo chí
Ước mơ của Huệ là trở thành một nhà báo giỏi. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng trong em vẫn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt.
Mỗi người có một điểm xuất phát khác nhau, nhưng sự nỗ lực và phấn đấu vươn lên mới là thước đo giá trị. Tôi đã gặp và rất khâm phục một cô gái có nghị lực phi thường, đó là em Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39 – là một trong các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 27,5 điểm.
Tôi tình cờ gặp Huệ tại buổi lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2019, vẻ bề ngoài của cô gái với sự thân thiện, dịu dàng khiến ai cũng yêu mến nhưng cuộc đời của tân sinh viên này không hề thuận lợi đặc biệt từ khi mẹ em đột ngột qua đời.
Đỗ Thị Phương Huệ, sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39 – là một trong các thủ khoa kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2019 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền với 27,5 điểm (Ảnh: Thùy Linh)
Huệ sinh ra và lớn lên ở Lãng Công, Sông Lô, Vĩnh Phúc, vùng đất thuần nông nhiều gian khó. Nhà em cũng như bao gia đình khác, lấy nông nghiệp làm chỗ dựa kinh tế.
Theo lời kể của Huệ tôi được biết, trước đây, bố của Huệ do đi bốc vác cám, gỗ, xi măng thuê, công việc nặng nhọc, vất vả suốt thời gian dài khiến bố em lao lực, sức khỏe không còn như trước.
Chính vì vậy, mẹ của Huệ là trụ cột chính của gia đình từ nghề phụ hồ, người phụ nữ ấy phải gánh vác nuôi cả gia đình 7 người gồm bố mẹ chồng, chồng, 3 con.
Những tưởng mọi thứ cứ như vậy mà tiếp diễn, nhưng một tai họa đổ ập xuống gia đình em vào năm em học lớp 11, mẹ đột ngột qua đời sau một cơn ốm kéo dài vỏn vẹn 5 ngày.
Vừa tâm sự, hai hàng nước mắt của Huệ lại chảy dài khi nhớ lại quãng thời gian đau đớn đó. Huệ kể, khi em bước vào những ngày cuối năm học lớp 11, mẹ bị ốm, sốt nhưng lúc đó gia đình chưa thuộc diện hộ nghèo nên mẹ không có bảo hiểm y tế, chính vì vậy mẹ đã chần chừ chuyện đi khám bệnh, sợ tốn nhiều tiền.
Do cơn sốt không thuyên giảm nên bố đưa mẹ lên bệnh viện huyện nhưng sau hơn 1 ngày không phát hiện ra bệnh tình nên gia đình em chuyển mẹ xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám.
Vừa tâm sự, hai hàng nước mắt của Huệ lại chảy dài khi nhớ lại quãng thời gian đau đớn của gia đình mình khi mẹ đột ngột qua đời (Ảnh: Thùy Linh)
Cứ ngỡ mẹ ốm sốt bình thường nên lúc đó Huệ chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyên đề cuối năm của trường, em tự nhủ mình phải được điểm cao nhất để lấy giải thưởng 150.000 đồng rồi thứ 7, chủ nhật tuần đó xuống thăm mẹ nhưng em chưa kịp xuống thì mẹ đã mất vì dù bác sĩ chưa kịp can thiệp trước nghi ngờ có u ác tính.
Từ khi mẹ em mất, gia đình thiếu vắng đi bàn tay người phụ nữ tần tảo, mọi cơ cực, khó khăn đè nặng lên vai bố – người chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng, ông nội thì bị bệnh tiểu đường tuýp 2 còn bà nội đã ngoài 60 tuổi, là con gái lớn trong gia đình nên nhiều công việc Huệ phải cùng bố, ông bà gánh vác để nuôi các em và nuôi chính ước mơ mà em hằng ấp ủ là một ngày nào đó được đi học đại học.
Video đang HOT
Huệ kể: “Em từng đi nhặt ve chai, đi vò lúa, mỗi buổi sáng em lấy xôi của cô bán hàng vào trường bán lại, mỗi buổi sáng cũng được 15.000 đồng để kiếm tiền phụ bố”.
Huệ hâm mộ nhà báo Tạ Bích Loan, nhà báo Lại Văn Sâm, MC Loan Trần… đó là những người đã truyền cảm hứng để em lựa chọn nghề báo và mong muốn trở thành một nhà báo giỏi.
Em nhập trường đại học ngoài sự giúp đỡ của các cô dì, cậu thì em cũng nhận được một số học bổng, khoản tiền đó em dành dụm một phần giúp bố nuôi một em học lớp 6 và một em học mẫu giáo ăn học.
Được biết, Huệ rất cố gắng trong học tập, 12 năm phổ thông Huệ đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
Ngoài ra, Huệ còn giành giải Nhất môn Lịch sử lớp 10 và vượt cấp lớp 12 cấp tỉnh. Giải Nhất môn Lịch sử và giải Ba môn ngữ văn cấp tỉnh lớp 11, giải Nhất môn Lịch sử cấp tỉnh lớp 12.
