Ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật dẫn đầu xu hướng tuyển sinh nghề 2021
Dựa trên đánh giá từ nhu cầu của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo nghề đều tăng tỉ trọng tuyển sinh khối ngành kỹ thuật như: công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí…
Công nghệ thông tin và cơ khí, điện tử đang khát nhân sự
Ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhận định, trong xu thế tích cực chuyển đổi số quốc gia kết hợp cùng với bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, những ngành nghề có khả năng phát triển bền vững là những ngành nghề liên quan đến sản xuất và khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, tỉ lệ thất nghiệp trong khu vực các ngành dịch vụ sẽ chưa có nhiều tín hiệu tích cực nếu tình hình bệnh dịch chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh chỉ ra thực tế rằng trong thời kỳ phải đối mặt với Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất có liên kết với nhà trường vẫn hoạt động và tăng trưởng tốt, trong khi đó các cơ sở dịch vụ gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế này, ông Khánh cho rằng, các ngành như cơ khí, điện, điện tử và đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ phát triển và kéo theo đó là nhu cầu lao động cao trong các ngành này.
Lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho biết chỉ tiêu tuyển sinh các ngành công nghệ thông tin, điện, điện tử, cơ khí… sẽ tăng trong năm học 2020-2021 do nhu cầu thị trường lao động.
Cùng chung nhận định trên, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy của trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cũng cho rằng: “Theo sự phát triển của các khu công nghiệp và xu hướng đầu tư sản xuất hiện nay, các ngành nghề như điện, điện tử, cơ điện tử và công nghệ thông tin là những ngành nghề sẽ có nhu cầu nhân lực cao trong 5 năm tới theo khảo sát của nhà trường cũng như đánh giá của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Bắc Ninh”.
Tại Bắc Ninh, mỗi năm các khu công nghiệp tuyển dụng 50.000-70.000 lao động qua đào tạo. Do vậy quy mô đào tạo của các trường dạy nghề ở thời điểm hiện tại theo ông Huy là mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ so với nhu cầu thị trường lao động.
Để bổ sung sự thiếu hụt nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần phải tăng quy mô đào tạo, tập trung vào đào tạo nhân lực chất lượng cao để đóng vai trò nòng cốt trong doanh nghiệp.
Ông Vũ Chí Thành – Hiệu trưởng trường CĐ FPT Polytechnic đánh giá: “Trong những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, được xã hội tín nhiệm. Phụ huynh, học sinh, sinh viên lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THPT, thậm chí là tốt nghiệp THCS ngày càng đông vì đánh giá cao mô hình học ngắn, thực tế, sớm kiếm sống bằng nghề nghiệp đã học”.
Đặc biệt, ông Thành cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, lựa chọn nghề nghiệp đi vào thực chất, thận trọng nên nhu cầu học thời gian ngắn, đi làm ngay là tất yếu.
Video đang HOT
Cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngành sản xuất kinh tế quay trở về những ngành sản xuất cốt lõi, vì thế trong thời gian tới, nhu cầu học những ngành nghề không liên quan đến nhu cầu thiết yếu sẽ giảm nhẹ… Xu hướng giảm có thể gặp ở các ngành như: thiết kế thời trang, sân khấu điện ảnh, hướng dẫn viên du lịch…
Dịch bệnh cũng là yếu tố đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam và trên thế giới, số hóa mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, do đó các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin sẽ dẫn đầu xu hướng tuyển sinh những năm tiếp theo.
Có thể kể đến một số ngành cụ thể như: ứng dụng phần mềm, lập trình máy tính & thiết bị di động, thiết kế đồ họa, digital Marketing, điện – điện tử, cơ khí tự động hóa… Trong năm 2020, số thí sinh lựa chọn các ngành có liên quan đến công nghệ thông tin tại FPT Polytechnic chiếm 60% tổng thí sinh và vẫn sẽ còn tiếp tục tăng.
Công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, mọi lĩnh vực, do đó đây cũng là những ngành “khát” nhân lực và có mức thu nhập cao. Việc sinh viên ngành công nghệ sau khi tốt nghiệp đi làm tại công ty, nhận thêm các dự án freelance, có thu nhập từ 10-20 triệu/tháng đã là chuyện phổ biến.
Xu hướng gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp tuyển dụng lao động
Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Huy cho biết, hiện nay trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh đang phối hợp cùng với các doanh nghiệp một cách chặt chẽ để đào tạo “theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp”, phục vụ cho các nhà máy mới hoặc các dây chuyền sản xuất mới.
“Hiện nay, các doanh nghiệp phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình đào tạo lao động, hỗ trợ kinh phí, bố trí vị trí việc làm phù hợp cho sinh viên thực tập. Như vậy, sinh viên trước khi tốt nghiệp đã biết được sẽ làm gì, có việc làm ngay sau khi ra trường. Mặt khác, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng lao động được ngay, không mất thời gian hướng dẫn hay đào tạo lại”, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.
