Nặng gánh học phí lớp chất lượng cao
Trước thực trạng một số trường tiểu học công gắn mác chất lượng cao cho các lớp và thu số tiền tự nguyện cao gấp nhiều lần lớp thường, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết đó là sai quy định và cần phải chấn chỉnh.
“Đi họp phụ huynh về, hai tay tôi run lẩy bẩy, không ăn được cơm và chỉ nằm khóc” – người mẹ có con vào học lớp 1A3, trường tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội) nói. Là công nhân, làm quần quật cả tháng, lương của chị cũng chỉ hơn 2 triệu đồng. Nhưng trong buổi họp phụ huynh lần đầu tiên cho con vào lớp 1, cô giáo đã thông báo khoản tự nguyện hỗ trợ cơ sở vật chất đầu năm là 2 triệu đồng.
Theo lời cô giáo, số tiền này sẽ được dùng để mua máy vi tính, máy chiếu đa vật thể, hai loa, hai điều hòa hai chiều…nhằm nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Máy tính để giáo viên sử dụng giảng dạy, máy chiếu đa vật thể vừa dùng để các cháu học bài, vừa để nghe nhạc, điều hòa hai chiều giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè cho trẻ…
Với băn khoăn 32 cháu một lớp, tổng số tiền thu là 64 triệu đồng liệu có dùng hết không? Cô chủ nhiệm cho rằng các năm trước cũng thu như thế, nên năm nay áp dụng, quá trình mua nếu thiếu thì đóng góp thêm.
Nhiều phụ huynh thắc mắc máy chiếu đa vật thể là gì, có cần thiết phải dùng cho học sinh lớp 1 không thì được giáo viên chủ nhiệm giải thích: là lớp chất lượng cao nên cần trang bị để hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, ngay từ khi đăng ký cho con vào trường, chị đã đăng ký vào lớp thường chứ không phải chất lượng cao bởi chị biết lớp chất lượng cao là phải đóng góp nhiều tiền hơn.
“Dù không đồng tình với khoản thu, nhưng cô giáo bảo nếu không đồng ý đóng góp thì sẽ chuyển con sang lớp khác. Tôi không biết sang lớp khác là lớp nào và sợ nếu ra mặt phản đối thì con sẽ bị trù dập nên vẫn phải ký vào giấy tự nguyện”, vị phụ huynh cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật thủ đô không có khái niệm lớp chất lượng cao mà chỉ có cơ sở chất lượng cao, trường nào vi phạm thì phải chấn chỉnh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Hiệu trưởng Tiểu học Vạn Phúc Lê Thu Thủy cho rằng, phụ huynh chưa hiểu hết ý truyền đạt của giáo viên. Trường xếp lớp là theo đơn đăng ký của phụ huynh, theo đó hồ sơ vào lớp chất lượng cao quá đông nên xếp hai lớp A1, A2 không hết. Lớp A3 có khoảng 2/3 đăng ký chất lượng cao và 1/3 còn lại đăng ký lớp thường. Chính vì vậy, trường tổ chức họp phụ huynh sớm để xin ý kiến cha mẹ học sinh về khoản thu hỗ trợ cơ sở vật chất đầu năm. Đối với lớp A3, phụ huynh nào không đồng tình, không đủ điều kiện thì các con sẽ chuyển xuống học lớp thường là A4.
Video đang HOT
“Khoản đóng góp tự nguyện hỗ trợ cơ sở vật chất là 2 triệu đồng cho cả 5 năm học, nếu nhìn một lần thì thấy nhiều, nhưng chia cho 5 năm thì không phải lớn. Khi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hạn hẹp thì việc xã hội hóa, phụ huynh cùng nhà trường đầu tư cơ sở vật chất tốt cho học sinh là việc nên làm”, bà Thủy nói và cho hay, tiền tự nguyện trường sẽ giao lại cho phụ huynh tự chi tiêu.
Năm học 2013 – 2014, Hà Nội có 13 trường chất lượng cao toàn phần và 5 trường chất lượng cao từng phần. Với trường mầm non và tiểu học, trần học phí được thành phố cho phép là là 2,9 triệu đồng mỗi tháng, với trung học cơ sở và trung học phổ thông là 3 triệu đồng mỗi tháng. Mức học phí này được đánh giá là quá cao trong môi trường giáo dục công lập.
