Ngành sư phạm và những khoảng lặng phía sau
Kết thúc tuyển sinh đợt 1, một số trường ĐH, CĐ khối sư phạm mới chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Vì vậy, nhiều trường vẫn còn đang trông ngóng tuyển bổ sung.
Năm nay Bộ GD&ĐT quy định thí sinh đăng ký vào trường ĐH Sư phạm phải đạt từ 17 điểm, CĐ đạt 15 điểm trở lên. Tuy nhiên sau khi kết thúc đợt tuyển sinh ít nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu, vậy nguyên nhân của vấn đề này nằm ở đâu?
TS Trịnh Đào Chiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, cho biết trong các ngành tuyển sinh của trường thì trong đợt 1 xét tuyển trường đạt 50% chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học; khối các ngành sư phạm khác trường không thể mở lớp vì không tuyển đủ chỉ tiêu. “ Kinh nghiệm cho thấy sau đợt 1 xét tuyển, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu giáo dục mầm non và tiểu học” – TS Chiến nói.
Ngành Sư phạm đang gặp nhiều khó khăn trước thực trạng thừa nhân lực. Ảnh: Internet
Kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường CĐ Bà Rịa – Vũng Tàu mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Một đại diện của trường cho biết kết quả tuyển sinh đợt 1, trường mới tuyển sinh được chừng hơn 50% chỉ tiêu 2 ngành sư phạm của trường là lịch sử và tin học. Hiện số lượng hồ sơ xét tuyển bổ sung chưa có thống kê cụ thể nhưng không nhiều.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), Trường ĐH Đồng Nai, Trường CĐ Sư phạm Nghệ An (còn 3 ngành Sư phạm chưa tuyển được thí sinh nào), Trường ĐH An Giang với 17 ngành Sư phạm (11 ngành bậc ĐH, 6 ngành bậc CĐ) đều phải xét tuyển bổ sung; Trường ĐH Tây Nguyên phải tuyển bổ sung từ 50% – 100% chỉ tiêu cho các ngành Sư phạm toán, vật lý, hóa học, sinh học; nhiều trường như: Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận; Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk… chưa tuyển được hoặc tuyển chưa đủ chỉ tiêu.
Tại Hội nghị tổng kết năm học năm 2017 – 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay: “Các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi”.
Ông cũng chỉ ra 3 yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với Sư phạm là việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Ông kiến nghị Bộ GD&ĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch cơ sở kịp thời để trình Chính phủ quy hoạch thay đổi kịp thời cho các trường Sư phạm.
Vậy nguyên nhân từ đâu mà khiến ngày càng ít thí sinh mặn mà với ngành Sư phạm?
Video đang HOT
Sinh viên ra trường tỷ lệ thất nghiệp cao, không xin được việc làm
Hiện nay ngành Sư phạm là ngành được đánh giá là ngành khó xin việc nhất trong hệ thống các ngành đào tạo tại nước ta. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa và khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường không có việc làm. Hàng năm các trường vẫn tuyển sinh và cả nước có thêm 52.000 chỉ tiêu mới. Dự kiến đến năm 2020 cả nước có khoảng 70.000 sinh viên Sư phạm thất nghiệp. Đây là những con số khiến chúng ta không khỏi giật mình về ngành giáo dục tại Việt Nam.
Đặc biệt việc thi tuyển viên chức trong ngành giáo viên lại vô cùng khó khăn, không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn dựa trên những yếu tố khác như mối quan hệ, chi phí xin việc, người nhà làm trong ngành…đặc biệt đối với những gia đình ở nông thôn điều kiện khó khăn nên cũng không ai mặn mà cho con em mình theo học Sư phạm. Thực tế nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp phải cất tấm bằng đi để xin vào các khu công nghiệp làm công nhân để trang trải cuộc sống.
Thu nhập ngành Sư phạm không đảm bảo cuộc sống
Mức lương trong ngành Sư phạm được đánh giá là thấp so với các ngành khác. So với mặt bằng chung, một giáo viên có thời gian dạy từ 5 đến 7 năm thì mức lương cũng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, trong khi đó mức lương thử việc tại các khu công nghiệp cũng đã 6 triệu đồng/tháng. Đây là vấn đề thực tế mà chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận.
Cần phải giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng trong ngành Sư phạm. Ảnh: Internet
Với mức thu nhập như vậy ở nông thôn đã khó khăn chứ đừng nói là ở thành thị. Lương giáo viên đã thấp lại trả theo kiểu cào bằng, giỏi kém như nhau nên rất khó để thu hút giáo viên giỏi ở lại cống hiến, khiến họ khó an lòng với công việc khi xung quanh đủ thứ lo toan.
