Ngày đi học, đêm chăm mẹ ung thư, nữ sinh nuôi ước mơ thi vào ngành công an
Đêm chăm mẹ bị ung thư, ngày đến lớp, Phàn Mai Hoa – học sinh lớp 10 Trung học phổ thông Tân Quang, Bắc Quang vẫn nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ làm công an.
Kể từ khi chị Phàn Mùi Sếnh (sinh năm 1987, trú tại xã Tân Lập, Bắc Quang, Hà Giang) bị mắc ung thư cổ tử cung vào đầu năm 2020, mối hôn nhân thứ hai mà chị Sếnh định tiến tới bước nữa không thành. Người mẹ hơn 30 tuổi này chỉ còn biết bám víu vào đứa con gái đang học lớp 10 là Phàn Mai Hoa lúc hoạn nạn.
Chị Sếnh chia sẻ về cuộc sống khó khăn của gia đình sau khi mắc ung thư. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nghĩ về hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh tình đã nặng nên chị Sếnh không xạ trị, mà chỉ uống thuốc nam. Hiện tại, bệnh đã di căn, khiến chị khó khăn trong đi lại, chị đã bị sụt hơn chục cân trong vòng một năm qua.
Giờ đây, người phụ nữ này chỉ biết quanh quẩn ở nhà. Việc ăn uống, sinh hoạt của chị đều phải nhờ con gái phụ giúp.
Đêm đến, có hôm chị Sếnh thức giấc 3-4 lần do tác dụng giảm đau của thuốc đã hết, cô con gái thấy mẹ như vậy lại dậy để xoa bóp cho mẹ.
Sáng ra, Hoa lại đi nhờ xe của bạn để đến trường cách nhà gần chục cây số.
“Trước khi bị bệnh, tôi cũng dự tính mua cho cháu cái xe để cháu đi học xa đỡ phải đi nhờ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, chị Sếnh chia sẻ.
Chị Sếnh cho hay, cô con gái ngay từ nhỏ đã có đam mê được làm công an, bác sĩ. Hoa đòi mẹ mua sữa uống để sau này đủ chiều cao thi vào ngành công an hoặc làm bác sĩ để chăm sóc mẹ lúc ốm đau.
Có ước mơ từ nhỏ nên Hoa luôn có ý thức tự giác học tập, chưa bao giờ chị Sếnh phải nhắc nhở con về việc học hành. Khi lớn, Hoa không đua đòi để bằng bạn bằng bè.
“Có những hôm cháu học ở trường, lo lắng cho mẹ ở nhà một mình, Hoa gọi điện hỏi thăm tôi. Tôi dù có đau đớn do hết thuốc nhưng để con an tâm học, tôi nói với con không sao đâu”, chị Sếnh chia sẻ.
Video đang HOT
Chị Sếnh qua lời bạn bè của con cũng biết, do chăm sóc mẹ đêm hôm nên khi học ở lớp, Hoa buồn ngủ, nặng đầu nhưng con gái vẫn cố gắng theo dõi thầy giáo giảng bài, chị chưa bao giờ nhận được phàn nàn từ nhà trường về con.
Lớp của Hoa có 36 bạn, Hoa là 1 trong 6 người có học lực tiên tiến. Những năm Tiểu học và Trung học cơ sở, em luôn giữ vị trí lớp trưởng.
Khác với những người bạn cùng trang lứa, Hoa có lúc cũng thấy thiệt thòi do không có bố, mẹ lại sức khỏe yếu, em lo lắng ngày nào đó không còn mẹ ở bên.
Em Phàn Mai Hoa nói về ước mơ được làm công an. Ảnh: Gia đình cung cấp
“Khi biết tin mẹ bị ung thư, em rất sốc và lo lắng mình sẽ sống sao nếu không có mẹ”, Hoa nói.
Cô gái này tâm sự rằng, những lúc tâm trạng bi quan như vậy, em lại tự động viên mình phấn đấu cho tương lai phía trước.
“Em sẽ cố gắng học hết Trung học phổ thông và thi đỗ vào trường Cảnh sát để làm công an. Những câu chuyện về người chiến sĩ công an quả cảm hết mình vì sự bình yên của người dân từ lâu luôn thôi thúc em nỗ lực để có được vinh dự khoác lên mình sắc phục đầy tự hào đó”, Hoa chia sẻ.
Nói về hoàn cảnh gia đình, chị Sếnh cho biết, trước đây chị học Đại học tại chức ngành Công tác xã hội, sau đó về làm bán chuyên trách Phó Chủ tịch mặt trận xã Tân Lập. Bên cạnh đồng lương ít ỏi, chị trồng thêm đồi chè để kiếm thêm thu nhập.
“Khi mắc bệnh hiểm nghèo, tôi may mắn được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ trong công việc”, chị Sếnh chia sẻ.
