Nghệ An: Vì sao thiếu giáo viên tiếng Anh nhưng vẫn khó tuyển dụng?
Nhiều năm nay, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nhưng, để tuyển được giáo viên Tiếng Anh lại không dễ dàng khi có quá nhiều tiêu chí gây khó. Đây là thực tế đang diễn ra tại huyện Nam Đàn và một số huyện miền núi của tỉnh.
Mòn mỏi chờ được tuyển dụng
Trường Tiểu học Hoàng Trù (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) hiện đã là trường chuẩn mức độ 2. Thế nhưng, hai năm trở lại đây, mỗi lần nhắc đến việc dạy Tiếng Anh ở nhà trường, cô giáo Vương Thị Liên – hiệu trưởng nhà trường đều hết sức trăn trở.
Mặc dù đã là trường chuẩn quốc gia nhưng Trường Tiểu học Hoàng Trù chưa có giáo viên Tiếng Anh và phải hợp đồng thỉnh giảng. Ảnh: Mỹ Hà
Năm học trước, dù nguyện vọng phụ huynh nhà trường rất tha thiết cho con học Tiếng Anh nhưng do nhà trường không có biên chế giáo viên Tiếng Anh, giáo viên hợp đồng thỉnh giảng lại không có cơ chế thu thêm tiền để chi trả nên trường chỉ dạy Tiếng Anh được 2 tháng đầu năm và 2 tháng cuối năm. Thời gian còn lại, học sinh của trường không được học tiếng Anh dù trường đã được trang bị đầy đủ phòng học Tiếng Anh theo tiêu chuẩn.
Năm học này, việc dạy và học Tiếng Anh của nhà trường đã trở lại bình thường sau khi nhà trường đã hợp đồng thỉnh giảng được 2 giáo viên Tiếng Anh. Điều đáng nói, gọi là hợp đồng nhưng thực chất hai cô giáo này đều là giáo viên “cũ” của nhà trường, trong đó có người đã dạy 9 năm, người ít hơn thì đã 6 năm và đều được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao về năng lực.
Trong đó, riêng cô Nguyễn Thị Kim Liên đã từng là giáo viên hợp đồng của huyện, sau đó chuyển sang hợp đồng ngắn hạn (ký một năm) và nay lại là hợp đồng thỉnh giảng (trả lương theo số tiết thực dạy) của nhà trường. Cô Kim Liên cũng đã từng được chọn là giáo viên cốt cán của huyện môn Tiếng Anh.
Liên quan đến giáo viên Tiếng Anh, sau hơn 5 năm gián đoạn, năm nay huyện Nam Đàn đã được UBND tỉnh phê duyệt 15 chỉ tiêu Tiếng Anh dành cho giáo viên tiểu học. Sau khi nhận được thông tin này, cô giáo Kim Liên và gần 10 giáo viên khác đang hợp đồng tại các nhà trường đều rất vui mừng. Tuy nhiên, đến khi xem các điều kiện để nạp hồ sơ thì rất nhiều người không đủ tiêu chuẩn theo như các tiêu chí đề ra.
Tiếng Anh luôn là tiết học đem lại sự hào hứng cho học trò. Ảnh: Mỹ Hà
Cụ thể, theo như kế hoạch tuyển dụng mà huyện Nam Đàn đưa ra trong năm nay thì giáo viên Tiếng Anh phải có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm Tiếng Anh, có trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương; có một trong các chứng chỉ trình độ ngoại ngữ thứ 2 đạt bậc 1 theo quy định của Thông tư số 01/2014/TT – BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ theo quy định…
“Khi biết huyện có chỉ tiêu tôi rất mừng. Nhưng nếu so với các tiêu chí thì tôi chưa đạt bởi tôi chỉ tốt nghiệp khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Vinh và học thêm chứng chỉ sư phạm. Bây giờ hội đồng tuyển dụng yêu cầu tôi phải có bằng Đại học sư phạm thì mới xét tuyển thì thực sự quá khó vì tôi đã ngoài 30 tuổi. Còn về trình độ, kỹ năng sư phạm tôi nghĩ mình đủ tiêu chuẩn vì tôi đã có gần 10 năm kinh nghiệm và cũng đã được phụ huynh, học sinh và giáo viên ghi nhận”.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên – Nam Đàn
Video đang HOT
Thừa chỉ tiêu nhưng “khan hiếm” ứng tuyển
Trên toàn huyện Nam Đàn hiện đang thiếu khoảng 20 giáo viên tiếng Anh ở các nhà trường, chủ yếu là bậc tiểu học. Điều này, gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học và cũng đã ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng dạy và học ở các nhà trường.