Năm 2017-2018, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc tham dự cuộc thi “Tự hào Việt Nam” vòng chung kết toàn quốc tại Hà Nội.
Ước mơ của Huệ là trở thành một nhà báo giỏi. Biết rằng, con đường đó chẳng dễ dàng chút nào, nhưng trong Huệ vẫn ấp ủ một niềm tin mãnh liệt. Em luôn tự hứa với mình phải cố gắng hơn nữa, trau dồi ngoại ngữ, kiến thức chuyên ngành để có thể biến ước mơ thành hiện thực.
Thùy Linh
Theo giaoduc.net
Sinh viên trường Báo tổ chức triển lãm ảnh 'Động lực: Hành trình của tôi'
Thông qua việc trưng bày những đồ vật gợi nhắc đến những câu chuyện nghề, chuyện đời, các nhân vật truyền cảm hứng trong triển lãm 'Động lực: Hành trình của tôi' đã góp một phần nhỏ bé để nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với lĩnh vực báo chí - truyền thông cho các bạn sinh viên.
Tiếp nối thành công của triển lãm ảnh trong mùa Sóng trẻ Festival 2018, ngày 23/9, triển lãm 'Động lực: Hành trình của tôi' được diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm giới thiệu những câu chuyện xoay quanh chủ đề báo chí và những lĩnh vực liên ngành như một cách tri ân các thế hệ đi trước đồng thời truyền cảm hứng, động lực làm nghề cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ học tập và làm việc trong môi trường báo chí - truyền thông.
Triển lãm 'Động lực: Hành trình của tôi' diễn ra tại khuôn viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Buổi triển lãm giới thiệu 10 kỷ vật bên cạnh những câu chuyện truyền cảm hứng của những giảng viên, phóng viên và sinh viên hiện đang theo đuổi lĩnh vực báo chí - truyền thông. Mỗi người mang đến một trải nghiệm riêng, một câu chuyện riêng nhưng tựu chung lại đều truyền đi niềm cảm hứng sống và làm nghề mạnh mẽ.
'Nếu thích cái gì, thì hãy cứ làm, đừng sợ'
Là một trong những nhân vật truyền cảm hứng của triển lãm 'Động lực: Hành trình của tôi', Th.S Đinh Ngọc Sơn - Phó trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình đã mang tới cho các bạn sinh viên câu chuyện theo đuổi đam mê với báo chí.
Bức tranh mà Th.s Đinh Ngọc Sơn mang đến tại triển lãm
Nói về cơ duyên với nghề báo, Th.S Đinh Ngọc Sơn chia sẻ: 'Với tôi nghề báo như một cái duyên. Có một lần anh tôi đi họp ở trên huyện, thấy thông báo Phòng Văn hóa Thông tin tuyển năng khiếu, chỉ nghĩ thi năng khiếu là thi vẽ nên rủ tôi đi tuyển. Tôi cũng cuộn bức tranh, đem lên phòng văn hóa để cho người ta xem.
Nhưng đến nơi, bác trưởng phòng bảo hôm nay chỉ tuyển phát thanh viên chứ không thi vẽ. Lúc ấy thấy tôi buồn quá, bác mới bảo tôi cứ thử vào đọc bản tin xem. Tôi cũng không biết gì, thấy người ta đưa mấy tờ bản tin thì cứ thử ngồi trước micro đọc. Một thời gian sau người ta liên hệ lại với tôi, báo lên cơ quan để thử việc. Kể từ đó tôi bắt đầu nghề đọc chương trình phát thanh'.
Câu chuyện mà thầy Đinh Ngọc Sơn mang đến đã tiếp thêm sự đam mê với nghề cho các bạn sinh viên
Đến với báo chí một cách tình cờ, nhưng để theo đuổi công việc này một cách nghiêm túc và bền bỉ thì lại là cả một cuộc hành trình dài. Chia sẻ về tầm quan trọng đam mê với với việc giữ lửa trong công việc, thầy Sơn cho biết: ' Tôi chưa từng có ước mơ làm báo, chỉ tình cờ vì thích vẽ mà có cơ duyên đến với nghề này. Nếu mình không có đam mê, không làm gì cả thì chưa chắc cơ hội sẽ đến. Vì đôi khi niềm đam mê, yêu thích một điều gì cũng là một cái duyên, một cơ hội để tạo ra những cơ hội khác'.
Không chỉ mang đến câu chuyện truyền cảm hứng, Th.S Đinh Ngọc Sơn còn gửi tới các bạn tân sinh viên lời khuyên: 'Tôi mong các bạn trẻ nếu yêu thích điều gì thì đừng sợ, vì có thể từ niềm đam mê đó sẽ mở ra cho các bạn nhiều cơ hội hơn'.
