Nghệ An: Vợ chồng thầy cô giáo nấu hàng trăm suất ăn sáng miễn phí cho học trò nghèo
Đã gần 2 tháng nay, đều đặn vào sáng thứ 3 hàng tuần, cửa hàng tạp hóa trước nhà vợ chồng thầy Lương Văn Bá (SN 1977), giáo viên môn Thể dục Trường THCS Dũng Hợp (xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) lại biến thành… quán ăn sáng.
Chỉ khác một điều, “khách” là học sinh nghèo từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn hai xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp và không phải trả tiền.
Vào thứ 3 hàng tuần, 250 suất ăn sáng miễn phí được trao tận tay các em học sinh nghèo 3 cấp học trên địa bàn 2 xã Nghĩa Dũng và Nghĩa Hợp (huyện Tân Kỳ, Nghệ An).
250 em học sinh tập trung từ sớm, đón nhận những suất ăn sáng, tự chọn chỗ ngồi, ăn ngon lành để kịp giờ lên lớp. Vợ thầy Bá – cô Phạm Thị Thêu (SN 1977, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Dũng Hợp) làm việc không ngơi tay để chuẩn bị từng suất ăn sáng, trao tận tay cho học sinh. Thầy Bá quán xuyến mọi việc, xem xét chỗ này, chỗ kia, hỏi han các em về thức ăn, nhắc nhở các em giữ trật tự và vệ sinh chung…
Cô Phạm Thị Thêu tự tay chuẩn bị 250 suất ăn sáng cho học sinh nghèo.
Trừ các chi phí nấu nướng, mỗi suất ăn trị giá 5.000 đồng nhưng luôn được thay đổi, đa dạng như bánh mì kẹp thịt, xôi giò, xôi trứng, mì tôm xào thịt… đảm bảo các em đủ no.
Để chuẩn bị cho 250 suất ăn sáng, vợ chồng thầy Bá phải chuẩn bị thực phẩm từ chiều hôm trước. Thực phẩm được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo các điều kiện chất lượng cũng như an toàn vệ sinh. Đợt này ở Nghệ An đang có dịch tả lợn châu Phi, dù xã Nghĩa Dũng không nằm trong vùng dịch nhưng để đảm bảo nguồn thực phẩm, thầy Bá mua lợn về tự làm thịt, trữ đông để nấu.
Thầy Lương Văn Bá chia sẻ về chương trình bữa sáng miễn phí dành cho học sinh nghèo.
4h giờ sáng, bếp bắt đầu đỏ lửa để nấu nướng. Hai vợ chồng thầy Bá phải làm việc không ngơi tay để 6h, những suất ăn nóng hổi đã sẵn sàng phục vụ học sinh. Bữa sáng chỉ kéo dài 45 phút, đảm bảo các em ăn đủ no để kịp giờ vào học.
Nói về bữa cơm sáng miễn phí này, thầy Lương Văn Bá tâm sự: “Hồi nhỏ, nhà tôi nghèo lắm, không có cơm sáng đâu. Buổi sáng, anh em chúng tôi phải ôm cái bụng rỗng đến trường. Ngồi học phải chống chọi với cơn đói cồn cào gan ruột. Nhiều hôm tan học phải hái đòng đòng ăn tạm cho qua cơn đói, lấy sức mà về nhà.
Bây giờ, dù điều kiện sống đã khác xưa nhưng vẫn có những em học sinh phải nhịn ăn sáng để đến trường, nhiều em, tiết Thể dục của tôi mà có em không đủ sức để chạy bền, thương lắm. Dù chưa phải là giàu có gì nhưng tôi muốn làm cái gì đó cho các em”.
Video đang HOT
Suất ăn trị giá 5.000 đồng nhưng đầy đủ dưỡng chất thực sự là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với các em học sinh nghèo.
Thương trò nghèo, thầy Bá vận động bạn bè và bàn với vợ nấu bữa sáng cho các em. Đề xuất của thầy nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của những người bạn, đặc biệt là anh Nguyễn Đàm Văn và cô Thêu – vợ thầy. Từ nguồn hỗ trợ tài chính của bạn, vợ chồng thầy Bá trích tiền lương và thời gian, công sức để tổ chức bữa ăn sáng cho học trò.
Thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết: “Hoạt động tổ chức bữa ăn sáng của vợ chồng thầy Lương Văn Bá, cô Phạm Thị Thêu rất đáng được ghi nhận. Có gần 100 học sinh Trường THCS Dũng Hợp được thụ hưởng chương trình này. Tuy mỗi tuần 1 bữa cơm nhưng đã động viên, khích lệ các em rất nhiều”.
Ngày 9/4, bữa sáng miễn phí đầu tiên cho học sinh nghèo trên địa bàn được triển khai. Phải nói đó thực sự là một ngày hội của các em học sinh nghèo bởi lẽ, thay vì những hôm phải mang bụng đói tới trường hay lót dạ bằng bát cơm nguội khô khốc, các em được ăn những suất ăn nóng hổi, thơm phức và đủ dưỡng chất cho hoạt động buổi sáng.
Đối tượng được thụ hưởng bữa ăn miễn phí là các em học sinh nghèo, biết vươn lên và có thành tích trong học tập được “chốt” danh sách từ các trường. 6 tuần qua, cứ vào sáng thứ 3, hai anh em Nguyễn Văn Cường (lớp 9A), Nguyễn Thanh Trà (lớp 8B), Trường THCS Dũng Hợp đi học sớm hơn thường lệ. Gia đình nghèo, bố mẹ đi làm đồng từ sớm, hai anh em nhiều hôm phải ăn cơm nguội chan nước mắm, mì tôm “suông”, thậm chí là phải nhịn đói đến trường.
Dù là miễn phí nhưng các em học sinh có nhiều sự lựa chọn với bánh mì thịt, xôi, mì tôm xào… đảm bảo đủ năng lượng cho hoạt động buổi sáng.
“Hôm em được ăn xôi, hôm được ăn bánh mì kẹp thịt, hôm ăn mì tôm xào… ngon lắm ạ”, Nguyễn Thanh Trà – cô học sinh giỏi Văn cấp huyện chia sẻ và ao ước, giá như sáng nào cũng được thưởng thức những suất mà em ví là “ngon như ăn cỗ” này.
Theo tính toán của thầy Bá, để tổ chức mỗi bữa ăn sáng, mức chí phí là 1,5 triệu đồng. Một năm học 35 tuần, tổng kinh phí để tổ chức bữa ăn sáng cho 250 em học sinh là hơn 52 triệu đồng. Với mức lương của hai vợ chồng, chi tiêu sinh hoạt và lo cho 2 con ăn học, để duy trì bếp ăn cho các em học sinh là điều không dễ dàng.
“Vì nguồn kinh phí có hạn nên cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của các em. Trong quá trình triển khai, cũng có phụ huynh không hiểu, cho rằng chúng tôi chưa công bằng vì nghĩ rằng chương trình này dành cho tất cả các em học sinh trong trường. Những điều đó khiến vợ chồng tôi hết sức áy náy nhưng sức mình có hạn. Biết là sẽ rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mỗi tuần 1 bữa sáng miễn phí cho các em trong năm học tiếp theo và cố gắng để càng nhiều em được hỗ trợ ăn sáng càng tốt” – thầy Bá tâm sự.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Nghệ An: Hàng nghìn người đội nắng lên chùa dự lễ khai bút đầu năm
Nắng nóng, đường dốc cao không ngăn được bước chân của hàng nghìn người ngược núi lên chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) dự lễ khai bút đầu năm. Hoạt động "lấy trí tuệ làm sự nghiệp" của người dân xứ Nghệ được tôn vinh trong hoạt động tổ chức hàng năm tại ngôi chùa này.
Lễ hội khai bút đầu năm tại chùa Đại Tuệ được tổ chức long trọng, trang nghiêm.
Sáng nay 9/2 (tức ngày mùng 5 Tết), tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) diễn ra Lễ hội Hoa đào - Khai bút cầu trí tuệ. Tham dự lễ hội có đại diện Ban tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Trưởng lão hòa thượng Thích Thanh Đàm - Đức Phó pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện nghi lễ khai ấn, khai bút đầu năm.
Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh nét truyền thống tốt đẹp của người dân xứ Nghệ là "lấy trí tuệ làm sự nghiệp". Mặc dù thời tiết nắng nóng, đường lên chùa quanh co, dốc đứng nhưng hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đã đổ về để tham dự lễ hội.
Ban tổ chức phát ấn cho du khách tham dự lễ hội.
