Ngành bảo hiểm chao đảo do cháy rừng tại Mỹ
Trong nhiều năm qua, các chuyên gia đã cảnh báo rằng bảo hiểm nhà ở tại bang California (Mỹ) có thể dễ dàng sụp đổ.
Theo tờ The New Yorker, một ngày trước đêm Giao thừa, ủy viên bảo hiểm của California, ông Ricardo Lara, đã công bố quy định mang tính bước ngoặt nhằm cải thiện khả năng tiếp cận bảo hiểm. Ông nói rằng quy định mới sẽ giải quyết những vấn đề mà các chủ nhà ở California đang đối mặt hiện nay, đồng thời xây dựng một thị trường bảo hiểm bền vững trong tương lai.
Nhưng rồi vụ cháy rừng Palisades ở Los Angeles bùng phát, tiếp theo là các vụ cháy Eaton, Hurst, Lidia và Sunset. Thiệt hại từ những đám cháy rừng này hiện ước tính lên đến 150 tỷ USD, khiến tương lai của thị trường bảo hiểm California đang trở nên đầy bất ổn. Một đại lý bảo hiểm ở Los Angeles nói với tờ Wall Street Journal: “Chúng tôi đang bước vào giai đoạn chưa từng trải qua”.
Khủng hoảng vì thiên tai
Cảnh tàn phá do cháy rừng tại Altadena, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thực tế, khủng hoảng bảo hiểm ở bang California đã âm ỉ trong nhiều năm. Trận cháy rừng Camp Fire kinh hoàng gần Chico năm 2018 đã gây thiệt hại ước tính 16,5 tỷ USD và dẫn đến khoản lỗ ròng cho các công ty cung cấp bảo hiểm cháy nổ tại bang này. Năm 2019, số lượng hợp đồng bảo hiểm nhà ở tại California không được gia hạn tăng hơn 30%. Đến năm 2023, hai công ty bảo hiểm lớn là State Farm và Allstate thông báo sẽ ngừng cung cấp hợp đồng mới cho các loại bảo hiểm tài sản tại California. State Farm cho biết quyết định này là do lạm phát và rủi ro thảm họa ngày càng gia tăng. Mùa hè năm ngoái, công ty này đã hủy hợp đồng bảo hiểm của hơn 1.500 ngôi nhà ở Pacific Palisades, khu vực giàu có mà đám cháy đầu tiên ở Los Angeles bùng phát.
Có nhiều lý do khiến rủi ro thảm họa ở California tăng lên trong những năm gần đây. Một trong số đó là xu hướng ngày càng có nhiều người chuyển đến những khu vực dễ xảy ra cháy rừng. Một lý do khác là cháy rừng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, chủ yếu do biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu năm 2023 kết luận rằng diện tích bị cháy trong các trận cháy rừng mùa hè ở miền Trung và miền Bắc California đã tăng 500% trong vài thập kỷ qua và nguyên nhân gần như đều do tình trạng nóng lên toàn cầu.
Một nghiên cứu khác của nhóm Climate Central được công bố năm 2024 cho thấy nhiệt độ tăng cao đã làm tăng số lượng ngày có thời tiết dễ cháy (gió mạnh, nóng và khô) trên khắp California. Đặc biệt, khu vực bồn địa sa mạc phía Đông Los Angeles có trung bình nhiều hơn 61 ngày dễ xảy ra cháy mỗi năm so với 50 năm trước.
Bà Kaitlyn Trudeau, nhà nghiên cứu cấp cao tại Climate Central, nhận định ngày 8/1: “Khi khí hậu của chúng ta nóng lên, khả năng xảy ra các trận cháy rừng dữ dội, lan nhanh như những gì người dân California đang đối mặt hôm nay sẽ tiếp tục tăng”.
Khó khăn do quy định
Trực thăng phun nước để dập lửa cháy rừng tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN
Video đang HOT
Tình hình trở nên tồi tệ hơn, ít nhất từ góc độ các công ty bảo hiểm, khi cơ quan quản lý bảo hiểm của California khiến họ gặp khó khăn trong việc bù đắp hoặc thậm chí dự báo chi phí gia tăng từ các thảm họa liên quan đến thời tiết.
