Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Dũng: Đi dạy học, tôi muốn sinh viên phải “đau”
Một giờ trưa, sau khi kết thúc buổi họp căng thẳng, từ chối vài lời hẹn, NSND Hoàng Dũng vội vàng đến trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh để kịp giờ lên lớp ông làm chủ nhiệm.
Nhiều khi bữa trưa của ông chỉ là chiếc bánh mỳ, chai nước lọc. Ít ai nghĩ, một người nghệ sĩ nổi tiếng lại thường xuyên đơn giản và tuềnh toàng như thế.
Các em sinh viên năm nhất ở lớp thầy Hoàng Dũng chủ nhiệm còn non nớt, lên trả bài ngô nghê, ngượng ngùng. Ở một góc phòng, NSND Hoàng Dũng lặng lẽ quan sát, gương mặt chuyên tâm, kiên nhẫn và tập trung cao độ nhận xét cho từng sinh viên. Ở ngôi trường này, các lứa sinh viên vẫn quen miệng gọi ông là “bố Dũng”…
PV: NSND Hoàng Dũng được biết đến là một diễn viên gạo cội, một nhà quản lý và giảng viên ưu tú. Ông có thể chia sẻ về chặng đường đến ngày hôm nay?
NSND Hoàng Dũng: Thực ra xuất phát điểm tôi không phải là người yêu nghệ thuật, mà chỉ có chút năng khiếu văn nghệ ở trường. Đến lúc thi đại học, tôi cũng chọn thi vào Đại học Ngoại ngữ chứ không phải Điện ảnh. Trong lúc chờ kết quả thi, đến nhà bạn chơi, tôi đọc được thông tin trường Nghệ thuật Hà Nội (nay là Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) tuyển sinh. Tôi và hai người bạn nữa rủ nhau đi thi trong tâm thế vui vẻ, thoải mái. Ngờ đâu tôi đỗ, hai bạn lại trượt. Trải qua quá trình học, làm việc, tình yêu nghề cứ thế lớn dần lên, đến lúc nào đó trở thành máu thịt của mình mà không hay. Tôi đi học năm 1973, đến năm 1977 về Đoàn Kịch Hà Nội công tác. Cứ thế miệt mài phấn đấu rồi được giao vị trí Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.
Cách đây 3 năm, tôi về hưu. Ngoài đóng phim, tôi còn làm công tác đào tạo, hợp tác với VFC dạy các lớp ngắn hạn. Các diễn viên như Diệu Hương, Hồng Đăng, Việt Anh, Hoàng Thuỳ Linh… cũng trưởng thành từ lớp học này ra cả.
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn, trường Cao đẳng Nghệ thuật đặt vấn đề mời tôi về giảng dạy. Tôi nhận lời một phần vì tình nghĩa với mái trường, một phần cũng muốn thử sức mình. Tôi đi dạy học từ năm 2005, mà sau đó Hồng Đăng, Thanh Hương cũng về học. Lứa sau có Duy Hưng, Trọng Lân. Tôi cũng tham gia giảng dạy ở trường Sân khấu Điện ảnh dạy. Tôi không nhận dạy “chồng”, mà nhận luôn công tác chủ nhiệm, kèm cặp các sinh viên từ ngày đầu khai giảng cho đến khi tốt nghiệp.
PV: Dường như con đường ông đi khá thuận lợi?
NSND Hoàng Dũng: Cuộc đời người diễn viên ít ai bằng phẳng lắm. Vì đa phần, diễn viên hay đa cảm, cảm nhận vấn đề nào cũng hơi quá lên một chút. Nhưng thông thường cũng vượt qua rất nhanh. Thời điểm khó khăn nhất là lúc tôi mới về Đoàn kịch, trong trường thường được chọn đóng vai chính nên khá tự tin. Song lúc ấy lại không chứng tỏ được bản thân nên rất nản. Về sau, tôi nhận được sự động viên của NSƯT Trần Vân, cùng quyết tâm, tình yêu với nghề, tôi cũng không nề hà vai thứ hay chính, cho nên cũng dần chứng minh được bản thân. Bây giờ về hưu, thú thật tôi không thích làm nhiều. Mỗi năm tôi chỉ nhận một phim thôi.
PV: NSND Hoàng Dũng trên cương vị một giảng viên sẽ như thế nào?