Phụ huynh có con theo học tại trường mầm non Quang Trung cho biết, con anh đã học 2 năm ở trường, năm nay lên lớp lá nên muốn con tiếp tục học ở đây. Tuy nhiên, đến ngày 29/8 thì anh mới nhận được thông báo chính thức về mức học phí 1,9 triệu đồng, cộng các khoản khác là 2,6 triệu đồng một tháng.
Đối với lương công chức của vợ chồng anh, đây là số tiền quá cao. Nhưng nếu muốn chuyển đi trường khác thì cũng khó khăn vì đã sát ngày khai giảng, các trường hầu như đã chốt con số. “Những năm trước với học phí 1,3 triệu mỗi tháng chúng tôi đã phải cố gắng, giờ tăng lên gấp đôi thì không thể kham nổi. Chúng tôi đã xin cho con về trường mầm non Bà Triệu để giảm gánh nặng phải lo tiền học cho con”, vị phụ huynh cho hay.
Hiệu trưởng trường mầm non Quang Trung Phạm Thị Thu Hà giải thích, từ tháng 5, chủ trương lên trường chất lượng cao đã được thông báo đến tất cả phụ huynh. Những ai không có nhu cầu cho con tiếp tục theo học thì được chuyển về hai trường đúng tuyến là mầm non Lý Thường Kiệt và mầm non A.
“Vì trường phải xây dựng cơ chế tài chính phù hợp và chờ thông qua nên học phí chưa thể có ngay. Tuy nhiên, năm đầu tiên lên chất lượng cao chúng tôi chỉ thu học phí 1,9 triệu đồng mỗi cháu (mức trần là 2,9 triệu đồng), trong đó các cháu được hưởng đầy đủ chương trình học tiếng Anh, ngoại khóa, nước uống, trang bị cơ sở vật chất…, phụ huynh không phải đóng thêm một khoản nào khác”, bà Hà nói.
Về chủ trương thành lập trường chất lượng cao, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, khi nhiều người dân muốn đầu tư cho giáo dục nhiều hơn, nếu vẫn làm bình quân thì khả năng đầu tư đó bị hạn chế. Chính vì vậy, việc mở ra mô hình trường chất lượng cao là để cho những ai có điều kiện và tự nguyện tham gia. Điều này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh vì trên một địa bàn, học sinh vẫn được đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp.
Tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao là do hiệu trưởng nhà trường thỏa thuận với phụ huynh học sinh, chất lượng đạt đến mức nào thì thu tiền tương ứng mức đó. Hiện nay, Bộ chưa có quy định nào về trường chất lượng cao, nhưng thời gian tới sẽ xây dựng để áp dụng chung cho cả nước. Học phí cao đến đâu, cao về cái gì (cơ sở vật chất, chất lượng kĩ năng sống, tiếng Anh…) đều do phụ huynh thỏa thuận với nhà trường.
Thứ trưởng thừa nhận, khi mở trường chất lượng cao là có sự phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực tế là những người giàu, có điều kiện thì có thể bỏ tiền để được hưởng chất lượng dịch vụ học tập cao hơn. Nếu ngành giáo dục không mở trường chất lượng cao thì họ cũng chọn trường quốc tế hoặc ra nước ngoài học, khi đó tiền chảy ra bên ngoài còn nhiều hơn.
“Tất cả các trường công đều được nhận khoản tiền đầu tư của nhà nước, nhưng nếu muốn chất lượng cao hơn thì phụ huynh phải đóng góp thêm. Trường hợp không xã hội hóa thì sẽ hưởng dịch vụ đúng với khoản ngân sách nhà nước chi, như vậy không có sự mất bình đẳng”, Thứ trưởng Hiển khẳng định.
Riêng vấn đề mở lớp chất lượng cao ở trường công, ông Hiển cho biết, trong nghị quyết của Quốc hội cũng như Luật thủ đô không có khái niệm lớp chất lượng cao mà chỉ có cơ sở chất lượng cao – tức là trường chất lượng cao. “Trong quy định không có nên trường nào mở lớp này là sai, phải chấn chỉnh”, Thứ trưởng Hiển nói.
Theo VNE
Xã hội hóa giáo dục "ăn đong"
Dù Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách có lợi cho công tác xã hội hóa giáo dục nhưng trên thực tế, việc khuyến khích, ủng hộ chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy
Bốn năm sau ngày Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, theo đánh giá của PGS Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam, những nội dung quan trọng của nó vẫn chưa đi vào cuộc sống.
