Ngày càng nhiều người rời bỏ Facebook
Cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook giảm mạnh tuần qua. Đây là tín hiệu phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào Facebook đã cạn kiệt.
Meta, công ty sở hữu Facebook, đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Facebook đã mất khoảng 500.000 người dùng hàng ngày trong 3 tháng cuối năm 2021, lần đầu tiên mạng xã hội này mất đi nhiều khách hàng như vậy.
Ngay sau khi công bố những thông tin bất lợi, giá trị vốn hoá của công ty đã giảm 232 tỷ USD, mức giảm 24 giờ lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán.
Đầu tư sai lầm
Theo bình luận của Guardian, việc Meta tập trung quá nhiều nguồn lực cho metaverse là lý do chính dẫn đến tình trạng khó khăn hiện tại. Công ty đang ở trong thế bí khi họ vừa không gặt hái được thành công với metaverse, vừa không còn một chỗ dựa vững chắc là Facebook.
“ Zuckerberg đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào metaverse, tuy nhiên phải mất nhiều năm nữa để thực tế ảo có thể trở thành một phần trong cuộc sống của mọi người”, Dan Milmo, biên tập viên công nghệ toàn cầu của Guardian phân tích.
Meta đang tự dồn chính mình vào thế bí.
Meta cho biết vào năm 2021 họ đã chi tới 10 tỷ USD cho các dự án liên quan đến metaverse, tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa gặt hái được thành công đáng kể nào. Công ty đã dự đoán rằng khách hàng sẽ hứng thú metaverse trong tương lai và việc chi tiêu lớn ngay từ bây giờ sẽ mang lại cho Meta một khởi đầu vượt trội so với các đối thủ.
Tuy nhiên, người dùng không hề hứng thú với khái niệm metaverse khi mà Reality Labs – bộ phận phụ trách nghiên cứu metaverse của Meta kiêm sản xuất kính thực tế ảo Oculus đã phải chịu khoản lỗ hơn 10 tỷ USD trong năm 2021.
Ngoài ra, việc khai tử tính năng Nhận dạng dành cho nhà quảng cáo (IDFA) của Apple đã giáng một đòn mạnh xuống khả năng thu thập dữ liệu khách hàng của Facebook.
Cổ phiếu Meta lao dốc không phanh trong tuần đầu tháng 2, sau khi công ty công bố tình hình kinh doanh quý IV/2021. Ảnh: Google Finance.
Tính năng “minh bạch theo dõi ứng dụng” (ATT) của Apple, được giới thiệu vào năm ngoái trên iOS 14.5 yêu cầu sự đồng ý từ người dùng iPhone để ứng dụng có thể giám sát hoạt động nhằm đưa ra quảng cáo phù hợp. Không có gì ngạc nhiên khi lượng người dùng sụt giảm mạnh, kéo theo việc Facebook mất 10 tỷ USD doanh thu quảng cáo, tương đương với 8,5% doanh thu năm 2021 của công ty.
Rác nội dung khiến người dùng bỏ đi
Một trong những lí do chính khiến Facebook mất đi lượng lớn người dùng là nội dung rác. Người dùng không còn cảm thấy an toàn trên mạng xã hội này. Thay vào đó, Facebook đang tràn ngập những thông tin sai lệch, nội dung rác và trở thành một nền tảng dễ bị lợi dụng để kiếm lời.
Hệ thống video của Facebook tràn ngập những người tạo nội dung “rác”. Những người dùng này đã tìm cách lợi dụng thuật toán của Facebook nhằm kiếm lời từ những nội dung rẻ tiền.
Video đang HOT
Hình thức lợi dụng kiếm lời phổ biến nhất trên Facebook là ăn cắp nội dung từ TikTok.
Trong thử nghiệm của 2 phóng viên Fabio Giglietto và Kevin Roose của New York Times và phó giáo sư về Nghiên cứu Internet tại Đại học Di Urbino ở Italy, khi một tài khoản tự động được tạo ra, trong vòng 24 giờ một nửa số tin hiển thị trên bảng tin là từ Ben Shapiro, một nhà bình luận chính trị thường gây tranh cãi.
Những nhà bình luận chính trị như Dan Bongino và Ben Shapiro thực chất cũng giống như những người tạo video rác. Người dùng của Facebook vốn không quan tâm nhiều đến chính trị, nhưng những nhà bình luận này sẽ liên tục tung ra những thông tin gây tranh cãi nhằm lợi dụng thuật toán của Facebook và kiếm lời.
