Nghe người phụ nữ 76 tuổi kể chuyện tình yêu đẹp hơn cổ tích
Một người phụ nữ Gio Linh (Quảng Trị) hồn hậu, đi gần hết cuộc đời vẫn vẹn nguyên một mối tình. Tính đến giờ, bà chỉ có 12 năm làm vợ đúng nghĩa, 35 năm làm mẹ nhưng có tới 57 năm phụng dưỡng mẹ chồng.
Bà là Trương Thị Ba, năm nay đã 76 tuổi. Thời gian không phủ mờ tình yêu của bà, bởi tình yêu đó được dậy lên từ những ngày bom đạn. Ngay cả cái cách xưng hô “đồng chí” đối với tôi – người nhỏ tuổi hơn cả con út của bà – cũng cho thấy bà thuộc về một thế hệ can trường, trước sau như một và chẳng gì có thể lay chuyển. Tình yêu không là ngoại lệ.
Bà Ba lần giở lại những ký ức của đời mình
Chúng tôi tìm đến thăm nhà bà trong một buổi chiều mưa lất phất, qua điện thoại bà chỉ đường “đồng chí cứ đi từ Đông Hà ra đoạn dốc cửa ngõ của thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh), nhìn phía bên tay trái, thấy nhà nào có những hàng cau xanh nõn là nhà của tôi”. Quả nhiên, gian nhà nhỏ của bà quá đỗi bình thường nhưng lại “lạc” giữa những hàng cau đẹp mê hồn.
Chúng tôi lặng im nghe bà kể chuyện từ những ngày xửa xưa. Từ thuở bà còn là một cô nhóc của làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh), lon ton chạy theo các anh chị trong Chi đoàn thanh niên cứu quốc làng Mai Xá, suốt ngày tập hát tập múa để biểu diễn tuyên truyền cách mạng cho người dân. Lớn thêm chút nữa, bà vẫn “sống với địch, hoạt động cho ta” và bị bắt giam tới 3 lần vào những năm 1957, 1959, 1960 bị địch nghi ngờ có mối liên hệ mật thiết với cộng sản.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà quen một thanh niên cùng làng tên Trương Quang Giao. Cảm tình tuổi đôi mươi chưa kịp nói lời yêu, chưa kịp trao lời thề hẹn thì tháng 3/1954, ông Giao gia nhập bộ đội địa phương. Sau hiệp định Geneve, ông Giao trở về quê được ít ngày thì được lệnh phải ra Bắc tập kết. Bà Ba một lần nữa phải chia tay người thương nhớ, nhưng lần này thì khác, họ đã khắc vào tim nhau rằng 2 năm sau là ngày đoàn tụ.
Và một lần nữa tình yêu của đôi trẻ làng Mai Xá tưởng như đổ vỡ bởi những biến cố lịch sử của đất nước. Sông Bến Hải chia tách làm đôi, kẻ Namngười Bắc đến hơn 20 năm sau mới gặp lại…
Năm 1955, được sự đồng ý của trên, bà Ba đã bí mật tổ chức đám cưới với ông Giao mà không hề có mặt của chú rể. Và trớ trêu thay cuối năm ấy ông bà hoàn toàn mất liên lạc với nhau. “Từ đó đến khi thoát ly lên rừng (1965), không phải không có ai để ý đến tôi. Phía mình thì không có rồi vì họ không thể tán tỉnh vợ của đồng đội được. Nhưng về phía địch, cũng có nhiều tên lởn vởn, bị tôi cự tuyệt thì gây khó dễ… Chúng dọa dẫm bắt tôi phải viết… đơn li dị với ông nhà để chúng gửi ra Bắc rồi quy kết tôi có chồng đi tập kết nên tôi sống khá khổ sở…”- Bà Ba nhớ lại.
Năm 1973, bà Ba lúc này vẫn “ba không” (không chồng, không con, không nhà), trở thành cán bộ tổ chức của Huyện ủy Gio Linh, mối tình ngày nào vẫn cháy nhưng hiềm nỗi bà không thể biết ông Giao ở đâu, sống hay chết.
