Nghỉ học ngày thứ bảy, dễ hay khó?
Trước câu hỏi ‘ Nghỉ học ngày thứ bảy, được không?’, phóng viên Thanh Niên đã nhận được 100% câu trả lời ‘đồng tình, mong sớm thực hiện’ của 3 nhóm phụ huynh tiểu học, THCS và THPT tại TP.HCM trong một khảo sát ‘bỏ túi’.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Phụ huynh Nguyễn Thị Lưu, cư trú tại đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, chia sẻ: “Từ thứ hai đến thứ sáu đưa con đi học không vấn đề gì nhưng cứ đến sáng thứ bảy là cả mẹ cả con đều có cảm giác không hào hứng. Chỉ mong đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy nhanh chóng được thông qua để nhiều gia đình cùng có không khí vui vẻ trong những ngày cuối tuần”.
Giáo viên cũng hoàn toàn ủng hộ việc nghỉ học thứ bảy. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc giáo viên nghỉ dạy còn HS nghỉ học như đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Điều này giúp giáo viên có thời gian nghỉ ngơi với gia đình cũng như tái tạo sức lao động sau một tuần làm việc. Thực tế, hiện nay đại đa số giáo viên đều có con học mầm non, tiểu học và ở 2 bậc học này, HS nghỉ học thứ bảy. Do vậy, những ngày này giáo viên rất vất vả để tìm người trông giữ các bé, nên nếu đề xuất này thông qua, giáo viên sẽ rất phấn khởi.
Tuy nhiên, ông Phạm Phương Bình nói thêm, đề xuất “hợp lòng dân” nhưng có thể sẽ khó thực hiện bởi xuất phát từ chương trình và điều kiện cơ sở vật chất. Đặc biệt, đối với một địa phương gặp áp lực về số lượng HS như TP.HCM thì chỉ cần đảm bảo chỗ học cho HS chứ không dám “mơ” 2 buổi/ngày.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, cho biết trường học 2 buổi/ngày nên đã thực hiện không dạy vào thứ bảy từ nhiều năm nay. Ngày cuối tuần này, nhà trường sắp xếp các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi tập thể hoặc nếu có là phụ đạo HS yếu hoặc bồi dưỡng HS giỏi khi cần thiết. Bà Thủy chỉ ra những vướng mắc của những trường học một buổi: “Vì phải đảm bảo số tiết theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, khung thấp nhất là 29 tiết/tuần. Nếu học từ thứ hai đến thứ sáu với tối đa 5 tiết/buổi thì mới đạt 25 tiết. Như vậy còn 4 tiết nữa, nếu không học thứ bảy thì các trường không biết sắp xếp thế nào”.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS tại Q.12 cho rằng việc đến trường ngày cuối tuần là chuyện chẳng đặng đừng. Bộ phận giáo vụ cố gắng phân chia một cách khoa học và hợp lý nhất để thời gian cuối tuần HS học thật nhẹ nhàng như công nghệ, hướng nghiệp, thể dục…
Video đang HOT
Đề cập đến vấn đề này, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, cho biết mấu chốt vẫn là điều kiện cơ sở vật chất. Muốn HS nghỉ học ngày thứ bảy thì chỉ có cách duy nhất là được học 2 buổi/ngày. Đây cũng là mục tiêu TP đặt ra hàng chục năm nay nhưng với áp lực tăng dân số cơ học, các trường đã khai thác tối đa phòng học mới đủ chỗ cho học một buổi.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày trung bình ở bậc tiểu học khoảng 70%, THCS hơn 50%… Ông Tuyên cho biết tỷ lệ trên là trung bình của toàn TP, chứ riêng Q.Bình Tân cùng với một số quận chịu áp lực về dân nhập cư thì tỷ lệ HS học 2 buổi có khi chỉ bằng 1/2 con số thống kê nói trên.
Theo thanhnien.vn
Nghỉ học vào thứ 7: Phụ huynh, HS ủng hộ nhưng trường khó thực hiện
Hiện nay rất nhiều người nóng lòng, muốn đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy và học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được thực hiện ngay.
"Bí" vì con đi học thứ 7
Chị Lê Ngọc Dung, nhà ở phường Cô Giang, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết, trước đây, khi hai con còn học tiểu học, gia đình chị thường lên kế hoạch đi về quê, thăm họ hàng, dã ngoại, nghỉ ngơi... vào hai ngày cuối tuần. Cả nhà có thời gian dành cho nhau, gắn kết, con được trải nghiệm... Nhưng hơn một năm nay, khi con gái đầu lên cấp 2 thì những điều tuyệt vời này đã không còn vì con học thứ 7.
Thời gian cuối tuần quý báu trở thành nặng nề với mọi người. Chị phải đưa đón con, xoay sở với việc nấu ăn... khi không thể tổ chức kế hoạch đi đây đi đó. Còn cậu con trai nhỏ thì ra vào đọc sách, xem điện thoại rất uổng phí. Chỉ còn mỗi ngày chủ nhật, gia đình chị chỉ tranh thủ quanh quẩn ở thành phố.
Theo chị Dung, việc sắp xếp thời gian học hợp lý với sinh hoạt của phần đông gia đình rất quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Giờ cuộc sống áp lực, bố mẹ đi làm, con đi học suốt ngày, những ngày cuối tuần rất quan trọng đối với mọi người.