'Nếu mình yêu nghề, nghề sẽ yêu mình'
Đến với triển lãm 'Động lực: Hành trình của tôi', phóng viên Đoàn Bổng hiện đang công tác tại báo Vietnamnet mang tới kỷ vật là chiếc máy ảnh đã gắn bó suốt quãng thời gian làm nghề cùng câu chuyện về thái độ của người trẻ đối với báo chí.
Đối với phóng viên Đoàn Bổng, điều đầu tiên cần phải có khi làm nghề là thái độ nghiêm túc
Với phóng viên Đoàn Bổng, chiếc máy ảnh không chỉ là phương tiện hỗ trợ tác nghiệp mà nó còn là người bạn đồng hành trong những năm tháng làm nghề. 'Mình mua chiếc máy này khi còn là sinh viên. Máy ảnh này theo mình khắp mọi nơi từ cháy nổ, thiên tai hay hoả hoạn. Có nhiều lúc anh muốn mua máy mới và hoàn toàn có thể làm điều đó nhưng anh vẫn muốn giữ nó lại. Nếu xét về giá trị vật chất thì nó không đáng bao nhiêu nhưng về tinh thần thì lại rất nhiều'.
Chiếc máy ảnh sinh viên ghi dấu chân của người phóng viên trẻ thuở mới vào nghề
Để gửi một lời khuyên đến các bạn sinh viên muốn theo đuổi nghề báo, anh Đoàn Bổng bày tỏ: 'Anh xuất phát từ con số không, không biết gì về báo chí cả nhưng thầy cô đã sửa cho anh rất nhiều. Thái độ tôn trọng, nhiệt huyết với công việc là điều quan trọng'.
Hành trình vượt 2000 km đi học của nữ sinh viên trường Báo
Tôi sinh ra và lớn lên ở nơi được gọi là 'tận cùng của tổ quốc", đó là một vùng quê giản dị, yên ả như cái tên của nó - Thới Bình... Tôi yêu nơi đó lắm và đã từng nghĩ sẽ không bao giờ rời xa nơi ấy... Nhưng hiện tại, tôi đang sinh sống và học tập ở một thành phố xa quê những 2000 km. Người ta hỏi tại sao tôi lại đi xa như vậy chỉ để học đại học?'.
Đó là lời chia sẻ của bạn Nguyễn Thị Mộng - sinh viên lớp Truyền hình 37A2 về hành trình vượt 2000km từ Cà Mau ra Hà Nội để theo đuổi giấc mơ với nghề báo.
Các bạn sinh viên được tiếp thêm động lực qua câu chuyện của cô nữ sinh tới từ Cà Mau
Chọn Hà Nội và Học viện Báo chí và Tuyên truyền là nơi để gắn bó suốt bốn năm Đại học, bạn Nguyễn Thị Mộng phải đối diện với không ít những thách thức. 'Tôi từng gặp nhiều khó khăn, người tốt giúp mình cũng có, người xấu lừa mình cũng có'.
Cuộc sống xa nhà là điều không dễ dàng với bất cứ một sinh viên nào. Thế nhưng, để nói về quyết định của mình, Nguyễn Thị Mộng không cảm thấy hối hận: ' Chọn Hà Nội, chọn Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một quyết định liều lĩnh của cuộc đời. Mỗi một người sẽ có đột phá riêng và bản thân tôi cũng vậy. Tôi đã thuyết phục gia đình suốt 6 tháng để được ra Hà Nội. Với tâm thế không được bỏ cuộc, vì bản thân vì gia đình, động lực để tôi cố gắng và không bỏ cuộc đó là mong muốn phát triển bản thân mình hơn, mong muốn có một cuộc sống tốt hơn'
Hành trình vượt 2000 km để chinh phục đam mê của nữ sinh viên Báo chí đã tiếp thêm động lực và sự can đảm để các bạn sinh viên có thể dũng cảm theo đuổi đam mê của mình.
Các bạn sinh viên vô cùng hào hứng với các kỷ vật được trưng bày trong triển lãm
Mỗi câu chuyện, mỗi hành trình của những nhân vật truyền cảm hứng gieo vào lòng các bạn sinh viên những suy nghĩ, cảm xúc riêng về những con người dũng cảm theo nghề, bền bỉ với nghề. Ngọn lửa hừng hực từ câu chuyện, những kỷ niệm gắn với các kỷ vật giúp các sinh viên đến triển lãm hiểu hơn về những câu chuyện đời, chuyện nghề để từ đó có thể nuôi dưỡng ước mơ trở thành những phóng viên với 'bút sắc, lòng trong, tâm sáng'.
Đội Viết STF
Theo baodatviet
Gắn giảng đường với đời sống báo chí "Cùng với số giáo viên cơ hữu, cần mời các nhà báo giỏi trong Nam, ngoài Bắc tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, gắn giảng đường với đời sống báo chí, đời sống xã hội, đào tạo ra những những nhà báo trẻ vững tay nghề, không bỡ ngỡ khi bước ra ngoài xã hội". Đó là phát biểu chỉ đạo...