Ngân hàng trung ương Nhật Bản quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 17/6, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/ TTXVN
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BOJ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1%. Bên cạnh đó, BOJ cũng quyết định tiếp tục chương trình mua vào tài sản để duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%.
Quyết định trên được đưa ra ngay cả khi lạm phát ở Nhật Bản vào tháng 4 vừa qua đã vượt ngưỡng mục tiêu 2% của BOJ lần đầu tiên sau hơn 7 năm và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác, trong đó có Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), đang thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Đáng chú ý, kể từ đầu năm tới nay, FED đã hai lần tăng lãi suất cơ bản với tổng mức tăng lên tới 1,25%, trong đó lần tăng gần đây nhất là ngày 15/6, với mức tăng lên tới 0,75%, cao nhất kể từ năm 1994.
Với quyết định trên của BOJ, khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ lại tiếp tục nới rộng. Điều đó khiến đồng yen lại mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Trong phiên giao dịch sáng 17/6, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đã tăng từ mức khoảng 133 yen/USD lên mức trên 134 yen/USD. Trước đó, ngày 15/6, tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc chạm mức 135,60 yen/USD, thấp nhất kể từ tháng 10/1998.
Video đang HOT
Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Meiji Yasuda nhận định: “Đồng yen yếu giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng lại tác động tiêu cực tới tiêu dùng cá nhân. Mặc dù vậy, tác động của việc đồng yen mất giá có thể sẽ không quá tiêu cực đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bởi xuất khẩu đóng vai trò lớn trong GDP của Nhật Bản”.
Tác động hồi chuyển với các thị trường tài chính từ quyết định tăng lãi suất của FED
Thị trường chứng khoán bùng nổ sau quyết định tăng lãi suất mạnh tay của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Nhưng phía trước là nhiều thách thức.
Giao dịch viên theo dõi tin tức tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 4/5/2022. Ảnh: Reuters/TTXVN
Nhằm kiềm chế lạm phát tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đảo ngược chính sách về nới lỏng tiền tệ từng được áp dụng trong 10 năm trở lại đây. Ngày 4/5, FED thông báo quyết định tăng 0,5 điểm phần trăm lãi suất chủ chốt và giảm quy mô bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6 tới.
Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) khiến giới đầu tư bất ngờ khi tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm hôm 3/5, dù không lâu trước đó chính RBA phát đi thông điệp giữ lãi suất gần ngưỡng 0% đến năm 2024. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến trong ngày 5/5 (giờ địa phương) cũng sẽ có động thái tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2009.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngay lập tức có phản ứng tích cực trước thông tin FED đưa ra, khi giới đầu tư được giải tỏa lo ngại vì trước đó xuất hiện thông tin FED có khả năng tăng nhanh lãi suất ở ngưỡng 0,75% điểm phần trăm. Chỉ số Down Jones tăng hơn 900 điểm chốt phiên ngày 4/5, mức tăng mạnh nhất kể từ thời điểm tháng 11/2020.
Tuy nhiên, phản ứng trên thị trương chứng khoán chỉ là nhất thời. Trên thực tế, thị trường tài chính chính đã phải thích nghi với những hệ lụy tiêu cực từ thắt chặt tiền tệ. Chỉ số trên các thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận mức giảm 8% trong tháng 4, khi giới đầu tư lo ngại lãi suất tăng trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế suy yếu. Ngược lại, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã cán mốc 3% hôm 2/5, tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2022.
Một tác động dễ nhận thấy nhất của thắt chặt các điều kiện tài chính là mức biến động lớn của tiền tệ. Đồng USD đã tăng giá 7% so với rỏ tiền tệ toàn cầu trong một năm trở lại đây. Do kinh tế và thị trường việc làm rơi vào tăng trưởng nóng thời gian qua, Mỹ có nhu cầu tăng lãi suất hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới.
