Nắng nóng, trường học chỉ dám tranh thủ bật điều hòa trước giờ vào lớp
Tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế không bật điều hòa, học sinh nhiều trường học tại Hà Nội phải vật lộn với nắng nóng, oi bức khi đến trường.
Sau 2 ngày đi học, Khuất Mạnh Đức (THPT Việt Đức) vừa vui vừa mệt mỏi: “Sau nhiều tháng nghỉ dịch, em mới được quay lại trường gặp thầy cô bạn bè, nên rất háo hức. Nhưng thời tiết rất oi nóng, học sinh phải đeo khẩu trang trong lớp, kết hợp với việc không được bật điều hòa, cảm giác khó thở, mệt mỏi. Điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng tiếp thu bài của học sinh”.
Nam sinh cho biết, dù khó chịu, nhưng đây là quy định chung của nhà trường, nên bản thân em và các bạn trong lớp vẫn chấp hành để đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Những chiếc quạt cầm tay mini là vật bất ly thân của nhiều học sinh khi đến trường ngày nắng nóng.
Đức cũng hy vọng Bộ Y tế sớm có những khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể về việc phòng ngừa dịch bệnh trong điều kiện nắng nóng để việc học trong các nhà trường được thuận lợi hơn.
Lê Hồng Minh (THPT Việt Đức) cũng cùng chung cảm giác mệt mỏi sau những tiết học trong những ngày oi nóng. “Việc phải đeo khẩu trang cả ngày trong lớp, phòng học lại không được bật quạt, thời tiết nóng bức nên em cảm thấy khá mệt mỏi và khó chịu. Tuy nhiên, vì trường đã thực hiện giãn cách, sĩ số trong các lớp giảm đi một nửa, nên sức nóng phần nào được giảm bớt hơn”.
Tranh thủ bật điều hòa trước giờ vào lớp, ra chơi
Video đang HOT
Không chỉ học sinh mệt mỏi, các trường học cũng loay hoay tìm giải pháp giảm nhiệt đảm bảo sức khỏe cho học sinh khi đến trường. Thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trường đang thực hiện giãn cách, tách lớp, làm vệ sinh toàn bộ trường học để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc không bật điều hòa, chỉ mở cửa sổ thông thoáng và bật quạt. Tuy nhiên, ngay trong những buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ dịch, đã khá nhiều học sinh phản ánh về việc nóng bức.
Thời tiết oi nóng khiến cả thầy và trò đều cảm thấy mệt mỏi hơn.
“Các con kêu rất nóng và oi bức. May mắn học sinh đều học vào buổi sáng nên thời tiết bớt khắc nghiệt hơn buổi chiều. Để giúp học sinh dễ chịu hơn khi ngồi trong lớp, nhà trường thực hiện mở điều hòa ở tất cả các phòng học trước khi đến giờ vào lớp nhằm hạ nhiệt, tạo không khí mát mẻ, dễ chịu khi học sinh đến. Giờ giải lao cũng bật trong khoảng thời gian ngắn để làm dịu bớt không khí oi bức, đến khi vào tiết học tiếp theo thì lại tắt đi. Bên cạnh đó, mỗi phòng học tại trường được trang bị ít nhất 4 quạt trần, ngoài ra trường còn huy động thêm quạt cây và hoạt động liên tục trong suốt buổi học. Đây cũng chỉ là phương án tạm thời. Hiện tại, thời tiết còn chưa nắng nóng gay gắt, nhưng nếu vài ngày tới trời oi bức hơn thì phải tính phương án khác. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế”, thầy Nhâm cho biết.
Lãnh đạo trường cho biết thêm, việc dạy và học hiện nay chưa có quá nhiều khó khăn, vẫn có thể khắc phục, tuy nhiên trong thời gian tới khi học sinh trở lại trường đông hơn, ban giám hiệu cũng đang phải tính toán đến biện pháp khác.
Cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cũng cho biết, trường không bật điều hòa theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Thay vào đó, toàn bộ các cửa sổ, cửa chính được mở thông thoáng, kết hợp với hệ thống quạt trần, quạt treo tường hoạt động hết công suất. Tuy nhiên thời tiết những ngày này oi nóng, nhiệt độ trong phòng học vẫn rất cao. “Học sinh cũng kêu nóng, nhà trường cũng rất thương các em. Chúng tôi hy vọng sẽ có những hướng dẫn cụ thể về việc đảm bảo an toàn trong mùa dịch và hạn chế bớt những khó khăn cho thầy và trò trước thực tế hiện nay”.
Cô Dư Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết, thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, trường vẫn tiến hành cho học sinh đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Song thời tiết nắng nóng, khiến thân nhiệt nhiều em tăng cao hơn, trường phải bố trí cho các em ngồi nghỉ trong phòng có quạt mát để kiểm tra lại nhiệt độ. Đến nay, trường không có học sinh có biểu hiện ốm sốt.
