Nghề làm bánh lá Phù Lưu…
Quy trình sản xuất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức mà lợi nhuận chẳng đáng là bao, nghề làm bánh lá truyền thống ở xã Phù Lưu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang dần mai một theo thời gian.
Chị Thảo (thôn Thanh Lương – Phù Lưu) cho biết, nhà chồng chị đã ba đời làm nghề bánh lá. Ngày trước, ông bà, bố mẹ chồng chị làm nhiều loại bánh như bánh đúc, bánh nếp, bánh gói, bánh rán… 7 người con trong gia đình cũng được học nghề từ cha mẹ mình. Nghề làm bánh dù không giàu, nhưng người dân nơi đây cũng đủ sống và những đứa trẻ của làng vẫn lớn lên, học hành thành đạt từ những mẻ bánh của bà, của mẹ.
Nguyên liệu chủ yếu để làm ra các loại bánh lá là gạo tẻ, gạo nếp loại ngon.
Vào thời kỳ “hoàng kim” của nghề làm bánh, hai làng Thanh Hòa và Thanh Lương thậm thịch tiếng chày giã bột, thơm lừng mùi đậu xanh đồ chín. Từ 3h sáng, bếp củi đã đỏ lửa, những nồi bánh nghi ngút khói, tiếng nói cười rôm rả. Đàn ông, đàn bà và cả trẻ con cùng khuấy bột, làm nhân, gói bánh nhanh tay cho kịp buổi chợ sớm mai. Trời hửng sáng cũng là lúc những thúng bánh theo chân những người đàn bà trong làng ngược lên chợ Cồn (Thạch Mỹ), chợ Phủ (Thạch Châu), ra cảng cá (Thạch Kim), xuống làng muối Hộ Độ…
Ngày đó, bánh lá là thức quà không thể thiếu của trẻ con mỗi vùng quê khi ngóng mẹ đi chợ về. Vào những dịp lễ tết, ngày rằm, người dân còn đặt mua để cúng ông bà tổ tiên, làm quà biếu… Làm bánh lá ngày đấy không chỉ là một cái nghề để mưu sinh mà còn như một nét văn hóa truyền thống của làng.
Làm bánh lá phải qua nhiều công đoạn, trong đó, nhào bột là khâu quan trọng nhất.
Để làm ra những chiếc bánh đúc, bánh nếp dẻo ngon thì công sức, tâm huyết của người làm bánh bỏ ra không hề ít. Nhiều công đoạn đòi hỏi ở người làm bánh sự cầu kỳ, khéo léo, tinh tế, giàu kinh nghiệm.
Video đang HOT
Từ khâu chọn nguyên liệu đã thấy được sự công phu của nghề làm bánh lá. Gạo làm bánh phải chọn loại gạo tẻ thơm, dẻo đem ngâm 3-4 tiếng rồi xay thành bột, sau đó mới rây để lấy được thứ bột mịn đem nhào kỹ với nước. Công đoạn nhào bột cũng mất khá nhiều thời gian và đòi hỏi người làm phải căn cho đủ lượng nước vừa đủ. Nếu bột ướt, bánh sẽ bị nhão, vắt không thành hình và khi hấp chín sẽ bị vữa; bột khô thì bánh lại cứng, ăn không ngon.
Nhân bánh làm từ đậu xanh lòng vàng được đồ lên thật bở, xéo kỹ sao cho đậu vừa mềm, vừa quánh, viên thành từng viên nhỏ. Bánh sau khi gói trong lá chuối tươi sẽ được cho vào nồi gang hấp chín, ép kỹ rồi mới mang ra chợ bán.
Để làm ra các loại bánh lá, người làm phải thao tác thủ công, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng lợi nhuận lại chẳng đáng là bao.
Vất vả, kỳ công là vậy nhưng một chiếc bánh lá thành phẩm hiện nay chỉ có giá vài ba nghìn đồng, trừ chi phí thì gần như lấy công làm lãi chứ không đáng là bao.
Bà Tương – một người làm bánh ở thôn Thanh Lương than thở: “Giờ người ta có đủ thứ quà bánh, mấy ai ăn bánh đúc, bánh nếp nữa. Một ngày tôi chỉ làm ít cân gạo để có hàng mang ra chợ thôi chứ bán buôn chẳng được ăn thua chi”.
Bà nhẩm tính, 1 kg gạo làm ra được khoảng 20 chiếc bánh, cộng thêm những chi phí phát sinh khác thì một buổi chợ chỉ kiếm được 30 – 50 nghìn đồng. “Đấy là hôm đắt hàng, chứ có những buổi chợ bánh ế thì không những không có lãi mà còn lỗ vốn” – bà Tương chia sẻ.
Đã qua thời “hoàng kim”, hàng bánh lá vắng người mua
Nhà bà Tương, chị Thảo là số ít hộ còn làm bánh thường xuyên để đi chợ phiên, nhiều gia đình ở làng bao đời làm bánh nhưng giờ chỉ làm cầm chừng, buổi đực buổi cái hoặc có khách đặt hàng mới làm.
Ông Phan Văn Châu – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu (Lộc Hà) cho biết: “Hiện cả xã chỉ còn khoảng vài chục hộ theo nghề này nhưng quy mô rất nhỏ. Nghề làm các loại bánh lá yêu cầu thao tác thủ công nên tốn nhiều công sức, trong khi nhu cầu tiêu thụ không cao, lợi nhuận lại thấp nên không khuyến khích được bà con phát triển sản xuất. Những hộ còn duy trì được nghề chủ yếu là muốn giữ nghề gia truyền của cha ông như một sự lưu giữ nét văn hóa truyền thống chứ xét về giá trị kinh tế thì không lớn. Người dân cũng đã bắt đầu tìm những nghề phụ như bóc lạc nhân, phụ hồ… để kiếm thêm thu nhập”
Nước mắm - món quà của biển quê nhà
Làng tôi cách biển không xa nên bữa ăn hàng ngày có thể thiếu cá, thiếu thịt nhưng không thể thiếu nước mắm.
