Nghệ An đang ‘thừa’ 1.000 giáo viên
Đó là con số được đưa ra tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2018 – 2019 do Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi- Giám đốc SỞ GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết từ năm 2015 đến nay, ngành Giáo dục Nghệ An đã tinh giản được 1.800 cán bộ, giáo viên.
Quang cảnh buổi họp báo triển khai nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2018-2019.
Những ngày qua và hiện nay tại các huyện miền núi Nghệ An đang xảy ra lũ lụt khiến nhiều trường học bị ngập, hư hỏng, học sinh đến trường sẽ gặp khó khăn. Do đó, cần sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ học sinh và các trường học bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, mưa lũ.
Trả lời câu hỏi về việc có một số huyện ở Nghệ An thừa giáo viên THCS nên đã thuyên chuyển giáo viên THCS xuống dạy bậc tiểu học, giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng: “Vấn đề luân chuyển giáo viên, thuyên chuyển, điều động giáo viên, theo quan điểm của Sở GD&ĐT Nghệ An là cần thiết và đúng.
Xét về việc đáp ứng các tiêu chí, đối với giáo viên bậc tiểu học thì chuẩn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp là từ trung cấp sư phạm trở lên. Tuy nhiên, khi luân chuyển, thuyên chuyển phải tuân thủ các quy định của các cấp có thẩm quyền, theo nguyên tắc chung, đảm bảo nguyện vọng cá nhân và cân đối đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Video đang HOT
Trong quá trình thực hiện chuyển giáo viên THCS xuống dạy bậc tiểu học, một số huyện thiếu sự công bằng khách quan. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, cấp quản lý để giải quyết vấn đề trên. Hiện Nghệ An có hơn 1.000 giáo viên dôi dư, trong đó chủ yếu ở bậc THCS do số lượng học sinh giảm.
ĐẮC LAM
Theo plo.vn
Luân chuyển giáo viên từ THCS xuống Tiểu học: Hết giải pháp để xử lý thừa, thiếu giáo viên cục bộ?
Đầu năm học 2018 - 2019, huyện Diễn Châu (Nghệ An) điều chuyển 109 giáo viên THCS chuyên môn Ngữ văn và Toán xuống bậc tiểu học. Việc điều chuyển có phần bất ngờ này được Phòng GD&ĐT lý giải là giải pháp duy nhất, nhưng nhiều giáo viên vẫn tỏ ra bức xúc.
Giờ học tại Trường Tiểu học Diễn Ngọc, Diễn Châu, Nghệ An
Nhiều giáo viên thấy không thỏa đáng
Đầu năm 2018 - 2019, cô Tr.T.H. (GV Trường THCS Diễn Trung) nhận thông báo nằm trong danh sách luân chuyển xuống dạy tiểu học. Cô giáo có kinh nghiệm hơn 20 năm giảng dạy chia sẻ: Việc luân chuyển là cấp trên phân công như vậy. Nhưng nhiều người không hiểu hoặc cho rằng cô dạy không tốt, yếu kém mới bị luân chuyển như thế. Điều này khiến cho cả cô và gia đình rất buồn, mặc cảm, tự ti.
Trên toàn huyện Diễn Châu có 109 giáo viên luân chuyển, chuyên môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, một số trường hợp nằm trong diện kỷ luật (sinh con thứ 3); hoặc xếp loại không đạt 2 năm xuất sắc đối với môn Ngữ văn và một năm xuất sắc đối với Toán.
Tuy nhiên, các giáo viên này cho rằng, tiêu chí để xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học qua còn thiếu rõ ràng. Một giáo viên bị luân chuyển cho biết: Năm học trước cô không có sáng kiến kinh nghiệm nên không đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà xuống loại khá. Vì vậy, năm nay bị luân chuyển. Nhưng một năm trước, Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, đã bỏ tiêu chí này.
Lý giải về việc luân chuyển giáo viên, ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu - cho biết: Hiện toàn huyện thừa 213 giáo viên THCS, nhưng thiếu 123 giáo viên tiểu học và 210 giáo viên mầm non. Hơn 10 năm nay, ngành Giáo dục huyện không được nhận thêm bất cứ 1 biên chế nào. Ngay cả việc hợp đồng giáo viên cũng không được phép.
Nếu chuyển số biên chế giáo viên dôi dư sang làm nhân viên lại càng không hợp lý, hoặc nếu để nguyên như vậy, số tiết mỗi tuần của giáo viên không đủ. Vì thế, chuyển giáo viên dôi dư ở bậc THCS xuống bậc tiểu học là giải pháp duy nhất và hợp lý nhất cho đến thời điểm này. Việc luân chuyển Phòng đã xin ý kiến Sở GD&ĐT, báo cáo Sở Nội vụ cũng như được Ban Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu đồng ý về chủ trương.