Là hoạt động thường niên của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Lễ Khai bút đầu xuân được tổ chức tại chùa Đại Tuệ, thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ cũng như giáo dục con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Hàng nghìn người dân xếp hàng xin chữ đầu năm.
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Chủ trì chùa Đại Tuệ cho biết: "Khai bút đầu năm là một hoạt động gắn liền với tâm hồn minh triết và đời sống trí tuệ. Do đó, khai bút chính là gieo hạt giống trí tuệ trong mỗi chính ta vào dịp đầu năm với mong muốn hành động chín chắn để mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.
Mỗi người đến tham dự lễ hội khai bút đầu năm đều mong muốn có một năm mới bình an, may mắn, sức khỏe và tài lộc...
Lễ khai bút cầu trí tuệ hôm nay với mong muốn noi theo truyền thống hiếu học của cha ông, cố gắng tu dưỡng đạo đức thật tốt và niềm tin, nghị lực thật vũng mạnh cho một năm mới tốt đẹp hơn. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin và lòng tự hào đối với dân tộc bốn nghìn năm văn hiến, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống cả dân tộc. Đó là tài sản vô giá của dân tộc mà các thế hệ con cháu cần bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện tại và mai sau".
Lễ khai bút cầu quốc thái dân an tại chùa Đại Tuệ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là hoạt động tôn vinh người tài, khuyến khích sự học, phát huy truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.
"Thông qua hoạt động này, người Việt Nam nói chung và người Nghệ An nói riêng sẽ không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức để học tập và rèn luyện thành tài, góp sức xây dựng quê hương, đất nước".
Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên dãy núi Đại Huệ (xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An). Từ đây, phóng tầm mắt ra xung quanh có thể bao quát cảnh núi non hùng vĩ, cảnh sắc quê hương thanh bình. Hàng năm, vào dịp Tết, hàng vạn du khách hành hương tới đây lễ bái và vãn cảnh.
Sau phần nghi lễ, các vị tăng ni cao tuổi và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai bút, khai ấn, phát lộc bút, phát ấn cho phật tử và du khách thập phương. Tại khuôn viên của chùa, ban tổ chức cũng bố trí nhiều điểm viết chữ cho du khách. Hàng nghìn người dân xếp hàng trật tự để đến lượt xin chữ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: "Đầu năm, gia đình tôi lên chùa, trước hết là để cầu bình an, may mắn, mọi việc hanh thông. Tôi cũng xin chữ "Sức khỏe" ước muốn mọi người trong gia đình có một năm khỏe mạnh. Có sức khỏe là có tất cả".
Bất chấp nắng nóng, con đường kéo dài 7km quanh co, dốc đứng lên chùa chật như nêm bởi dòng người và phương tiện đổ về chùa trong ngày khai bút đầu năm. Tình trạng tắc nghẽn giao thông đã xảy ra khiến lực lượng chức năng phải cấm ô tô lên chùa ở một số thời điểm.
Năm nào anh Nguyễn Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng lên chùa Đại Tuệ để thắp hương cầu bình an cho cả gia đình và vãn cảnh chùa. "Từ trên đỉnh núi Đại Huệ, phóng tầm mắt ra xung quanh, được ngắm mây bay, đồng ruộng xanh mướt, làng mạc trù phú... tất cả tạo nên một cảnh trí nên thơ, no ấm và bình yên. Tôi đến lễ hội khai bút cũng xin chữ An, cầu mong một năm mới an yên đến với gia đình mình và đến với mọi nhà".
Ngoài Lễ Khai bút, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại chùa Đại Tuệ còn diễn ra các hoạt động như Lễ hội Hoa đào, Lễ hội Khai ấn, Lễ hội Hương sen Xứ Nghệ... dự kiến thu hút hàng vạn du khách.
Hoàng Lam
Theo Dân trí
Tặng sách khai lộc tri thức tại "ngôi nhà trí tuệ" ở Nghệ An Chiều ngày 8/2, (tức mồng 4 tết ) tại "Ngôi nhà trí tuệ" xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, và xã Hoa Thành, huyện Yên Thành tổ chức tặng sách - khai lộc tri thức cho học sinh. Nhân dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi, chương trình "Tủ sách nhân ái' và "Ngôi nhà trí tuệ" xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương đã...