Ngân hàng nào chưa hoàn thành 3 trụ cột Basel II?
VPBank và VIB là hai ngân hàng Việt Nam đã hoàn thành xong 3 trụ cột Basel II. Vậy còn những ngân hàng nào chưa hoàn thành cả 3 trụ cột này?.
Cho đến thời điểm đầu năm 2020, chỉ có duy nhất 2 ngân hàng VPBank và VIB đã hoàn thành 3 trụ cột Basel II
Hướng tới chuẩn Basel III
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) vừa công bố đã hoàn thành triển khai xong việc tuân thủ trụ cột cuối cùng của Basel II – Quy trình đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP) trong số ba trụ cột cần hoàn thành của Basel II.
Cùng với việc hoàn thành triển khai hai trụ cột trước đó, trụ cột cuối cùng cũng được VPBank hoàn thành sớm 1 năm so với yêu cầu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), và được hoàn thành chỉ sau hơn nửa năm kể từ khi VPBank chính thức được NHNN phê chuẩn việc áp dụng sớm Thông tư số 41/2016/TT-NHNN.
Quy trình ICAAP là sự đánh giá toàn diện về vốn, bao gồm các cấu phần từ việc xác định hồ sơ rủi ro của ngân hàng, xây dựng chiến lược, khẩu vị rủi ro, tính toán mức vốn yêu cầu cho các rủi ro trọng yếu (với mức độ bao quát rộng hơn Trụ cột 1, bao gồm thêm rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung) không những trong điều kiện kinh doanh thông thường mà còn trong tình trạng có những biến động bất lợi của thị trường. Từ đó, ngân hàng xác định được mục tiêu về vốn để đảm bảo các mục tiêu hoạt động kinh doanh nằm trong khả năng chấp nhận rủi ro của ngân hàng.
Báo cáo ICAAP cùng với các báo cáo khác theo yêu cầu của NHNN về quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ là nguồn thông tin minh bạch và toàn diện để giúp NHNN có thể thực hiện giám sát và điều hành hệ thống các ngân hàng thương mại trên cơ sở rủi ro. Việc triển khai thành công ICAAP đồng nghĩa với việc Ngân hàng đã cùng với NHNN tham gia tăng cường cơ chế giám sát theo rủi ro và trao đổi thông tin chủ động giữa cơ quan giám sát và các ngân hàng thương mại.
Ông Dmytro Kolechko, Giám đốc Khối quản trị rủi ro của VPBank, cho biết: “VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng những chuẩn mực quản trị tiên tiến của các ngân hàng trong khu vực vào Việt Nam. Việc hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột Basel II trước thời hạn 1 năm so với yêu cầu của NHNN chính là điểm tựa cho phép VPBank tiếp tục đi trước trên thị trường trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Đây là kết quả thu được nhờ những nỗ lực hết sức nghiêm túc mà Ban lãnh đạo ngân hàng cũng như đội ngũ cán bộ chuyên trách đã đạt được, nhằm giúp VPBank có được tiếng nói có trọng lượng hơn với cộng đồng đầu tư nước ngoài cũng như các tổ chức đánh giá tín nhiệm. Đây được coi như những nền tảng ban đầu để VPBank tiếp tục tiến tới các tiêu chuẩn cơ bản của Basel III, đưa chuẩn mực quản trị của chúng tôi tiến gần hơn các chuẩn mực của ngân hàng tiên tiến trên thế giới”.
Ngân hàng thứ hai là ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chính thức hoàn thành 3 trụ cột của tiêu chuẩn Basel II. Trước đó, ngân hàng này đã triển khai trụ cột 1 về mức độ an toàn vốn tối thiểu, trụ cột 3 về kỷ thuật thị trường năm 2018. Trụ cột 2 về đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn được ngân hàng này hoàn thành vào tháng 11/2019.
Video đang HOT
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, cho biết nền tảng quản trị rủi ro của VIB được chuyển giao từ cổ đông chiến lược CommonWealth Bank of Australia (CBA). Việc đặt ra lộ trình rõ ràng khi triển khai Basel II sớm hơn thời hạn do NHNN quy định cho thấy ngân hàng đã có cách tiếp cận không chỉ dừng lại ở mục đích tuân thủ. Khác biệt nằm ở yếu tố ngân hàng luôn coi việc hoàn thành 3 trụ cột Basel II là một trong các đầu việc quan trọng trong tầm nhìn dài hạn về quản trị rủi ro.
Việc hoàn thành 3 trụ cột theo tiêu chuẩn quốc tế này mới chỉ là khởi đầu. Các ngân hàng này dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển Basel II theo phương pháp nâng cao và hướng tới áp dụng các chuẩn mực của Basel III vào công tác quản trị rủi ro của ngân hàng.
Nhiều ngân hàng chưa cán đích
Tại Việt Nam, chuẩn mực vốn Basel II được quy định theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II và Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trên hành trình xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động ngày càng lành mạnh và bền vững hơn, việc các ngân hàng đáp ứng được đầy đủ các quy định đưa ra trong Thông tư 41 và Thông tư 13 của NHNN là vô cùng quan trọng. Nếu đáp ứng và triển khai tốt được các quy định trong 2 Thông tư trên cũng có nghĩa là các ngân hàng sẽ sớm hoàn thành việc triển khai cả 3 trụ cột của Basel II.