Như trên địa bàn xã Kim Liên, hiện xã có 2 trường tiểu học. Năm học 2018 – 2019, Trường Tiểu học Hoàng Trù dạy chương trình Tiếng Anh tự chọn, trong khi đó Tiểu học làng Sen lại dạy chương trình 10 năm. Vì hai đối tượng học sinh khác nhau, nên năm học này khi học sinh lớp 5 lên lớp 6 ở Trường THCS Kim Liên, nhà trường không biết dạy chương trình nào cho hợp lý trong 2 chương trình Tiếng Anh 7 năm và Tiếng Anh 10 năm.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Lê Mao – Thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà
Sau này, để đảm bảo đúng như kế hoạch triển khai, hiệu trưởng nhà trường quyết định cho học sinh học theo chương trình 10 năm (học liên tục từ lớp 3 đến lớp 10). Với số học sinh học đuối hơn đến từ Trường Tiểu học Hoàng Trù, nhà trường phải cử thêm giáo viên và dành thêm thời gian để bồi dưỡng thêm cho các em vào các buổi chiều.
Thực tế trên cũng diễn ra ở nhiều trường học khác vì hiện nay 100% các trường THCS ở huyện Nam Đàn đều dạy chương trình 10 năm. Trong khi đó, số trường tiểu học dạy chương trình này chỉ mới 3 trường và nguyên nhân chủ yếu là do thiếu giáo viên. Hiện, trong số 45 giáo viên tiểu học thì chỉ có 12 giáo viên thuộc diện biên chế, còn lại là hợp đồng hoặc hợp đồng thỉnh giảng.
“Sau hơn một tuần triển khai tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, chúng tôi chỉ mới nhận được 3 hồ sơ của các ứng viên trong khi chỉ tiêu đưa ra là 15. Tôi cũng đã nhận được một số phản hồi từ phía giáo viên và các nhà trường nhưng việc xây dựng các tiêu chí là dựa trên các văn bản quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các văn bản liên quan và chúng tôi không làm trái quy định…”.
ông Lê Sỹ Kiệt – Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn
Xung quanh việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh năm nay, những ngày qua giáo viên trong huyện đang còn nhiều ý kiến xung quanh việc phải có chứng chỉ B2 và tương đương. Tuy nhiên, việc cấp chứng chỉ này hiện đang thực hiện theo hai hình thức: Chứng chỉ B2 quốc tế (do Cambridge English khảo thí và cấp chứng chỉ) và chứng chỉ B2 nội bộ (do 1 trong 8 trường đại học trong nước được phép cấp theo quy định của Bộ).
Trong khi đó, kế hoạch tuyển dụng của huyện Nam Đàn lại đang chung chung, chưa rõ ràng. Vì thế, nhiều giáo viên lo ngại, dù thời điểm này Hội đồng tuyển dụng của huyện vẫn nhận hồ sơ với những ứng viên có chứng chỉ B2 nội bộ nhưng họ không chắc chắn có được qua vòng sơ tuyển để bước vào thi tuyển hay không.
Trước đó, việc tuyển dụng giáo viên mầm non của huyện Nam Đàn cũng gặp nhiều khó khăn xung quanh việc phải có đủ chứng chỉ Tiếng Anh và chứng chỉ Tin học. Và trên thực tế, dù huyện có đến 27 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng cuối cùng chỉ tuyển được 2 giáo viên vì không đủ hồ sơ theo đúng như tiêu chí đưa ra.
