Nên hay không việc thi thăng hạng giáo viên?
Để thăng hạng, ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên phải dự thi ngoại ngữ, tin học. Điều này gây khó khăn với nhiều giáo viên, đặc biệt là nhà giáo 6x, 7x.
LTS: Bàn về câu chuyện thi thăng hạng giáo viên, cô giáo Thuận Phương chia sẻ những nỗi vất vả của giáo viên khi phải tìm mọi cách đáp ứng điều kiện được thi thăng hạng là có chứng chỉ ngoại ngữ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Chuyện thi thăng hạng giáo viên lại trở nên nóng trên các diễn đàn giáo dục. Khá nhiều thầy cô hiện nay băn khoăn, thắc mắc: thi thăng hạng để làm gì? Mục đích của việc thi thăng hạng giáo viên?
Nhiều người còn không biết mình đang ở hạng nào.
Nhiều năm về trước, giáo viên từng cấp học ăn lương theo trình độ đào tạo.
Ví như giáo viên mầm non, tiểu học tốt nghiệp trung cấp sư phạm, ra trường nhận lương từ 1.86 đến 4.06.
Giáo viên bậc trung học cơ sở ăn lương theo trình độ cao đẳng với hệ số lương từ 2.1 đến 4.89.
Còn giáo viên bậc trung học phổ thông ăn lương đại học với hệ số lương 2.34 đến 4.98.
Thời gian sau này, để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc của bản thân và của đơn vị sử dụng, các giáo viên mầm non, tiểu học, trung học đã học tập nâng cao trình độ chuyên môn từ trung cấp lên cao đẳng, đại học hoặc từ cao đẳng lên đại học hoặc từ đại học lên cao học.
Thế là, giáo viên được xếp vào các hạng theo trình độ văn bằng mình có mà không phải tham thi thăng hạng như quy định hiện nay.
Giáo viên vật lộn với quy định thi thăng hạng giáo viên. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.
Đến năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ ban hành một loạt Thông tư 20, 21, 22, 23/2015TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến giáo viên trung học phổ thông giáo dục công lập.
Các thông tư trên quy định giáo viên mầm non, tiểu học xếp từ hạng IV đến hạng II (hạng IV hệ số lương từ 1,86 đến 4,06; hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98), giáo viên trung học cơ sở từ hạng III đến hạng I (hệ số lương hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98, hạng I từ 4,00 đến 6,38).
Đến tháng 7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 20/2017/BGDĐT quy định điều kiện thi thăng hạng giáo viên thì việc chuyển ngạch của thầy cô gần như chẳng còn nhiều hy vọng.
Để thăng hạng, giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học.
Trong đó, môn ngoại ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ tương đương với khung 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Giáo viên muốn thi thăng từ hạng IV lên hạng III, hoặc từ hạng III lên hạng II phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 2 (A2), thi thăng hạng II lên hạng I phải môn ngoại ngữ trình độ bậc 3 (B1).
Video đang HOT
Một số trường hợp đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, đã có bằng đại học ngoại ngữ, có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ.
Nói về vấn đề này, nhiều giáo viên bức xúc, quy định về ngoại ngữ đã gần như cắt đứt mọi hy vọng của lớp giáo viên 6x, 7x vì thời còn học phổ thông có người chưa bao giờ biết đến ngoại ngữ là gì?
Những giáo viên này dù chuyên môn có tốt đến đâu nhưng không biết ngoại ngữ thì kết quả cũng bằng 0.
Càng nhiều quy định càng tiêu cực
Nếu môn Ngoại ngữ được tổ chức thi theo kiểu vấn đáp một cách nghiêm túc, minh bạch thì số lượng giáo viên vượt qua môn thi này chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Thế nhưng Thông tư cũng đã có “nút mở” khi có quy định một số trường hợp được miễn thi ngoại ngữ nhưng phải nộp chứng chỉ, văn bằng ngoại ngữ.
Thế là, giáo viên như người chết đói vớ được cọc. Việc có được chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định đã trở nên dễ dàng như trở bàn tay miễn là biết đầu tư một khoản tiền hợp lý.