Facebook đang vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm quyền riêng tư của người dùng, vi phạm nhân quyền và đe dọa sự an toàn của cộng đồng. Ngoài ra, tính năng Reels trên Instagram cũng tràn ngập những nội dung rác: từ các video không lành mạnh, các chiêu trò lừa đảo đến các video ăn cắp từ TikTok.
Giáo sư John Naughton, Chủ tịch ban cố vấn của Trung tâm Công nghệ Đại học Cambridge nhận định rằng sự xuống cấp của các nội dung Facebook là do những quan niệm sai lầm của Meta. Ngay từ đầu, Mark Zuckerberg đã ám ảnh về việc thúc đẩy tăng trưởng số lượng người dùng mà không hề quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Facebook từ trước đến nay luôn cố gắng để thu hút người dùng một cách nhanh chóng nhằm chiếm thế độc quyền thị trường và họ đã đạt được mục đích này từ lâu.
Top 10 nội dung phổ biến nhất trên Facebook trong 24h qua.
Thúc đẩy tăng trưởng số lượng người dùng là nỗi ám ảnh lớn của Zuckerberg
John Naughton, chủ tịch ban cố vấn của Trung tâm Công nghệ Đại học Cambridge
“Lý do khiến công ty đưa ra quyết định như vậy cũng không khó hiểu, lượng người dùng ngày càng tăng, động lực cho người dùng mới đăng ký càng lớn. Đó là lý do tại sao anh ta luôn đề cao cảnh giác khi công ty vướng vào các vụ bê bối và cáo buộc gây thiệt hại cho cộng đồng”, Ông Naughton giải thích.
Sự yếu kém trong đầu tư chất lượng và việc thiếu đi sự đổi mới đã khiến Facebook dần trở nên lỗi thời và lạc hậu. Khi chất lượng đi xuống, Facebook mất thêm người dùng cho những nền tảng cạnh tranh.
Những đối thủ mới
Bên cạnh đó, việc những người dùng mang lại doanh thu cao đang chuyển dần sang các mạng xã hội khác và sự cạnh tranh đến từ TikTok cũng là hai lý do dẫn đến khó khăn hiện tại. Những khách hàng trẻ không còn hứng thú với Facebook hay Instagram nữa. Thay vào đó, họ đang dần chuyển sang TikTok và Meta không thể theo kịp những xu hướng mới. Theo khảo sát của Forrester năm 2021, TikTok đã tiếp cận được 63% người Mỹ ở độ tuổi từ 12-17, trong khi Instagram giảm từ 61% xuống còn 57% cùng kỳ.
“Hoạt động kinh doanh của Meta không dựa trên nội dung hiển thị từ bạn bè của bạn mà dựa trên mức độ tương tác của người dùng với các loại hình quảng cáo, có nghĩa là bất kỳ dịch vụ nào chiếm thời gian và sự chú ý của bạn như TikTok sẽ là một mối đe dọa lớn đối với Facebook”, ông Ben Thompson, chuyên gia phân tích công nghệ nhận định.
Giám đốc Điều hành Meta, Mark Zuckerberg thậm chí còn bày tỏ sự rõ ràng sự lo ngại về TikTok và xem sản phẩm của ByteDance là “một mối đe doạ đáng gờm”.
“Mọi người đang có rất nhiều lựa chọn về cách sử dụng quỹ thời gian của họ, và các ứng dụng như TikTok phát triển rất nhanh cũng bởi nguyên nhân này”, ông thừa nhận trong cuộc họp với nhà đầu tư hôm 3/2.
Lý do cổ phiếu Facebook lao dốc
Thua lỗ do đầu tư vào metaverse, tác động từ Apple là những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu Facebook giảm mạnh sau buổi báo cáo tài chính.
Trong buổi báo cáo tài chính ngày 3/2, Meta, công ty mẹ của Facebook công bố lợi nhuận quý IV/2021 giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái do đầu tư mạnh vào metaverse. Ngay lập tức, giá cổ phiếu Meta trên sàn Nasdaq bị bán tháo mạnh, giảm 23% về mức 249 USD/cổ phiếu.
