Nghệ An: Vượt hơn 250km mang áo ấm, quà đến với học sinh vùng lũ biên giới
Vượt qua chặng đường khoảng 260km từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến thị trấn Mường Xén, huyện biên giới Kỳ Sơn – đoàn thiện nguyện tiếp tục hành trình thêm 10km nữa để tặng quà cho các em học sinh xã Tà Cạ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tháng 8 vừa qua.
Cung đường vào Tà Cạ sau cơn bão đợt tháng 8 vừa qua đã bị hại nghiêm trọng, một bên đồi núi đất sạt lở lấp đường, một bên mép sông Nậm Mộ nước xoáy ăn sâu khiến cho cung đường này mất nhiều đoạn không thể lưu thông.
Đoàn gồm 15 thành viên của nhóm Niềm tin do ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An dẫn đầu trong niềm háo hức mau được đem những món quà nhỏ ý nghĩa đến với thầy trò Trường Tiểu học Tà Cạ.
Dù là xã có địa phận giáp với thị trấn Mường Xén, khoảng cách “đường chim bay” đến Trường Tiểu học Tà Cạ chỉ khoảng hơn 10km, nhưng đoàn xe đã đi mất gần 1h đồng hồ mới tới được trường này bởi cung đường này nằm cạnh sông Nậm Mộ mới bị cơn lũ lụt tháng 8 vừa qua tàn phá.
Cung đường vào xã Tà Cạ chỉ chưa đầy 10km nhưng phải di chuyển mất gần 1h đồng hồ mới tới địa điểm trường.
Điều đáng nói, con đường độc đạo này sau khi bị lũ chia cắt thông thương đã phải mất hơn 1 tháng trời ròng rã với sự huy động hàng ngàn ngày công của chính quyền huyện Kỳ Sơn mới thông được xe vào xã này.
Dù mới được thông tuyến, nhưng con đường nhỏ chạy ven sông vẫn chứa đầy hiểm trở khi còn đó những đoạn đường đất đá ngổn ngang, những hố trâu hố gà và đường vồng khoai gồ ghề, thi thoảng có những đoạn công nhân sửa đường phải nổ mìn xử lý sạt lở để tiếp tục thông đường…
Những chiếc xe chở các thành viên nhóm Niềm tin cùng 180 áo ấm và 100 triệu đồng tiền mặt làm quà tặng vẫn kiên cường lắc lư tiến về phía trước để mong mang những món quà kịp đến với thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Tà Cạ trong dịp vẫn còn “dư âm” không khí kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, trước đợt gió lạnh và rét đậm đầu tiên của mùa đông 2018 tại vùng rẻo cao biên giới Kỳ Sơn này.
Với sự chuẩn bị chu đáo của Phòng GD&ĐT, Trường Tiểu học Tà Cạ, buổi lễ trao quà của nhóm thiện nguyện Niềm tin được tổ chức trang trọng và ấm cúng.
Quang cảnh các em háo hức trong buổi trao quà.
Video đang HOT
“Đoàn chúng tôi đến nơi đã thấy quang cảnh và không khí chuẩn bị cho lễ trao quà chu đáo, trọng thị, 5 khối học sinh Trường Tiểu học Tà Cạ với 100% là học sinh người Khơ Mú đã xếp hàng ngay ngắn, hân hoan chào đón các vị khách quý.
Trước khi diễn ra nội dung tặng quà, thầy Phạm Viết Phúc – Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu chào mừng và cảm ơn, bày tỏ sự xúc động, phấn khởi khi được đón nhận tình cảm, sự quan tâm của nhóm thiện nguyện Niềm tin, của cộng đồng giành cho những người làm nhiệm vụ dạy học vùng đặc biệt khó khăn này”, một thành viên nhóm Niềm tin chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tặng áo ấm cho các em học sinh Trường Tiểu học Tà Cạ.
Các em học sinh Trường Tiểu học đón nhận áo ấm mùa đông của Nhóm Niềm tin.
Thay mặt nhóm Niềm tin, ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu và ghi nhận những nỗ lực và đóng góp về tâm huyết, công sức, trí tuệ của thầy cô giáo Trường Tiểu học Tà Cạ. Chia sẻ khó khăn thiếu thốn mà thầy trò nhà trường đang đối mặt, đồng thời động viên tập thể các thầy cô giáo và các em học sinh nỗ lực vượt qua để gặt hái nhiều thành tích tốt hơn nữa.
Dịp này, 177 học sinh của Trường Tiểu học Tà Cạ đã được nhận mỗi em một chiếc áo ấm mới do Tỉnh đoàn tài trợ, tổng trị giá áo ấm khoảng 20 triệu đồng (180 chiếc áo ấm đặt mua mới) và 100 triệu đồng do các thành viên nhóm Niềm tin vừa quyên góp, vừa kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ủng hộ tới thầy và trò nhà trường.
Nhóm Niềm tin đã đến thăm nơi ở bán trú, bếp ăn, phòng học, nơi sinh hoạt của các em học sinh Trường Tiểu học Tà Cạ.
Thầy Nguyễn Viết Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Cạ cho biết: Với số tiền 100 triệu đồng nhà trường sẽ dùng vào việc mua téc đựng nước ngọt dự trữ, máy lọc nước, 60 giường ngủ cho học sinh bán trú, cùng nhiều trang thiết bị dạy học mà nhà trường đang thiếu để phục vụ việc dạy học ngày càng chất lượng. Tất cả các chi tiêu đều đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Sau phần trao quà áo ấm và động viên, thăm hỏi học sinh, nhóm Niềm tin đã đến thăm nơi ở bán trú, bếp ăn, phòng học, nơi sinh hoạt, nơi tổ chức hoạt động dạy học, và dự buổi tọa đàm thân mật với hội đồng giáo viên nhà trường.
