NCKH trong trường đại học: Hóa giải các nút thắt tài chính
Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhấn mạnh cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu; giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Giảng viên và SV Trường ĐH Thủ Dầu Một giới thiệu sản phẩm NCKH.
Điều này cho thấy, vai trò của cơ chế tài chính cho hoạt động này càng trở thành vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu.
Tạo hành lang pháp lý
Theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, hoạt động cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) là sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính thông qua quá trình đào tạo và nghiên cứu để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám và nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ cho xã hội.
Tại các cơ sở giáo dục ĐH, nghiên cứu khoa học (NCKH) thường bao gồm các hoạt động như thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án khoa học công nghệ các cấp; sinh viên, học viên, người học NCKH; dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học thúc đẩy trao đổi NCKH; khen thưởng đối với kết quả NCKH; các hoạt động hỗ trợ giảng viên tham dự hội nghị, hội thảo khoa học, thông tin khoa học…
Bàn về những thuận lợi trong thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động NCKH, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) đang được hoàn thiện và được sửa đổi, điều chỉnh khá kịp thời. Cụ thể là sự ra đời của Luật KH&CN năm 2013 thay thế và điều chỉnh cho Luật KH&CN năm 2000. Luật KH&CN 2013 với những nội dung mới đã tạo tiền đề quan trọng, từng bước đưa KH&CN trở thành động lực then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Chính phủ cũng đã ban hành 7 Nghị định về hoạt động KH&CN.
Tại Trường ĐHSP Hà Nội 2, hằng năm công tác xây dựng kế hoạch năm học cho toàn bộ các hoạt động đào tạo, NCKH… được tiến hành bài bản, có quá trình rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ban hành kế hoạch công tác năm học. Cùng với đó, nhà trường xây dựng kế hoạch trung, dài hạn cho hoạt động NCKH nhằm mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập. Việc thực hiện các báo cáo về tài chính, thực hiện dự toán kinh phí sự nghiệp KH&CN trong năm và những năm tiếp theo nghiêm túc đảm bảo tiến độ.
PGS Nguyễn Quang Huy
Theo đó, các nội dung về cơ chế tài chính đã được đổi mới mạnh mẽ nhằm tạo hành lang pháp lý để tổ chức triển khai hoạt động NCKH và phát triển công nghệ một cách chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc đổi mới về cơ chế tài chính đồng thời được thể hiện thông qua các văn bản liên tịch giữa Bộ KH&CN với Bộ Tài chính. Các bộ, ngành cũng đã xây dựng cơ chế sử dụng các nguồn lực tài chính dành cho KH&CN nhằm đảm bảo các nguồn lực được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Ngoài ra, việc hướng dẫn lập kế hoạch KH&CN thường niên, kế hoạch trung hạn, dài hạn của các đơn vị quản lý cấp Trung ương đã phát huy hiệu quả đáng kể. Hằng năm, Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu báo cáo về việc lập kế hoạch hoạt động KH&CN, báo cáo kết quả hoạt động và tình hình phân bổ, dự toán kinh phí. Hoạt động này đã phát huy tích cực vai trò quản lý và định hướng của các cơ quan cấp trên. Các cơ sở giáo dục ĐH căn cứ công văn hướng dẫn, kế hoạch hoạt động của đơn vị mình tiến hành xây dựng và báo cáo.
Cơ chế tự chủ tài chính là hướng đi mới trong phát triển NCKH tại ĐH
Còn nhiều khó khăn
Video đang HOT
Không phủ nhận hiện nay các trường có điều kiện thuận lợi hơn để tổ chức triển khai hoạt động NCKH và phát triển công nghệ một cách chất lượng, hiệu quả, tuy nhiên, GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, đã chỉ ra nhiều khó khăn đang làm cản trở hoạt động NCKH. Vấn đề tài chính cho KH&CN được dự toán và chi theo từng nhiệm vụ, đề tài riêng lẻ dẫn đến thiếu tự chủ của các đơn vị trong xây dựng chiến lược.
Việc huy động các nguồn lực cho KH&CN, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế phối hợp, phân chia lợi ích giữa các bên chưa rõ ràng; chưa có cơ chế chính sách sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm) trong hoạt động dịch vụ KH&CN.
Việc huy động, sử dụng kinh phí từ nguồn thu hợp pháp cho hoạt động tăng cường tiềm lực KH&CN của ĐH theo Nghị định 99/2014-NĐCP cũng còn nhiều thách thức. Đặc biệt, thủ tục tài chính vẫn rườm rà, chậm muộn và nặng về mặt hành chính; việc cập nhật các định mức về kinh tế kỹ thuật theo thực tế còn chậm, gây khó khăn trong việc phát triển, nâng cao chất lượng KH&CN ở các cơ sở giáo dục.