Đến nay đã có 18 ngân hàng đã được công nhận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN, gồm MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapital Bank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam, Vietcombank và BIDV.
Thậm chí, xét trong nhóm 10 ngân hàng được chọn để thí điểm thực hiện sớm thì Sacombank và VietinBank đến nay vẫn chưa áp dụng Basel II thành công. Với trường hợp của VietinBank, ngân hàng này khó đáp ứng được chuẩn Basel II do chưa thể tăng được vốn. Cổ đông Nhà nước hiện nắm giữ 64,46% vốn VietinBank, trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài và cổ đông chiến lược đã gần mức tối đa cho phép.
Như vậy trong số 18 ngân hàng đã được công nhận áp dụng Thông tư 41, còn 16 ngân hàng chưa đáp ứng cả 3 trụ cột của Basel II. Ngoài ra, còn nhiều ngân hàng khác chưa đáp ứng được các trụ cột này.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra – Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN đánh giá cao tính chủ động và quyết tâm của các ngân hàng trong quá trình đầu tư triển khai dự án Basel II, cũng như những nỗ lực của VPBank, VIB trong việc tuân thủ các quy định mới của NHNN và áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động kinh doanh. “Việc hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột của Basel II sẽ là một nền tảng quan trọng để hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ an toàn hơn và hiệu quả hơn”, ông Phi nhấn mạnh.
Hà Phương
Theo Enternews.vn
Phó tổng giám đốc OCB: Hoàn thành Basel II, chúng tôi làm việc với đối tác ngoại hiệu quả hơn
Mặc dù không nằm trong danh sách thí nghiệm, nhưng OCB lại là ngân hàng đầu tiên áp dụng được chuẩn Basel II.
Ông Lý Hoài Văn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB.
Theo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tới thời điểm hiện tại, đã có 18 ngân hàng thương mại được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.
Các thành viên này bao gồm Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, Ngân hàng Bản Việt, SeABank, Nam A Bank, LienvietpostBank, Shinhan Bank, Standard Chartered Việt Nam và BIDV.
Trong đó, OCB, VIB, Vietcombank là những ngân hàng áp chuẩn Basel sớm nhất, từ cuối năm 2017 (OCB) và cuối năm 2018 (VIB, Vietcombank).
Tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020 do Ban Kinh tế Trung ương và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng chủ trì, Hiệp hội Các tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh Việt Nam (VABO), Diễn đàn Đầu tư BizLIVE tổ chức mới đây, ông Lý Hoài Văn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông OCB cho rằng, việc áp dụng Basel II, đối với Việt Nam là phức tạp nhưng đối với thế giới là điều đương nhiên phải làm.
Theo đó, mặc dù không nằm trong top 10 ngân hàng được chọn thí điểm của Ngân hàng nhà nước, nhưng OCB với tầm nhìn dài hơi nên đã quyết định đi trước thị trường.
"Sau khi hoàn thành xong Basel II, chúng tôi làm việc với các đối tác nước ngoài hiệu quả hơn. Việc áp dụng Basel, các ngân hàng cần phải có vốn đủ mạnh. Những năm vừa rồi chúng tôi tăng vốn liên tục và đến năm 2020 đã tăng vốn lên 10 nghìn tỷ đồng", ông Văn cho hay.
Được biết, mới đây, OCB đã chào bán riêng lẻ gần 118,5 triệu cổ phần như đã được đại hội đồng cổ đông đã phê duyệt tại ngày 27/4/2019.
Trong đó, ngân hàng Aozora đến từ Nhật Bản đã thực hiện đăng ký mua gần 87 triệu cổ phần trong số hơn 118 triệu cổ phần được OCB chào bán riêng lẻ. Nếu chào bán thành công, tỷ lệ sở hữu của Aozora tại OCB là 11% vốn điều lệ.
Hiện OCB đang có khoảng 130 chi nhánh trên khắp Việt Nam, tập trung cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là thành viên nằm trong top có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong ngành những năm gần đây.
Sau thương vụ lịch sử này, Aozora sẽ hỗ trợ OCB trong quản lý rủi ro và hệ thống tuân thủ dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, hai bên cũng sẽ hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng số và ngân hàng đầu tư, cũng như cung cấp hỗ trợ cho các công ty Nhật Bản đang tìm cách mở rộng vào Việt Nam.
Thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết ngay sau khi được cơ quan chức năng của Việt Nam phê duyệt. Aozora cũng lên kế hoạch đưa 2 giám đốc vào Hội đồng Quản trị của OCB.
Liên quan đến vấn đề niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, ông Văn cho biết thêm, với định hướng của Ngân hàng Nhà nước, 100% ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, OCB cũng đang có lộ trình thực hiện.
LINH LINH
Theo BIzlive.vn
Dồn tiền cuối năm, bà Thái Hương thêm 1.000 tỷ, Bầu Hiển tăng 3.000 tỷ Các ngân hàng dồn dập tăng vốn vào thời điểm cuối năm trước thời điểm áp dụng chuẩn Basel II còn vài ngày. Tăng vốn từng giúp các đại gia thoát vượt rào sở hữu và giờ đây có thể là hoàn thành chuẩn Basel. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành quyết định về việc sửa đổi nội dung...