Lãi suất cao kích thích giới đầu tư đổ nguồn tiền vào đồng USD, trong khi nhu cầu đối với đồng bạc xanh đã tăng mạnh trước đó, do đây được coi là kênh đầu tư an toàn tại thời điểm xuất hiện bất ổn liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine cũng như bùng phát dịch COVID-19 tại Trung Quốc. Đồng USD lên giá mạnh nhất so với đồng yên Nhật - đồng tiền nội tệ của một nền kinh tế lớn duy nhất dường như không có kế hoạch tăng lãi suất. Theo tỷ giá quy đổi, đồng yên hiện ở mức giá thấp nhất so với đồng USD tính từ thập kỷ 1970.
Một hệ lụy khác là mức độ gia tăng về phần bù rủi ro (risk premium) khi nhà đầu tư lo ngại về những hầm bẫy trong bức tranh kinh tế mới. Về khái niệm, phần bù rủi ro là phần chênh lệch giữa tỷ lệ lợi nhuận của khoản đầu tư dự kiến mang lại so với lãi suất phi rủi ro. Nói cách khác, đây là phần lợi nhuận cộng thêm mà nhà đầu tư sẽ nhận được (hoặc dự kiến nhận được) từ việc nắm giữ danh mục đầu tư rủi ro trên thị trường, thay vì những tài sản phi rủi ro.
Phần bù rủi ro được xem là hình thức bù đắp cho nhà đầu tư, giúp họ tránh nguy cơ phải chịu mất một phần hoặc toàn bộ số tiền bỏ ra. Tại Mỹ, các biện pháp về "phần bù rủi ro lạm phát" đã lên mức cao nhất kể từ năm 1994. Thanh khoản trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có dấu hiệu suy giảm. Lượng giao dịch của chứng khoán cầm cố so với trái phiếu 10 năm đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, cho thấy lo ngại FED có thể chủ động tăng bán trái phiếu cầm cố.
Hiệu ứng thứ ba từ việc FED tăng lãi suất chính là hoạt động yếu kém ngay cả với danh mục đầu tư đa dạng hóa được thiết kế để miễn nhiễm tương đối trước các cú sốc trên thị trường. Tại Mỹ, danh mục đầu tư 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu - công thức từng mang lại mức lợi suất 11%/năm trong cả giai đoạn 2008-2021, đã giảm 12% trong năm nay. Nếu năm 2021 được đánh giá là năm "cái gì cũng tăng" thì 2022 có thể sẽ đánh dấu mốc về xu thế "cái gì cũng giảm", khi mà mức lãi suất thấp từng có được do lạm phát thấp hiện không còn.
Khi giới đầu tư gặp tổn thất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể vào cuộc để thay đổi cục diện tình hình. Nếu dừng tăng lãi suất và để lạm phát dân cao, các trái chủ nắm giữ trái phiếu sẽ là người mất tiền, trong khi người nắm giữ các loại tài sản chống lạm phát như cổ phiếu, nhà đất là đối tượng được hưởng lợi. Đồng USD khi đó cũng sẽ suy yếu, giúp các nước có mức nợ lớn bằng đồng USD, nước thiên về xuất khẩu được hưởng lợi.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của các ngân hàng Trung ương, trong đó có FED, là đưa ra phản ứng chính sách trước thực trạng kinh tế trong nước và kiềm chế lạm phát ở mức có thể chịu đựng được. Căng thẳng trên thị trường tài chính là hệ quả tự nhiên từ quyết định tăng lãi suất và điều chỉnh lãi suất sẽ còn tiếp tục. Giới đầu tư vẫn dự báo lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ đạt đỉnh trên 3% so với biên độ 0,75%-1% hiện nay. Nhưng mức lãi suất như vậy có thể vẫn chưa đủ để kiềm chế lạm phát hiện ở mức 5%. Nhiều hệ lụy, tổn thất vẫn còn đang ở phía trước.
Nhật Bản lo ngại đồng yên mất giá mạnh có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Đồng yên Nhật tiếp tục giảm giá so với đồng đôla Mỹ. Ngày 25/3 có thời điểm đồng yên giảm xuống mức 122 yên đổi 1 USD, mức thấp kỷ lục trong hơn 6 năm qua. Nguyên nhân khiến đồng yên Nhật suy yếu mạnh được cho là do giới đầu tư lo ngại việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)...