Nếu bỏ thi THPT quốc gia, các trường ĐH xét học bạ hay thi riêng?
Dù đang chờ phương án chính thức của Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, đại diện các trường ĐH cho biết sẽ có những phương án dự phòng cho trường hợp không diễn ra kỳ thi này trong năm nay.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 – Ngọc Dương
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD-ĐT dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thi THPT quốc gia 2020. Trong đó có phương án thi nhưng xem xét giảm số môn thi phù hợp và có cả phương án không tổ chức kỳ thi này.
Có thể tổ chức thi riêng
Trước tình thế này, đại diện các trường ĐH đều đang tính đến những phương án tuyển sinh dự phòng dựa vào các kịch bản khác nhau.
Video đang HOT
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thông tin: “Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, trường sẽ chuyển sang xét tuyển học bạ hoặc tổ chức thi riêng”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết theo phương án tuyển sinh đã công bố, trường dành 80% tổng chỉ tiêu các ngành để xét điểm thi THPT quốc gia, 10% xét tuyển học bạ và 10% xét điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Sơn, trong trường hợp bất khả kháng Bộ GD-ĐT phải sử dụng phương án không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và ĐH Quốc gia TP.HCM không tổ chức được kỳ thi đánh giá năng lực, trường có thể phải xét tuyển vào kết quả học tập lớp 11 và 12.
“Trong năm tới, trường sẽ tính đến phương án thi riêng hoặc kết hợp với trường khác để tổ chức kỳ thi tuyển”, ông Sơn thông tin thêm.
Xét điểm của nhiều học kỳ
Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa công bố chi tiết phương án tuyển sinh 2020. Theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, phương án này có 3 phương thức xét tuyển. Trong đó, toàn bộ chỉ tiêu của chương trình đại trà áp dụng phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia và tuyển thẳng. Các ngành chương trình chất lượng cao và quốc tế song bằng áp dụng 60% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển và xét học bạ, 40% còn lại xét kết quả thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phan Ngọc Minh, phương án tuyển sinh này sẽ thực hiện trong trường hợp kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra bình thường. Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ thi THPT quốc gia năm nay không thể diễn ra, trường buộc phải điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng phù hợp với thực tiễn. Khi đó, chỉ tiêu dành xét điểm thi THPT quốc gia sẽ tự động chuyển sang các phương thức còn lại như tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét học bạ.
Ông Minh cho biết thêm, đây là năm đầu tiên trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào học bạ và theo đề án vừa công bố chưa thực hiện với chương trình chính quy đại trà trong năm nay.
Một trường ĐH có tuyển ngành đào tạo giáo viên, cho biết dự tính có 2 phương án tuyển sinh năm nay. Phương án 1 là dành 80% chỉ tiêu cho xét điểm thi THPT quốc gia và 20% xét điểm thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Phương án dự phòng thứ 2, nếu kỳ thi quốc gia không tổ chức sẽ điều chỉnh thành 50% chỉ tiêu xét điểm thi năng lực và 50% chỉ tiêu xét điểm học bạ 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12).
Đại diện nhiều trường ĐH khác cho biết sẽ họp bàn xây dựng phương án tuyển sinh mới cho phù hợp với tình hình thực tế theo các kịch bản khác nhau của kỳ thi THPT quốc gia.
Hà Ánh
Sẽ báo cáo Thủ tướng về phương án thi THPT quốc gia 2020
Ngày 14-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm chương trình giáo dục phổ thông học kỳ 2 năm học 2019-2020, đến nay ngành giáo dục đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thực hiện chương trình tinh giản, tổ chức dạy học trên truyền hình, qua internet.
Hai chị em Hoàng Hà và Ái Linh, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc (quận Tân Phú), đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA
Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành khảo sát tình hình dạy học qua internet, trên truyền hình, từ đó khuyến nghị các giải pháp cho từng cấp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả dạy học tốt hơn với phương thức này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn chuẩn bị các kịch bản cho việc dạy và học trong giai đoạn tới, trong đó có tính tới phương án kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến khi học sinh có thể trở lại trường học. Ngay trong tuần này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với một số sở GD-ĐT về tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19; hội nghị đào tạo trực tuyến giáo dục đại học trong dịch Covid-19.
Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 như sau: kết thúc năm học trước ngày 15-7; thi THPT quốc gia từ ngày 8 đến 11-8. Bộ GD-ĐT tính toán, nếu tình hình dịch được kiểm soát và học sinh có thể đi học lại vào ngày 30-5, chậm nhất là ngày 15-6 thì vẫn bảo đảm chương trình để kết thúc năm học trước ngày 15-7. Như vậy, các em vẫn hoàn thành chương trình học tập. Sau đó, học sinh lớp 12 sẽ có 3 tuần để ôn tập trước kỳ thi THPT quốc gia và tham gia kỳ thi THPT quốc gia một cách thuận lợi với tinh thần giảm nhẹ nhất. Sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến, Bộ GD-ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nếu như học sinh đi học muộn sau ngày 15-6 thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội về phương án thi phù hợp hơn.
PHAN THẢO
Nhiều ý kiến trái ngược về phương án tổ chức thi THPT quốc gia 2020 Trong khi Bộ GD-ĐT đang xây dựng các phương án dự phòng đối với kỳ thi THPT quốc gia trong trường hợp vẫn phải nghỉ học dài ngày vì Covid-19 thì thực tế đang có hai luồng ý kiến trái ngược. Ngày 10/4, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng các phương án thi THPT quốc gia và chưa thể...