Nâng mức cho vay học sinh, sinh viên lên 1.350.000 đồng/tháng
Văn phòng Chính phủ vừa ra thông báo truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, điều chỉnh mức cho vay từ 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV (hiện nay) lên 1,350 triệu đồng/tháng/HSSV…
Phụ huynh của các sinh viên nhận vốn vay ưu đãi cho con em. (ảnh do Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai cung cấp)
Trong khi đó, từ năm học 2015-2016 này, các bậc học phải thực hiện mức học phí tăng, riêng đại học tăng từ 3-5 lần.
Gia đình nghèo còn nặng gánh
Mục tiêu của chương trình cho HSSV vay vốn được thực hiện từ tháng 9-2007, nhằm hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt cho con em các hộ nghèo đang theo học. Do đó, việc xem xét nâng mức cho vay đối với chương trình tín dụng HSSV là cần thiết.
Ở Đồng Nai, qua 8 năm thực hiện chương trình cho HSSV vay vốn ưu đãi, đã có hàng chục ngàn trường hợp được vay vốn để trang trải chi phí, bảo đảm việc học hành được liên tục. Từ đó, nhiều em đã thành đạt, ý thức tiết kiệm để trả nợ ngân hàng. Bà Ninh Thị Ngọc, ngụ phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) có 2 con đang học tại Trường đại học y dược và Trường đại học luật TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Chồng tôi bị tai nạn giao thông mất sức lao động, mọi sự trông vào tiệm tạp hóa của tôi ở chợ Phúc Hải, phường Tân Phong. 2 con tôi học đại học, ngoài học phí thì tôi còn phải lo nhiều chi phí khác, như: ăn ở, đi lại, tài liệu học tập… Giờ mức học phí tăng thế này, ban đầu tôi cũng lo vì sợ không đáp ứng được nhu cầu học hành của con. Song khi nghe thông tin khoản vay cho HSSV cũng tăng nên tôi phần nào an tâm”.
Trường hợp sinh viên Trần Thị Thu Nga, nhà ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), đang học năm thứ hai khoa Ngữ văn Trường đại học khoa học – xã hội và nhân văn có gia cảnh rất khó khăn vì bản thân phải tự lo và nhờ vào dòng họ. Để trang trải việc học hành, 2 năm nay hàng đêm Nga phải đi phục vụ quán ăn để có thêm tiền chi phí học hành. Nga thắc mắc: “Học phí năm thứ nhất tôi phải đóng là 5,5 triệu đồng/năm. Nhưng năm nay học phí tăng, tôi phải đóng 17,5 triệu đồng/năm. Dù có đóng làm 2 đợt, mỗi đợt gần 9 triệu thì gia đình tôi không thể lo được. Mà học phí mới chỉ là một phần, vì tôi còn phải chi phí cho nhiều khoản khác trong quá trình học tập. Nghe nói vốn cho HSSV vay cũng tăng, nếu được ngân hàng hỗ trợ cho vay thì tôi sẽ yên lòng hơn để chú tâm vào việc học”.
Vốn vay tăng không đáng kể
Chia sẻ khó khăn với những gia đình và sinh viên nghèo, ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai, nhận định học phí tăng lên thì mức cho vay ưu đãi đối với sinh viên nghèo cũng sẽ tăng lên. Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức cho vay hỗ trợ sinh viên từ 1,1 triệu đồng/HSSV/tháng lên từ 1,5-2 triệu đồng/HSSV/tháng. Song, đề xuất này không được chấp thuận, mà chỉ tăng 1,350 triệu đồng/HSSV/tháng. “Tôi cho rằng mức học phí mới tăng từ 3-5 lần, trong khi mức cho vay hỗ trợ tăng có 250 ngàn đồng/HSSV/tháng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế của HSSV. Việc tăng mức cho vay lần này là kịp thời, song chưa thể giúp nhiều gia đình có con học đại học đỡ được gánh nặng học phí mới” – ông Nam nói.
Tính đến nay, vẫn còn 31.400 trường hợp là HSSV vay vốn hỗ trợ ưu đãi với tổng số tiền là 640 tỷ đồng. Theo ông Nam, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã kiến nghị tăng thời hạn trả nợ gốc và tiền lãi từ 2-3 năm khi người vay ra trường có việc làm và thu nhập (hiện nay là 1 năm). Riêng lãi suất cho vay vẫn là 0,55%/tháng.
Theo Báo Đồng Nai