Chỉ ủng hộ bằng tinh thần
Một số địa phương còn có những chủ trương, chính sách mâu thuẫn với tinh thần của Nghị định 69, không phù hợp với Luật Giáo dục, gây ra những bất lợi không đáng có đối với các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Học sinh Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, một trường dân lập ở TPHCM, trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Nhĩ, đa số trường tư thục từ mầm non đến trung học, CĐ, ĐH không nhận được sự hỗ trợ về đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như nghị định đã đề ra. Chưa hết, có địa phương đã thu thuế các trường tư thục như các doanh nghiệp thuần túy với những điều kiện nghiệt ngã, như trường nào đạt tỉ lệ 25 m2 đất/sinh viên thì mới được hưởng chính sách ưu đãi. "Trong khi nhiều trường công lập được Nhà nước bao cấp về mọi mặt mà vẫn không đạt được tiêu chí đất đai, xây dựng mặt bằng thì làm sao các trường ngoài công lập có thể đáp ứng được nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước" - ông Nhĩ băn khoăn.
Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ ASEAN, bức xúc: "Nhà nước nói ủng hộ XHH nhưng chỉ ủng hộ trên giấy, ủng hộ tinh thần, các trường phải tự bơi hết. Đầu tư hơn 100 tỉ đồng xây trường nhưng cả đất, cả tiền xây dựng, doanh nghiệp phải tự lo vì đi vay ngân hàng cực kỳ khó khăn. Làm bộ hồ sơ xin vay ưu đãi vô cùng gian khổ" - bà Phương cho hay.
PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục, chỉ ra rằng XHH giáo dục hiện nay đang "ăn đong". Theo ông, chỉ khi nào tạo nên sự cộng hưởng của tổ chức Nhà nước, cơ chế thị trường và sự hoạt động của mạng lưới các đoàn thể xã hội phục vụ mục tiêu XHH thì XHH giáo dục mới có thể phát triển bền vững.
Lạm dụng xã hội hóa
Chính vì tình trạng ăn đong nên XHH giáo dục đang bị lạm dụng và bóp méo, dẫn đến lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính cho dân. Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, sự tham gia của các thành phần ngoài Nhà nước không chỉ đơn thuần ở khía cạnh đóng góp tài chính mà phải ở toàn bộ nội dung và phương thức giáo dục. Tuy nhiên, thật đáng thất vọng là điều này đang bị hiểu sai và bóp méo.
Theo GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, chính việc hiểu sai bản chất dẫn đến XHH giáo dục bị biến tướng. "Nhiều nơi kêu gọi phụ huynh XHH từ tiền tưới cây, thuê bảo vệ, quét rác, xây bể bơi, mua máy điều hòa đến... cái chổi quét lớp. Nguyên tắc tự nguyện bị lấp liếm dưới vỏ bọc hội phụ huynh, như thế là trái luật. XHH không chỉ là thu tiền. Những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, nếu nhân danh XHH giáo dục để lạm thu thì đó là sự mạo danh" - GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh. Hệ quả của việc hiểu sai, cố tình hiểu sai hoặc bóp méo bản chất tích cực của XHH giáo dục đã biến một chủ trương đúng đắn thành gánh nặng cho người dân.
Trong nghiên cứu về đề tài "Sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục của người nghèo ở nông thôn trong bối cảnh XHH", TS Dương Việt Anh (Trung tâm Hội nhập và Phát triển) cũng nêu rõ gần 95% học sinh đang theo học tại các trường dân lập ở nông thôn là con em nông dân, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn. Giải thích cho hiện tượng này, TS Việt Anh cho biết: "Con em các gia đình khá giả ở nông thôn thường có điều kiện học tập tốt và dễ thi đỗ vào trường công hoặc cha mẹ "có cách" để các em được vào trường công lập. Chỉ có con em con nhà nghèo, học kém mới vào trường dân lập". Vì thế, các em không được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cho người nghèo như miễn giảm học phí, miễn phí xây trường, cấp sách giáo khoa, cấp kinh phí ăn ở... - những thứ mà chỉ ở trường công lập mới có.
Cũng theo nghiên cứu này, khoản chi cho giáo dục của mỗi gia đình nghèo hiện đã chiếm hơn 30% thu nhập. Điều này hạn chế các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ giáo dục chất lượng cao.
Theo người lao động
Sao để trường xin "tự chết"? Chủ trương xã hội hóa giáo dục đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường. Tuy nhiên, nhiều trường đã không thực hiện cam kết khiến điều kiện dạy học không bảo đảm, quyền lợi học sinh bị xâm phạm. Sở GD-ĐT TPHCM vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của Trường THCS - THPT Hiền Vương...