Video đang HOT
NSND Hoàng Dũng: Tôi rất nghiêm khắc. Sinh viên sợ, nhưng không phải kiểu sợ hãi mà rất quý thầy. Việc nào ra việc nấy, sau giờ học, thầy trò có thể đi ăn uống nhưng vào học là phải nghiêm túc. Tôi quan niệm những bài học ban đầu rất quan trọng, bởi nó tạo nếp: nếp học, nếp sinh hoạt, nếp tư duy. Nếu tạo được nếp chuẩn ngay từ ban đầu thì con đường về sau mới chuẩn. Trong một lứa diễn viên, không phải ai cũng được đóng vai chính, nhưng kể cả khi đóng vai phụ thì tôi dặn các em vẫn phải giữ vững tâm thế là diễn viên chuyên nghiệp.
PV: Đã có sự cố nào trên giảng đường khiến thầy Hoàng Dũng không kiềm chế được bình tĩnh hay chưa?
NSND Hoàng Dũng: Thường thì tôi ít mắng vì trò dốt, mà chỉ mắng vì trò ẩu, lười. Sinh viên các khoá thường bảo: thầy Dũng hay nói “đau” lắm. Tôi muốn sinh viên “đau” để chúng luôn nhớ đến câu nói ấy, thấy “cay” mà tự sửa đổi.
Có một khoá ở trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, hôm đấy tôi lên giảng đường, các bạn lười quá, hẹn trả bài nhưng không trả, sau đó xin phép tôi ra ngoài duyệt bài. Tôi đồng ý, nhưng khi ra ngoài quan sát thì thấy các bạn không tập mà chụp ảnh, chơi đùa. Tôi quyết định trả lớp cho trường và không dạy nữa. Ban đầu các bạn tưởng thầy cáu nhưng tôi làm thật. Các bạn có đến xin lỗi, nhưng tôi từ chối: “Tôi rất ít thời gian đi dạy học nhưng các em không muốn học. Có thể phương pháp của tôi không phù hợp. Bây giờ thì muộn rồi”.
PV: Thưa NSND Hoàng Dũng, sinh viên nghệ thuật có những đặc thù riêng nên người thầy chắc hẳn cũng phải áp dụng các phương pháp giảng dạy riêng?
NSND Hoàng Dũng: Đúng, có 2 cái khác. Thứ nhất là ngoài những cái cơ bản về lý thuyết, tôi phải dạy cho sinh viên nắm bắt được phương pháp mà chính mình đã rút ra được từ mấy chục năm làm nghề. Sau nữa, nắm được nghề rồi, người thầy còn phải biết kích thích đam mê, tình yêu nghề đến từng sinh viên. Mà dạy cũng cần có nghệ thuật: không chỉ vuốt ve, động viên mà còn quát, mắng, khích tướng, phê bình… Những bạn yếu thì động viên nhiều hơn, những bạn khá rồi thì khen vừa phải, thậm chí không khen. Ví dụ trong suốt mấy năm học, chưa bao giờ Hồng Đăng được khen. Đăng diễn tốt, nhạy cảm, có óc quan sát tốt, có ngoại hình nhưng cứ khen một cái là anh này chủ quan. Có những hôm cả lớp diễn xong, tôi chỉ chê mình Hồng Đăng.
PV: Với những sinh viên cá biệt, thầy Hoàng Dũng sẽ “trị” bằng cách nào?
NSND Hoàng Dũng: Sinh viên nghệ thuật thường cá tính, mỗi đứa một tính cách. Tôi chọn cách nói chuyện “tay bo” với từng sinh viên. “Chiêu” của mình là phải đọc ngay lỗi của nó, “đánh” thật mạnh vào lỗi của nó để nó hết cãi, sau đó mới khuyên nhủ, chia sẻ. Quan điểm của tôi là trong giáo dục không phải hắt nó ra mà là vơ nó vào. Mục đích để cho sinh viên hiểu tôi chửi, tôi mắng vì muốn các em tốt hơn.
PV: Trên thực tế, có nhiều người xuất phát điểm không phải là diễn viên, là người bình thường hoặc ca sĩ, người mẫu chuyển ngang sang đóng phim nhưng rất thành công. Giáo dục có lẽ không đóng vai trò then chốt với nghề diễn viên, thưa ông?
NSND Hoàng Dũng: Đúng là có nhiều người mẫu, ca sĩ, thậm chí một người bình thường lọt vào mắt xanh của 1 đạo diễn và họ rất thành công trên màn ảnh. Nhưng đó chỉ là vài trường hợp cá biệt, là sự phù hợp, thậm chí “ăn may”. Họ mang cách diễn “bản năng”, đúng con người của họ ra diễn. Những người đó nếu được đào tạo thêm sẽ diễn rất tốt, trở thành một diễn viên tài năng. Nhưng nếu không trau dồi, cho vai khác chưa chắc đã làm được. Còn diễn viên chuyên môn kết hợp với năng khiếu sẽ hiểu gốc gác nghề diễn, hiểu tư duy nhân vật, biết đào sâu tâm lý, tìm ra các cách thể hiện phong phú và vai diễn nào cũng thành công.
