Nghề giáo viên mầm non: “Quả ngọt” đến từ lòng kiên nhẫn và sự chắt chiu
Bàn tay nhà giáo để cầm phấn viết những dòng chữ mềm mại nhưng đối với giáo viên mầm non, bàn tay như chưa hề có phút ngơi nghỉ để chăm trẻ từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến dạy trẻ kiến thức, kỹ năng… Nhưng để cảm được “quả ngọt” từ nghề, các cô phải chắt chiu từng niềm vui, nỗi buồn.
Áp lực nghề giáo viên mầm non
Thời gian gần đây, có không ít trường hợp bạo hành trẻ mầm non diễn ra trên khắp cả nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần và thể chất của các em, lòng tin của các bậc phụ huynh. Hình ảnh về nghề cũng vì thế mà thay đổi theo chiều hướng không tốt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều cô giáo ngày đêm đến với bản làng xa xôi để dạy dỗ, chăm sóc các em nhỏ, miệt mài học hỏi, tìm kiếm và sáng tạo những tiết học hay. Sự cống hiến, tận tụy với nghề của những giáo viên mầm non tâm huyết vẫn đáng để trân trọng, đặc biệt khi áp lực và cường độ làm việc là rất lớn.
Một cây bị hư không phải cả khu rừng đều đáng chặt bỏ.
Một giáo viên đã có thâm niên 10 năm trong nghề tâm sự: “Có lẽ, ít ai hiểu và cảm nhận được nghề giáo viên mầm non – công việc thường được gọi là “ôsin có bằng cấp”. Giáo viên thường kiêm nhiệm đồng thời các vai trò: giáo viên, diễn viên, nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, thậm chí là lao công, tạp vụ… để chăm sóc lớp học hơn hai mươi học sinh”.
Họ không chỉ đa năng mà còn phải giỏi trong việc kiềm chế cảm xúc, kiên nhẫn trong giảng dạy, hiền từ và yêu thương. Trường mầm non được xem là môi trường giáo dục đầu tiên, trẻ ở độ búp măng là tương lai của xã hội. Giáo viên mầm non không chỉ là người truyền đạt nhận thức mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Hành động, lời nói, hình ảnh cô sẽ đi theo trẻ suốt cả chặng đường đời.
Trước khó khăn, thử thách trong cơ chế thị trường, đôi lúc các cô không khỏi nản lòng, mệt mỏi. Nhưng sau tất cả những điều đó, lý do gắn bó với nghề các cô luôn mỉm cười chia sẻ, đó chính là ánh mắt, nụ cười và sự tiến bộ mỗi ngày của các thiên thần nhỏ.
Niềm vui dạy học – động lực để các thầy cô vững bước trên sự nghiệp trồng người
Video đang HOT
Gia đình cô Nguyễn Thị Hiếu – Hiệu phó chuyên môn một trường mầm non tại TP.HCM, hiện có 3 chị em cùng là giáo viên của hệ thống TTC Preschool. Cô Hiếu chia sẻ: “Nghề giáo viên mầm non đong đầy niềm vui nhưng áp lực từ nhiều phía. Chính bản thân tôi, chị và em gái cũng chưa bao giờ nghĩ theo nghề được đến ngày hôm nay. Mỗi lần khó khăn, chị em động viên bằng những câu chuyện tích cực, kể với nhau về học sinh ngoan và chia sẻ lòng biết ơn khi phụ huynh đồng cảm”.
Niềm vui dạy học được các giáo viên yêu nghề nhìn nhận dưới nhiều góc độ.
Với cô Phạm Thị Oanh – giáo viên mầm non tại Đồng Nai, niềm vui dạy học được nhìn nhận dưới nhiều góc độ: niềm vui khi được dõi theo những thế hệ học trò mình được gắn bó, ngắm nhìn đôi mắt long lanh của trẻ thơ đầy khát vọng, say sưa nghe cô giảng bài;… “Đó còn là niềm vui khi nhìn thấy sự tiến bộ của các em và nét rạng rỡ của phụ huynh mỗi buổi đón con về. Bản thân tôi hạnh phúc khi nhận ra: Mỗi đứa trẻ là một thế giới riêng biệt là độc đáo. Với trẻ, không có gì là sai hoặc đúng, đúng – sai là do chúng ta định hướng”, cô Oanh nói thêm.
Việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ mầm non mang lại cho giáo viên rất nhiều trải nghiệm, cung bậc cảm xúc,… Trong những năm tháng đầu đời, được đồng hành cùng tuổi thơ để nuôi dưỡng cảm xúc chân thành, đáng yêu của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị đong đầy tình thương và bao dung của các cô. “Chưa từng làm mẹ nhưng em có một đàn con. Khi chưa sinh con, bao người gọi em là mẹ. Sao mà yêu thế, em nâng những búp tay thon. Vì yêu các con, em là cô giáo mầm non”. (bài hát Tâm tình cô giáo mầm non). Tình yêu thương với những đứa trẻ sẽ là động lực không nhỏ để các cô gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội cũng sẽ là điểm tựa quan trọng để các cô chinh phục nhiều trải nghiệm thú vị.
An Nhiên
Theo Dân trí
Giáo viên mầm non: Vừa dạy vừa làm cô nuôi
Để trẻ được ăn cơm trưa tại trường, nhiều giáo viên mầm non sau giờ học phải tranh thủ kiếm củi, nấu cơm canh. Riêng việc chuyên môn đã vất vả, những hy sinh của các cô để trẻ đi học đông đủ, bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục ở những vùng khó khăn của tỉnh Quảng Trị... - đó là trăn trở của bà Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị).
