Nghề thu thập thi thể bệnh nhân Covid-19
“Thần chết, thần chết, tôi đến đây”, Néstor Vargas và Luis José Cerpa ngân nga giai điệu trên radio, khi họ lái xe tới nơi bệnh nhân Covid-19 qua đời.
Mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, hai người đàn ông đang đi thu thập thi thể của những nạn nhân qua đời vì nhiễm Covid-19 tại thủ đô Lima của Peru. Đó là công việc ít người muốn làm vì sợ lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên, hai người nhập cư từ Venezuela này chấp nhận mọi rủi ro.
“Chúng tôi sợ mình bị nhiễm và mang virus về nhà, nơi tôi đang sống với vợ con và mẹ”, Vargas nói, cầm chiếc điện thoại di động có ảnh vợ con trên màn hình nền.
Néstor Vargas (phải) và Luis José Cerpa trên đường đi thu thập thi thể nạn nhân Covid-19 ở thủ đô Lima, Peru. Ảnh: CNN
Theo Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, gần 5 triệu người đã rời khỏi Venezuela từ năm 2016 và ít nhất 878.000 người trong số đó đến Peru, làm những công việc thu nhập thấp để kiếm sống hoặc gửi tiền về cho những người thân nghèo khổ ở quê nhà.
Cerpa, 21 tuổi, từng là một sinh viên ngành thiết kế đồ họa trước khi tới Peru làm nghề pha chế và bồi bàn. Vargas, 38 tuổi, làm việc trong ngành tang lễ ở Venezuela nhưng hiện làm lái xe cho một công ty gas ở Peru. Khi Covid-19 lan rộng khắp khu vực, du khách biến mất và ngành chôn cất người chết trở nên phát triển.
“Chúng tôi đã không làm việc 3 tháng và chúng tôi cần ăn, trả tiền thuê nhà và gửi tiền về Venezuela”, Vargas nói. “Công việc này có thể thực sự khó khăn, nhưng vì cần tiền nên chúng tôi vẫn làm”.
Anh và Cerpa mỗi người kiếm được 500 USD/tháng, gần gấp đôi mức lương tối thiểu ở Peru. Họ làm việc tới 19 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần.
Dù Peru đã sớm hành động để kiềm chế dịch bệnh, Covid-19 vẫn lan khắp nước này như cháy rừng, khiến hơn 353.000 nhiễm. Ở mỗi nhà, âm thanh quen thuộc chào đón Cerpa và Vargas là tiếng khóc đau đớn vì mất người thân. Họ cố gắng di chuyển vào trong rồi trở ra thật nhanh, nhưng vẫn thể hiện sự kính trọng với gia đình người đã khuất.
Video đang HOT
Hầu hết thi thể họ tiếp nhận đến từ những khu dân cư nghèo, những gia đình không đủ tiền thuê người cử hành tang lễ hay chôn cất. Hơn 13.000 người đã chết vì Covid-19 ở Peru và hệ thống y tế công của nước này đang sụp đổ dưới sức nặng của con số khủng khiếp này.
Gia đình của ông Raul Oliveras, 63 tuổi, đã gọi xe cứu thương khi ông trở bệnh với những triệu chứng của Covid-19. Tuy nhiên, xe cứu thương không tới và ông ra đi tại nhà. Đêm đó, Vargas và Cerpa bước vào, cầm lấy tấm ga trải giường để di chuyển thi thể ông Oliveras.
Khi những con chó trong khu dân cư sủa vang, gia đình ông đứng đau buồn trên con đường tối tăm, Vargas và Cerpa đặt thi thể của Oliveras vào chiếc túi màu đen và chuyển lên phía sau xe họ để chở tới nhà hỏa táng.
Tại nhà hỏa táng El Angel Cemetery, nhiều nhân viên xử lý thi thể cũng là người Venezula.
“Người Peru không làm việc này. Thật khó khăn”, Orlando Arteaga nói.
Ông làm việc 7 ngày trong tuần, kiếm tiền để nuôi 3 đứa con ở Venezuela và một con gái 2 tuổi tại Lima. Ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chứng kiến nhiều cái chết như thế nhưng “ai đó phải làm việc này và chúng tôi cần công việc”.
Các quan tài bằng bìa các-tông xếp chồng lên nhau tại nhà hỏa táng El Angel ở thủ đô Lima, Peru. Ảnh: CNN
Arteaga, 40 tuổi, phụ trách lò hỏa thiêu đang hoạt động liên tục. Một đống quan tài bằng bìa các-tông được xếp chồng lên nhau gần đó.
“Đây thậm chí chưa phải là tất cả thi thể. Có những thi thể ở nơi khác nữa, vì không có chỗ và chúng tôi không thể để họ ở bên ngoài”, ông nói. “Không ai đáng phải làm việc này, kể cả người tôi ghét nhất”.
