Nghệ An: Hơn 1000 giáo viên dôi dư trước năm học mới
Hơn 1000 giáo viên ở Nghệ An bị dôi dư trước thềm năm học mới 2018 – 2019 dẫn đến những nghịch lý gây khó khăn cho các nhà trường trong bố trí sắp xếp trường lớp…
Năm học 2018 – 2019, theo kế hoạch đã được phê duyệt, các trường học trên địa bàn Nghệ An phải giảm 180 lớp so với năm học trước.
Cộng thêm 203 lớp phải giảm so với năm học 2017 – 2018 sẽ kéo theo một số lượng lớn giáo viên rơi vào diện dư thừa; ước tính lên đến hàng trăm giáo viên.
Học sinh Trường THCS Tiến Thiết (Nghi Lộc). Ảnh: MH
Giảm lớp cũng là nguyên nhân khiến việc giải quyết bài toán dôi dư của Nghệ An càng thêm khó khăn. Vì thế, dù trong những năm qua, tỉnh đã có chủ trương điều giáo viên ở bậc THCS xuống dạy ở bậc mầm non, bồi dưỡng hoặc đào tạo lại để chuyển đổi bộ môn, bố trí lại nhiệm vụ công tác phù hợp nhưng dôi dư vẫn hoàn dôi dư.
Video đang HOT
Hiện, qua tổng hợp, toàn tỉnh vẫn còn 1.089 giáo viên thuộc diện dôi dư, tập trung ở bậc THCS và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, địa phương có số lượng giáo viên dôi dư nhiều nhất là Diễn Châu với 219 giáo viên (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu giao của cả huyện). Xếp sau Diễn Châu là Yên Thành với 165 giáo viên (15,83%), Thanh Chương với 132 giáo viên (14,23%), Đô Lương với 89 giáo viên, Anh Sơn với 69 giáo viên. Số giáo viên dôi dư còn lại tập trung ở các địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Tân Kỳ, Hưng Lộc…
Đặc biệt, một số huyện miền núi, trước đây về cơ bản đã bố trí đủ giáo viên nhưng nay cũng đã dôi dư như Kỳ Sơn (34 giáo viên), Quế Phong (19 giáo viên), Con Cuông (9 giáo viên), Tương Dương (6 giáo viên) và Nghĩa Đàn (31 giáo viên).
Riêng 3 đơn vị là TP. Vinh, hai huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu không còn tình trạng dôi dư giáo viên.
Toàn tỉnh hiện cũng đang còn 370 giáo viên hợp đồng theo diện hợp đồng của huyện; có nhiều giáo viên đã công tác nhiều năm nhưng vẫn đang chấp nhận dạy học với mức lương cơ bản, không tăng lương trong nhiều năm, mức đóng bảo hiểm của họ cũng rất thấp, thấp nhất theo quy định của BHXH. Địa phương có nhiều giáo viên hợp đồng là huyện Đô Lương với 89 người.
Nhiều lớp học ở TP. Vinh quá tải so với quy định. Ảnh: MH
Trước yêu cầu phải giảm lớp nên hầu hết các trường đều phải dồn lớp và nâng sĩ số so với các năm học trước. Điều này, lại xảy ra một nghịch lý, đó là nhiều trường thừa phòng học, thừa giáo viên nhưng sĩ số lớp lại tăng. Đây cũng là khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp lớp học trong năm học mới vì đa phần các phòng học trước đây đều xây nhỏ, không đủ để sắp xếp bàn ghế.
Về phía giáo viên, vì không đủ số tiết đứng lớp nên phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ, dạy chéo môn, xuất hiện tình trạng giáo viên dạy Toán, Ngữ văn phải kiêm nhiệm thêm dạy Mỹ thuật, Âm nhạc. Một số địa phương, buộc phải luân chuyển giáo viên xuống dạy mầm non hoặc tiểu học gây bức xúc trong đội ngũ giáo viên và các nhà trường.
Mỹ Hà
Theo baonghean.vn
ĐH Huflit: Cán bộ, giáo viên, sinh viên đặt dấu hỏi về bằng cấp của hiệu trưởng
Vì cán bộ, giáo viên, sinh viên đặt dấu hỏi về bằng cấp hiệu trưởng, Hội đồng quản trị (HĐQT) đề nghị hiệu trưởng làm thủ tục công nhận bằng cấp.
Trường đại học Ngoại ngữ - tin học TP.HCM - WEBSITE NHÀ TRƯỜNG
Ngày 12.8, ông Nguyễn Hồng Tuyên, Phó Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (Huflit) xác nhận mình vừa ký văn bản gửi đến các đơn vị trong trường. Theo đó, HĐQT cho biết hiện nay dư luận trong cán bộ, giảng viên, chuyên viên và sinh viên quan tâm về tiến sĩ Trần Quang Nam, hiệu trưởng nhà trường. HĐQT đã xem xét và đề nghị ông Nam làm thủ tục công nhận văn bằng.
Trước đó, Báo Thanh Niên cũng nhận được đơn tố cáo của một cán bộ công nhân viên trong trường. Theo ông K., người tố cáo, ông Trần Quang Nam được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH Huflit từ 1.3.2016. Theo lý lịch khoa học của ông Trần Quang Nam tại trường, từ năm 2000 - 2002, ông Nam học thạc sĩ quản trị kinh doanh hệ chính quy tại trường Southern California University (năm 2007 đổi tên thành California Southern University). Ông Nam cũng theo học tiến sĩ hệ chính quy tập trung do trường Business School Lausanne (Thụy Sỹ) cấp bằng.
Ngay sau đó, nội bộ nhà trường đã băn khoăn về tính "hợp pháp" của tấm bằng thạc sĩ và tiến sĩ của ông Nam đồng thời đề nghị vị hiệu trưởng này phải nhanh chóng minh bạch mọi thông tin liên quan các bằng cấp của mình. Theo Quy định của Luật Giáo dục Đại học năm 2012, Điều lệ trường Đại học năm 2014, hiệu trưởng trường ĐH có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài thì phải được cơ quan chức năng thuộc Bộ GD-ĐT công nhận.Tuy nhiên, bằng cấp của ông Nam chưa qua bước thẩm định này.
Ông Tuyên cũng cho biết vấn đề này là do trường làm thủ tục chậm trễ chứ không liên quan đến chuyện gì khác.
Ngày 10.8, ông Huỳnh Thế Cuộc, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng đã ký văn bản thu hồi quyết định ủy quyền cho ông Nam ký duyệt các khoản chi về tài chính.
Trong khi đó, chúng tôi đã liên hệ với tiến sĩ Trần Quang Nam nhưng ông chưa đưa ra ý kiến gì về vụ việc này.
Theo thanhnien.vn
Nhồi 70 học sinh tiểu học vào một lớp, giáo viên dạy thế nào? Nhiều trường tiểu học ở Hà Nội có sĩ số lên tới 70 em/lớp là việc không mới, nhưng với số lượng học sinh mỗi lớp đông tới vậy, liệu giáo viên có thể theo sát việc học của các em? Theo vtc.vn