Nguyễn Duy
Theo Dân trí
Kim chỉ nam cho giáo dục tiểu học ở Tây Nguyên
Trong các năm học qua, các tỉnh trong vùng Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, chất lượng học tập và hiệu quả giáo dục đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có chuyển biến tích cực.
Cần có giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới của công cuộc thực hiện đổi mới, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần có những giải pháp căn cơ hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, từng bước rút ngắn sự chênh lệch về khoảng cách chất lượng đối với vùng thuận lợi và tiệm cận dần các chỉ số phát triển với các khu vực khác trên toàn quốc.
Nhìn thẳng vào thực tế
Hiện nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp được mở rộng đến tất cả các xã, phường, thị trấn, đến điểm lẻ tại các thôn/làng/buôn, về cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các DTTS trên địa bàn các tỉnh trong vùng. Đồng thời, trong vài năm gần đây, nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở các xã đặc biệt khó khăn được thành lập và mở rộng, nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em các dân tộc trên địa bàn các tỉnh học tập.
Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT quy định, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Thực hiện giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục điều chỉnh chương trình, nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học và phù hợp với đối tượng học sinh từng vùng, nhất là học sinh DTTS.
Trong vài năm học gần đây, các tỉnh trong khu vực đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học từng bước tiếp cận, lựa chọn và triển khai có hiệu quả các thành tố tích cực của các mô hình giáo dục tiên tiến, những phương pháp dạy học tích cực cũng như tăng cường các hoạt động thực hành vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn; chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn kĩ năng sống, hiểu biết xã hội cho học sinh...
"Tăng cường công tác truyền thông về các hoạt động của ngành GD nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng, nhất là gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến của cấp học để khích lệ các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh phấn đấu, vươn lên; để cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm."
Thầy Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum
Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới của công cuộc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên gặp phải không ít khó khăn trong việc đề ra các giải pháp nâng cao giáo dục, nhất là đối với giáo dục tiểu học.
Xét về tổng thể, nhiều nơi số lượng phòng học về cơ bản là đủ, nhưng số phòng học chưa đạt chuẩn, phòng học cấp 4 cả vùng tỉ lệ còn cao, có 19,7% phòng học chưa đạt chuẩn, 5,08% phòng học tạm (trong khi đó bình quân chung toàn quốc, số phòng học chưa đạt chuẩn tỉ lệ là 10,7%, phòng học tạm, tỉ lệ là 3,7%).
Số lượng phòng học chưa đủ học một ca nên số học sinh được học 2 buổi/ngày tỉ lệ còn thấp. Bình quân chung cả vùng tỉ lệ là 61,14% (toàn quốc tỉ lệ chung là 71,19%). Cụ thể đối với tỉnh Đắk Lắk: 74,33%; Lâm Đồng: 71,1%; Gia Lai: 59,12%; Đắk Nông: 51,18%; Kon Tum: 50,1%. Nhiều trường tiểu học còn thiếu thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học, thư viện, các phòng chức năng, phòng đa năng, phòng máy học Tin học, tiếng Anh. Nhiều công trình vệ sinh chưa có, hoặc xuống cấp, còn tạm bợ. Các nguồn nước sạch nhiều trường chưa có, hoặc còn thiếu chưa đáp ứng nhu cầu.
Học sinh dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 43,3%
Tìm giải pháp căn cơ
Để giáo dục tiểu học ở vùng Tây Nguyên phát triển bền vững, đáp ứng đúng mục tiêu của cấp học; đồng thời thực hiện đảm bảo mục tiêu Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, theo thầy Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, từng tỉnh trong vùng tiến hành rà soát, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục tiểu học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân đồng bào các dân tộc của cả vùng.
Học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn
Bên cạnh việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cần tạo điều kiện để các nhà giáo, cán bộ quản lý ở vùng này có nhà công vụ. Có chính sách của địa phương trong việc ưu tiên cấp đất làm nhà, đất sản xuất để giáo viên an tâm, bám trụ lâu dài tại địa phương nơi công tác.
Từng địa phương cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp trong việc nâng cao chất lượng học tập đối với học sinh DTTS bằng nhiều các giải pháp như: Điều chỉnh nội dung, chương trình dạy học, phù hợp với đối tượng học sinh; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Thực hiện chương trình tăng thời lượng môn Tiếng Việt; thường xuyên khảo sát, phân loại về kiến thức và kĩ năng của học sinh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch dạy học giãn tiết, dạy phụ đạo, dạy tăng cường đối với học sinh chưa đảm bảo kiến thức, kĩ năng. Quan tâm xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh ở lớp, ở trường, ở cộng đồng; chú trọng các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thực tiễn để gắn học với hành, kiến thức sách vở với thực tiễn.
Đại Khải
Theo giaoducthoidai
Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng tặng gần 500 áo ấm cho học sinh miền núi Với tinh thần sẻ chia với những khó khăn của học sinh vùng cao, ngày 16/10, thầy trò và hội phụ huynh trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng đã về thăm và tặng gần 500 áo ấm cho học sinh trường Tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông. Thực hiện chủ trương chung tay vì học sinh nghèo miền núi, từ...