Trước khi các quy định của cơ quan này được sửa đổi năm ngoái, các công ty bảo hiểm không được sử dụng các mô hình dự báo thảm họa để tính toán tổn thất do cháy rừng, họ chỉ được đán.h giá các tổn thất trước đó. Ngoài ra, từ trước đó cho tới tháng 12/2024, các công ty không thể chuyển chi phí tái bảo hiểm sang cho khách hàng. Tái bảo hiểm là một hình thức bảo hiểm dành cho công ty bảo hiểm và chi phí này đang tăng mạnh.
Do đó để quy định trên được thay đổi, các công ty bảo hiểm hiện buộc phải ký thêm nhiều hợp đồng bảo hiểm nhà ở tại các khu vực dễ cháy rừng. Một số nhà vận động vì người tiêu dùng đã ch.ỉ tríc.h thỏa thuận này là quá ưu ái cho ngành bảo hiểm. Những người khác hy vọng rằng điều này cuối cùng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận bảo hiểm.
Bà Amy Bach, Giám đốc điều hành United Policyholders (một tổ chức phi lợi nhuận tại California), nói với kênh NBC News: “Chúng tôi đều nghĩ rằng năm 2025 sẽ là thời điểm các công ty bảo hiểm hứng thú trở lại với thị trường California. Thật không may, thảm họa này lại ập đến ngay đầu năm”.
Tất nhiên, California không phải bang duy nhất đang đối mặt với cuộc khủng hoảng bảo hiểm do khí hậu gây ra. Sau hàng loạt cơn bão kinh hoàng như Harvey năm 2017, Ida năm 2021, Helene và Milton năm 2024, các chủ tài sản tại Florida, Louisiana và Texas cũng đang gặp khó khăn khi bảo hiểm trở nên ngày càng đắt đỏ hoặc không thể mua được. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Colorado, nơi mà giống như California, nguy cơ cháy rừng đang gia tăng.
Bà Carole Walker, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thông tin Bảo hiểm Rocky Mountain, nói: “Chúng tôi chỉ cần đưa ra vài quyết định sai lầm nữa là sẽ rơi vào tình thế như California”.
Đối với những chủ nhà không thể tìm được bảo hiểm cháy rừng, California có một chương trình bảo hiểm cuối cùng, được gọi là FAIR Plan (Chương trình Yêu cầu Tiếp cận Bảo hiểm Công bằng). FAIR Plan được bang thành lập, nhưng do các công ty tư nhân vận hành, mà trong đó rủi ro được chia sẻ.
Florida, Louisiana và Texas cũng có các chương trình tương tự, còn Colorado vừa mới thành lập một chương trình như vậy.
Khi các công ty bảo hiểm rút khỏi California, số lượng hợp đồng bảo hiểm do FAIR Plan cung cấp đã tăng mạnh. Chỉ từ cuối năm 2023, số hợp đồng này đã tăng hơn 40%. Trong khi đó, giá trị của các tài sản dân cư được FAIR Plan bảo hiểm đã tăng lên hơn 450 tỷ USD, gấp ba lần so với năm 2020. Điều này dẫn đến lo ngại rằng, xét tất cả thiệt hại từ các vụ cháy hiện tại, FAIR Plan sẽ phá sản.
Ông Jim Wood, khi đó là một thành viên lập pháp ở California, đã nói hồi tháng 3/2024: “Tôi lo ngại rằng chúng ta chỉ cần một mùa cháy rừng tồi tệ nữa là FAIR Plan sẽ hoàn toàn mất khả năng thanh toán”.
Nếu FAIR không thể thực hiện nghĩa vụ, các công ty bảo hiểm của bang này sẽ phải bù đắp phần thiếu hụt. Đổi lại, họ sẽ chuyển ít nhất một phần chi phí này sang cho người tiêu dùng, từ đó tiếp tục đẩy phí bảo hiểm lên cao hơn.