Ngày ngày, bất kể nắng hay mưa, những người phụ nữ của các làng làm nghề biển, chân trần vượt qua những con đường cát trắng dài lóa mắt đi bán nước mắm ở các làng quê làm ruộng lân cận. Tôi vẫn nhớ tên và cả gương mặt thân thiết của mụ Lựu, mụ Ninh, mụ Gái, mụ Móm...thường vô bán nước mắm cho trong xóm nhỏ của tôi. Nhớ cái giọng tự tin của mụ Ninh: " Nước mắm của nhà tui ngon đứng đụa!" (nghĩa là nước mắm của mụ nguyên chất, đặc quánh lại, bỏ dọc chiếc đũa vô là đứng được).
Một người bạn của tôi ở làng biển Mỹ Hòa, gia đình có truyền thống làm nghề nước mắm từ đời ông cố đã cho tôi biết về phương thức làm nước mắm cổ truyền. Theo bạn, nước mắm có thể chưng cất từ nhiều loại cá khác nhau như cá thu, cá nục hay cả con mực cũng có thể làm nước mắm được. Nhưng nước mắm cá cơm than là ngon nhất. Cá được chọn làm nước mắm là cá được đánh bắt trong đêm về, cá tươi, rời từng con. Tỷ lệ muối phù hợp khi muối với cá.
Trộn cá đều và cho vào chiếc lu sành đã rửa sạch. Muối từng lớp cá xong phải rải lớp muối nhỏ lên bề mặt cá để chống ruồi. Tầm sau 3 ngày rút nước bổi ra, bắt đầu dùng lưới chủ và vỉ tre gài nén cùng với đá cuội lớn. Để đá sao cho đều cân bằng. Phơi nước bổi khoảng 1 đến 2 ngày rồi đổ vào chum lại.Và cứ tiếp tục một tuần tiếp theo rút thêm 2 lần nữa phơi nắng, đậy kín một tháng sau để tạo men muối.
Sau một tháng đó sẽ rút nước bổi tuần một lần ra phơi nắng, đến khi cho ra nước mắm chín. Mắm nhĩ ra ở vòi nơi đáy chum sành. Để chọn là nước mắm ngon thì cá phải được ủ từ 18 tháng trở lên...
Quê tôi, mâm cúng kỵ có đủ món rồi mà chưa có chén nước mắm ớt đặt vô giữa mâm là chưa hào soạn... Nước mắm không ngon thì coi như mâm cỗ chưa ngon. Mà nước mắm có ngon hay không cũng phải theo tay người chế biến; không phải cứ cá nhiều là có nước mắm ngon. Bởi thế nước mắm ở quê hồi đó "thương hiệu" gắn liền với tên người làm ra nó. Cả làng tôi ai cũng công nhận là nước mắm mụ Lựu là ngon nhất xứ...
Những người làng sống ở xa mỗi lần về thăm quê vẫn tìm cho được vài lít nước mắm ngon của quê hương sản xuất theo phương thức cổ truyền để "lận lưng" mang theo chút hương vị quê nhà. Thầy giáo dạy Toán cấp 3 của tôi vẫn hay kể chuyện cũ: " Hồi những năm thập kỷ 1980, phòng mình có 3 người, nấu 5 lon gạo chan nước mắm mà ăn cũng sạch trơn nồi...". Câu chuyện của thầy không chỉ nói lên nỗi vất vả của những thầy cô về vùng quê dạy học trong những năm đất nước còn khó khăn mà qua đó còn cho thấy, vị và chất của nước mắm biển đã là một món ngon giúp cho thầy cô ấm cái bụng mà lên bục giảng...
Cảnh mấy mụ le te đến từng nhà bán nước mắm ở quê chừ không còn nữa. Mà mấy mụ bán nước mắm ngày trước chắc cũng đã về với biển cả hết rồi. Bây chừ muốn có một chai nước mắm ngon phải ra tận các làng ven biển tìm mấy nhà của người quen để mua.
Nước mắm ngày nay đã được sản xuất đại trà, đăng ký thương hiệu; nhưng sản xuất nhiều như rứa làm răng ngon được? Còn các loại nước chấm tương tự nước mắm lại không được sản xuất từ cá thì có nên gọi là nước mắm không? Vì nước mắm được tạo ra từ con mắm (cá, tôm, cua ... muối). Do đó, phải xem nước chấm là loại nước mắm giả, phải cương quyết không cho phép dùng tên nước mắm...
Viết đến đây mới nhớ chuyện đã thành giai thoại là có mấy bạn nhậu cứ làm một chén nước mắm đặc sệt ớt rồi rửa sạch mấy viên đá cuội để chắm làm mồi nhấm rượu. Nghe nói là cũng bắt mồi lắm...
Đường non thành đặc sản, lò đường thủ công thành điểm đến Món đường non dân dã đã thành đặc sản quà quê; lò đường thủ công nhọc nhằng, từ lúc nào đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm đầy thích thú. Bánh tráng nhúng đường non - ngọt thanh thức quà dân quê. Ảnh: Xuân Hậu Cứ Tháng Ba âm lịch, hàng ngày, người dân khắp vùng lại ghé nhà ông Trần...