Cũng trong năm này, Chủ tịch CuBa Phidel Castro đến thăm tỉnh Quảng Trị, bà được phân công dẫn đường cho các phóng viên đi theo đoàn. Và giống như trong chuyện cổ tích, khi đầu năm 1974, cuộn phim được đưa đi chiếu cho quân dân cả nước cùng xem, hình ảnh bà Ba chỉ có được vài giây thôi nhưng ông Giao (lúc này đã ở chiến trường phía Nam) nhận ra ngay đó là người vợ yêu dấu của mình. Ông lập tức biên thư về, 1 lần, 2 lần, 3 lần… cuối cùng thư cũng đã đến tay bà Ba với bao niềm hạnh phúc khôn tả.
Bà Ba và người mẹ chồng đã 104 tuổi mà bà phụng dưỡng suốt gần 60 năm nay.
Một tháng rồi hai tháng sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, bà Ba ngóng đợi nhưng chẳng có một cánh thư nào từ miền Nam gửi về nữa. “Lòng tôi như lửa đốt và đầy sự hồ nghi. Suốt ngày cứ tự hỏi hay là anh ấy đã hi sinh? Hay là anh ấy đã có một gia đình mới?”- Bà Ba ngấn lệ nhớ lại quá khứ.
Lúc này bà Ba đã 39 tuổi. Mặc cho sự lo lắng, khuyên răn kèm sự thương cảm của người thân, đồng đội, bà quyết lên đường vào Nam tìm ông Giao với vỏn vẹn một manh mối duy nhất là địa chỉ hòm thư “Quân khu 8, K 650″.
Hành trình tìm chồng của bà Ba quả là… kinh hoàng! Chuyến xe đò đưa bà Ba hướng vào Nam khi đất nước vừa hòa bình 2 tháng đã phải trải qua bao gập ghềnh, đường hỏng, cầu sập và cảnh đốt phá thỉnh thoảng vẫn xảy ra dọc đường. Thở phào khi đặt chân xuống Sài Gòn, cầm chặt mảnh giấy ghi số hòm thư và cái tên Trương Quang Giao, bà đã “gõ cửa” Ban quân quản TP rồi Cục miền Trung và được biết một thông tin mù mờ rằng đơn vị này đóng ở Mỹ Tho (Tiền Giang).
Video đang HOT
Về tới Mỹ Tho, vào tới QK.8 có người nói đơn vị đang đóng ở huyện Cai Lậy cách đó 50 km nhưng khi về tới Cai Lậy thì không một cơ quan nào biết về K 650. Không chịu thua bà trở ngược lại QK.8 và trên chuyến xe này bà may mắn gặp một sĩ quan công tác tại K 650. Chẳng có gan ruột nào để nghỉ ngơi, bà đã tìm về huyện Cái Bè (Tiền Giang) theo sơ đồ của vị sĩ quan nọ và ngã quỵ khi đứng trước chồng là thiếu úy, chính trị viên tiểu đoàn Trương Quang Giao.
“15 ngày, tôi đi tìm ông nhà đúng 15 ngày… Nghĩ lại cũng thấy mình liều thật, là phụ nữ cả đời chưa đi vào Nam, lúc ấy lại còn lộn xộn mà dám lặn lội khắp nơi mọi chốn, rủi có chuyện gì cũng chẳng biết kêu ai…”- Bà Ba không khỏi xúc động.
Được sự quan tâm của tổ chức, ông Giao đã được điều chuyển về công tác tại trường Đảng huyện Gio Linh để đoàn tụ với gia đình. Bà Ba bảo: “Đó là quãng đời đẹp nhất của tôi và có lẽ của cả ông nhà. Chúng tôi đã sống đã cống hiến cho đất nước và chúng tôi cũng đã yêu, chúng tôi có quyền được hạnh phúc…”.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang, sau đúng 12 năm chung sống đúng nghĩa, ông Giao qua đời (năm 1988). Lúc này ông bà đã có với nhau 3 người con kháu khỉnh. Như để chứng minh cho tình yêu mãnh liệt, không gì ngăn cản nỗi của mình, ông bà đã đặt tên con lần lượt là Thủy, Chung, Trung. Một nách ba con nhưng bà Ba còn phải làm tròn một bổn phận của một người con dâu. “Đời sống lúc đó khổ cực lắm, lương hưu của tôi chỉ có ba mấy ngàn một tháng, một mình tôi cày cuốc, nhận ruộng để làm nhưng toàn ăn cơm độn sắn khoai. Tôi thì gắng được nhưng chỉ thương mạ với mấy đứa nhỏ răng yếu nên nhai sếu sáo rồi nuốt trỏng…”- Bà Ba rưng rưng kể lại.
