Nga thận trọng cân nhắc tái thiết quan hệ với phương Tây
Ngày 23/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moskva một mặt tập trung củng cố quan hệ với Trung Quốc, một mặt sẽ xem xét những đề nghị của phương Tây về việc tái thiết lập quan hệ để đánh giá việc này có cần thiết hay không.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga cho biết nếu các nước phương Tây nêu đề xuất về việc nối lại quan hệ thì Nga sẽ cân nhắc thận trọng. Theo ông, trước sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga đã nỗ lực tìm cách thay thế các nguồn hàng vốn thường nhập khẩu từ các nước này. Quan chức ngoại giao Moskva nhấn mạnh Nga phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung của phương Tây để đảm bảo phát triển một số lĩnh vực tối quan trọng như an ninh, kinh tế hoặc xã hội và trong tương lai Nga sẽ thúc đẩy quan hệ với các nước đáng tin cậy. Mục tiêu của Nga hiện nay là tiếp tục phát triển các mối quan hệ với Trung Quốc và tin tưởng quan hệ kinh tế song phương sẽ phát triển nhanh hơn. Bên cạnh việc tạo ra nguồn thu ngân sách trực tiếp, Moskva cho rằng đây là cơ hội để phát triển các vùng cực Đông của Nga và vùng Siberia ở phía Đông.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt nhằm cô lập nước này. Liên minh châu Âu (EU), với phần lớn các quốc gia thành viên phụ thuộc năng lượng vào Nga, cũng đang thảo luận về biện pháp cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa nhận được sự đồng thuận của một số quốc gia thành viên, trong đó có Hungary. Budapest chỉ chấp nhận kế hoạch khi các yêu cầu của nước này về tăng đầu tư cho năng lượng được đáp ứng. Hiện EU đề xuất gói hỗ trợ 2 tỷ euro (2,14 tỷ USD) cho các nước Trung và Đông Âu tìm nguồn cung thay thế năng lượng Nga.
Video đang HOT
Ngày 23/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nước EU đặt mục tiêu nhất trí về vấn đề này trong vài ngày tới. Tuy nhiên, ông cho rằng lệnh cấm trên có thể dẫn tới tình trạng tăng giá dầu toàn cầu giống như khi Mỹ tuyên bố biện pháp tương tự. Việc tăng giá dầu lại giúp Nga có thêm thu nhập dù xuất khẩu ít đi. Do đó, hiện Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, và Mỹ đang phối hợp xây dựng một đề xuất để kiềm chế giá dầu mỏ toàn cầu bằng cách sẽ “không trả giá” cho mặt hàng này nữa. Dù thừa nhận đây là một biện pháp bất thường nhưng Bộ trưởng Đức tin rằng đây là điều cần thiết trong “thời điểm không bình thường” và nêu rõ cách làm này chỉ hiệu quả nếu nhiều nước cùng tham gia.
Cũng trong ngày 23/5, Ba Lan thông báo đã chính thức hủy hợp đồng cung cấp khí đốt với Nga thông qua đường ống dẫn Yamal. Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan Anna Moskwa cho biết theo dự kiến ban đầu, hợp đồng này kết thúc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, Ba Lan công bố kế hoạch nhằm chấm dứt nhập khẩu than đá, khí đốt và dầu mỏ của Nga. Ở chiều ngược lại, tháng 4 vừa qua, Nga cũng thông báo dừng vận chuyển khí đốt vì Ba Lan từ chối thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble. Do đó, bà Moskwa cho rằng quyết định hủy hợp đồng nêu trên là “đương nhiên”.
Tổng thống Putin: Kinh tế Nga chống chọi hiệu quả với các lệnh trừng phạt
Ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này đã chống chọi hiệu quả với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp của Hội đồng cố vấn Quốc hội ở Saint Petersburg ngày 27/4/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, bất chấp tất cả những khó khăn, nền kinh tế Nga đang chống chọi trước các lệnh trừng phạt với niềm kiêu hãnh. Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô chính đều nói lên điều này". Ông chỉ ra rằng tình hình hiện nay đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt từ khối kinh tế của chính phủ và "nhìn chung, những nỗ lực này có tác động tích cực".
