Ngày càng nhiều cử nhân sư phạm thất nghiệp, giáo viên mất việc
(Dân Việt) Những con số về cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên bị mất việc ngày càng tăng.
Thống kê của Bộ GDĐT: Cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường chưa biết “đi đâu về đâu”.
“Chạy trốn” nghề giáo
Bố mẹ làm nông, nhà nghèo nên Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1993 (Hạ Hòa, Phú Thọ) chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm II (Vĩnh Phúc) vì không phải mất học phí. Tuy nhiên, vào ĐH được 1 năm em bắt đầu thấy lựa chọn của mình là sai lầm. “Rất nhiều bạn trong lớp đã có “đầu ra” trước khi xác định thi vào đây, một số khác bàn về việc chuẩn bị tiền để chạy việc.
Còn em vào học vì không mất tiền, ra trường làm sao lo được khoản tiền gấp mấy chục lần học phí để chạy việc, lại còn mất đến 4 năm học” – Liên thở dài. Chính vì áp lực này, kết thúc năm thứ nhất Liên quyết định nghỉ học ở nhà ôn thi lại.
Giáo viên Trường Tiểu học Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Tùng Anh
Tương tự Liên, mới đây hàng loạt sinh viên sư phạm khóa 15 của Trường ĐH Tây Nguyên đã bỏ học, trong đó có 8 SV làm thủ tục nhập học xong nhưng không đến học, số còn lại nghỉ giữa chừng. Đại diện ban cố vấn học tập trường này cho biết, trường đã đến gặp gỡ từng em để biết lý do, thì phần lớn các em bỏ sư phạm để chuyển sang trường khác hoặc nghỉ ở nhà để ôn thi vì lo ngại học sư phạm ra trường khó xin việc. Được biết, năm nay ngành sư phạm của Trường ĐH Tây Nguyên đã giảm 10% chỉ tiêu so với năm trước vì sinh viên không mặn mà.
Nỗi lo của sinh viên sư phạm không phải không có căn cứ khi những con số về cử nhân sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên bị mất việc ngày càng tăng.
Video đang HOT
Mới đây, hàng loạt các vụ cắt giảm biên chế, điều chuyển công tác, chấm dứt hợp đồng trong ngành sư phạm diễn ra đã gây bức xúc dư luận, như vụ 214 giáo viên ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao động ngay thềm năm học mới; 84 giáo viên mầm non ở Sóc Sơn (Hà Nội) và 100 giáo viên tại Bá Thước (Thanh Hóa) cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mới nhất, ngày 28.11, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã có quyết định điều chuyển 29 giáo viên THCS xuống dạy… mầm non (?).
Thống kê của Bộ GDĐT thì cho thấy, tính đến năm 2014, cả nước đang dư thừa khoảng 35.000 giáo viên phổ thông. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, tới đây sẽ có thêm khoảng 10.000 SV ngành sư phạm ra trường không có việc làm.
Thu gọn trường sư phạm
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chưa bao giờ ngành sư phạm lại rơi vào khủng hoảng thừa một cách trầm trọng như vậy. TS Phạm Thị Ly – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu – Viện Đào tạo quốc tế ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân của sự bão hòa nhân lực sư phạm là do chính sách miễn giảm học phí đã thu hút lượng lớn người học, trong khi hiện nay số học sinh phổ thông đang ngày một giảm dần”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, để giảm bớt áp lực cho ngành sư phạm, vừa qua Bộ đã có nhiều giải pháp để kìm hãm tốc độ và quy mô đào tạo ngành sư phạm như: Ngừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những đối tượng không được đào tạo sư phạm chính quy; giảm chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm; giới hạn mở thêm ngành trong các cơ sở đào tạo giáo viên; chấm dứt hình thức đào tạo từ xa…
Cũng theo Bộ GDĐT, Bộ đã yêu cầu các địa phương đưa thông tin về nhu cầu nhân lực ngành sư phạm, nơi thừa, nơi thiếu, cảnh báo để học sinh THPT và phụ huynh biết để cân nhắc trước quyết định thi vào ngành sư phạm.
Theo Danviet
214 giáo viên thất nghiệp: Huyện sai phải chịu trách nhiệm
Chỉ vì "sửa sai" mà chính quyền địa phương đẩy 214 giáo viên của huyện và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có thâm niên hàng chục năm công tác rơi vào cảnh thất nghiệp, phải cầu cứu.
Trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đợt này, có những người thâm niên công tác tới 12 năm. Bị mất việc, không thu nhập, họ lo lắng không biết sẽ làm gì và lý giải với gia đình, phụ huynh, học sinh ra sao. Cuộc sống của 214 gia đình cũng bị đảo lộn từ đó...
Từ giáo viên về làm thợ hồ
Thực hiện công văn số 4169/BNV-CCVC ngày 11/9/2015 của Bộ Nội vụ về việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên, nội dung: "Qua một số phương tiện thông tin truyền thông đã phản ánh việc 214 giáo viên của hai đơn vị thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30/9/2015, gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý của các giáo viên, phát hiện có những dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn này", Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có báo cáo, giải trình chi tiết tới Bộ Nội vụ.