Giờ đây điều làm bà Ba tự hào nhất là 3 người con đều học hành đỗ đạt (2 con gái đầu làm giáo viên, con trai út làm kiểm lâm) và mẹ chồng là cụ Lê Thị Trà đã thọ tới 104 tuổi. Bà nói: “Đối với con tôi cảm ơn chúng nó. Đối với mạ, tôi vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho đến việc vệ sinh cá nhân, ngày nào mạ còn ăn ngày 3, 4 bát cơm là tôi còn sức để báo hiếu thay ông nhà…”.
Trong buổi chiều giá rét đầu năm, sau khi “trải” hết cả cuộc đời cho tôi nghe, bà chống cằm nhìn ra hàng cau xanh nõn trước sân buột miệng: “Nghiệm lại tất cả, tôi thấy mình đã có một tình yêu thật trọn vẹn. Có người nói số tôi truân chuyên nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi tình yêu như hoa hồng, ai sợ chảy máu thì nào hái được…”.
Theo Dantri
Bác sĩ riêng kể chuyện chăm sóc sức khỏe Tướng Giáp
Suốt 30 năm công tác, bác sĩ Phạm Văn Ngà luôn sát cánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Chuyến bay chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Prague (Czech) đến Ethiopia vừa hạ đáp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đột nhiên bị choáng. Máy điện tim báo một đường thẳng tắp trên màn hình.
Đó là năm 1989. Đại tá Phạm Văn Ngà, khi đó là bác sĩ riêng cho Đại tướng. Ông kể, chuyến bay chở Đại tướngVõ Nguyên Giáp từ Prague (Czech) đến Ethiopia vừa hạ đáp sau 6-7 giờ bay xảy ra một sự cố. Ngay sau khi bước xuống sân bay, Đại tướngVõ Nguyên Giáp đột nhiên bị choáng. Song không giống mọi lần, máy điện tim đo tại chỗ báo một đường thẳng tắp trên màn hình. Bác sĩ cố trấn tĩnh bản thân: không được để xảy ra bất cứ tình huống xử lý sai lầm nào! 1 tiếng đồng hồ sau cấp cứu của bác sĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỉnh trở lại.
Bác sĩ Ngà cùng mọi người trong đoàn tháp tùng Đại tướng chuyến thăm châu Phi năm đó "thở phào mà vẫn không hết đau tim". "Ngực mình thoi thóp vì lo. Chưa kịp an tâm, Đại tướng ngay lập tức lao vào công việc. Mình lại căng thẳng để theo ông trong tâm trạng lo sợ nhỡ có sự cố xảy ra" - bác sĩ Ngà kể.
Đại tá Phạm Văn Ngà tại nhà riêng ở Vĩnh Yên
30 năm làm việc cho Đại tướng, vị bác sĩ đã không ít lần đối mặt với tình huống như thế. Nhưng cho đến ngày về hưu, ông tự hào "chưa bao giờ xử lý nhầm lẫn, để xảy ra bất cứ sai sót nào".
Ở tuổi gần 90, vị bác sĩ vẫn nhớ như in "vô vàn kỷ niệm không bao giờ quên" khi giở các bao túi đựng những bức hình chụp chung với Đại tướng. Khi ở Trung Quốc, Liên Xô, khi ở các địa phương, bất cứ đâu trên cả nước, khắp thế giới, mọi tấm hình ghi lại đều thấy bóng dáng ông, tay cầm vali chứa thuốc và đồ y tế, đi và ngồi ngay sát Đại tướng, chỉ cách nhau bước chân.
