Nên giữ Kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay
Tại Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu đã góp ý và thể hiện quan điểm nên duy trì Kỳ thi THPT quốc gia.
Thí sinh dự thi Kỳ thi THPT quốc gia 2018
Đảm bảo tạo ra động lực
Thẳng thắn nêu quan điểm của mình, PGS Trần Thị Tâm Đan – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất: Nên giữ Kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay. Kỳ thi được tổ chức tại địa phương và có sự tham gia của các trường đại học. Đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12, đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp THPT và phân hóa tạo điều kiện cho việc tuyển sinh của các trường đại học.
PGS Trần Thị Tâm Đan góp ý: Việc chấm thi nên có sự quản lý chặt chẽ hơn của Bộ GD&ĐT, tổ chức cụm thi cho một số tỉnh và huy động giáo viên chấm thi ở các trường đại học và ở địa phương.
Về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT đối với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp, PGS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, cần áp dụng trong từng trường hợp. Thứ nhất, khi thực hiện phổ cập giáo dục trung học nên bao gồm cả THPT và trung cấp nghề nghiệp; Thứ hai, nếu người tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp học lên cao đẳng cùng chuyên ngành thì hoàn toàn đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tuyển sinh hoặc xét tuyển. Thứ ba, nếu người tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp muốn học lên trình độ đại học thì ngoài bằng tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp cần có chứng chỉ một số nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi, rút gọn tương đương THPT do Bộ GD&ĐT quy định; giao cho trường đại học xét tuyển, giải quyết theo cơ chế liên thông.
Video đang HOT
Đề xuất không nên bỏ Kỳ thi THPT quốc gia, PGS.TS Đặng Bá Lãm – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phân tích: Thi thuộc về lĩnh vực đánh giá trong giáo dục. Theo nguyên tắc giáo dục, đánh giá lúc nào cũng đi song song với giáo dục để đảm bảo tạo ra động lực và đạt được mục tiêu giáo dục, đồng thời để chứng tỏ kết quả giáo dục với các liên đới bên trong và bên ngoài nhà trường. Các loại đánh giá bao gồm đánh giá đầu vào, đánh giá quá trình và đánh giá kết thúc một môn học hay một giai đoạn học tập.
Về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp THPT, PGS Đặng Bá Lãm cho rằng, nên sử dụng cách gọi trước đây là “trung học phổ thông” và “trung học nghề nghiệp” hay “trung học nghề”. Các loại hình trung học này đều có mặt bằng chung là trình độ trung học và có điều kiện cần để học lên trình độ cao đẳng, đại học.
Theo PGS Đặng Bá Lãm, đánh giá trong giáo dục nên nhẹ nhàng, thoải mái, không gây áp lực cho người học, nên hướng dẫn, khích lệ hơn là căng thẳng, sát phạt, loại bỏ. Đó là đánh giá theo quan điểm “ đảm bảo chất lượng“, đề phòng sai sót để loại bỏ ít nhất, thậm chí không loại bỏ càng tốt. “Kỳ thi THPT quốc gia thuộc loại đánh giá này. Không phải là đánh giá để lựa chọn như thi tuyển. Nhưng thi tuyển cũng phải tư vấn để cho ai cũng tìm được chỗ thích hợp với mình. Không để cho có người thất bại trong cuộc sống” – PGS Đặng Bá Lãm nêu quan điểm.
Nên duy trì kỳ thi ít nhất từ 3 đến 5 năm nữa
Khẳng định Kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) – thẳng thắn nêu quan điểm: Tuy còn một số vấn đề cần điều chỉnh nhưng Kỳ thi THPT quốc gia về căn bản đã đáp ứng được hai mục tiêu nêu trên. Do đó, nên duy trì kỳ thi này, ít nhất là từ 3 đến 5 năm nữa. Trong quá trình thay đổi chương trình giáo dục phổ thông và chuẩn bị cho một phương thức mới hợp lý hơn.
“Kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá kết thúc một cấp bậc giáo dục. Kỳ thi này không nên bãi bỏ, dù kết quả thường xuyên đạt 100%. Nếu không đánh giá thì làm sao biết được kết quả cao tuyệt đối đó”.