Được biết, sinh viên CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh được đào tạo theo diện “doanh nghiệp đặt hàng” sẽ có mức lương 12-15 triệu/đồng sau khi tốt nghiệp bắt đầu đi làm.
Hợp tác đào tạo chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đang là xu hướng
Với triết lý “thực học – thực nghiệp”, Cao đẳng FPT Polytechnic cũng tích cực đẩy mạnh yếu tố doanh nghiệp vào trong đào tạo: thiết kế chương trình, module môn học dựa trên khảo sát, tư vấn từ doanh nghiệp; tăng cường lực lượng giảng viên đến từ doanh nghiệp; mời doanh nghiệp tham gia hướng dẫn dự án, phản biện tốt nghiệp; kết nối tham quan doanh nghiệp, thực tập, tuyển dụng; nhận các dự án để thầy và trò triển khai tại các FabLab… hoàn thiện chu trình khép kín nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp.
Trong năm 2021, CĐ FPT Polytechnic cũng sẽ tăng chỉ tiêu khối ngành Công nghệ thông tin, Digital Marketing, Cơ khí, (điện) tự động hóa. Nhà trường sẽ ưu tiên những thí sinh tìm hiểu, nộp hồ sơ sớm.
Về phía Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt 98%; lượng sinh viên có việc làm sau 2 tháng đạt hơn 95%. Có được tỉ lệ cao như thế này là nhờ trường tăng cường kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo “trúng và đúng nhu cầu” cũng như cam kết tuyển dụng đầu ra.
Năm học 2020-2021, Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã có nhiều đơn đặt hàng đào tạo với hàng ngàn chỉ tiêu theo nhu cầu của doanh nghiệp lớn. Sinh viên tham gia chương trình này được doanh nghiệp chi trả 100% chi phí đào tạo, được trả lương ngay từ khi vào học.
Muốn viết tốt phải đọc nhiều
Năm 2019, với 46 công bố khoa học, Trường đại học Lạc Hồng nằm trong tốp 50 trường đại học tại Việt Nam có nhiều công bố khoa học quốc tế. Năm nay, nhà trường vẫn tiếp tục duy trì đều đặn công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) này.
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: T.VI
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được kết quả đó, bản thân các giảng viên trong trường phải có nhiều cố gắng. Nhà trường cũng có chiến lược và chính sách phù hợp để thúc đẩy hoạt động NCKH.
Công bố quốc tế tập trung vào khối ngành kỹ thuật
Trường đại học Lạc Hồng có hoạt động NCKH khá sôi nổi. Đâu là yếu tố khích lệ để cán bộ, giảng viên nhà trường tích cực tham gia hoạt động này, thưa ông?
- Đối với trường đại học, hoạt động đào tạo và NCKH là không thể tách rời. Trường chúng tôi quy định mỗi giảng viên có 280 giờ chuẩn giảng dạy và 150 giờ làm NCKH trong 1 năm học. Như vậy, hoạt động NCKH chiếm hơn 1/3 thời gian so với giờ chuẩn giảng dạy. Bên cạnh đó, nếu giảng viên phải tập trung cho hoạt động NCKH thì cũng có thể quy đổi số giờ này cho nhau.
Xác định hoạt động NCKH là quan trọng và góp phần tạo nên uy tín cho nhà trường, ngay từ năm 2014, trường chúng tôi đã ban hành Quy chế về hoạt động KHCN của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng và Quy chế khen thưởng bài báo khoa học. Theo đó, các công trình CNKH được công bố trong nước và quốc tế đều được khen thưởng, tùy theo chất lượng. Hiện nay, mức thưởng cao nhất dành cho bài công bố khoa học quốc tế là 180 triệu đồng.
Việc khen thưởng trong công tác NCKH được nhà trường duy trì ổn định, mức tiền thưởng chỉ có tăng chứ không giảm. Đây chính là một yếu tố khuyến khích giảng viên nhà trường tham gia NCKH.
Thưa ông, hiện nay, số lượng bài báo khoa học quốc tế của Trường đại học Lạc Hồng chủ yếu thuộc khối ngành nào?
- Hiện nay, khối ngành kỹ thuật của trường gồm các ngành như: cơ điện tử, điện điện tử, tự động hóa, hóa thực phẩm, dược, công nghệ thông tin, xây dựng... đang có số lượng công bố khoa học nhiều hơn so với khối ngành kinh tế, xã hội. Riêng khối ngành kinh tế, chúng tôi có thầy Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Quan hệ quốc tế thường xuyên có bài báo quốc tế.