"Gia tài" ông tiếc không giữ lại được, đó là thùng tư liệu, sổ sách ghi chép nhật ký 30 năm làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không ngày làm việc nào ông không lưu vào sổ đủ tất cả những thông số về thuốc men, từ thuốc tây đến thuốc bắc, thuốc nam, điều trị, hội chẩn các bác sĩ đầu ngành về tình huống sức khỏe của Tướng Giáp. Ông còn cần mẫn ghi vào sổ những đồ ăn, thức uống, thực phẩm dùng trong ngày trong 24 giờ...
Bác sĩ Phạm Văn Ngà (người sách cặp đưa sau lưng) trong chuyến công tác cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Trung Quốc năm 1972. Ảnh tư liệu do bác sĩ Phạm Văn Ngà cung cấp
"Cẩm y vệ số 1"
Bác sĩ, Đại tá Phạm Văn Ngà gắn với sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn từ 1965 đến 1995. Điều ông tự hào đó là Đại tướng đã luôn tin tưởng ông tuyệt đối trong 30 năm làm việc. Có một nguyên tắc bất di bất dịch là Đại tướng không bao giờ uống thuốc của bất cứ ai đưa, kể cả con cái, trừ bác sĩ Ngà.
Mọi điều trị, hội chẩn, thăm khám của các bác sĩ, ở các bệnh viện trong và ngoài nước, Đại tướng luôn tôn trọng nhưng nếu để uống thuốc thì chỉ nhận đơn và thuốc đưa tận tay từ bác sĩ Ngà. Điều đó khiến vị bác sĩ quân y luôn đau đáu và không ngừng trau đồi chuyên môn.
Hàng tháng, thậm chí hàng tuần, ông luôn có các cuộc hội chẩn, trao đổi với các giáo sư đầu ngành của cả nước về kinh nghiệm, kiến thức, thông tin. Cá nhân ông luôn tìm sách chuyên môn để đọc.
Có một câu chuyện ông kể lại khi đưa Đại tướngVõ Nguyên Giáp sang Liên Xô thăm khám sức khỏe. Mặc cho các bác sĩ nước bạn chăm sóc tận tình, chu đáo, cẩn thận, Đại tướng dứt khoát yêu cầu hai việc: một là kê thêm giường cho bác sĩ Ngà ở ngay cạnh, hai là mọi thăm, khám sức khỏe các bác sĩ Liên Xô Đại tướng luôn tuân thủ, trừ uống thuốc chỉ lấy từ bác sĩ Ngà. Thuyết phục "hết nước, hết cách", cuối cùng các bác sĩ Liên Xô đành phải theo yêu cầu của Đại tướng.
Trong một chuyến công tác Liên X.
Trong lần đi theo Đại tướng và gia đình trong chuyến công tác và nghỉ ở Đà Lạt năm 1976, một tình huống thử thách cả niềm tin và bản lĩnh của bác sĩ Ngà với Đại tướng xảy ra khiến ông vô cùng cảm động. Nơi nghỉ của Đại tướng và con gái Hồng Anh là biệt thự Lệ Xuân. Công tác bảo mật và an ninh nơi đây được chuẩn bị kỹ càng đến mức "con ruồi khó lọt qua".
Nhưng một buổi xảy ra chuyện cô con gái phát hiện khay thuốc chuyển lên cho Đại tướng nhưng ông kiên quyết không uống. Đại tướng thấy lạ vì hộp thuốc chuyển lên không giống như hộp thuốc mà bác sĩ Ngà thường đưa tận tay cho ông. Ông lại đồ là thuốc của con gái nên nhắc con gái uống.
Con gái lại kiên quyết bảo không và giục ông uống cho đúng giờ. Lấy làm lạ, Đại tướng cho gọi bác sĩ Ngà lên hỏi thì vỡ ra đó không phải thuốc bác sĩ Ngà. "Lúc đó mình tưởng như chết đi vì sợ và lo lắng. May Đại tướng không uống, nếu ông uống và xảy ra chuyện thì mình cũng chỉ có nước là chết" - ông kể đầy kịch tính.