Lo ngại về chuyên môn đáp ứng yêu cầu bậc học
Để chuẩn bị cho các giáo viên luân chuyển thích nghi với môi trường làm việc mới, ngày 6/8, huyện Diễn Châu đã hợp đồng với ĐH Vinh để mở lớp bồi dưỡng kiến thức sư phạm tiểu học. Kinh phí đào tạo do huyện bỏ ra, thời gian khóa bồi dưỡng là 20 ngày. Các giáo viên sẽ học những môn học như đánh giá học sinh tiểu học, tâm lý lứa tuổi, chuyên sâu về phương pháp dạy học...
Tuy nhiên, trên thực tế tìm hiểu cho thấy, nhiều giáo viên tỏ ra không hào hứng, thậm chí phản ứng buộc lớp học phải tạm dừng một số buổi. "Chúng tôi được đào tạo ra để dạy THCS, không thể bồi dưỡng trong thời gian ngắn là có thể dạy tốt được tiểu học, trong khi hầu hết chúng tôi đã lớn tuổi, khó để học làm một việc mới", nhiều giáo viên bày tỏ.
Ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An - nêu quan điểm: Luân chuyển là cần thiết nhưng không được tùy tiện, ồ ạt mà vừa phải đảm bảo về mặt tổ chức lẫn cá nhân. Về nguyện vọng cá nhân, cũng phải phù hợp với bố trí, tổ chức. Ý kiến cá nhân nếu tổ chức thấy chưa ổn, chưa hợp lý thì cần phải xem xét, không được làm theo đại trà. Quan điểm của Sở là theo đúng các văn bản chỉ đạo hướng dẫn và nếu địa phương nào làm sai, trái với hướng dẫn sẽ phải rà soát và kiểm tra.
Về vấn đề này, ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu - cho biết: Phòng đã có kế hoạch bố trí chuyên môn cho những giáo viên THCS sau khi xuống tiểu học giảng dạy. Theo đó, giáo viên bộ môn Ngữ văn sẽ dạy Tiếng Việt và các môn Khoa học xã hội. Giáo viên bộ môn Toán sẽ dạy Toán và các môn Khoa học tự nhiên. Việc sắp xếp như thế theo ông Long là có thể đảm bảo được về mặt chuyên môn, khi giáo viên học thêm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục tiểu học.
Trước đó, năm học 2017 - 2018, thị xã Cửa Lò là địa phương đầu tiên của Nghệ An thực hiện luân chuyển giáo viên từ THCS xuống tiểu học. Dù vậy, ông Nhân - Trưởng phòng GD&ĐT Cửa Lò cũng cho rằng đây là giải pháp "tình thế". Bởi giáo viên bậc THCS chỉ dạy học theo chuyên ngành đào tạo. Trong khi đó, giáo viên tiểu học dạy tổng hợp và làm nhiều chức năng khác nhau, và hiện tại có nhiều đổi mới.
Ở huyện Nam Đàn, năm học 2018 - 2019, việc luân chuyển giáo viên được giao quyền "tự chủ" cho các nhà trường. Kèm theo đó là hướng dẫn lập danh sách thuyên chuyển của Trưởng phòng GD&ĐT huyện vào ngày 24/7. Nhưng trước nhiệm vụ mới mẻ này, nhiều hiệu trưởng tỏ ra bị động. Thầy Lê Thăng Long - Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Thái Nghĩa - cho biết: Sau khi có chỉ đạo, chúng tôi rà soát việc xếp loại và lựa chọn theo danh sách từ dưới lên và những người vi phạm chính sách dân số hoặc bị kỷ luật. Song cũng vô cùng khó khăn, "nâng lên, đặt xuống" từng trường hợp.
Qua tổng hợp, năm 2018, Nghệ An vẫn còn 1.089 giáo viên thuộc diện dôi dư bậc THCS ở 18/21 huyện, thành, thị và chủ yếu là ở hai môn Ngữ văn và Toán. Trong đó, huyện Diễn Châu nằm trong tốp đầu với 219 GV (chiếm tỷ lệ 21,6% so với tổng chỉ tiêu của cả huyện). Số dôi dư ở các huyện khác như: Yên Thành 165 GV (15,83%), Thanh Chương 132 GV (14,23%), Đô Lương 89 GV, Anh Sơn 69 giáo viên...
Việc luân chuyển được xem là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết dôi dư giáo viên, nhưng thực tế mỗi địa phương lại có một cách thực hiện khác nhau. Theo Sở GD&ĐT Nghệ An lý giải: Luân chuyển cán bộ viên chức thuộc phân cấp của UBND các huyện, thành, thị, biên chế lại do Sở Nội vụ quản lý nên cũng chưa có giám sát chặt chẽ để tham mưu, xây dựng kế hoạch. Sở cũng nhận trách nhiệm khi chưa có những tham mưu kịp thời về chuyên môn để việc luân chuyển vừa giải quyết được số lượng mà vẫn đảm bảo chất lượng, quyền lợi học sinh, giáo viên.
Hồ Lài
Theo giaoducthoidai.vn
Nghệ An: Còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn Theo thống kê của ngành GD&ĐT Nghệ An, tỉnh này hiện đang còn gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm mượn ở cả 4 bậc học. Các phòng học tạm tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, địa hình hiểm trở, đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Nếu như năm học 2013-2014, thời điểm thực hiện công tác...