Tuy nhiên, cô Lan Anh cũng cho hay, thời tiết oi nóng khiến học sinh mệt mỏi hơn khi đến trường. “Vì đang thực hiện giãn cách, số học sinh trong các lớp giảm đi 1 nửa nên cũng bớt nóng hơn. Trường cho mở toàn bộ cửa sổ, cửa chính và bật quạt. Nhưng cũng chỉ dám bật ở mức độ vừa phải, vì nếu bật hết công suất có thể khiến các em mệt mỏi khi ngồi quạt cả ngày. Hiện tại chưa quá lo lắng, nhưng nếu sắp tới nắng nóng hơn nữa, sẽ rất khó. Chúng tôi đang tính đến phương án, nếu thời tiết quá khắc nghiệt, có thể cho toàn bộ học sinh học vào buổi sáng để tránh nắng nóng”.
Một lãnh đạo của một trường ngoài công lập tại Hà Nội cũng cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn trường học an toàn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT là cần thiết, song không nên máy móc. Tùy vào điều kiện từng trường có thể linh hoạt thực hiện, tránh việc học sinh không ốm vì dịch, mà ốm vì ngột ngạt, nóng bức, không đảm bảo sức khỏe cho các em khi đến trường./.
Phụ huynh tìm giải pháp chống nóng cho học sinh khi trở lại trường
Để khắc phục điều kiện oi nóng, các trường học đã bật hết công suất hệ thống quạt trong các lớp học. Phụ huynh thì bàn cách sắm thêm quạt hơi nước để chống nóng cho con.
Ghi nhận những ngày đầu học sinh trở lại trường, các cơ sở giáo dục đều yêu cầu học sinh thực hiện nghiêm những quy định về phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt. Nhiều nơi cũng thực hiện theo khuyến cáo hạn chế bật điều hòa, mở cửa thông thoáng để phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện nghiêm quy định về an toàn trường học, tuy nhiên, những ngày qua cả thầy và trò đều gặp khó khăn vì dạy học trong thời tiết khắc nghiệt.
Trong những ngày nắng nóng, các trường học ở Hà Nội đều mở cửa để phòng học thông thoáng. Ảnh: Sơn Tùng.
Cô Dư Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết, việc các trường thực hiện giãn cách, không quá 20 học sinh/lớp nên cũng phần nào hạn chế nắng nóng.
Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian kết thúc năm kéo dài sang tận tháng 7, nên nhà trường đang phải bàn tính để sắp xếp lịch học, đảm bảo sức khỏe học sinh trong thời tiết khắc nghiệt.
Những ngày qua, theo dõi thông tin về đợt nắng nóng có thể kéo dài, anh Trần Đức Anh (phụ huynh Trường Tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ lo lắng vì tuần tới con anh sẽ đi học trở lại.
"Lớp của con tôi có 57 cháu. Hiện tại thời tiết đang rất nóng, trong khi đó mùa hè năm nay được dự báo là nắng nóng kỷ lục. Nếu không bật điều hòa thì làm sao mà học được. Trên nhóm phụ huynh của lớp, chúng tôi cũng đang bàn cách chống nóng cho con.
Nhiều người nói rằng nên dùng quạt hơi nước để giảm nhiệt độ trong phòng, mà vẫn đảm bảo được yếu tố mở cửa thông thoáng phòng học. Chúng tôi tham khảo giá, mỗi chiếc quạt giá khoảng 2-5 triệu tùy loại. Phụ huynh có thể chung nhau, mỗi người đóng mấy trăm nghìn để mua cho con.
Nhưng việc băn khoăn nhất bây giờ là dùng quạt phun ,quạt hơi nước có đảm bảo ngăn ngừa dịch COVID-19 hay không? Có ảnh hưởng sức khỏe của các con hay không?"- anh Đức Anh cho biết.
Anh Nguyễn Ngọc Quý (Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng phụ huynh nên bình tĩnh, cân nhắc xem xét theo diễn biến dịch để có kế hoạch cụ thể, chưa nên kêu gọi nhau mua các dụng cụ chống nóng khác (ngoài điều hòa đã có sẵn ở lớp) để tránh lãng phí.
"Tôi có hai đứa con, đứa nhỏ học Trường Tiểu học Dịch Vọng B, đứa lớn đang học Trường THCS Nghĩa Tân. Tôi cũng rất quan tâm đến tình trạng thời tiết nóng nực nên thường hỏi con ở trường có bị nóng quá không? Tôi cũng đã kiến nghị với giáo viên chủ nhiệm là nên bật điều hòa cho các con.
Về phương án lắp quạt phun sương, hay quạt hơi nước ở trong lớp học, tôi thấy hiện tại chưa cần thiết. Lớp học thì rộng, việc phun sương này có tác dụng không hay lại làm ướt sách vở các con" - anh Quý nói.
Phụ huynh này cũng cho rằng, các trường không nên quá cứng nhắc, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, mà có biện pháp phòng chống phù hợp. Trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, nắng nóng như hiện nay thì nên bật điều hòa để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào sáng 6.5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nên bỏ các biện pháp giới hạn không cần thiết và không khoa học, cực đoan như bắt học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ bằng nhựa, không cần thiết và hại cho sức khỏe. Không bắt buộc một cách cực đoan là cấm không bật điều hòa.
Giãn cách lớp học, nhiều trường loay hoay thiếu phòng học, giáo viên Để đảm bảo đúng quy định về giãn cách, nhiều trường phải bố trí học so le, giáo viên làm việc với cường độ gấp đôi, thậm chí thiếu giáo viên, lớp học. Ngày 4/5, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Để được hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ dịch, Bộ GD-ĐT...