Nói về những khó khăn trong xây dựng dự toán kinh phí, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, trong quá trình hoạt động NCKH, kinh phí được áp dụng theo Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN đã khá cũ, quá cụ thể, đôi chô con cứng nhắc, chưa thực sự linh hoạt và định mức đang thấp hơn so với thực tế chi hiện nay.
Hiện nay, kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65 – 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN. Do đó, việc xây dựng các cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp để bổ sung các nguồn tài chính đầu tư cho KH&CN là rất cần thiết. Chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng về huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho hoạt động NCKH, việc ràng buộc và khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN còn thiếu đồng bộ.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, Nhà nước, các bộ, ngành cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết chấm dứt tình trạng dàn trải, manh mún và cần có sự khảo sát, đánh giá chính xác tiềm lực KH&CN của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị để làm căn cứ đầu tư.
Một vấn đề cần đặt ra, theo PGS Nguyễn Quang Huy là cần xây dựng được bộ tiêu chí để làm căn cứ phân bổ kinh phí. Cùng với đó, mối liên kết chưa đồng bộ giữa các đơn vị quản lý trong việc triển khai các văn bản về tài chính từ các bộ, ngành với cơ quan trung gian gồm Kho bạc Nhà nước, các quỹ nghiên cứu phát triển với các cơ sở giáo dục ĐH cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Nhóm nghiên cứu mạnh tại Viện Công nghệ sinh học – ĐH Huế làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm phân tích. Ảnh: NT
Giao quyền chủ động cho các trường đại học
Về việc đưa ra các giải pháp, PGS Nguyễn Quang Huy cho rằng, phương thức tài trợ, hỗ trợ cho phát triển NCKH ở các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục ĐH cần có kế hoạch dài hạn, cơ chế và tiêu chí đầu tư rõ ràng. Trên thực tế, nhiều cơ sở nghiên cứu không nắm được đơn vị mình sẽ được hỗ trợ bao nhiêu, theo tiêu chí nào nên không dự liệu được kế hoạch sử dụng và phát huy nguồn lực quan trọng này.
Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí dựa trên tiềm lực của các đơn vị để giao ngân sách NCKH hằng năm, hay giai đoạn và giao quyền chủ động cho các trường ĐH trong việc phân bổ ngân sách nghiên cứu cho cá nhân, nhóm nghiên cứu trong đơn vị theo đề tài. Các cơ quan chức năng cần triển khai hiệu quả cơ chế giám sát quản lý kết quả đầu ra và có những đánh giá định kỳ về tình hình thực hiện, làm cơ sở cho quyết định giao ngân sách những năm tiếp theo.
Cùng với đó, PGS Nguyễn Quang Huy đề xuất nên có thêm những chính sách nhằm tôn vinh, khen thưởng các cá nhân đạt thành tích, kết quả đặc biệt xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển công nghệ. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã có chính sách thưởng bài báo ISI. Tuy nhiên, nhiều công trình quan trọng, giá trị khoa học và thực tiễn cao như các sáng chế, giải pháp hữu ích mang lại hiệu quả cao đối với xã hội và đời sống… cũng cần được quan tâm thỏa đáng. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét khen thưởng các bài báo SCOPUS, các sản phẩm khoa học khác có giá trị khoa học và thực tiễn cao; có cơ chế khen thưởng xứng đáng cho những bài báo, sản phẩm KH&CN đặc biệt xuất sắc…
Cũng theo PGS Nguyễn Quang Huy, phương thức huy động doanh nghiệp đầu tư cho NCKH và phát triển công nghệ của các trường ĐH hiện còn tồn tại nhiều rào cản. Vấn đề đặt ra là cần có cơ chế khuyến khích, làm cầu nối cho các doanh nghiệp đầu tư cho NCKH; tổ chức nhiều diễn đàn để hai bên có thể gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu và tiềm lực của nhau; ưu tiên hỗ trợ cho những nghiên cứu có hợp tác với doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý, văn bản quy định cụ thể cho mô hình doanh nghiệp, công ty trong trường ĐH.
Cùng với đó, nên có văn bản, hành lang pháp lý đầy đủ về việc quản lý việc chuyển giao công nghệ có nguồn gốc từ những nghiên cứu do Nhà nước tài trợ trong các trường ĐH, như vấn đề quản lý, sở hữu, phân chia lợi nhuận, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan trong chuyển giao công nghệ.
“Vấn đề sử dụng và thanh quyết toán kinh phí KH&CN hiện còn khá phức tạp nên cần có cơ chế khoán chi theo sản phẩm đăng ký theo thuyết minh đối với nhiệm vụ KH quản lý theo kết quả đầu ra. Cuối cùng, cần nâng cao cơ chế tự chủ tài chính và hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường ĐH. Trên thực tế, đã có những đánh giá về vấn đề tự chủ ĐH, trong đó chỉ ra những kết quả đạt được từ cơ chế này như việc tạo ra môi trường pháp lý minh bạch; tạo động lực cho các trường ĐH công lập tự hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình; tạo môi trường năng động, cạnh tranh lành mạnh và tích cực trong hệ thống các trường ĐH; đẩy mạnh và nâng cao hoạt động NCKH, tạo ra sự kết nối, tương tác hiệu quả giữa cán bộ, giảng viên, công nhân viên, nâng cao thu nhập của người lao động”. PGS.TS Nguyễn Quang Huy
Hiếu Nguyễn
Theo SGGP
Trường đại học nào sẽ phát triển thành đại học?
