Ngành ôtô Trung Quốc tụt hậu 10 năm so với thế giới
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Bernstein, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đã có bước tiến lớn trong những năm gần đây, nhưng hiện vẫn tụt hậu 10 năm so với thế giới, cần tăng đầu tư cho hoạt động R&D mới có thể rút ngắn khoảng cách.
“Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã đi được 80% chặng đường, 20% còn lại không quá khó, nhưng có lẽ là phần phức tạp và khó đi nhất,” ông Max Warburton, một chuyên gia phân tích ngành ô tô của công ty Sanford C. Bernstein, cho biết.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường chi dưới 2% – chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình của ngành ô tô thế giới – để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Có lẽ do vậy mà lãnh đạo doanh nghiệp ô tô – cả người Trung Quốc và nước khác – khi được hỏi để tổng hợp báo cáo này của Bernstein, đều cho rằng cắt giảm tối đa chi phí vẫn là điểm chung của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Warburton nói rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang sẵn sàng tăng đầu tư cho hoạt động R&D để sản phẩm có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
“Họ sẽ đầu tư cho đến khi đạt hiệu quả và rồi cũng sẽ đến ngày các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đạt tầm quốc tế,” ông Warburton nhận định.
Theo bản báo cáo của công ty Sanford C. Bernstein, Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải ( SAIC) là trường hợp cá biệt, đã có những bước tiến lớn và học hỏi được nhiều về kỹ thuật nhờ quan hệ hợp tác phát triển sản phẩm với nhà sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ là General Motors (GM).
Video đang HOT
Khi mổ xe một chiếc EC7 sedan của công ty Geely (Trung Quốc), các chuyên gia của Berstein phát hiện nhiều bộ phận bị mòn, những mối hàn trông thiếu chắc chắn và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, họ lại khá ấn tượng với công nghệ động cơ, và nhìn chung vẫn đánh giá Geely là gần đạt tầm quốc tế.
Nhật Minh
Theo Bloomberg
Các hãng xe Trung Quốc đua nhau mời nhà thiết kế Tây
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang tìm đến các nhà thiết kế phương Tây như một sự bổ khuyết trên con đường chinh phục thị trường thế giới.
Đầu năm nay, Tập đoàn ô tô Bắc Kinh (BAIC) đã mời nhà thiết kế người Ý Leonardo Fioravanti cùng công ty của ông trực tiếp giám sát các dự án phát triển sản phẩm của tập đoàn trong vai trò cố vấn chuyên môn, bao gồm cả việc tư vấn cho BAIC xây dựng thương hiệu riêng.
Giờ đây, Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) cho biết vừa bổ nhiệm nhà thiết kế Martin Uhlarik từng làm cho Nissan vào vị trí giám đốc trung tâm thiết kế của tập đoàn ở châu Âu.
SAIC cũng cho biết sẽ đầu tư 1,5 triệu bảng Anh (2,42 triệu USD) để tăng gấp đôi quy mô trung tâm thiết kế châu Âu của tập đoàn đặt tại Longbridge, miền trung nước Anh.
Nhà thiết kế Martin Uhlarik người Ý tới đây sẽ "cắm chốt" tại trung tâm thiết kế của SAIC ở châu Âu
Ông Uhlarik, 41 tuổi, người Canada, sẽ thay thế vị trí của nhà thiết kế Tony Williams-Kenny, người đã được bổ nhiệm làm giám đốc thiết kế toàn cầu tại trụ sở của SAIC ở Thượng Hải vào năm ngoái.
Trước đây, tại Nissan, ông Uhlarik phụ trách việc thiết kế lại mẫu xe Qashqai cho năm 2010. Ông cũng tạo phong cách cho mẫu Evalia concept 2003 và mẫu NV200 concept.
Trước khi về Nissan, ông từng là nhà thiết kế nội thất cấp cao của hãng Skoda, thuộc tập đoàn Volkswagen.
Giờ đây, tại SAIC, ông Uhlarik sẽ điều hành việc mở rộng đội ngũ thiết kế của công ty ở Anh, tập trung vào các xe MG - thương hiệu hiện có mặt tại 35 thị trường trên toàn thế giới. Nhóm thiết kế của ông cũng sẽ hỗ trợ cho thương hiệu Roewe của SAIC tại Trung Quốc.
Trung tâm thiết kế Longbridge đóng tại trụ sở cũ của MG Rover, doanh nghiệp ô tô Anh đã được SAIC mua lại vào năm 2007.
Trung tâm này đã thiết kế và chế tạo 3 mẫu xe cho thương hiệu MG của SAIC, gồm xe MG6, MG3 và MG5. Xe MG6 hiện được lắp ráp tại Longbridge, với các bộ linh kiện, phụ tùng nhập từ Trung Quốc.
Anh là thị trường duy nhất ở châu Âu của thương hiệu MG.
Một người phát ngôn của MG cho biết, thương hiệu này sẽ mở rộng hoạt động tại châu Âu vào cuối năm 2013 với các xe MG6 và MG3. Tuy nhiên, ông này từ chối tiết lộ cụ thể là những thị trường nào.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng không chỉ hợp tác với một nhà thiết kế ngoại, mà có thể là nhiều. Ví dụ, BAIC ngoài việc ký hợp đồng hợp tác với công ty của nhà thiết kế Leonardo Fioravanti còn hợp tác với hai trung tâm thiết kế khác của Ý là Bertone và Pininfarina.
Mẫu xe thể thao việt dã C51X của BAIC do trung tâm thiết kế Bertone của Ý tạo hình (Ảnh: Cars Guide)
Các công ty thiết kế ô tô Ý lừng danh như Pininfarina, Torino Design, và Fioravanti cho biết sẽ có mặt tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh 2012 để trực tiếp giới thiệu các mẫu xe concept hoặc trò chuyện với khách hàng, đối tác ở Trung Quốc.
BAIC và SAIC không phải là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tiên khai thác năng lực của các nhà thiết kế ngoại. Tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh hồi đầu năm ngoái, các nhà sản xuất Chery, Brilliance và First Auto Works (FAW) của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đều đã giới thiệu xe concept do các nhà thiết kế Ý "chấp bút".
Ông Dimitri Vicedomini, nhà thiết kế của công ty lừng danh Pininfarina, đã về đảm nhiệm vị trí giám đốc thiết kế của Brilliance từ giữa năm nay. Ông này có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Pininfarina - một trong ba công ty thiết kế hàng đầu của Ý, bên cạnh Italdesign Giugiaro và Bertone.
Trong khi đó, ông Peter Horbury, giám đốc thiết kế của Volvo, hiện là giám đốc phong cách của Geely - nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã mua Volvo vào năm ngoái. Vị giám đốc thiết kế kỳ cựu này của Volvo được kỳ vọng đem đến một sự lột xác cho Geely, giống như hãng xe Kia (Hàn Quốc) đã có một hướng đi hoàn toàn mới kể từ khi chiêu mộ được nhà thiết kế từng làm việc cho Audi và Volkswagen.
Nhật Minh
Theo dân trí
Geely sẽ xây một trung tâm nghiên cứu ở Thụy Điển Hãng sản xuất xe hơi Geely của Trung Quốc, hiện là chủ sở hữu hãng xe Volvo của Thụy Điển, vừa cho biết hãng xe này sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở đất nước vùng Scandinavia này để tận dụng tối ưu công nghệ tiên tiến của châu Âu. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) Trong một tuyên...