Nhiều gia đình vẫn bận rộn vào cuối tuần vì con đi học thứ 7. (Ảnh minh họa)
"Cứ đưa đón con đi học vào thứ 7 là tôi buồn rũ rượi", đó là chia sẻ của anh Nguyễn Đức Minh, nhà ở quận 3, TPHCM. Lẽ ra cả gia đình có thể đi dã ngoại, cùng nhau ăn sáng, tham dự nhiều hoạt động... thì tất cả cùng "bị trói" vì con đi học vào thứ 7.
Đưa con đến trường xong thì anh Minh "lượn lờ" đi uống cà phê, về nhà nằm đọc sách, bôi việc ra để làm... để chờ đến giờ đón con, tính ra lãng phí thời gian của tất cả mọi người. "Tôi làm tư nhân, 5 năm trước vẫn làm việc sáng thứ 7, giờ cắt luôn. Hiệu quả công việc vẫn tốt, mọi người có thời gian nghỉ ngơi, cho gia đình hơn", anh Minh nói.
Không chỉ đối với học sinh và phụ huynh mà việc học thứ 7 là áp lực đối với nhiều giáo viên. Trong khi mọi người nghỉ ngơi thì họ phải đến trường nên cũng không thực hiện được những kế hoạch khác với gia đình.
Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên dạy Văn ở quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, ngoài tổ chức trong gia đình thì giáo viên còn rất nhiều việc phải làm ở nhà như sổ sách, giáo án, tổng hợp, đánh giá học sinh,... Trong khi, chỉ có một ngày chủ nhật, xoay không nổi, chẳng khác nào làm việc suốt tuần.
Còn khó để thực hiện
Học sinh không học vào thứ 7 phù hợp với đại đa số lịch sinh hoạt của các gia đình, người dân sẽ tiện lợi để tổ chức các hoạt động hơn. Tuy nhiên, việc "cắt" lịch học ngày thứ 7 chỉ mới xử lý về phần cứng, về mặt thời gian và kéo theo nhiều vấn đề, nhất là phía quản lý trường học với chương trình học có thể nói là kín mít hiện nay.
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, TPHCM cho biết, trường mình học 2 buổi/ngày, đã thực hiện không dạy vào thứ 7 từ nhiều năm nay. Ngày thứ 7 để các sinh hoạt, hoạt động vui chơi, có chăng chỉ xếp lịch thứ 7 vào những thời điểm phụ đạo hay bồi dưỡng học sinh giỏi.
Theo bà Thủy, việc sắp xếp lịch cho học sinh nghỉ thứ 7 là hợp lý, nhưng đối với các trường dạy 1 buổi/ngày sẽ rất khó để thực hiện. Vì phải đảm bảo số tiết theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT. Phân phối chương trình khung thấp nhất là 29 tiết/tuần. 5 tiết x 5 buổi chỉ mới 25 tiết thì không thể xếp được nếu không học thứ 7.
Một nhà quan sát giáo dục ở TPHCM phân tích, đề xuất nghỉ học thứ 7, phụ huynh và học sinh rất ủng hộ, họ sẽ có hai ngày cuối tuần để đi ngoại khóa, thể thao, dã ngoại, thăm thú, sinh hoạt các câu lạc bộ... Nhưng về phía nhà trường, xếp thời khóa biểu sẽ cực kỳ nan giải. Không ít trường, các lớp phải chia ca, chia kíp để học thì việc nghỉ học thứ 7 cực kỳ khó.
"Số học sinh đông, lại có đến 13 môn học, môn nào cũng quan trọng và phải học, môn nào cũng lấy điểm, các trường đã rất khó để xếp lịch. Chưa kể các lớp cuối cấp, phải tăng tiết, nếu không xếp vào thứ 7 thì xếp vào thứ nào?", bà đặt câu hỏi.
Bà cho rằng, cốt lõi là cần giảm tải cho học sinh THCS, THPT, chỉ cần 4 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn thì mới giải quyết được vấn đề. Còn không học thứ 7 thì phải tăng dồn tiết vào các ngày khác trong tuần thì càng áp lực hơn.
Chưa kể, hiện nay còn nhiều trường chưa thể thực hiện học 2 buổi/ngày nên các trường rất áp lực với việc xếp lịch học làm sao để đảm bảo được chương trình.
Việc nghỉ học thứ 7 được ủng hộ về mặt chủ trương, tinh thần. Đi cùng đó, cần những điều kiện cần thiết khác như chương trình học phù hợp, cơ sở điều kiện của trường học đáp ứng nổi việc chỉ học trong 5 ngày/tuần. Nếu không thì cắt chỗ này lại "phình" ở chỗ khác.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Nữ thủ khoa dân tộc Mường từ bỏ ước mơ Đại học vì gia đình quá nghèo Từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, trúng tuyển đại học với vị trí thủ khoa nhưng nữ sinh sẽ phải nghỉ học để đi làm phụ gia đình. Giáo viên chủ nhiệm tiếc cho trò nghèo "Đã mấy đêm rồi cô mất ngủ vì suy nghĩ miên man về những học trò nghèo khó nhưng hiếu học. Trong 12 năm đi...