5 ngày trôi qua vẫn chưa tìm ra manh mối cho đến khi về đến Sài Gòn, ông nhận được cú điện thoại từ một người xưng tên Côn - Chỉ huy đội cận vệ lúc ấy báo lại rằng: một người trong đội cận vệ khi đi kiểm tra biệt thự có nhặt được hộp thuốc, rồi để vào khu bếp. Người đầu bếp tưởng hộp thuốc của bác sĩ Ngà vẫn mang lên cho Tướng Giáp dùng nên tiện để vào khay bưng lên. "Tôi như thoát chết. Đại tướng đã cứu sống tôi, bảo vệ danh dự cho tôi vì ông đã tin tưởng ở cung cách làm việc của tôi" -bác sĩ Ngà nói.
Người anh
Nhắc đến ấn tượng về cốt cách sống và làm việc của Đại tướng, bác sĩ Ngà cho hay trong suốt 30 năm ở bên Đại tướng, sự say mê công việc làm quên ngủ - quên ăn - quên sức khỏe của Đại tướng đã khiến ông từng "đứng ngồi không yên" nhưng trong lòng đầy cảm phục.
Suốt 30 năm công tác, bác sĩ Phạm Văn Ngà luôn sát cánh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là bác sĩ, ông có trách nhiệm phải sắp xếp lịch trình làm việc, ăn nghỉ của Đại tướng theo giờ giấc song chưa bao giờ Đại tướng nghỉ việc đúng giờ. Mỗi lần ông nhắc, Đại tướng thường khẽ năn nỉ ông cho xin thêm 10-15 phút nhưng quãng thời gian này thường kéo dài lên 3 tiếng.
Kỷ niệm ông nhớ khi đi Liên Xô năm 1973 là một chuyến đi "gay cấn". Đúng 30 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô tổ chức tiệc và đón Đại tướng đến dự nhân dịp sang thăm và làm việc nước bạn. Nhưng do làm việc quá sức nên ngay khi vừa đến, Đại tướng bị lịm xỉu, mặt tím tái. Mọi người từ cán bộ, nhân viên, đến con cái, gia đình đi cùng lo lắng. Sau 1 tiếng cấp cứu, Đại tướng lại dự tiệc bình thường.
"Mình đắng mồm đắng miệng, không ăn được gì cả thế mà ngay sau tối về, Đại tướng năn nỉ tôi: bất cứ giá nào đồng chí cũng phải cho tôi về ngay Việt Nam vì có đồng chí Fidel Castro sang thăm" - ông kể. Và trong tình huống sức khỏe của Đại tướng chưa ổn thỏa, ông lại xách va li theo Đại tướng về nước.
Ở trên máy bay, Đại tướng lại tiếp tục làm việc, không chợp mắt một phút cho đến khi về Hà Nội. Vừa về đến Hà Nội, ngay lập tức ông lại lên ô tô vào miền Nam gặp Fidel trong bối cảnh hai miền Nam - Bắc chiến tranh căng thẳng.
"Đại tướng đã làm gì say mê lắm, một ngày từ sáng đến tối chỉ có làm việc".
Vậy 30 năm ở gần, sau cùng, ông nhận thấy Tướng Giáplà người như thế nào?
"Ông là người rất dễ thương người, coi mọi người như anh em, không phân biệt, không tỏ thái độ mình là cán bộ cao cấp, bình đẳng, chuyện trò cởi mở. Tôi ở 30 năm thấy đó là con người đối xử anh em từ cấp dưỡng, cán bộ làm việc rất bình dị, thoải mái" - bác sĩ Ngà nói.
Nói đoạn, ông đọc bài thơ riêng dành cho Đại tướng:
"Văn võ song toàn mưu lược giỏi
Tài trí uyên thâm kế sách hay
Trận đánh Điên Biên ghi lịch sử
Chiến tích dư âm mãi ngàn thu".
Theo VNE
Người chết 15 năm trở về kể chuyện làm "đại ca" Cứ nhắc đến nhóm của Hiệu, các chủ bãi vàng lại run như cầy sấy. Tuy nhiên, đại ca vang danh một thời cũng có ngày trở về không nguyên vẹn. Bỏ nhà đi biệt tích từ năm 17 tuổi, không một lần nhắn tin về, gia đình Trần Văn Hiệu tưởng hắn đã chết. Một ngày, cả làng bàng hoàng khi thấy...