PV: “Sống khoẻ” bằng nghề luôn là câu chuyện trăn trở của không ít diễn viên, cũng là nỗi băn khoăn của nhiều sinh viên ngành Nghệ thuật. Ông có chia sẻ điều gì xung quanh câu chuyện này, trên cương vị là một người gắn bó với công tác giảng dạy điện ảnh?
NSND Hoàng Dũng: Ngày xưa chúng tôi đi học là có tiền, ra trường nhận được vô số lời mời của các đoàn kịch. Sinh viên bây giờ thiệt thòi hơn, đi học là phải mất tiền, áp lực cạnh tranh rất lớn. Sinh viên đi học các trường nghệ thuật tôi chia làm 2 loại: một là đam mê nghề thực sự. Loại còn lại là lười lao động, thấy ánh hào quang lấp lánh của nghề nên bị hấp dẫn, chứ chưa nhìn thấy mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người đi trước. Cái nghề này muốn thành công phải phấn đấu, chăm chỉ, rèn luyện rất vất vả, lao động, đào sâu không ngừng, rồi kết hợp cùng các yếu tố khác như năng khiếu, may mắn… mới có cơ hội để hy vọng trở thành diễn viên, rồi mới tính đến chuyện có thể sống được bằng nghề hay không?
Ngoài ra, có một điều tôi còn trăn trở là sự quan tâm của Nhà nước với các ngành nghệ thuật, biểu diễn chưa được đề cao. Đi đến bất cứ đất nước nào trên thế giới, văn hoá nghệ thuật cũng là bộ mặt của đất nước đó. Thế nhưng, văn hoá nghệ thuật của ta vẫn còn quá nhiều vấn đề: cổ phần hoá, tách sáp nhập, tự chủ tài chính… Tôi nói có những bộ môn nghệ thuật không thể tự chủ tài chính được, lấy ví dụ như múa ballet hay nhạc giao hưởng… Bắt họ tự chủ tài chính thì họ phải đi đánh ở quán bar, quán rượu, mà đi đánh linh tinh thì hỏng hết tay, làm sao đi biểu diễn ở thế giới được? Nhưng không chạy theo thị hiếu khán giả thì làm sao có tiền? Cho nên văn hoá phải được nuôi dưỡng, được đầu tư, chứ bắt họ tự chủ rất khó.
Bộ mặt văn hoá sẽ trôi về đâu? Ngoài chức năng giải trí, văn hoá nghệ thuật còn có chức năng giáo dục thẩm mỹ, hướng xã hội tới những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp hơn. Cho nên tôi nghĩ văn hoá-nghệ thuật phải được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
PV: NSND Hoàng Dũng có định hướng cho hai con trai theo nghề hay không?
NSND Hoàng Dũng: Con trai lớn hồi bé đóng khá nhiều phim, nhưng khi lên cấp 3 thì không thích nữa. Con trai thứ hai hiện đang học năm thứ 3 khoa Diễn viên trường Sân khấu điện ảnh. Học hết lớp 11, nó mới nói muốn theo nghề. Tôi bảo: “Kệ, tuỳ con”. Hiện dạy chủ nhiệm lớp con trai tôi là giảng viên khác, ngay cả năm con tôi đi tuyển sinh, tôi cũng không trực thuộc hội đồng tuyển sinh nào cả. Đến tận hôm nó thi học kỳ đầu, tôi mới ngồi xem con diễn. Tôi tôn trọng và hoàn toàn để con phát triển tự nhiên.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bài: Tố Uyên | Ảnh, Thiết kế: Hà Phương
Kỹ thuật: Tuấn Linh
Theo VOV
Sinh viên kêu trời vì thời khóa biểu mới, ĐH Kinh tế Quốc dân nói gì?
Sau khi bài viết "Thày trò ĐH Kinh tế Quốc dân "ngộp thở" vì thời khóa biểu mới" đăng trên VOV.VN, ĐH Kinh tế Quốc dân đã có thông tin về sự việc này.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, từ năm 2006, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã đào tạo theo học chế tín chỉ, theo đó, sinh viên được quyền chọn, tự lập thời khóa biểu cá nhân theo lịch trình chung của Chương trình đào tạo (khóa học).
Hiện tại 1 khóa học được thiết kế 4 năm bằng 7 kỳ học, 1 kỳ thực tập với khối lượng toàn khóa thường là 130 tín chỉ. Nếu trừ đi 1 kỳ thực tập (bằng 10 tín chỉ) thì trung bình mỗi học kỳ sinh viên cần học khoảng 17-18 tín chỉ, tương ứng với khoảng 6 học phần (môn học), mỗi môn học trung bình 3 tín chỉ.
Sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân quá tải vì trường đột ngột thay đổi thời khóa biểu.
Hàng năm thường có 2 học kỳ chính và 1 học kỳ phụ (kỳ hè) theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông thường, mỗi học kỳ chính sinh viên chỉ học khoảng 18 tín chỉ là có thể hoàn thành đúng hạn (4 năm).
Tùy vào năng lực và điều kiện thực tế của mình, sinh viên có thể học nhiều hơn 18 tín chỉ/kỳ (từ 21 - 25 TC/kỳ) để tốt nghiệp sớm. Từ năm 2006 đến nay qua 10 khóa đã tốt nghiệp số tốt nghiệp sớm 1 năm (tức là hoàn thành chương trình đào tạo đại học trong 3 năm) mới có một vài em, nói cách khác, số sinh viên đăng ký học 25 tín chỉ/học kỳ là rất hiếm.
Theo đại diện lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, để nâng cao chất lượng học tập hơn nữa, nhà trường đã xây dựng và ban hành Đề án "Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch học tập" vào tháng 6/2019. Trong quá trình xây dựng, đề án đã xin ý kiến của cán bộ giảng viên và người học của các Khoa, Viện đào tạo.
Và thời khóa biểu mới đã được Hiệu trưởng ban hành theo Quyết định số 1187/QĐ-ĐHKTQD ngày 10/6/2019 áp dụng từ năm học 2019-2020, tức là từ 03/9/2019 đến nay. Theo đó, thay đổi mới nhất là tiết giảng 50 phút được thay bằng 60 phút (nghỉ giải lao là 10 phút, trước kia là 5 phút. Tổng thời lượng môn học không đổi).
Về khung thời gian trong ngày và trong tuần cơ bản như trước đây, sáng từ 7h00-11h35 (trước là 7h00-11h40), chiều từ 13h00 - 17h35 (trước là 13h00-17h40). Với học phần 2 tín chỉ vẫn học 01 buổi/1 ca/ 01 tuần; học phần 03 tín chỉ thì học 2 buổi/1 tuần, mỗi buổi 1 ca 2 tiết 60 phút. Học kỳ ngắn lại là 13 tuần so với 16 tuần trước đây. Nghỉ hè 6 tuần tách riêng với học kỳ phụ là 9 tuần (trước đây không có nghỉ hè nếu học kỳ phụ và chỉ là 6 tuần chung).
Với cách xếp lịch như vậy, nếu sinh viên chỉ đăng ký học 18 TC/kỳ như bình thường (với 6 học phần 3 TC) sinh viên chỉ cần đến trường để dự học trên lớp tối đa là 12 ca học, mỗi ca 2 tiết ( tức là sinh viên chỉ học có 24 giờ, bằng 50% tổng quĩ thời gian 48 giờ (6 ngày * 8 giờ /1 ngày) mà 1 sinh viên bình thường cần dành cho việc học tập trong tuần).
Thời khóa biểu mới của trường đã được phổ biến rộng rãi, tuy vậy khi vào thực hiện, do chưa đồng bộ ở một số khâu nên bước đầu triển khai có gặp một số bất cập như tắc thang máy, tắc bãi để xe và một số sinh viên đăng ký học nhiều hơn bình thường đã có cảm giác quá tải. Nhà trường đã có giải pháp mở rộng bãi xe, thay đổi qui trình vận chuyển của thang máy, cho phép các sinh viên đăng ký học trên 20 tín chỉ được hủy bớt lớp chuyển sang học kỳ phụ, học kỳ sau ...
Nhà trường đã lắng nghe và thực sự cầu thị với các ý kiến của sinh viên, cán bộ, giảng viên và đặc biệt là của các cơ quan báo chí để tiếp tục hoàn thiện thời khóa biểu cũng như các công tác khác của trường./.
Theo VOV
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dự khai giảng khóa đào tạo thứ 60 Trường Đại học Vinh Sáng ngày 21/9, Trường ĐH Vinh tổ chức khai giảng năm học mới 2019 - 2020, kỷ niệm 60 năm thành lập trường (1959 - 2019) và đón nhận nhiều phần thưởng cao quý. Trường ĐH Vinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường Cùng đến dự và chung vui với nhà trường...