Chỉ một vài trường học ở Kỳ Sơn được học tiếng Anh vì thiếu giáo viên. Ảnh: Mỹ Hà
Về việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, qua tìm hiểu một số huyện cũng đang gặp những khó khăn tương tự vì thiếu hồ sơ. Như huyện Kỳ Sơn, những năm gần đây, năm nào huyện cũng có chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh nhưng đều không tìm được giáo viên. Ở huyện Tương Dương, ông Kha Văn Lập, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng cho biết: “Chưa năm nào chúng tôi tuyển đủ chỉ tiêu Tiếng Anh vì quy định có bằng B2 là quá khó với nhiều giáo viên. Trong khi đó, giáo viên trẻ lại không mặn mà khi lên dạy miền núi”.
Tại huyện Con Cuông, qua thực tế một số năm tuyển dụng với những tiêu chí tương tự, hiện huyện đã xin ý kiến các cấp và Sở Nội vụ để thay đổi một số quy định như không cần phải giáo viên có chứng chỉ B2 quốc tế, giáo viên cũng không cần có chứng chỉ ngoại ngữ 2.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện cho biết: “Như năm nay, chúng tôi có 5 chỉ tiêu và cũng chỉ nhận được 5 hồ sơ. Quan điểm của huyện trong tuyển dụng là phải đúng các quy định nhưng không làm khó cho các ứng viên. Một số văn bằng, chứng chỉ nếu không thực sự cần thiết thì huyện sẽ không yêu cầu vì có thể dễ nảy sinh tiêu cực, thậm chí là làm đối phó. Quan trọng nhất là năng lực của giáo viên và kết quả giảng dạy ở các nhà trường”.
Theo baonghean
Hà Tĩnh: Giáo viên chạy "sô", 2.000 học sinh vẫn 'thất học' tiếng Anh
Vào học hơn 1 tháng song gần 2.000 học sinh khối lớp 3 ở huyện miền núi huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) chưa được học môn tiếng Anh theo chương trình của Bộ GD&ĐT vì không đủ giáo viên.
Một cô dạy nhiều trường
Thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở huyện Hương Khê đã diễn ra từ 4 năm trước. Năm học 2019-2020, huyện thiếu đến 19 giáo viên tiếng Anh, giải pháp trước mắt là điều động giáo viên định biên trường này kiêm dạy tăng cường trường kia.
Cô Phan Thị Quế, giáo viên tiếng Anh của trường Tiểu học Hương Long, vượt hàng chục km để vào dạy tăng cường ở trường Tiểu học Hương Liên
Cô giáo Phan Thị Quế thuộc biên chế trường Tiểu học Hương Long. Ngoài dạy ở trường này, mỗi tuần một ngày cô phải chạy xe máy hơn 30km để vào điểm trường Tiểu học xã Hương Liên dạy tăng cường.
"Ở trường Hương Long mỗi tuần tôi dạy 24 tiết/tuần, cộng thêm điều động dạy tăng cường 6 tiết/ tuần ở trường Tiểu học Hương Liên cách điểm trường được biên chế hàng chục km", cô Quế cho biết.
Theo quy định, giáo viên tiếng Anh quản lý phòng chức năng sẽ được giảm 3 tiết/tuần song giáo viên ở huyện Hương Khê không ai được giảm tiết. Thực trạng chung nên anh em giáo viên bộ môn tiếng Anh ở đây ai cũng dạy vượt tiết, dạy ở nhiều điểm trường.
Cũng tình trạng như cô Quế, cô Trần Thị Hải là giáo viên biên chế nhiều năm ở trường Tiểu học Phúc Đồng, có ngày chị Hải chạy "show" thêm 2 điểm trường ở Tiểu học Hương Trạch (trường hai cơ sở) mới hoàn thành được công việc chuyên môn.