Vì điều này, trong thời gian qua hiện tượng tiêu cực như giáo viên phải đăng ký đi học cấp tốc, mua bằng cấp, chứng chỉ… đã đang diễn ra nhan nhản ở nhiều địa phương trong cả nước.
Những chứng chỉ “bóp cổ” giáo viên
Thông tư xếp hạng giáo viên các cấp quy định: thấp nhất, giáo viên các cấp phải có trình độ Anh văn A1 (Tiểu học, Trung học cơ sở), A2 (Trung học phổ thông) theo khung quy chuẩn tham chiếu châu Âu.
Tuy nhiên, trong thực tế “hầu như có rất ít giáo viên đạt được trình độ Anh văn theo như quy định” đặc biệt giáo viên thế hệ 6x,7x.
Trước những lo lắng của giáo viên, Báo Tin tức đã dẫn lời ông Trần Kim Tự rằng hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo đã thống nhất với Bộ Nội vụ, giao nhiệm vụ cho 15 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp.
Hiện nay, 15 cơ sở này đang phối hợp với các địa phương để tổ chức bồi dưỡng.
Vì vậy, tại khoản 1 Điều 9 Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép giáo viên trong các cơ sở giáo dục tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức trước ngày 31/12/2018 thì “chưa yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp”.
Trong thời hạn tối đa 1 năm kể từ ngày công bố kết quả thi thăng hạng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng giáo viên có trách nhiệm cử giáo viên đã tham dự kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp tham dự khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự thi [1]
Trong thực tế thì chính giáo viên cũng chẳng biết đến tên 15 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp là những cơ sở nào.
Chỉ biết rằng, ở khá nhiều huyện thị trong cả nước hàng loạt trung tâm, trường đại học vẫn về chiêu sinh cấp chứng chỉ ngoại ngữ chỉ sau một hoặc vài ngày đăng kí.
Đăng kí học còn đỡ, nhiều giáo viên lại chẳng cần đi đăng kí mà chỉ cần ngồi nhấp chuột, nộp tiền là có ngay chứng chỉ ngoại ngữ mình cần.
Nếu đánh cụm từ “mua bán chứng chỉ tiếng Anh tại Hà Nội” vào trang tìm kiếm google sẽ cho hơn 600 nghìn kết quả; cụm từ “làm chứng chỉ tiếng Anh lấy ngay” sẽ cho 385 nghìn kết quả tìm kiếm…
Tìm hiểu trang web: http://tienganhb1b2c1.edu.vn của Trung tâm ngoại ngữ T&G, có địa chỉ tại số 272 Khương ình (Thanh Xuân, Hà Nội), người đọc sẽ gặp những dòng quảng cáo bắt mắt như:
Tuyển sinh và đào tạo tiếng Anh A2, B2, B1, C1 theo khung tham chiếu châu Âu; hỗ trợ đầu ra 99%, học thật, thi thật và có lưu hồ sơ gốc.
Trong vai người có nhu cầu cấp chứng chỉ tiếng Anh B1, chúng tôi liên hệ với đại diện của Trung tâm ngoại ngữ T&G là anh Trung, số điện thoại 0977.179.xxx và được anh hướng dẫn rất nhiệt tình:
“Nếu anh cần chứng chỉ tiếng Anh B1 của Trường Đại học Hà Nội cấp thì nộp cho em 12 triệu đồng, thi tại trường. Nếu thi tại Trường ại học Vinh (Nghệ An) thì nộp 6,5 triệu đồng, em bao đỗ 99,9%.
Anh đưa trước cho em 50% tổng số tiền và kèm hai ảnh, chứng minh thư bản sao, số tiền còn lại đưa nốt trước khi vào phòng thi.
Nếu muốn chứng chỉ loại khá, giỏi thì nộp thêm từ ba triệu đến năm triệu đồng…”. [2]
Bất kể giá cả bao nhiêu miễn có được trong tay chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định thì giáo viên cũng đành “tặc lưỡi” để bỏ ra một khoản tiền lấy về cho xong.