Cả nước hiện chỉ có 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội) và 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế).
Nhưng theo luật giáo dục ĐH mới, dự kiến sẽ có thêm các ĐH mới được phát triển từ trường ĐH như trường hợp của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Dự kiến, khoảng 3 - 4 năm nữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ phát triển thành một ĐH - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trên cơ sở pháp lý của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), nhiều trường ĐH đã có chủ trương phát triển, nâng cấp thành mô hình ĐH trong thời gian tới.
3 - 4 năm nữa có thể Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đổi tên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường ĐH này đã có chủ trương phát triển thành ĐH. Chủ trương này có từ trước đó, ngay thời điểm nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH (năm 2017).
Theo GS-TS Phong, hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐHđã có hiệu lực từ ngày 1.7 là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này. Trường vẫn đang chờ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật được ban hành mới bàn tới việc xây dựng đề án.
"Trường sẵn sàng cho việc này nhưng sẽ thực hiện các bước theo lộ trình và đúng quy định. Dự kiến, ít nhất cần từ 3 - 4 năm nữa để Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phát triển thành một ĐH", GS-TS Phong nói.
Theo GS-TS Phong, để làm được việc này thì trước hết các khoa hiện tại cần phát triển thành 3 - 4 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nói về mô hình ĐH trong tương lai so với hiện tại, theo GS-TS Phong, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi. Thậm chí có thể phải đổi cả tên trường để không phải là ĐH về một lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định: "Dù có phát triển thành mô hình ĐH thì trường này vẫn giữ ổn định quy mô đào tạo như hiện nay, với khoảng 30.000 người học. Thay vì tăng quy mô, trường sẽ tập trung vào phát triển chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế".
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ có trường thành viên ?
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài theo các giai đoạn khác nhau. Theo đó, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường dự kiến được sắp xếp theo 3 cấp: trường ĐH, college (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp (College of Agriculture), Trường Công nghệ (College of Technology), Trường Kinh tế và phát triển (College of Economics and Development), Trường Khoa học (College of Science). Ngoài ra còn có Viện Sau ĐH, Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt thay vì từng khoa riêng lẻ, trường có định hướng tích hợp các khoa cùng đào tạo một nhóm ngành thành các trường (college). Việc này nhằm mục tiêu sử dụng chung nguồn lực, tăng hiệu quả và chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo.
Lập thêm trường thuộc trường ĐH
Chưa tính tới chủ trương phát triển thành ĐH nhưng từ luật mới này, nhiều trường cho biết sẽ thành lập thêm các trường trong trường ĐH để phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục - Khả Hòa
Điển hình là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Việc này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM đồng ý về mặt chủ trương. Theo đó, Trường Ngoại ngữ sẽ tập trung vào mục tiêu đào tạo các ngành liên quan đến ngoại ngữ, còn Trường Giáo dục sẽ hướng tới các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt 2 trường này sẽ thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM theo đúng tinh thần của luật. Sau này, tùy điều kiện thực tế các trường có thể được điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp hơn. Theo PGS-TS Phương Lan, mục tiêu của việc thành lập các trường là tăng cơ hội phát triển cho các khối ngành này và thêm cơ hội cho cả người học.
Trường ĐH tư thục cũng có thể thành ĐH
Theo luật Giáo dục ĐH (2012), cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: trường CĐ; trường ĐH, học viện; ĐH vùng, ĐH quốc gia (gọi chung là ĐH); Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. ĐH chỉ gồm ĐH vùng và ĐH quốc gia.
Còn theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân bao gồm: ĐH, trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ĐH quốc gia và ĐH vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Ở luật mới này, khái niệm ĐH đã được mở rộng hơn. Và kèm theo luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này cho phép các trường ĐH nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH.
Nhìn vào các quy định mới này, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: "Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này thì trường ĐH tư cũng có thể nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH". Nhưng theo ông Tùng, Trường ĐH FPT không có chủ trương này vì hiện nay không thấy lợi ích gì khi chuyển đổi.
Tương tự, dù cùng một hệ thống nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng chưa có chủ trương đi theo hướng này.
Theo Thanh niên
8 đại học Việt Nam vào top 500 trường hàng đầu châu Á Việt Nam có tám trường đại học vào top 500 đại học tốt nhất châu Á, theo bảng xếp hạng QS Asia 2020. Theo PLO