Người phụ nữ này chia sẻ thêm, trước kia hai mẹ con từng ở căn lều lụp xụp và vào năm 2020 chị xây được căn nhà khang trang hơn. Tuy nhiên, nhà chưa hoàn thiện hết thì chị mắc bệnh hiểm nghèo, nội thất trong nhà vì thế vẫn dang dở, tiền vay xây dựng nhà vẫn nợ người thân, họ hàng.
Về hoàn cảnh hai mẹ con chị Sếnh, ông Tống Xuân Ngự – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lập cho hay, chị Sếnh có hoàn cảnh khá khó khăn, hôn nhân trắc trở, công việc Phó chủ tịch mặt trận xã bán chuyên trách của chị cũng được anh em trong đơn vị hỗ trợ.
“Gia đình chị Sếnh không thuộc diện hộ nghèo do không phải dân tộc ít người, chị Sếnh rất khó khăn, giờ chỉ trông chờ khoản lương hơn 1 triệu đồng từ vị trí bán chuyên trách Phó Chủ tịch mặt trận xã”, vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Lập cho hay.
Học bổng nghị lực mùa thi: Vỡ òa khi chạm được giấc mơ
Đã không biết bao lần phải tính đến chuyện nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá khó khăn, thế nhưng nhờ có học bổng Nghị lực mùa thi , các em đã được bước vào giảng đường đại học viết tiếp ước mơ của mình...
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên (giữa) trao tặng học bổng cho các học sinh
Tại chương trình trao học bổng "Nghị lực mùa thi" được tổ chức tại Báo Thanh Niên ngày 13.11, những học sinh nhận được học bổng và sự hỗ trợ từ bạn đọc đã vỡ òa cảm xúc khi chạm được giấc mơ tiếp tục học hành của mình.
"Em đã được là sinh viên"
Câu nói đầu tiên khi gặp lại người viết mà như gói trọn cả niềm hạnh phúc và vui sướng của Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ, được người bà hàng xóm nhận nuôi từ nhỏ: "Chị ơi, em đã được là sinh viên".
Vốn dĩ cái ăn còn thiếu trước hụt sau, bữa đói bữa no thì việc học đại học là điều quá xa vời với Quỳnh. Tại chương trình, Quỳnh nghẹn ngào: "Lúc đầu em có ước mơ nhưng không dám nghĩ tới vì hoàn cảnh của em thế này. Nhưng rồi như một cái duyên, em được chị phóng viên Báo Thanh Niên viết bài, rồi sau bài viết nhà trường tìm đến để cấp học bổng miễn phí 4 năm học, nên ngày hôm nay em mới được là sinh viên".
Khi kể về những trải nghiệm đầu tiên trở thành sinh viên, Quỳnh hồn nhiên: "Ngày đầu em bước vào trường đại học, em đã thốt lên "Ối giời ôi, sao trường to thế này". Từ cổng trường lên lớp mà em đi lạc đến mấy lần".
Trong lời kể của Quỳnh, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ bến của cô học trò mồ côi. Căn nhà của 2 bà cháu bé tí, ẩm thấp, nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở Q.4, TP.HCM. Sống trong căn nhà xập xệ đó, em chưa bao giờ dám mơ đến một giảng đường đại học, nơi sẽ chắp cánh để những giấc mơ của em được trở thành hiện thực. Và ngày hôm nay, khi chạm đến được giấc mơ, niềm hạnh phúc của 2 bà cháu Quỳnh sao nói nổi được nên lời.
Không chỉ nhận được học bổng của chương trình và tiền bạn đọc hỗ trợ, mà còn được mạnh thường quân tài trợ tiền học phí suốt 4 năm học đại học nên Đào Đình Đức (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cũng nghẹn ngào trong hạnh phúc và biết ơn.
Đức không còn cha, chỉ một mình mẹ gồng gánh nuôi con. Và chính hoàn cảnh gia đình là động lực rất lớn để Đức không bao giờ bỏ cuộc. "Được tiếp tục học là niềm hạnh phúc rất lớn của em. Sắp tới, sau khi đã ổn định thời khóa biểu trên trường, em sẽ kiếm việc làm thêm để phụ giúp mẹ và trang trải việc học. Em rất biết ơn tấm lòng của các mạnh thường quân đã giúp đỡ để chặng đường học tập của em bớt vất vả, và em hứa sẽ phấn đấu hết mình để không phụ lòng của mọi người", Đức cảm động bày tỏ.
Các học sinh và người nhà xúc động bày tỏ lòng biết ơn tại chương trình - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Cũng giống Quỳnh và Đức, 14 cô cậu học trò được nhận học bổng và sự hỗ trợ của bạn đọc thông qua chương trình Nghị lực mùa thi đều vỡ òa cảm xúc vì nhờ những hỗ trợ này mà giấc mơ của các em được viết tiếp.
Rơi nước mắt với những số phận
Khi màn hình chiếu các phóng sự về em Phạm Hoàng Tân, cậu học sinh đi đẩy thịt heo thuê lấy tiền đóng học và Nguyễn Thị Như Quỳnh, cô bé được bà hàng xóm làm nghề nhặt ve chai nuôi từ tấm bé, dưới hội trường nhiều người đã không cầm được nước mắt.