Thông tư 20/2017/BGDĐT quy định việc thăng hạng giáo viên đã trở thành “chiếc cần câu cơm” béo bở cho nhiều trung tâm ngoại ngữ và trung tâm dạy nghề ở các địa phương.
Bởi, nhờ việc quy định về chứng chỉ ngoại ngữ mà họ đã kiếm được một khoản tiền khổng lồ còn giáo viên lại bị “bóp cổ” không thương tiếc.
Liệu việc giáo viên thăng hạng có đồng nghĩa với chất lượng học sinh cũng được nâng lên?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://baotintuc.vn/giao-duc/thi-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-co-gay-kho-cho-giao-vien-20171104090919850.htm
[2]http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/34531102-chan-chinh-viec-dao-tao-cap-chung-chi-ngoai-ngu.html
Theo giaoduc.net.vn
"TRƯỜNG HỌC MỚI": Để học sinh thêm yêu mái trường
Nhà trường lý tưởng phải như thế nào để hàng ngày học sinh thích tới lớp? Để các em không phải khổ sở vì học quá tải và căng thẳng, đồng thời phát triển được tài năng của mình và tiếp thu được những kiến thức mở đường tới tương lai, nơi cái được trân trọng không phải là dầu hỏa, vũ khí, mà là trí tuệ? Liệu điều đó có trở thành hiện thực hay không?
Trường UWC Dilijan ở Armenia (UWC-Trường Thế giới Liên kết- là một tổ chức giáo dục quốc tế kết nối con người, quốc gia, và các nền văn hóa bằng giáo dục nhằm hướng tới sự hòa bình và một tương lai bền vững).
Giáo dục là đầu tư chính cho tương lai, chính vì vậy mà xét trên quan điểm kinh tế, ở nhiều nước trên thế giới, lĩnh vực này phát triển nhanh hơn ngành dầu khí.
Trong thế kỷ XXI, không phải tài nguyên khoáng sản, không phải đất đai, không phải vũ khí đem lại thành công cho một quốc gia: giá trị cơ bản của thế giới hậu công nghiệp, như người ta nói, - đó là nguồn vốn con người. "Đứng đầu sẽ là những nước có nhiều người tài năng nhất tìm đến", - bà Veronika Zonabend, người sáng lập UWC Dilijan College, phát biểu.
Tại diễn đàn giáo dục quốc tế World Schools Show, nơi tập trung các chuyên gia giáo dục, các thầy giáo và những người thành lập các cơ sở giáo dục đã nêu lên một chủ đề quan trọng: làm thế nào để hệ thống giáo dục thu hút và ủng hộ các tài năng trẻ?
Hiện tại, không hiếm khi những trẻ em say mê học tập cảm thấy trường học thông thường, truyền thống là một "nhà tù nhỏ". Một trong những thành viên tham gia diễn đàn, học sinh lớp 9 Gosha Bondar phát biểu như vậy. "Cuộc sống đích thực" đối với em bắt đầu ngoài phạm vi nhà trường, trong trường em chỉ dành một phần ba năm học, phần thời gian còn lại chuẩn bị và tham gia các cuộc thi olympia về kỹ thuật robot hoặc học vẽ.
Các thầy giáo chấp nhận điều đó vì Gosha đoạt giải trong các cuộc thi và mang điểm về cho nhà trường - như vậy cậu bé đã thành công trong việc "tách khỏi hệ thống". "Em thực sự thích môn lập trình và vẽ, những thứ không được coi trọng trong nhà trường, - cậu bé nói.
Chúng em không được dạy những kỹ năng quan trọng nhất, không được học những môn chính: triết học, hội họa, lịch sử, nghệ thuật hùng biện. Nhà trường cần phải dạy những gì giúp ích chúng em trong cuộc sống".
Mục đích là tìm con đường tới đích
Những gì học sinh ở hầu hết các trường phổ thông học trong 11 năm, theo các em là nhàm chán, xa lạ với cuộc sống, không hiện đại: nhiều em tin rằng nhà trường không cung cấp kiến thức về các hiện tượng, mà chỉ cốt dạy để thi quốc gia thống nhất.