Tối đến, Vargas và Cerpa thu thập và di chuyển hơn chục thi thể. Họ rất mệt nhưng công việc chưa kết thúc. Khoảng 23h, cuộc gọi cuối cùng trong ngày đến từ bệnh viện Villa Maria del Triunfo. Nhân viên yêu cầu hai người đến nhận 13 thi thể vì nhà xác đã quá tải.
Cerpa và Vargas đến bệnh viện và chờ giấy tờ. Tháo khẩu trang và găng tay, họ ngồi nghỉ và ăn một ít gà trong hộp xốp. Đây là phút nghỉ ngơi đầu tiên của họ sau nhiều giờ liền làm việc.
Những ngày mệt mỏi đã trở nên quen thuộc với họ.
“Đôi khi chúng tôi về nhà lúc 2-3h sáng. Sau khi tắm rửa và ăn uống xong đã là 4h”, Cerpa nói. “Chúng tôi thức dậy và rời nhà lúc 8h. Mọi thứ lại tiếp diễn như cũ vào ngày hôm sau”.
Những ngày anh pha chế cocktail cho các du khách vui vẻ đã lùi xa. Cerpa cho hay anh đã học được một điều quan trọng về sự sống, sau khi bị bủa vây bởi cái chết.
“Bây giờ, tôi đơn giản là sống từng ngày. Tôi sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của đời mình”, anh nói.
Hai phụ nữ mang thai mắc Covid-19 ở Peru sinh con khỏe mạnh
Đứa trẻ đầu tiên chào đời ngày 27/3 và đứa trẻ thứ 2 chào đời ngày 31/3, cả 2 đều được sinh mổ và đều âm tính với SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19).
Bệnh viện Rebagliati ở thủ đô Lima của Peru ngày 7/4 cho biết, hai phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc Covid-19 đã sinh con khỏe mạnh và con của họ không mắc bệnh.
Đứa trẻ đầu tiên chào đời ngày 27/3 và đứa trẻ thứ 2 chào đời ngày 31/3, cả 2 đều được sinh mổ theo khuyến cáo của bác sỹ nhằm tránh biến chứng.
"Thật may mắn, đã không có sự lây nhiễm chiều dọc, tức là không có sự truyền bệnh từ mẹ sang con", bác sỹ Carlos Albretch tại bệnh viện Rebagliati cho biết.
Ông Albretch cũng cho biết thêm, hiện cả 2 bà mẹ đều ở trong tình trạng sức khỏe tốt dù vẫn cần phải điều trị Covid-19.
Các bác sỹ ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát dịch Covid-19, hồi đầu tháng 2 từng nêu quan ngại về khả năng truyền virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) từ mẹ sang con ở giai đoạn mang thai sau khi phát hiện ít nhất 1 trường hợp trẻ sơ sinh có triệu chứng mắc bệnh.
Tuy nhiên, một nghiên cứu theo dõi 9 trường hợp phụ nữ mang thai được xác định dương tính với SARS-CoV-2 ở Trung Quốc cho thấy "không có bằng chứng đáng tin cậy nào về khả năng lây nhiễm Covid-19 theo chiều dọc từ mẹ sang con". Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Lancet giữa tháng 2/2020.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, những bà mẹ dương tính với SARS-CoV-2 mới sinh con nên được khuyến khích chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ như bình thường, miễn là họ đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn.
Bác sỹ Albretch cho biết, cả 2 bà mẹ mới sinh con ở Lima đều được khuyến khích ở cùng với con của mình.
"Đây là một dịch bệnh mới và chúng ta không có kinh nghiệm về nó. Trung Quốc và Italy đã có những công bố khuyến cáo về việc nuôi con bằng sữa mẹ. Việc lây nhiễm qua đường sữa mẹ là chưa được chứng minh", bác sỹ Albretch nói.
Theo bác sỹ Albretch, đối với những bà mẹ có triệu chứng mắc bệnh Covid-19 nặng hơn, hướng dẫn có thể sẽ khác. Trong trường hợp này, những em bé sơ sinh có thể sẽ phải tách khỏi mẹ để tránh bị lây nhiễm.
Bệnh viện Rebagliati cũng cho biết đã tiến hành xét nghiệm dịch mũi họng lần 2 cho các trẻ sơ sinh của 2 bà mẹ nói trên và hiện đang chờ kết quả.
Peru hiện đã ghi nhận 2,954 ca mắc Covid-19 trong đó có 107 trường hợp tử vong, trong khi 1.301 trường hợp đã phục hồi./.
Hoàng Phạm
Đại dịch Covid-19: nhà hỏa táng New York làm thêm giờ, chợ bán sỉ Paris thành nhà xác Các nhà hỏa táng tại thành phố New York (Mỹ) hoạt động thêm giờ trong những ngày gần đây do nhu cầu hỏa táng tăng cao giữa mùa dịch Covid-19. Thi thể được đưa ra khỏi một bệnh viện ở New York, Mỹ . Ảnh Reuters Reuters ngày 3.4 đưa tin các nhà hỏa táng tăng giờ hoạt động, hỏa táng thi thể...