Không chỉ Meta, cổ phiếu Snap và Pinterest cũng sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 3/2, lần lượt 16% và 8%. CEO Mark Zuckerberg của Meta chứng kiến tài sản giảm 29 tỷ USD, nguy cơ rơi khỏi danh sách 10 người giàu nhất thế giới.
Ngoài lợi nhuận giảm do đầu tư vào metaverse, còn nhiều lý do khác khiến buổi báo cáo tài chính trở thành thảm họa với giá cổ phiếu của Meta.
Áp lực cạnh tranh, lượng người dùng hàng ngày giảm
Trong buổi báo cáo tài chính, Zuckerberg thừa nhận sự cạnh tranh của nền tảng chia sẻ video TikTok tạo áp lực lên khả năng kiếm tiền từ Reels, tính năng tạo video ngắn của Instagram.
"Chúng tôi phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh TikTok lớn hơn rất nhiều, do đó sẽ mất một thời gian để bắt kịp", CEO Meta chia sẻ.
Cạnh tranh từ TikTok ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền từ tính năng chia sẻ video ngắn Reels trên Instagram
Ngoài sự cạnh tranh với TikTok, lượng người dùng hoạt động của Facebook cũng có nhiều biến động. Trong quý IV/2021, mạng xã hội này có 1,929 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày, giảm khoảng 500.000 người so với quý trước. Mỹ và Canada là 2 khu vực có lượng người dùng Facebook hàng ngày giảm nhiều nhất.
Trong khi đó, lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook trong quý IV/2021 đạt 2,91 tỷ, không thay đổi so với quý trước. Tốc độ tăng trưởng doanh thu quảng cáo của Meta cũng chậm hơn, song vẫn chiếm 99,5% tổng doanh thu công ty.
Lợi nhuận của Meta trong quý IV/2021 giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, còn 10,3 tỷ USD. Con số thực tế thua xa dự đoán 10,9 tỷ USD của các chuyên gia Phố Wall. Zuckerberg công bố lý do lợi nhuận giảm đến từ mức đầu tư hàng tỷ USD vào thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), 2 công nghệ quan trọng cho kế hoạch xây dựng metaverse.
"Vẫn còn khoảng cách đến một tầm nhìn đã định hình đầy đủ... Dù hướng đi khá rõ ràng, con đường phía trước của chúng tôi vẫn chưa thể xác định hoàn hảo", CEO Meta cho biết.
Lời giải thích của Zuckerberg khiến nhiều nhà phân tích kinh doanh không hài lòng. "Chúng tôi không thể lý giải mức độ ưu tiên của 7 dự án đang diễn ra đồng thời tại Facebook. Hầu hết chúng dường như không thể cải thiện triển vọng doanh thu công ty trong ngắn hạn", các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho biết.
Giới phân tích cũng lo lắng về tương lai của Facebook khi chỉ ra một "thế giới đang tách khỏi sức mạnh của Meta, khi việc tiêu thụ nội dung chuyển sang dành cho nhà sáng tạo và nhắn tin riêng tư thay vì chia sẻ công khai, trái ngược tinh thần của công ty".
Meta thừa nhận hộp thoại cho phép theo dõi người dùng trên iOS có thể khiến công ty mất 10 tỷ USD doanh thu trong năm 2022.
Tác động từ Apple
Trong khi Facebook chứng kiến mức giảm cổ phiếu sâu nhất từ trước đến nay, các hãng công nghệ lớn như Alphabet (công ty mẹ của Google) lại đón nhận tin vui với cổ phiếu tăng 7,5% trong ngày 2/2 sau khi công bố báo cáo tài chính.
Theo CNBC, nguyên nhân sự trái ngược đến từ Apple khi công bố nhiều tính năng đảm bảo quyền riêng tư trên iOS vào năm 2021, ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của Facebook.
Những dịch vụ lớn của Facebook hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Apple và Google để phân phối. Khi Apple cập nhật chính sách quyền riêng tư nhằm hạn chế khả năng tiếp cận dữ liệu người dùng của app bên thứ 3, Facebook đã liên tục phản đối.
Google cũng dựa vào mô hình nhắm mục tiêu quảng cáo để kiếm doanh thu. Tuy nhiên, công ty này kiểm soát dễ dàng hơn nhờ sở hữu Android, hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới. Tuy ứng dụng Google vẫn cần iOS để tiếp cận người dùng, quan hệ của công ty với Apple gần gũi hơn Facebook khi trả hàng tỷ USD mỗi năm để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari của Apple.