Những người tham gia dự án "Voice of youth/Tiếng nói trẻ em" than phiền rằng hiện nay trong giáo dục Nga đã xuất hiện khoảng cách rất lớn về tuổi tác và tâm lý giữa thầy giáo và học sinh: thầy giáo vẫn dạy theo hệ thống đã hình thành cách đây 200 năm, đã lỗi thời từ lâu.
"Hiện nay mục đích không phải là dạy file (tập tin), mà là con đường dẫn tới file, tới thông tin, - Gosha Bondar nói. Internet là một hệ thống bền vững nhất do nhân loại sáng tạo ra, trên thế giới ở đâu cũng có, và có thể tìm kiếm ở đấy bất cứ thông tin nào sau một giây.
Bản thân Gosha đã làm được một máy tính mini từ đồ chơi và có thể nối mạng bất cứ đâu. Cậu bé kể rằng niềm say mê robot đã giúp em thích thú môn Toán, Hóa học và Nghệ thuật.
Thật vậy, hình như, học sinh hiện nay cũng hình dung ra quá trính dạy học lý tưởng: nhiều bài tập và dự án thực hành, mỗi em đều có con đường riêng của mình, trọng tâm của nó là tạo ra hứng thú cho phép học sinh trong tương lai say mê một cái gì đấy.
Các em nói rằng nhà trường phổ thông cần phải có "những phòng học rộng và nhiều ánh sáng" và những thầy giáo trẻ, xuất sắc, họ sẽ là bạn của học sinh chứ không phải là những người giám sát. Những người sẽ "dạy các em học tập", chứ không phải căm ghét nhà trường".
Bà Veronika Zonabend cũng tin tưởng rằng mục đích chính của nhà trường không phải là cấp chứng chỉ, thậm chí không phải truyền thụ kiến thức, mà là tạo ra "thói quen học tập, hứng thú nhận thức".
Bà nói rằng trong một nhà trường tốt, tất cả mọi người thường xuyên học tập: học sinh, thầy giáo, thậm chí các bậc phụ huynh: "Giáo dục không phải là sự lựa chọn chương trình, mà là đối thoại giữa học sinh và thầy giáo". Nói cách khác, bà Veronika cho rằng nhà trường phải trở thành môi trường kích thích sự phát triển, sáng tạo và đối thoại.
Để thế hệ tiếp theo tìm ra ý nghĩa cuộc sống
Theo Bà Yulia Veshnikova, người thành lập "Trường học mới" Moskva, thật sai lầm nếu cho rằng nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống. "Đó cũng là cuộc sống, trong nhà trường học sinh không chuẩn bị cho cuộc sống, mà là đang sống", - bà nói.
Vì vậy những người sáng lập "Nhà trường mới" ngay trong giai đoạn xây dựng dự án đã khẳng định rằng ở đây có thể luôn luôn xảy ra một điều gì đấy, hơn nữa không chỉ đối với học sinh, sau các tiết học trẻ em và người lớn "từ bên ngoài" đến đây, vì nhà trường được coi như một sân chơi giáo dục mở "cho mọi người cùng có chung giá trị".
Tất cả những cái đó động chạm tới một vấn đề quan trọng nữa - vấn đề về sức khỏe tâm lý của người học hiện nay. Tất nhiên, học sinh chịu ảnh hưởng tiêu cực của việc học tập, môi trường công nghệ, nhưng đó không phải là điều chủ yếu nhất.
"Vấn đề chủ yếu của thế hệ tiếp theo là tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, - bà Veronika Zonabend khẳng định. - Nếu như trước đây mọi người chiến đấu để tồn tại thì hiện nay ở nhiều nước điều đó không còn cần thiết nữa. Vấn đề đặt ra là: học gì? Lấy gì lấp đầy sự vô nghĩa và khoảng trống nhận thức? Phải dạy học sinh suy nghĩ, phải biết được các em muốn học gì, tìm kiếm tài năng của mình - đó là nhiệm vụ chính của nhà trường hiện đại".
Theo giaoducthoidai.vn
Tạo cơ sở pháp lý thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. ảnh minh họa Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào...