Ngành giáo dục năm 2015: Nhiều đổi mới nhưng chưa thật yên tâm
(PL&XH) – Năm 2015 đánh dấu những đổi mới có tính chất quan trọng của ngành giáo dục để hiện thực hóa nhiều vấn đề của Nghị quyết số 29-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo vào cuộc sống. Không thể phủ nhận, công tác đổi mới thi cử, những nỗ lực trong xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới và cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH của ngành giáo dục đang dần tạo ra những thay đổi về cách dạy và học đối với thầy và trò hiện nay. Nhưng, cái mới luôn bao gồm trong đó những thách thức, mà đôi lúc, những người quan tâm đến ngành giáo dục chưa thật yên tâm.
Thi THPT quốc gia và nhiệm vụ cải tiến các yếu tố kỹ thuật
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là bước thay đổi mạnh mẽ nhất trong việc đổi mới thi và tuyển sinh, một trong những công việc có thể làm ngay trong nhiều vấn đề của đổi mới giáo dục. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 4-7-2015 với sự tham gia của hơn 1 triệu thí sinh tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và 61 cụm thi tại tỉnh do sở GD&ĐT chủ trì). Kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm đạt cùng một lúc hai mục tiêu, vừa để xét tốt nghiệp, vừa để xét đầu vào ĐH.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời về kỳ thi THPT quốc gia năm nay như sau: “Trước đây, chúng ta tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH 3 kỳ, 3 đợt thi, cộng với 1 đợt thi tốt nghiệp là 4, mỗi lần 3 môn, cho nên tối đa các cháu phải thi 12 môn và phải thi ở các TP lớn, đối với thi tuyển sinh ĐH ở các trường ĐH. Bây giờ với cách thức tổ chức thi THPT quốc gia thì các cháu phải thi tối đa 8 môn, thống kê của chúng tôi cho thấy: Đa phần các cháu thi 5 môn. Như vậy tiết kiệm công việc ra đề, coi thi, các lực lượng hỗ trợ, chấm thi rất nhiều.
Thứ hai, các cháu không phải đi về các TP lớn mà ở tại khu vực tại tỉnh hoặc ở tỉnh bên cạnh việc đi lại cũng đỡ tốn kém.
Kiểm tra lại thì một số yêu cầu tại kết luận 51 của Trung ương tại kỳ họp lần thứ 6 và yêu cầu tại Nghị quyết 29 Trung ương, Hội nghị 8 đã được thực hiện bước đầu qua việc đổi mới dạy, học, kiểm tra đánh giá và thi cử THPT quốc gia vừa rồi, đó là: Giảm áp lực, giảm tốn kém, giảm căng thẳng, giảm gian lận, tăng tính trung thực của các cháu và từng bước chuyển đổi phương pháp dạy, học, thi cử trong nhà trường từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, cũng có những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia đã được chỉ ra như: Hạn chế kỹ thuật thông tin, giai đoạn nộp rút hồ sơ hết sức phức tạp, vất vả đối với thí sinh và người nhà.
Trước những hạn chế này, Bộ GD&ĐT đã có điều chỉnh lần cuối cho phương án thi năm 2016 tới để báo cáo Thủ tướng, muộn nhất là trước Tết Nguyên đán sẽ công bố rộng rãi.
Năm 2015 đánh dấu nhiều sự đổi mới của hệ thống giáo dục nhưng vẫn cần điều chỉnh để phù hợp hơn. Ảnh: P.T
Chương trình GDPT mới, tranh cãi hai chữ “tích hợp”
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể được Bộ GD&ĐT công bố vào đầu tháng 8-2015. Thay vì học sinh phải học 13 môn như hiện nay, số môn học bắt buộc sẽ giảm chỉ còn 7-8 đối với THCS và còn 4 môn đối với THPT. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành môn bắt buộc và môn tự chọn. Tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học. Đáng chú ý nhất là: Môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội. Học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục.
Sau một thời gian công bố, dự thảo chương trình GDPT tổng thể lại nhận được sự quan tâm của xã hội khi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo tại Hà Nội bàn về việc môn Lịch sử có bị “xóa sổ” không khi không còn tên trong chương trình học bắt buộc. Trong khi các giáo sư đầu ngành lên án mạnh mẽ dự thảo chương trình GDPT tổng thể của Bộ và yêu cầu giữ Lịch sử là môn bắt buộc, độc lập thì Bộ GD&ĐT vẫn nêu quan điểm cho rằng “Lịch sử không bị xóa bỏ, thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn, trong nhiều môn học khác nhau”.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã mời lãnh đạo và các chuyên gia, các nhà khoa học của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và các Hội khoa học… để nghe góp ý kiến về đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa nói riêng. Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cần đổi mới cơ chế lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Còn các chuyên gia cũng đề nghị Bộ nên cầu thị hơn nữa, để tránh việc người góp ý có cảm tưởng Bộ chưa trân trọng các ý kiến đóng góp.
Cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH, chuyện không dễ dàng
Hệ thống các trường ĐH, CĐ đang cùng lúc phải giải quyết hai vấn đề: Trường tư phát triển ồ ạt nhưng “ế ẩm”, không tuyển sinh đủ chỉ tiêu và nguồn lực ngân sách cho trường công hạn hẹp, lại dàn trải, khiến hiệu quả đầu tư thấp. Ở cả khu vực tư và công, đang có những giải pháp để cơ cấu lại. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thì năm học tới, việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục ĐH sẽ làm mạnh mẽ hơn.
Từ năm 2014, Bộ GD&ĐT đã có cuộc rà soát tổng thể hệ thống đào tạo ngành tại các trường ĐH, CĐ và yêu cầu dừng tuyển sinh 2.700 ngành trong cả nước. Bắt đầu từ năm 2016, việc cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống giáo dục ĐH sẽ được hiện thực hóa bằng nhiều việc hơn như: Giảm chỉ tiêu tuyển sinh CĐ của các trường ĐH, ít nhất là 30% mỗi năm. Yêu cầu quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH không quá 15.000 sinh viên. Dừng mở mới một số ngành đang dư thừa nhân lực. Tuy nhiên vấn đề cơ cấu lại này cũng không dễ dàng và phải có tính toán cụ thể. Hiện nay, quy mô đào tạo của nhiều trường quá lớn: ĐH Quốc gia Hà Nội với 7 trường thành viên có quy mô 24.000 sinh viên. ĐH Kinh doanh và công nghệ là trường tư thục nhưng có quy mô gần 30.000 sinh viên, và nhiều trường có quy mô vượt mức 15.000 như Bộ yêu cầu. Vì thế, vấn đề quy hoạch, sắp xếp nếu không tính kỹ sẽ lại xuất hiện cơ chế “xin – cho” của “những trường hợp đặc biệt”.
Cấp phép đào tạo ngành Y-Dược, cần điều chỉnh các quy định liên quan
Việc Bộ GD&ĐT cho phép trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (trường ngoài công lập) đào tạo ngành Y – Dược đã gây xôn xao dư luận thời gian qua. Mới đây Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo công bố kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ GD&ĐT – Bộ Y tế) về việc thẩm định các điều kiện đảm bảo mở ngành đào tạo Y đa khoa và Dược học của ĐH Kinh doanh và công nghệ. Theo kết quả của đoàn kiểm tra, trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội mới đủ điều kiện, được phép tuyển sinh ngành Dược từ năm 2016. Đối với ngành Y đa khoa, chỉ khi trường bổ sung hạng mục còn thiếu theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế thì mới được tuyển sinh.
Đối với ngành Y đa khoa thì Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế sẽ xem xét cho phép trường đăng kí chỉ tiêu tuyển sinh sau khi trường bổ sung đội ngũ (có tham khảo Công văn 7836 của Bộ Y tế), trong đó có 1 tiến sĩ sản khoa, 6 giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành của 6 môn học: Chẩn đoán hình ảnh, Truyền nhiễm, Tâm thần, Ký sinh trùng, Sinh lí bệnh miễn dịch, Mô phôi; thực hiện các hợp đồng mua bán trang thiết bị đã kí trị giá 11 tỉ đồng.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngày 5-10-2015, Bộ GD&ĐT đã trả lời có kiểm định điều kiện mở ngành của trường và có văn bản đồng ý cho trường đào tạo Y đa khoa và Dược học. Giờ lại có kết luận ngành Y của nhà trường chưa thể tuyển sinh thì có mâu thuẫn không?
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 5-10, trong quyết định của Bộ GD&ĐT thì về cơ bản, trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để mở ngành cho những năm học đầu. Bộ có đề nghị trường bổ sung, hoàn thiện các điều kiện theo lộ trình từng năm học và nếu tăng quy mô đào tạo. Nhưng đến lần kiểm tra này thì yêu cầu đã khác trước, vì yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo nên liên Bộ yêu cầu các điều kiện mở ngành phải đủ cho tất cả các năm đào tạo mới cho phép trường tuyển sinh. Văn bản trước là cho mở ngành, văn bản lần này mới quyết định có được tuyển sinh hay không.
“Qua lần kiểm tra này, quan điểm của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã thống nhất sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, không phân biệt công lập hay tư thục. Ngay cả trường ĐH Y Hà Nội sắp tới cũng sẽ được kiểm tra” – ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết. Đồng thời Bộ y tế sẽ có kiến nghị với Bộ GD&ĐT để điều chỉnh quy định mở ngành liên quan đến Y – Dược cho phù hợp.
Theo PL&XH