Sau khi hứng chịu chính sách mới của Apple liên quan đến App Tracking Transparency (ATT), Meta dự đoán doanh thu sẽ giảm 10 tỷ USD trong năm nay. Đó là lý do lớn khiến doanh thu công ty không đạt như kỳ vọng, kéo theo giá cổ phiếu giảm 25%.
Trong khi đó, Alphabet công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với doanh thu quảng cáo tăng 33%, cao hơn so với mức tăng 20% của Facebook.
Dave Wehner, Giám đốc Tài chính Meta nhận định Apple đối xử ưu ái với các công cụ tìm kiếm do thỏa thuận với Google. "Đó là động cơ để chính sách này vẫn tiếp tục", Wehner cho biết.
Sau thất bại của Facebook Home, Meta không có thiết bị phần cứng hay hệ điều hành đủ mạnh để thoát phụ thuộc Apple hay Google.
Metaverse là con bài chiến lược
Từ chính sách về quyền riêng tư của Apple, nhiều nhà phân tích nhận định đơn vị quảng cáo đang ưu tiên chạy chương trình trên Google thay vì Facebook, do mức độ nhắm mục tiêu trên mạng xã hội này không còn như mong muốn.
"Những thay đổi của Apple với iOS tạo sự chuyển dịch thị phần từ Facebook sang Google đúng không?... Vâng, chúng tôi tin như vậy", nhà phân tích Rohit Kulkarni từ MKM Partners chia sẻ.
Sheryl Sandberg, Giám đốc Vận hành Facebook từng nhận định thay đổi của Apple sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn phụ thuộc nhiều vào quảng cáo nhắm mục tiêu và cá nhân hóa.
Đó cũng là sự lo lắng của Zuckerberg trong thời gian dài. Không sở hữu thiết bị phần cứng hoặc hệ điều hành riêng, Facebook không thể vạch ra hướng đi cụ thể, luôn phải tuân theo thay đổi bất chợt từ các công ty khác. Facebook từng thiết kế smartphone cách đây một thập kỷ, nhưng đã thất bại toàn tập.
"Chùng tôi bị phụ thuộc vào khả năng tương tác của Facebook với những nền tảng di động mà công ty không kiểm soát như Android hay iOS. Bất cứ thay đổi trong các hệ thống trên làm suy giảm chức năng trong sản phẩm của chúng tôi hoặc tạo lợi thế cho dịch vụ cạnh tranh, tác động xấu đến việc sử dụng Facebook trên di động", Facebook cho biết vào năm 2012.
Metaverse chính là niềm hy vọng của Meta trong 10 năm tới.
Năm 2014, Facebook mua lại công ty thực tế ảo (VR) mới ra đời có tên Oculus với giá 2 tỷ USD, từ đó tạo ra thiết bị phần cứng và nền tảng phần mềm riêng. Sau 8 năm, Oculus trở thành yếu tố quan trọng cho hướng đi mới của Meta, tập trung vào metaverse. Trong báo cáo tài chính ngày 3/2, Meta cho biết bộ phận thực tế ảo Reality Labs lỗ 10 tỷ USD trong năm 2021.
Cho đến khi metaverse trở nên phổ biến, các nhà đầu tư có lý do để lo lắng về tình hình tài chính của Meta. Mạng xã hội Facebook lần đầu ghi nhận lượng người dùng giảm, Instagram đối mặt cạnh tranh lớn từ TikTok, trong khi Apple hoàn toàn có thể gây sóng gió với những quyết định bất ngờ.
Rõ ràng Zuckerberg có mục tiêu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Apple hay Google. Để làm được điều đó, Meta phải thành công với metaverse, giúp công ty trở thành kẻ dẫn đầu cuộc chơi mới.
Mất gần 30 tỷ USD một ngày, Mark Zuckerberg lần đầu tiên trượt khỏi top 10 người giàu nhất thế giới sau 7 năm Khối tài sản ròng của người đồng sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg - đã "bốc hơi" gần 30 tỷ USD sau sự sụt giảm kỷ lục của cổ phiếu Meta ngày 3/2. Theo Forbes, với khối tài sản ròng hiện tại là 84,3 tỷ USD, đây là lần đầu tiên tỷ phú 37 tuổi này không còn trong nhóm 10 người giàu...