"Tôi biết rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Và tôi hiểu những gì mình cần phải làm để có thể giúp đỡ nhiều hơn những cô cậu học trò xung quanh mình, để các em có một cuộc sống tốt hơn", thầy Lương Thành Tâm, giáo viên Trường THPT Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM, bộc bạch.
Liên tục lau nước mắt, Nguyễn Bảo Trâm và Nguyễn Phúc Loan Châu, hai nữ sinh viên năm 1 ngành ngôn ngữ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho hay xem hình ảnh người bà khắc khổ nhặt từng chiếc vỏ chai nuôi cháu hàng xóm nên người, cô nghĩ ngay tới bà ngoại của mình.
Còn Đào Nguyễn Tuấn Tới, sinh viên năm nhất ngành du lịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ, chương trình xúc động này đã thay đổi rất nhiều suy nghĩ của em. "Những bạn bè xung quanh em vất vả, khó khăn như thế nhưng họ vẫn khao khát học, học rất giỏi, vậy thì mình càng không thể bỏ cuộc. Em thấy mình phải nỗ lực hơn rất nhiều", Tới chia sẻ.
Đưa con tới tòa soạn Báo Thanh Niên từ sáng sớm, chị Lê Thị Trúc Phương, mẹ của em Phạm Hoàng Tân, còn dắt theo cậu con trai út chừng 2 tuổi. Ngồi dưới hội trường, nghe những lời tâm sự của con, chị khóc. "Hôm nay tôi xin nghỉ một bữa bưng phở thuê để tới động viên con. Thấy con có học bổng thế này, tôi mừng lắm", chị Phương nghẹn ngào.
Liên tục nắm tay người viết, bà ngoại của Bùi Xuân Nhất Long, sinh viên Trường CĐ Kỹ nghệ 2, nói trong nước mắt: "Bà mừng lắm, vì khả năng của bà bây giờ già yếu không thể đi làm mướn được. Từ ngày thằng Long đi học tới giờ phải ăn mì gói suốt nên nó ốm yếu như thế này đây, nhìn cháu mà bà xót vô cùng. Nếu không được Báo Thanh Niên hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ, mấy bà cháu không biết sẽ như thế nào...".
Mong các em học sinh thêm ý chí và nghị lực
Chia sẻ với các em học sinh tại chương trình, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập thường trực Báo Thanh Niên , cho hay những câu chuyện của các em học sinh với những hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha, mồ côi cả cha lẫn mẹ... trong chương trình trao học bổng Nghị lực mùa thi 2020 đã chạm tới trái tim của tất cả mọi người.
Nhà báo Ngọc Toàn động viên các em cố gắng học tập, có ý chí mạnh mẽ hơn. Hiện nay các em còn may mắn hơn rất nhiều học trò miền Trung chịu cảnh bão lũ liên tiếp, nhiều trường học bị sập, tốc mái, trò chưa thể đến trường. Nhà báo Ngọc Toàn động viên, đằng sau các em là Báo Thanh Niên, là các nhà hảo tâm... giúp đỡ để các em vững tâm bước tiếp. Trong hơn 30 năm qua, học bổng Nguyễn Thái Bình của Báo Thanh Niên đã tiếp sức cho rất nhiều thế hệ người trẻ, nhiều người giờ đã trưởng thành, quay trở lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác...
Quyết định trao ngay 2 học bổng
Một chi tiết đặc biệt là ngay sau chương trình, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate, đã quyết định trao ngay 2 học bổng là học phí trong tất cả các năm học cho Đào Đình Đức (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Phạm Hoàng Tân (Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng). "Tôi quê ở miền Trung, cũng từng trải qua thời học sinh khó khăn, xem chương trình mà tôi rớt nước mắt. Tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành với các em, không chỉ 3, 4 năm học mà còn khi các em ra trường", chị Xuân Hoa nói.
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các quý vị phụ huynh, thầy cô, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và các đơn vị đã tham dự chương trình: chị Lưu Kim Yến, đại diện Tập đoàn Thiên Long (tặng học bổng); anh Nguyễn Bá Anh, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); anh Bùi Hải Thành, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tổng công ty điện lực TP.HCM (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Phạm Vân Hà, đại diện Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco (tặng báo cho thí sinh mùa thi THPT 2020); chị Nguyễn Thị Xuân Hoa, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Western Gate (tặng học bổng).
Khi phụ huynh mầm non đứng lớp "Ôi, ba của bạn Thùy Dương, ba bạn ấy là chú công an kìa. Chú công an hôm nay vào lớp mình, mình sẽ được trò chuyện và ngồi gần chú. Thích quá!". Phụ huynh Miller Nguyen Andrew - có con học lớp lá Trường mầm non Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) - đến trường dạy lớp con làm bánh pizza và các từ...