Tất cả điều này đặt ra câu hỏi về vai trò của bảo hiểm trong một thế giới đang nóng lên. Khi các mối nguy do biến đổi khí hậu ở California gia tăng, FAIR Plan đã gánh chịu phần lớn rủi ro. Điều này là một lợi ích cho các chủ nhà ở những khu vực dễ cháy nhất, nhưng có thể trở thành gánh nặng cho những cư dân khác của bang.
Bà Susan Crawford, Giáo sư danh dự tại Đại học Harvard, viết trong một bài đăng gần đây: “FAIR Plan chính là quyết định của bang nhằm làm bất cứ điều gì cần thiết để giữ cho thị trường bất động sản hoạt động, ngay cả ở các khu vực rủi ro cao… Có lẽ hiện giờ, quyết định đó đang gặp thử thách. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.
Ba nguyên nhân khiến đợt cháy rừng hiện nay ở Mỹ chưa từng có tiề.n lệ
Hạt Los Angeles ở bang California của Mỹ đang trải qua đợt bùng phát cháy rừng dữ dội. Các chuyên gia đã chỉ ra ba nguyên nhân khiến đợt cháy rừng hiện nay đang ở mức nghiêm trọng chưa từng có tiề.n lệ.
Lửa cháy rừng bùng phát dữ dội, thiêu rụi nhiều ngôi nhà ở khu vực Pacific Palisades, Los Angeles (Mỹ) ngày 7/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ The Guardian, ngay cả trong một bang đã trở nên quá quen thuộc với các vụ cháy rừng nghiêm trọng, đợt bùng phát nhanh chóng các đám cháy đang thiêu rụi khu vực Los Angeles vẫn khiến nhiều người sửng sốt, khiến hàng loạt cư dân phải di tản và để lại đằng sau những ngôi nhà bị cháy đen.
Ngày 8/1, khoảng 50.000 người đã được lệnh di tản trong bối cảnh ba đám cháy lớn và di chuyển nhanh đã tàn phá hàng nghìn hécta gần trung tâm thành phố lớn thứ hai của Mỹ, trong đó một đám cháy hoành hành ở phía Tây Pacific Palisades và một đám cháy khác ở vùng núi phía Đông trên Pasadena. Một đám cháy nhỏ hơn đã bùng phát ở khu ngoại ô phía Bắc của Los Angeles là Sylmar.
Các đám cháy đã khiến ít nhất 5 người thiệ.t mạn.g và nhiều người bị thương nghiêm trọng. Ông Gavin Newsom, Thống đốc California, đã gọi tình hình là "chưa từng có tiề.n lệ" khi ông ra lệnh cho 1.400 lính cứu hỏa tham gia dập tắt các đám cháy.
Các đám cháy đã khiến bầu trời chuyển màu cam, gây mất điện cho hàng trăm nghìn người, tạo ra cảnh hoảng loạn khiến xe cộ ùn tắc trên đường, thiêu rụi nhiều ngôi nhà, trong đó có nhà của các ngôi sao điện ảnh Hollywood ở Malibu.
Theo ông Ariel Cohen, nhà khí tượng học tại Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia ở Los Angeles, mặc dù cháy rừng không phải là điều mới mẻ đối với California, nhưng một số yếu tố đã góp phần thổi bùng ngọn lửa, dẫn đến một trong những đợt bùng phát cháy lớn nhất trong lịch sử. Ông nói: "Tôi kêu gọi mọi người rằng nếu nhận được lệnh di tản, hãy nghiêm túc thực hiện. Mạng sống phụ thuộc vào điều đó".
Tại sao các đám cháy lại nghiêm trọng đến vậy? Có ba nguyên nhân mà các chuyên gia đã chỉ ra.
Gió mạnh Santa Ana có thể thổi bùng ngọn lửa
Các đám cháy đã lan nhanh chóng nhờ vào những cơn gió mạnh thổi với tốc độ lên đến 129 km/h, thậm chí lên tới 161 km/h ở một số khu vực miền núi.