PGS Đặng Bá Lãm
Đồng quan điểm, TS Vũ Văn Dụ – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cần phải duy trì Kỳ thi THPT quốc gia. TS Vũ Văn Dụ phân tích, chức năng của nhà trường THPT là đào tạo con người, hình thành nhân cách học sinh – công dân tương lai. Quá trình này được triển khai trong một cấu trúc giáo dục chặt chẽ với các yếu tố đầu vào của chất lượng giáo dục, bao gồm: Mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy học và kế hoạch dạy học; kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; động lực làm việc của đội ngũ giáo viên, động lực học tập của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; thái độ của xã hội đối với sản phẩm giáo dục…
Các yếu tố này liên quan mật thiết và tương hỗ tạo ra chất lượng giáo dục học sinh. Các yếu tố này cũng thay đổi tùy tình hình kinh tế và thái độ đầu tư của Nhà nước và tạo ra các mức độ chất lượng giáo dục học sinh tương ứng. “Do vậy kết thúc quá trình này phải được kiểm tra đánh giá. Nếu không có kiểm tra đánh giá thì quá trình đó như là không có vận động, không có phát triển và coi như không có điều khiển, quản lý và không có quá trình đó diễn ra” – TS Vũ Văn Dụ nêu ý kiến.
Theo giaoducthoidai.vn
Xem xét cẩn trọng việc thành lập ĐH tư thục
PGS-TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, đề nghị cần xem xét cẩn trọng về việc luật khuyến khích thành lập các ĐH mới, trong đó có tư thục.
Đại diện các trường trao đổi bên lề hội nghị - HÀ ÁNH
Nhiều vấn đề nóng của giáo dục, đặc biệt về kỳ thi THPT quốc gia, được bàn luận tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 21.8.
Tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, đề nghị cần xem xét cẩn trọng về việc luật khuyến khích thành lập các ĐH mới, trong đó có tư thục. Điều kiện thành lập rất đơn giản, trong ĐH có nhiều trường ĐH thành viên.
Trường ĐH ngoài công lập có thể phát triển thành ĐH khi có ít nhất 5 lĩnh vực chuyên ngành và 2 ngành khoa học cơ bản đào tạo đến trình độ tiến sĩ. "Nếu không cẩn thận, trong tương lai sẽ có rất nhiều chứ không chỉ một số ĐH như hiện nay", ông Toàn cảnh báo.
Ông Toàn cũng nói về đề xuất cơ cấu trường ĐH, đặc biệt là việc trong trường ĐH có trường (theo mô hình nước ngoài). "Tôi nghĩ là đúng nhưng trong bối cảnh hiện tại sẽ rất lúng túng. Vậy đứng đầu trường đó gọi là gì, trường có khác khoa không? Trường đó có bao gồm khoa không? Nếu không thì đây chỉ là "bình mới rượu cũ", bắt chước nước ngoài nhưng không đúng thực chất, thực tế của VN hiện nay", ông Toàn nói.
GS-TS Phạm Văn Lình đặt vấn đề có nên tồn tại ĐH vùng hay không. "Tôi làm việc tại ĐH vùng gần 20 năm nhưng đó chỉ là cấp trung gian, không có biên chế và chi phí chung cho ĐH. Vậy nếu từ khoa mà lên trường thì sẽ không dưới 100 biên chế tăng thêm. Điều này có phù hợp với cải cách hành chính hiện nay không? Hiện hoạt động các ĐH vùng rất khó khăn, đặc biệt là kinh phí. Có nên mở rộng hay không và mở rộng như thế nào, đầu tư trực tiếp kinh phí cho người học chứ không qua khâu trung gian", ông Lình nói.
GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, khẳng định: "Tôi không phủ nhận vai trò của các trường ĐH quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ quá nhiều ĐH, nếu thêm một cấp nữa thì mình sẽ không giống ai trên thế giới này".
Theo thanhnien.vn
Vẫn thi THPT nhưng phải tổ chức nghiêm túc Nhiều vấn đề nóng của giáo dục, đặc biệt về kỳ thi THPT quốc gia, được bàn luận tại hội nghị góp ý kiến về dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của...