Nếu Lịch sử là môn học bắt buộc, chương trình cần điều chỉnh những gì?
Nếu lịch sử là môn bắt buộc ở trung học phổ thông thì không cần phải thay đổi môn Lịch sử ở các cấp.
Năm học 2022-2023 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 được lựa chọn 5 môn học lựa chọn, trong đó có môn Lịch sử.
Thế nhưng, theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.
Và mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị quy định Lịch sử là môn học bắt buộc. Vậy, giải pháp nào khi Lịch sử sẽ là môn học bắt buộc?
Ảnh minh họa: nguồn giaoduc.net.vn
Không cần viết lại sách giáo khoa môn Lịch sử ở các cấp
Trong lần đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 này, học sinh tiểu học và trung học cơ sở sẽ được học về lịch sử Việt Nam như thế nào? Qua Chương trình tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ta thấy nội dung giáo dục lịch sử Việt Nam được xây dựng khoa học, chọn lọc, đầy đủ và cơ bản.
Cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được dạy trong môn học tích hợp Lịch sử và Địa lí. Lịch sử và Địa lí tiểu học là môn học bắt buộc, được dạy và học ở lớp 4 và lớp 5.
Môn học xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ môn Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2, 3 và là cơ sở để học môn Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở, đồng thời góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc giáo dục về khoa học xã hội ở các cấp học trên.
Chương trình môn Lịch sử và Địa lí cấp tiểu học gồm các mạch kiến thức và kĩ năng cơ bản, thiết yếu về địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam, các nước láng giềng và một số nét cơ bản về địa lí, lịch sử thế giới.
Cụ thể nội dung chương trình lịch sử Việt Nam ở tiểu học học sinh được học về:
Địa phương em (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương): Lịch sử và văn hóa truyền thống địa phương. Trung du và miền núi Bắc Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, Đền Hùng và lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Đồng bằng Bắc Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, Sông Hồng và văn minh sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Duyên hải miền Trung: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An. Tây Nguyên: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, Lễ hội Cồng Chiêng Tây Nguyên. Nam Bộ: Dân cư, hoạt động sản xuất và một số nét văn hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Địa đạo Củ Chi.
Đất nước và con người Việt Nam: Biển, đảo Việt Nam, Dân cư và dân tộc ở Việt Nam. Những quốc gia đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam: Văn Lang, Âu Lạc, Phù Nam, Champa.
Xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam: Đấu tranh giành độc lập thời kì Bắc thuộc, Triều Lý và việc định đô ở Thăng Long, Triều Trần và kháng chiến chống Mông – Nguyên, Khởi nghĩa Lam Sơn và triều Hậu Lê, Triều Nguyễn, Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, Đất nước đổi mới.
Ở Trung học cơ sở, Lịch sử và Địa lí là môn học bắt buộc, được dạy và học từ lớp 6 đến lớp 9.
Nội dung giáo dục lịch sử được thiết kế theo tuyến tính thời gian, từ thời nguyên thủy qua cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại; trong từng thời kì có sự đan xen lịch sử thế giới, lịch sử khu vực và lịch sử Việt Nam.
Chương trình lịch sử Việt Nam bao gồm:
Việt Nam từ khoảng thế kỉ VII trước Công nguyên đến đầu thế kỉ X: Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc, Thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc từ thế kỉ II trước Công nguyên đến năm 938 (Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc. Sự chuyển biến về kinh tế, văn hóa trong thời kì Bắc thuộc. Các cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Bước ngoặt lịch sử ở đầu thế kỉ X), Vương quốc Champa, Vương quốc Phù Nam.
Việt Nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI: Việt Nam từ năm 938 đến năm 1009: thời Ngô – Đinh – Tiền Lê. Việt Nam từ thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XIII: Thời Lý, Thời Trần, Thời Hồ, Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427),Việt Nam thời Lê sơ (1428 – 1527), Vùng đất phía nam từ đầu thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI.
Việt Nam từ đầu thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII: Xung đột Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn, Những nét chính trong quá trình mở cõi từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII, Khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài thế kỉ XVIII, Phong trào Tây Sơn, Kinh tế, văn hóa, tôn giáo trong các thế kỉ XVI – XVIII.
Sự phát triển của khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX: Một số thành tựu khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật của nhân loại trong các thế kỉ XVIII – XIX, Tác động của sự phát triển khoa học, kĩ thuật, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – XIX
Video đang HOT
Việt Nam từ thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX: Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX, Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX, Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1945: Phong trào dân tộc dân chủ những năm 1918 – 1930, Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Phong trào cách mạng Việt Nam thời kì 1930 – 1939, Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1991: Việt Nam trong năm đầu sau Cách mạng tháng Tám, Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1954, Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975, Việt Nam trong những năm 1976 – 1991.
Việt Nam từ năm 1991 đến nay: Khái lược công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay, Thành tựu của công cuộc Đổi mới đất nước từ năm 1991 đến nay.
Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị – lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,…
Phải khẳng định rằng, giai đoạn giáo dục cơ bản (Cấp tiểu học và Trung học cơ sở), học sinh đã được học đầy đủ kiến thức, kĩ năng cơ bản, cốt lõi, thiết yếu, có chọn lọc về lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam.
Hình thành, phát triển ở học sinh năng lực lịch sử: nhận thức khoa học lịch sử, tìm hiểu lịch sử, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học; đồng thời góp phần hình thành và phát triển các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần hình thành và phát triển các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm…
Với cấp Trung học phổ thông, ở lớp 10, môn Lịch sử giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học lịch sử và khoa học địa lí, các ngành nghề có liên quan đến lịch sử và địa lí, khả năng ứng dụng kiến thức lịch sử và địa lí trong đời sống, đồng thời củng cố và mở rộng nền tảng tri thức, kĩ năng phổ thông cốt lõi đã hình thành ở tiểu học và trung học cơ sở thông qua các chủ đề, chuyên đề về những vấn đề cơ bản của lịch sử và địa lí, tạo cơ sở vững chắc cho học sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phù hợp với năng lực bản thân.
Ở lớp 11 và lớp 12, môn Lịch sử chú trọng đến các chủ đề và chuyên đề học tập về các lĩnh vực của sử học, như: lịch sử chính trị, kinh tế, văn minh, văn hóa, quân sự và xã hội, sự tương tác và hội nhập quốc tế…
Như vậy, nội dung chương trình là rất ổn, nếu Lịch sử là môn bắt buộc ở trung học phổ thông thì không cần phải thay đổi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Lịch sử ở các cấp.
Sách giáo khoa ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng không phải biên soạn và viết lại.
Giải pháp nào khi Lịch sử là môn học bắt buộc?
Khi lịch sử là môn học bắt buộc, giới chuyên môn, cán bộ quản lý giáo dục cấp trung học phổ thông, một số giáo viên cho rằng sẽ có không ít khó khăn như viết lại chương trình và sách giáo khoa ở cả 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, chọn lại sách giáo khoa lớp 10, xây dựng lại tổ hợp môn, đội ngũ giáo viên thiếu… trong khi thời gian năm học 2022 – 2023 chỉ còn 3 tháng.
Vì thế, người viết thấy rằng, để Lịch sử là môn học bắt buộc chúng ta cần chú trọng những giải pháp sau:
Thứ nhất, điều chỉnh lại nội dung chương trình tổng thể của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể:
“2. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp
2.1. Nội dung giáo dục Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Các môn học lựa chọn gồm 3 nhóm môn:
- Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật. – Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học.
- Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).
Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều chỉnh số môn lựa chọn từ 5 môn học trong 3 nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật còn 4 môn trong các nhóm đó và mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.
Làm như vậy sẽ giữ nguyên được tổng số tiết là 29 tiết/tuần ở trung học phổ thông, vẫn đảm bảo thời lượng theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Học sinh chọn 4 môn lựa chọn vẫn đảm bảo cho việc đăng ký môn xét tuyển đại học, chọn ngành nghề sau này.
Khi đó, các môn học và hoạt động bắt buộc là: Ngữ văn; Toán; Lịch sử; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Thứ hai, tổ hợp môn lớp 10 các trường sẽ bị xáo trộn, việc sắp xếp lại tổ hợp môn của các trường trung học phổ thông năm học 2022-2023 là không mấy khó khăn khi kỳ thi vào lớp 10 ở các tỉnh chưa bắt đầu thi và chưa hoàn thành việc xét tuyển.
Các trường có thể thay đổi tổ hợp môn để học sinh lựa chọn cho phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình.
Thứ ba, vấn đề thiếu giáo viên môn Lịch sử là có nhưng không đáng kể và chưa đến mức trầm trọng, khó giải quyết được.
Chương trình môn Lịch sử hiện hành đối với cấp trung học phổ thông đã có thời lượng ở lớp 10 là 1,5 tiết/tuần, lớp 11 là 1 tiết/tuần, lớp 12 là 1,5 tiết/tuần, trong khi thời lượng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là 2 tiết/tuần ở tất cả các khối lớp.
Vì vậy, thời lượng tăng ở lớp 10 hiện chỉ là 0,5 tiết/tuần, không đáng kể. Trước mắt các trường cần có hướng phân công cho giáo viên trường dạy thêm giờ, hợp đồng giáo viên và tuyển thêm giáo viên vào những năm sau.
Với những điều chỉnh như vậy, tôi nghĩ rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội và môn Lịch sử sẽ trở lại vị thế quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị quy định Lịch sử là môn học bắt buộc
Tại báo cáo gửi UBTVQH, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học.
Trước đó, theo tinh thần của Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội về hai giai đoạn giáo dục phổ thông, ở cấp Trung học phổ thông phân hóa, giảm số môn học bắt buộc và tăng môn học, chủ đề tự chọn.
Nghị quyết 88 cũng nêu rõ: "Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông, quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc".
Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội diễn ra vào ngày 27/11/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII, trong đó có yêu cầu tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.
Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng Lịch sử trở thành môn Lịch sử và Địa lí (bậc trung học cơ sở), đây cũng là môn lựa chọn của tổ hợp Khoa học xã hội (bậc trung học phổ thông).
Đáng nói, vào thời điểm tháng 4/2022, dư luận dấy lên tranh cãi trái chiều khi bàn về Lịch sử là môn học lựa chọn. Trên diễn đàn báo chí cũng đặt vấn đề lo ngại vì nếu Lịch sử là môn lựa chọn thì sẽ ít có học sinh đăng kí, rồi phai nhạt lòng yêu nước...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh
Liên quan vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa có báo cáo chuyên đề gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông."
Báo cáo nêu rõ: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp Trung học Phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc; đồng thời cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp Trung học Phổ thông, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo; dự phiên họp của Văn phòng Chính phủ về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông...
3 khả năng khi Lịch sử là môn tự chọn
Cơ quan của Quốc hội cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Thực hiện chỉ đạo trên, cơ quan này tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo; dự phiên họp của Văn phòng Chính phủ về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và nghiên cứu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phân chia 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm (từ lớp 1 đến lớp 9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm (từ lớp 10 đến lớp 12); thể hiện sự công phu, khoa học, nhìn chung đáp ứng yêu cầu đổi mới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đến nay Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đối với lớp 1 (năm học 2020 - 2021), đối với lớp 2, 6 (năm học 2021-2022) và tiếp tục triển khai đối với lớp 3, 7 và lớp 10 (năm học 2022-2023).
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo; Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ; được xây dựng và ban hành theo quy định của pháp luật; huy động lực lượng các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục tham gia xây dựng và thẩm định.
Chương trình môn học Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.
Khi môn Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn sẽ có 3 khả năng xảy ra:
Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, học sinh sẽ học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).
Nếu học sinh lựa chọn môn Lịch sử là một trong 5 môn học lựa chọn, đồng thời lựa chọn chuyên đề học tập là môn Lịch sử, học sinh sẽ học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết).
Còn nếu học sinh không lựa chọn môn Lịch sử thì không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở kiến thức chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Về thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.
Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp Trung học Phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, trong đó có những chủ đề về lịch sử địa phương chiếm thời lượng khoảng 10 tiết/năm học cho mỗi lớp. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp Trung học Phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, so với Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới.
Theo đó, Chương trình được xây dựng theo hướng tinh giản, giảm những kiến thức mang tính hàn lâm, chú trọng đến việc hình thành năng lực và phẩm chất cho học sinh; chú trọng đổi mới về phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh.
Nội dung Chương trình môn Lịch sử ở cấp Tiểu học được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý và không gian xã hội; từ địa lý, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lý, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực, thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Chương trình môn lịch sử ở bậc Trung học Phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kĩ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức, trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại...
Kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông thành môn lựa chọn. Bởi Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.
Bên cạnh đó, xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh Trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.
Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh Trung học Phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp Trung học Phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50%), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.
Đặc biệt, ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình Trung học Phổ thông luôn là môn học bắt buộc.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đối với môn học Lịch sử; sự cần thiết cân nhắc phương án đối với việc dạy học môn Lịch sử cấp Trung học Phổ thông và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu "chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử..." hình thành nhân cách, lòng yêu nước, sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.
Từ những phân tích này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp Trung học Phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, Chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện
Cuối cùng thì ý kiến của cơ quan hữu quan cũng đã được chính thức đưa ra. Song có điều, ở một góc độ khác dư luận cũng cho rằng, các ý kiến của người dân, giáo viên, chuyên gia băn khoăn về việc môn Sử là môn lựa chọn có lẽ không phải đến thời điểm này mới có. Quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ít nhất cũng đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nếu trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội có đề nghị Lịch sử là môn bắt buộc sớm hơn thì có lẽ ngành Giáo dục đã không rơi vào tình cảnh hiện nay.
Muộn kéo theo nhiều hệ lụy, sẽ còn rất nhiều việc phải làm trước đề nghị chính thức này của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, và nếu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp nhận đề nghị này, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đứng trước bài toán khó cần có những lời giải thông minh, sáng tạo và quyết đoán với một quyết tâm lớn lao để có thể giải quyết được vấn đề cho cả người dạy và người học cũng như làm an lòng cha mẹ học sinh và tìm được tiếng nói đồng thuận của dư luận, khi mà chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10. Thời điểm này, các trường cũng đã sắp xếp nhân sự, thiết kế tổ hợp môn, lên kế hoạch năm học 2022-2023.
Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc: 'Nó sẽ là cả một vấn đề lớn, không đơn giản' Nếu Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, áp dụng đại trà thì chắc chắn phải biên soạn lại Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ngay khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định môn Lịch sử bậc trung học phổ thông trong Chương trình Giáo dục phổ thông...