Mùa đông ở California thường mang theo gió Santa Ana. Đây là những cơn gió khô và mạnh từ sa mạc rộng lớn phía Tây của Mỹ thổi vào miền Nam California. Những cơn gió này mang theo không khí khô và ấm, đẩy về phía bờ biển, ngược lại với không khí ẩm ướt thường xuyên từ đại dương Thái Bình Dương thổi vào khu vực này.
Điều này khiến độ ẩm giảm xuống, làm khô thảm thực vật dễ cháy và kích thích ngọn lửa. Gió Santa Ana từng góp phần gây ra một số đám cháy tồi tệ nhất ở California.
Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia đã cảnh báo trước khi xảy ra các đám cháy mới nhất ở Los Angeles: "Đây là một tình huống đặc biệt nguy hiểm.Nói cách khác, xét về thời tiết dễ gây cháy rừng thì tình trạng này là tồi tệ nhất".
Khô hạn sau khi mưa nhiều
Cùng với gió mạnh, tình hình thời tiết gần đây ở miền Nam California đã khiến cháy rừng dữ dội hơn. Hai mùa đông có lượng mưa lớn, đặc biệt là vào năm 2022 và 2023, đã khiến thảm thực vật phát triển mạnh mẽ trên khắp khu vực Los Angeles, nhưng mùa đông này lại cực kỳ khô hạn, khi phần lớn miền Nam California đang trong tình trạng hạn hán.
Điều này có nghĩa là có rất nhiều cây cối, cỏ và bụi rậm có thể bắt lửa. Hầu hết trong số đó đều đang thiếu nước, khiến chúng dễ dàng bốc cháy hơn.
Theo nhà khoa học khí hậu Daniel Swain, mặc dù miền Bắc California đã có nhiều mưa trong mùa đông này, nhưng phân bổ lượng mưa không đều ở bang này, khi các khu vực ở miền Nam California đang trải qua những thời kỳ khô hạn tồi tệ nhất trong hơn 150 năm.
Ông Swain nói: "Hiện tại, vấn đề là tình trạng phân bổ giữa khu vực có mưa và không có mưa. Điều này sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Ngay cả trong dài hạn, tình trạng phân bổ không đều này sẽ tiếp tục trong suốt mùa, mặc dù hy vọng sẽ ít nghiêm trọng hơn".
Khủng hoảng khí hậu đang làm gia tăng nhiệt độ
Mặc dù gió mạnh và điều kiện khô hạn đã làm các đám cháy ở Los Angeles trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến những đám cháy như vậy trở nên phổ biến và tàn khốc hơn.
Mới chỉ cách đây hai năm, California phải đối mặt với một đợt hạn hán kéo dài hàng thập kỷ, là một phần của "cơn hạn hán siêu lớn" trên khắp Mỹ mà các nhà nghiên cứu ước tính là tồi tệ nhất trong ít nhất 1.200 năm. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao do đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm gia tăng số ngày có thời tiết cháy rừng vì thực vật cũng như đất đai đã khô trong khi độ ẩm giảm.
Các đám cháy ở miền Tây nước Mỹ ngày càng trở nên thường xuyên và lớn hơn. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng lên khoảng 25% ở California. Mười trong số các đám cháy lớn nhất ở California đã xảy ra trong hai thập kỷ qua, trong đó 5 đám cháy trong số này xảy ra chỉ trong năm 2020.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã góp phần làm tăng 172% diện tích đất bị cháy ở California kể từ những năm 1970. Dự báo con số này sẽ còn tăng trong những thập kỷ tới.
Từ ngập lụt đến cháy rừng mất kiểm soát: Tại sao California thành điểm nóng thiên tai? Bang California của Mỹ đang trở thành tâm điểm của những thảm họa thiên nhiên ngày càng cực đoan. Từ mưa lũ dữ dội đến cháy rừng nghiêm trọng, bang California đang đối mặt với những hệ quả thảm khốc của biến đổi khí hậu. "Cú quật thời tiết" Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão tại...