Triển khai văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp đã tổ chức họp với UBND huyện Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh hướng dẫn quy trình chấm dứt hợp đồng, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc chấm dứt hợp đồng; giải quyết chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng.
Các giáo viên thất nghiệp trên đường đi cầu cứu. Ảnh: Tiền Phong.
Ngày 25/8/2015, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức gặp 214 lao động hợp đồng các trường tiểu học, mầm non và trung học. Ngày 23/8, UBND thị xã Kỳ Anh cũng gặp 36 lao động hợp đồng tại các trường trung học cơ sở.
Nội dung các cuộc gặp là thông báo chủ trương của UBND tỉnh về chấm dứt hợp đồng, giải thích, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, quyền lợi người lao động khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng, 214 giáo viên đã vô cùng bất ngờ và họ không đồng ý về việc sau nhiều năm giảng dạy, họ bỗng nhiên bị cắt hợp đồng chỉ với lý do... hết hạn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung trú tại xóm Quang Trung, xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh - Hà Tinh) nói: "Với thâm niên 4-6 năm tham gia giảng dạy với đồng lương hợp đồng vốn ít ỏi, nay bỗng dưng cả hai người đều mất việc làm, hết nguồn thu nhập, kêu trời không thấu. Quả thật tôi vô cùng hoang mang, cái ăn qua ngày đang được ông bà nội ngoại góp vào người cho gạo, bên góp mắm. Hai đứa con nhỏ buộc chồng tôi phải chạy vạy đi làm thợ hồ thu 150 ngàn/ ngày lại ốm lên ốm xuống, chúng tôi rất căng thẳng và mất ăn mất ngủ cả tháng nay".
Đại diện của 214 giáo viên đã ra Hà Nội gửi đơn thư kêu cứu lên các lãnh đạo ban ngành và lên các cơ quan báo chí truyền thông để bày tỏ nguyện vọng của mình.
"Đã 12 năm cống hiến rồi, biết chỉ là giáo viên hợp đồng vì nhà trường cho rằng hàng năm đều không có chỉ tiêu biên chế nên chúng tôi đành cam phận mà phấn đấu, nuôi hy vọng có ngày mình được tham gia thi tuyển công chức, viên chức tỉnh. Tuy nhiên, 12 năm qua cứ đến hẹn lại lên, hợp đồng là một cái quyết định cho chúng tôi xem là có được hợp đồng tiếp hay không mà không ký tiếp chúng tôi cũng không hay biết. Nay thì mất việc rồi, thất nghiệp lại trắng tay...", cô giáo Nguyễn Thị Nga 37 tuổi, trú tại xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh - Hà Tĩnh) mếu máo.
Bố của cô giáo Nga là một cựu chiến binh chống Mỹ, chồng cô giáo Nga là một quân nhân phục viên nhưng hàng chục năm tham gia giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho ngành giáo dục mà cô Nga chỉ nhận được một câu trả lời là trường không có chỉ tiêu dành cho việc thi tuyển biên chế công chức, viên chức nên phải cam phận làm giáo viên hợp đồng mà không được tham gia bảo hiểm và hoặc phụ cấp đứng lớp.
Huyện đã sai nên phải sửa
Ngày 19/10, ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh
trao đổi với PV về việc Hà Tĩnh chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên sau rất nhiều năm công tác (từ 4-12 năm các giáo viên công tác giảng dạy) có đúng với quy định của Bộ Nội vụ? Việc tái diễn ký hợp đồng nhiều lần với đối tượng hợp đồng không tham gia bảo hiểm xã hội đã đúng Luật Lao động hiện hành?
Ông Trần Huy Liệu cho biết: "Huyện làm sai thì huyện phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã nhiều lần thanh tra cách đây vài năm, phát hiện sai và đã yêu cầu địa phương sửa sai. Tuy nhiên, tại thời điểm đó họ không làm, đối với 214 trường hợp giáo viên bị chấm dứt hợp đồng chỉ là việc phải làm vì cái sai trước đó".
Một giáo viên năng động, một đảng viên gương mẫu, nhận hàng chục giải thưởng mỗi năm về cho trường, cho lớp từ cấp huyện tới cấp tỉnh nhưng cũng bị rơi vào cảnh mất việc khi năng lực dư thừa, cô Nguyễn Thị Nhã Phương (Kỳ Tiến - Kỳ Anh) nghẹn ngào: "Thay vì chỉ mới ký hợp đồng được 1-2 năm mà chấm dứt hợp đồng thì chúng tôi không bỡ ngỡ, không hoang mang như giờ. Chúng tôi thực sự yêu nghề và muốn cống hiến nên dù chỉ hợp đồng nhận đồng lương tối thiểu theo bằng cấp, không dám đòi hỏi bảo hiểm y tế, không tiền đứng lớp... mà vẫn nuôi hy vọng mà nay bỗng dưng thất nghiệp thì quá khắt khe, quá tàn nhẫn với chúng tôi".
Theo Việt Hương/Tiền Phong
Sẽ làm rõ thông tin Hà Nội và Hà Tĩnh cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ sáng nay (18/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Bộ đã thành lập tổ công tác để về trực tiếp Hà Tĩnh, Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu. Sau khi có kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Cũng...