GS.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói: “Có thể nhận thấy, học sinh không chọn sư phạm vì đơn giản họ không tin tưởng vào ngành giáo dục, họ không tin vào việc đãi ngộ cho các sinh viên khi mới ra trường. Ở tuổi lập nghiệp, xây dựng gia đình (từ 22 đến 27 tuổi), người trẻ cần lo toan cho cuộc sống. Học sinh chọn ngành sư phạm, khi ra trường các em có lương thấp không nuôi nổi bản thân với 2 triệu đồng/tháng, thậm chí không có khả năng xin việc thì đương nhiên sẽ không ai mặn mà”.
Người thầy không được tôn trọng đúng mực
Nghề giáo là nghề đặc thù, là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nghề này rất cần các thầy cô giỏi, có tâm huyết mới đủ sức đào tạo nên những thế hệ học trò có năng lực, tư duy tốt, có phẩm chất đạo đức tốt. Người thầy như một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Chính thầy cô trong nhà trường đã góp công sức lớn lao trong việc giáo dục, dạy dỗ học sinh trở thành những người công dân tốt, có ích cho gia đình và xã hội.
Giáo viên hiện nay còn đối mặt với quá nhiều áp lực từ việc thay đổi cách học, cách dạy, thay đổi cách quản lý đến việc thiết kế giáo án, bài dạy. Đặc biệt trong thời buổi hiện nay, giáo viên muốn chuyên tâm vào việc dạy thì lúc nào cũng phải dĩ hòa vi quý đối với học sinh và phụ huynh. Nhiều giáo viên có ý kiến rằng hiện nay nhiều phụ huynh nuông chiều con thái quá thậm chí hành hung giáo viên. Nhiều giáo viên phải bỏ nghề cũng vì không nhịn được học sinh mà nóng giận tát, đánh một vài cái.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Muốn thu hút sinh viên giỏi, người thực sự yêu nghề vào ngành Sư phạm cần có giải pháp tổng thể từ thu nhập, vị trí, đánh giá xã hội đối với nghề giáo”. Tất cả những vấn đề nêu trên, ngành Sư phạm cần phải giải quyết được các vấn đề còn tồn đọng như thu nhập, việc làm, vị trí trong xã hội… thì mới có thể thu hút được thí sinh và thay đổi cách nhìn trong xã hội.
P.Thảo (t/h)
Theo baonhandao.vn
Trường ĐH thiếu hàng ngàn chỉ tiêu, vì sao?
Sau đợt 1 tuyển sinh, nhiều trường ĐH công bố xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu. Nhưng đến nay có trường không tuyển được thí sinh nào.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Mở TP.HCM - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cạn nguồn bổ sung
Ngày 16.8, Bộ GD-ĐT đã công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách các trường ĐH, CĐ và TC có đào tạo ngành giáo viên còn thiếu chỉ tiêu và công bố xét tuyển bổ sung trong phạm vi cả nước. Theo đó, ĐH Huế cần tuyển hơn 3.400 chỉ tiêu, trong đó nhiều nhất là Trường ĐH Nông Lâm hơn 1.200, Trường ĐH Khoa học hơn 1.000, Trường ĐH Sư phạm hơn 700... ĐH Thái Nguyên cần tuyển gần 4.300 chỉ tiêu.
Một số trường ĐH sư phạm cũng phải tuyển thêm với số lượng lớn dù trước đó đã áp dụng cả 2 phương thức tuyển sinh theo kết quả thi và đề án riêng. Cụ thể gồm: Sư phạm Hà Nội 2 cũng phải tuyển bổ sung 440 chỉ tiêu, Sư phạm kỹ thuật Vinh 891 chỉ tiêu, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên 900 chỉ tiêu... Một số trường tuyển hàng ngàn chỉ tiêu như: Trà Vinh hơn 3.700 chỉ tiêu, Quảng Bình hơn 1.000 chỉ tiêu, Cửu Long 1.000, Bình Dương hơn 1.700, Tây Đô hơn 1.600...
Ghi nhận từ các trường cho thấy số lượng thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung không đáng kể. Đặc biệt có trường không tuyển được TS nào trong đợt bổ sung lần 1. Cụ thể, Trường ĐH Mở TP.HCM số TS nộp hồ sơ ở đợt xét tuyển bổ sung rất ít. Trường xét 450 chỉ tiêu nhưng hiện rất ít hồ sơ nộp về. Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng vừa ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 hàng loạt ngành. Trường ĐH Tây Nguyên vừa thông báo tuyển bổ sung đợt 2 với 31 ngành trong tổng số 37 ngành đào tạo. Trong đó, nhiều ngành nhận hồ sơ chỉ mức 13 điểm...
