Nga đề nghị HĐBA LHQ họp khẩn về tình hình Syria
Phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) đã đề nghị tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về tình hình Syria vào chiều 9/12.
Các tay súng nổi dậy tiến vào thành phố Homs ở Syria, ngày 6/12/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin tại LHQ cho biết liên quan đến những diễn biến mới nhất tại Syria và tác động đối với Lực lượng Quan sát viên LHQ tại Cao nguyên Golan (UNDOF), Nga kêu gọi tổ chức tham vấn khẩn cấp vào chiều 9/12. Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo và Phó Tổng thư ký phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã được đề nghị làm diễn giả tại cuộc họp.
Tiếp tục phản ứng của các nước trước những diễn biến mới tại Syria, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ đối với người dân Syria, đồng thời kêu gọi các bên liên quan nỗ lực phối hợp nhằm duy trì sự thống nhất và đoàn kết của người dân nước này để tránh rơi vào hỗn loạn và chia rẽ.
Video đang HOT
Tương tự, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này muốn giúp bảo đảm an ninh tại Syria sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ. Ngoại trưởng Hakan Fidan viết trên mạng xã hội X: “Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm về mọi điều cần thiết để hàn gắn vết thương của Syria và bảo đảm sự thống nhất, toàn vẹn và an ninh của nước này”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha kêu gọi mọi nỗ lực phải được thực hiện để ổn định khu vực và bảo đảm đối thoại chính trị toàn diện ở Syria vì lợi ích của các thể chế nhà nước hoạt động hiệu quả.
Nhà ngoại giao hàng đầu Ukraine khẳng định Kiev sẵn sàng mở đường cho việc khôi phục quan hệ trong tương lai và tái khẳng định sự ủng hộ đối với người dân Syria.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh luật pháp và trật tự phải nhanh chóng được khôi phục tại Syria, đồng thời cho rằng tất cả các cộng đồng dân tộc thiểu số và tôn giáo phải được bảo vệ. Thủ tướng Đức nói thêm rằng Syria phải tìm kiếm một quá trình chuyển tiếp có trật tự và hòa bình. Ông cam kết Chính phủ Đức sẽ đóng góp vào tiến trình này, cùng với các đối tác quốc tế và dựa trên cơ sở các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Israel tuyên bố Nghị quyết về vùng đệm với Syria không còn hiệu lực
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 8/12 tuyên bố Nghị quyết năm 1974 do Liên hợp quốc giám sát về vùng đệm phi quân sự giữa Israel và Syria đã không còn hiệu lực sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu ngày 26/11/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trên được ông Netanyahu đưa ra trong chuyến thăm tới núi Bental nằm trong vùng do Israel kiểm soát trên Cao nguyên Golan, nơi có thể quan sát khu vực biên giới với Syria. Đi cùng ông có Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz.
Theo Thủ tướng Netanyahu, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad đã châm ngòi cho phản ứng dây chuyền trên khắp Trung Đông. Ông lưu ý rằng diễn biến này là cơ hội mới và rất quan trọng đối với Israel trong lúc cảnh báo về những rủi ro từ tình hình hiện nay.
Nhà lãnh đạo Israel cho biết đã ra lệnh cho các lực lượng Israel tiến vào vùng đệm giữa hai nước và đóng tại các vị trí ngăn chặn các lực lượng khác chiếm giữ cả khu vực này. Ông nhấn mạnh sẽ không để bất cứ lực lượng thù địch xây dựng căn cứ gần biên giới nước này.
Ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại Syria và làm tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ biên giới và an ninh cua rnwowcs này. Ông cũng bày tỏ hi vọng về một chính sách láng giềng tốt đẹp với Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Katz cho biết đã chỉ đạo Lực lượng phòng vệ Israel, theo quyết định đã được nội các thông qua, giành quyền kiểm soát vùng đệm và các vị trí quan trọng để bảo vệ tất cả các cộng đồng Israel trên Cao nguyên Golan.
Kể từ khi bùng phát giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah hồi tháng 10 năm ngoái, Israel đã leo thang các cuộc không kích tại Syria, viện dẫn nhằm vào các mục tiêu Hezbollah tại nước này.
Tác động với Nga sau khi chính phủ Syria sụp đổ Chính phủ Syria sụp đổ không phải là dấu chấm hết cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông. Thay vào đó, đây có thể là một bước ngoặt để Nga điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược địa chính trị của mình trong khu vực nhạy cảm này. Các lực lượng đối lập tiến về miền bắc Syria. Ảnh: AA/TTXVN Theo...