Đối với khối ngành xã hội, trường chúng tôi có ngành Đông Phương học, đào tạo tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật... Giảng viên của những ngành này rất giỏi ngoại ngữ nhưng tiếng Anh lại không phải là thế mạnh của họ. Trong khi đó, công bố bài báo quốc tế bắt buộc phải viết bằng tiếng Anh. Vì vậy, hiện nay khối ngành này chúng tôi vẫn chưa có bài báo quốc tế.
Muốn đi xa phải đi cùng đồng đội
Theo tôi được biết, đa phần các công bố khoa học quốc tế của giảng viên Trường đại học Lạc Hồng đều là các công trình viết chung. Đây liệu có phải là "chiến lược" của nhà trường?
- Để thúc đẩy hoạt động NCKH, nhất là trong việc công bố các bài báo khoa học quốc tế, nhà trường phải dựa vào đội ngũ cán bộ, giảng viên có năng lực nghiên cứu tốt. Đó hầu hết là những người được đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài về. Họ chính là đầu tàu dẫn dắt thế hệ tiếp theo, là thuyền trưởng chỉ đạo các nhóm nghiên cứu, giúp nhóm nghiên cứu mạnh hơn.
Người ta vẫn nói rằng "muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Theo tôi, trong hoạt động NCKH điều này là rất chính xác. Bởi vì nếu làm theo nhóm thì các thành viên có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Mỗi người phụ trách một phần việc, như vậy sẽ nhanh có kết quả hơn. Còn nếu làm việc một mình thì sẽ phải tự xoay xở. Nếu giỏi lắm, một người cũng chỉ có thể thực hiện được 1-2 bài nghiên cứu/năm.
Ngoài phối hợp cùng giảng viên trong trường, chúng tôi còn liên kết với các trường bạn (cả trong nước lẫn quốc tế) trong hoạt động NCKH. Hợp tác quốc tế trong NCKH giúp đội ngũ giảng viên nhà trường nâng cao trình độ. Lĩnh vực hợp tác này thường thông qua mối quan hệ của các tiến sĩ đã đi du học ở nước ngoài. Họ thường hợp tác với các giáo sư hoặc bạn bè, đồng nghiệp ở trường được đào tạo. Thông qua các hội thảo quốc tế, chúng tôi cũng có thể gặp được những người có cùng chung hướng nghiên cứu và chủ động liên hệ với nhau để lập nhóm nghiên cứu. Khi đủ tốt, các cá nhân trong nhóm có thể tách ra để thành lập nên nhóm nghiên cứu khác.
Là tác giả có nhiều bài báo công bố quốc tế, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm của ông trong hoạt động này?
- Tôi học đại học và cao học ở Việt Nam. Thời điểm đó, ngay cả giảng viên hướng dẫn của tôi cũng chưa quen với việc viết bài báo khoa học quốc tế. Gần đây, khi quan hệ hợp tác quốc tế mở rộng, chúng ta có nhiều nhà khoa học đi du học đã đưa kiến thức, cách thức NCKH theo chuẩn quốc tế về Việt Nam.
Bản thân tôi, năm 2010 tham gia làm nghiên cứu sinh ở Đài Loan (Trung Quốc). Khi đó, tôi mới biết được những tiêu chuẩn viết bài báo khoa học quốc tế. Tôi cũng may mắn gặp được giáo sư hướng dẫn là người rất chuyên tâm NCKH. Ông có rất nhiều bài báo quốc tế. Tôi đã tìm đọc tất cả các bài báo đó của thầy. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho mình. Tôi cũng tìm đọc các cuốn sách hướng dẫn viết bài báo khoa học. Sau đó tôi tập viết các bài báo cho hội thảo khoa học. Ban đầu, để có được một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế rất gian nan. Nhưng dần dần, tôi nâng được kiến thức và kỹ năng viết bài.
Theo tôi, nếu như yêu cầu cao nhất của đề tài chuyển giao công nghệ là tính ứng dụng thì yêu cầu quan trọng của một bài báo khoa học chính là tính mới của đề tài nghiên cứu. Muốn vậy, người viết bài phải làm rõ tổng quan tính hình nghiên cứu, nêu rõ ưu, nhược điểm của các công trình đi trước. Với khối ngành kỹ thuật của chúng tôi, nhiều khi tính mới chính là chỉ ra được nhược điểm của vấn đề nghiên cứu và cách khắc phục nhược điểm đó.
Tóm lại, theo tôi, muốn viết được một bài công bố khoa học quốc tế, việc đầu tiên chính là phải đọc nhiều công trình nghiên cứu quốc tế. Ngay cả những người đã có nhiều công trình công bố rồi thì vẫn phải thường xuyên đọc. Có như vậy mới cập nhật được xu hướng nghiên cứu mới để tìm ra hướng đi cho mình.
Xin cảm ơn ông!
Tập trung đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp Theo Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, trong thời gian tới, mục tiêu tỉnh đặt ra là đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của vùng kinh tế trọng điểm. Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, nhiệm...