Sáng dạy học, trưa làm cấp dưỡng
Đi thực tế, lắng nghe ý kiến cử tri, băn khoăn lớn nhất của bà Hồ Thị Minh là chế độ tiền lương của giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng còn thấp. Nhất là các cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vì họ phải đi làm xa nhà ít là 10 km, nhiều là 80 đến 100 km, nên phải đi từ sáng sớm để kịp đón trẻ. Chưa kể, không ít cô giáo vừa phải thực hiện nhiệm vụ dạy dỗ, vừa đảm nhiệm việc nấu nướng, lo bữa ăn cho học trò. Nhà trường cũng phải vận dụng để sao cho các cô vừa đảm bảo công tác chuyên môn, vừa đảm đương tốt nhiệm vụ của cô nuôi, nhưng thực tế nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.
"Hiện nay, để huy động được trẻ đến trường, ngoài chế độ hỗ trợ của Chính phủ mỗi bữa trưa 5.000 đồng/học sinh, thì việc cô nuôi, chất lượng bữa ăn vẫn đang là vấn đề đối với vùng sâu, vùng xa của địa bàn Hướng Hóa. Như tại Trường Mầm non xã Hướng Linh - một xã thuộc vùng khó (135) - ngoài dạy thì cô giáo còn phải vào bếp nấu nướng cho trò. Thật xót xa khi chứng kiến không gian bếp vỏn vẹn chưa đầy 2 m2, đường đến trường thì lầy lội, thế nhưng các chế độ của các cô đang bị cắt giảm khi thực hiện lớp ghép ở khu vực trung tâm" - bà Hồ Thị Minh trăn trở.
Theo bà Hồ Thị Minh, muốn thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 về nâng cao chất lượng dân số, thì trẻ phải được ăn đủ chất dinh dưỡng. Vậy, nguồn hỗ trợ của Nhà nước cần rà soát, điều chỉnh sao cho phù hợp. Bởi trên thực tế, đời sống người dân những nơi này còn khó khăn nên chưa thể xã hội hóa; cô muốn có tiết dạy tốt phải có thời gian đầu tư chuyên môn, không thể vừa lo dạy, chăm cháu lại còn phải xắn tay vào bếp lo từng bữa ăn, không còn thời gian nghỉ ngơi.
"Mong muốn của tôi là Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ phải tính đến khung biên chế các chức danh cô nuôi cho vùng mà chưa thể, không thể xã hội hóa; đặc biệt là vùng đang được thực hiện các chế độ hỗ trợ của Chính phủ như 135, 116" - bà Hồ Thị Minh chia sẻ.
Cô trò Trường Mầm non xã Hướng Linh, Hướng Hóa, Quảng Trị
Mong chờ sự thay đổi
Theo quy định tại Điều 6, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BN, quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ nấu ăn như sau: Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Nếu theo Thông tư này, Quảng Trị cần tối thiểu 747 nhân viên nuôi dưỡng.
Một trong những khó khăn của giáo dục mầm non Quảng Trị hiện nay là đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế, văn phòng, nấu ăn còn thiếu; nguồn kinh phí để chi trả lương cho nhân viên dinh dưỡng hợp đồng thiếu ổn định, chưa bảo đảm, hợp đồng lao động mang tính tạm thời, mùa vụ nên nhân viên thiếu an tâm công tác, chất lượng lao động chưa cao.
Gian bếp chưa đầy 2m2 tại Trường Mầm non xã Hướng Linh
Trước thực tế này, bà Hồ Thị Minh cho biết, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã được UBND tỉnh giao xây dựng Đề án thực hiện chế độ chính sách cho cô nuôi trong các trường mầm non công lập tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2025. Đề án đang hoàn thiện để trình các cấp xem xét. Hy vọng, khi đề án được triển khai sẽ góp phần khắc phục khó khăn nói trên đối với giáo dục mầm non của địa phương.
Nói về chính sách, bà Hồ Thị Minh cũng nhắc đến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và nhấn mạnh: Dự thảo Luật nêu rõ, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi. Mục tiêu của giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp Một.
Đặc biệt, về chính sách phát triển giáo dục mầm non, theo dự thảo, Nhà nước chăm lo giáo dục mầm non, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
"Chính sách lâu nay không phải không có, nhưng chúng ta đang dàn trải, chưa chú ý đến nhóm đối tượng". Chia sẻ điều này, bà Hồ Thị Minh đồng thời cho rằng, dù vấn đề lương giáo viên không đưa vào Luật, nhưng theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sẽ sắp xếp lại thang bảng lương. Hy vọng, thang bảng lương của giáo viên sẽ được xếp vào thang hạng đặc biệt, để các thầy cô có thể yên tâm công tác.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
Bộ trưởng Giáo dục Italia: Giáng sinh là dành cho gia đình, không phải để làm bài về nhà Bộ trưởng Giáo dục Italia Marco Bussetti đã kêu gọi các trường học tại nước này không giao quá nhiều bài về nhà cho học sinh trong kỳ nghỉ Giáng Sinh, để các em có thể dành nhiều thời gian hơn với gia đình. Bộ Giáo dục Italia Marco Bussetti mới đây vừa gửi thông báo tới các trường học, yêu cầu giáo...