Tổng thống Putin nêu rõ nỗ lực của các cơ quan chức năng Nga đã mang lại kết quả tích cực. Ông nhấn mạnh việc Moskva chuyển sang mô hình hợp tác thương mại với các nước khác, bao gồm cả Belarus, sử dụng đồng ruble đã góp phần làm tăng giá đồng tiền này. Tổng tống Nga giải thích việc làm này không gây bất lợi cho các đối tác, trong khi đối với Minsk thì hình thức này không phải là mới bởi hai nước đã sử dụng đồng tiền quốc gia từ lâu.
Thảo luận về Nhà nước Liên minh, Tổng thống Nga cho rằng Moskva và Minsk đang phát triển mô hình Nhà nước Liên minh một cách thận trọng, điều chỉnh từng bước đi để củng cố "từ bên trong và bên ngoài" để tạo "nền tảng cơ bản tốt, vững chắc cho sự phát triển kinh tế". Liên quan vấn đề này, Tổng thống Belarus Lukashenko thừa nhận nền kinh tế Nga và Nhà nước Liên minh Nga-Belarus được củng cố mạnh mẽ.
Tháng 11/2021, Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko đã ký văn kiện hội nhập của Nhà nước Liên minh tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tối cao, thông qua 28 chương trình hội nhập được phê chuẩn vào tháng 9, cũng như các phương hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh giai đoạn 2021-2023.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Tài chính Nga ra thông cáo cho biết một ủy ban của chính phủ đã nới lỏng quy định bắt buộc bán nguồn thu ngoại hối của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thông cáo có nêu: "Hôm nay, tại Bộ Tài chính Nga, tiểu ban của Ủy ban Chính phủ kiểm soát đầu tư nước ngoài ở Nga đã quyết định giảm tỷ lệ bắt buộc bán nguồn thu xuất khẩu bằng ngoại tệ, được quy định trong Nghị định số 79, từ 80% xuống 50%".
Bộ trên giải thích, điều này là do sự ổn định của tỷ giá hối đoái với đồng ruble và đạt được mức thanh khoản cần thiết của ngoại tệ trên thị trường trong nước. Đồng ruble Nga đã không phản ứng mạnh trước quyết định này của chính phủ. Tỷ giá hối đoái thanh toán với đồng USD vào lúc 18h21 theo giờ Moskva ngày 23/5 giảm xuống còn 57,73 ruble đổi 1 USD và với đồng euro giảm xuống còn 59,8 ruble đổi 1 euro.
Trước đó, ngày 28/2, Bộ Tài chính Nga đã bắt buộc các nhà xuất khẩu phải bán 80% thu nhập ngoại hối theo tất cả các hiệp định thương mại nước ngoài. Tuy nhiên, đến tháng 4, Ngân hàng Trung ương Nga đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngoại hối đối với các nhà xuất khẩu, tăng thời hạn bắt buộc bán nguồn thu ngoại hối từ trong vòng 3 ngày lên 60 ngày.
Trong khi đó, thông báo ngày 23/5 của Bộ Phát triển kinh tế Nga cho biết có thời điểm trong ngày đồng ruble đã tăng và đạt đỉnh. Thông báo có đoạn: "Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay sự mạnh lên của đồng ruble đang ở mức đỉnh. Nhập khẩu, dòng vốn sẽ thích ứng với các điều kiện mới". Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh việc Ngân hàng Trung ương Nga giảm thêm lãi suất cơ bản sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Ngoại trưởng Nga: tăng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, không chắc cần nối lại quan hệ phương Tây Ngày 23.5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Moscow hy vọng có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Theo ông, Nga cũng có ý định xây dựng quan hệ với các nước không chịu ảnh hưởng của phương Tây và sẽ cân nhắc việc nối lại quan hệ với phương Tây lúc phù hợp và cần thiết. Phát biểu trước các...