Giáo viên biên chế môn tiếng Anh ở huyện Hương Khê phải dạy liên trường
Cô Hải thông tin, mặc dù giáo viên bộ môn tiếng Anh đã tăng cường dạy ở các điểm trường song chỉ đáp ứng cho học sinh khối 4, khối 5 còn học sinh khối 3 chưa được học vì thiếu giáo viên trầm trọng.
Lý giải cho việc này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, ông Trần Đình Hùng cho biết: "Theo kế hoạch năm học 2019-2020 mức định biên giáo viên tiếng Anh UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho huyện Hương Khê được duyệt 33 giáo viên nhưng hiện tai toàn huyện chỉ có 14 giáo viên nên còn thiếu 19 người. 8 trường tiểu học trên địa bàn không có giáo viên tiếng Anh, gần 2000 học sinh khối 3 chưa được học tiếng Anh".
Gần 2.000 học sinh khối 3 "thất học" tiếng Anh
Thực trạng này diễn ra ở các trường tiểu học trên toàn huyện Hương Khê khiến phụ huynh có con đang học lớp 3 lo lắng và bức xúc, khi con em mình chưa được học tập môn tiếng Anh theo quy định.
Một phụ huynh giấu tên nói: "Con tôi đang học ở trường thị trấn, đầu năm học nhà trường nói là do không có giáo viên dạy tiếng Anh nên năm nay lớp 3 không học môn này. Khi nhà trường thông báo, ai cũng phản ứng gay gắt bởi đây là môn học quy định nếu không học chương trình ở lớp 3 thì lên lớp 4, 5 các con sẽ học thế nào? và sẽ thiệt thòi hơn các học sinh vùng khác".
Gần 2000 học sinh khối 3 ở huyện Hương Khê thất học môn tiếng Anh
Ông Trần Trung Bộ, hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Hương Khê chia sẻ: Khối lớp 3 của trường có 236 em, khi không đủ giáo viên định biên tiếng Anh để dạy cho các học sinh lớp 3 ai cũng lo lắng chất lượng học sinh. Đầu năm học, trường có kế hoạch thu xã hội hóa để hợp đồng môn tiếng Anh dạy các em khối 3, song phải dừng vì làm trái quy định
Còn ông Đậu Văn Duẫn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Liên thì cho biết: Trường không có giáo viên dạy tiếng Anh, đầu năm học trường được tăng cường từ 2 giáo viên ở trường Tiểu học Hương Long và Hương Giang sang dạy song chỉ có khối 4 và khối 5 được học còn khối 3 các em vẫn chưa được học".
Ông Duẫn nói thêm, thực trạng chung của toàn huyện Hương Khê, khi việc đắp đổi giáo viên chỉ đảm bảo đủ cho học sinh khối 4 học 4 tiết/tuần, học sinh khối 5 học 2 tiết/ tuần. Còn hơn 2000 học sinh khối 3 chưa được tiếp cận với môn tiếng Anh một môn học chính khóa.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê nhấn mạnh: Phải đủ 33 giáo viên để thực hiện theo đề án 4 tiết/ tuần đối với học sinh khối 3,4, 5, khi toàn huyện các khối này có 177 lớp với 5200.000 học sinh,theo quy định mỗi tuần dạy đủ 708 tiết dạy.
"Phòng, huyện đã nhiều lần làm tờ trình, kêu thực trạng song trong đợt bổ sung biên chế cho bậc tiểu học vừa qua không có giáo viên cho huyện Hương Khê. Hiện tại, ngoài việc tiếp túc kiến nghị, huyện chỉ có giải pháp tăng cường giáo viên dạy liên trường và phải chấp nhận dạy thừa tiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế", ông Hùng nói.
Đậu Tình
Theo vietnamnet
TP.HCM: Đẩy mạnh dạy học chương trình tiếng Anh tăng cường trong các trường trung học Sở GD&ĐT TP.HCM vừa có văn bản về hướng dẫn tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường trong các trường trung học trên địa bàn từ năm học 2019-2020 Ảnh minh họa Theo đó, về thời lượng và nội dung dạy học chương trình tiếng Anh tăng cường, Sở lưu ý các trường tổ chức cho học sinh học tiếng Anh 8...