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện nhà trường cho hay các ngành bậc ĐH hệ đại trà dù thông báo tuyển 30 chỉ tiêu mỗi ngành nhưng không tuyển được TS nào, dù đã kết thúc ngày nhận hồ sơ (18.8). Để đảm bảo tiến độ đào tạo chung, trường không tiếp tục xét bổ sung đợt 2 các ngành này. Các ngành ĐH hệ chất lượng cao, trường phải gia hạn thời gian nhận hồ sơ bổ sung đến hết ngày 25.8 (thay vì 21.8 như thông báo trước đó).
Trường ĐH Quốc tế TP.HCM dù xét tuyển bằng 6 phương thức nhưng vẫn phải thông báo tuyển bổ sung đợt 1 cho 7 ngành do trường tự cấp bằng và các ngành thuộc chương trình liên kết. Dù trước đó trường này đã tự tiến hành tổ chức bài thi kiểm tra năng lực để xét tuyển trực tiếp TS vào trường mình với chỉ tiêu tối đa 65% mỗi ngành (chỉ dùng 15% chỉ tiêu xét từ kết quả thi THPT quốc gia). Nhưng đến cuối tháng 7, trường này công bố tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi từ 15% lên 40% do số TS nhập học bằng các phương thức khác không đủ chỉ tiêu đề ra.
Có trường ĐH dùng "chiêu" ?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018 cả nước có 688.641 TS đăng ký xét tuyển ĐH (tăng 7,5% so với năm ngoái). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH là 455.174 (tăng 1,2% so với năm 2017). Như vậy, nguồn tuyển so với chỉ tiêu xét tuyển của các trường dôi dư 1,51 lần.
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường với điểm chuẩn đợt 1 đã xác định, số TS trường gọi nhập học dôi dư nhiều so với chỉ tiêu nhưng vẫn không đủ số người nhập học. Có những trường, một ngành có 300 TS trúng tuyển nguyện vọng 1 với điểm chuẩn 15 nhưng sau lọc ảo chỉ còn 90 TS trúng tuyển. TS đi đâu là câu hỏi được đặt ra với đại diện nhiều trường trong năm nay.
Lý giải điều này, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng có những trường đã dùng "chiêu" trong quá trình xét trúng tuyển TS. "Năm nay đề khó, điểm thi thấp nên TS lo sợ tìm cách trúng tuyển bằng học bạ rất nhiều. Dù đã quy định trường tuyển bằng phương thức khác phải nhập danh sách TS trúng tuyển lên hệ thống nhưng thực tế không biết việc này thực hiện thế nào nhưng dữ liệu vẫn ảo lớn do TS trúng tuyển bằng phương thức khác trước đó. Chưa kể, trước ngày bấm nút lọc ảo lần cuối cùng để cho ra điểm chuẩn, dù Bộ GD-ĐT đã nhắc hiệu trưởng các trường không được gọi vượt nhưng điều này vẫn xảy ra".
Người này nhấn mạnh: "Sau tất cả những vấn đề kỹ thuật thì nguyên nhân căn cơ nhất là nhu cầu thị trường. Hiện các trường địa phương, dân lập quá nhiều, cung lớn hơn cầu dẫn đến tình trạng có những trường phải dùng "chiêu" để giành TS".
Cạnh tranh với chương trình liên kết
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng các trường ĐH ngoài công lập gần như tuyển đủ hoặc phần lớn chỉ tiêu nhờ xét học bạ. Chỉ các trường ĐH công lập bị sự cạnh tranh khá lớn do TS đi du học và học các chương trình liên kết quốc tế. Điều này đặc biệt diễn ra trong năm nay khi điểm thi không cao dẫn đến tâm lý "chắc ăn" với cơ hội học ĐH bằng việc tìm đến các chương trình liên kết hoặc trường ngoài công lập bằng học bạ. Đáng lưu ý, chương trình liên kết do nước ngoài cấp bằng thường không có chỉ tiêu chính quy chung của trường.
Theo thanhnien.vn
Chật vật lấp chỗ trống giáo viên Không chỉ TP HCM mà các tỉnh, thành khác cũng đang thiếu giáo viên trầm trọng Trong năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Đà Nẵng cần tuyển 313 giáo viên (GV) tiểu học, 233 GV THCS, 84 GV THPT. Tuy nhiên, nhiều quận - huyện cho hay số hồ sơ dự tuyển hợp lệ thấp hơn chỉ tiêu...