Nâng cánh ước mơ cùng Trung nuôi em
Trung đồng nát , Trung ve chai , Trung nuôi em … đều là những cái tên bè bạn thương mến đặt cho Hoàng Hoa Trung, đều liên quan trực tiếp đến công việc thiện nguyện mà chàng trai trẻ này đang và sẽ tiếp tục dấn thân.
30 tuổi, 12 năm thâm niên chuyên tâm hoạt động tình nguyện, Trung coi công việc đó như lẽ sống. Đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền bắc, Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin (Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung ương Đoàn), là người liên tục đưa ra những ý tưởng, triển khai dự án, Hoàng Hoa Trung là nguồn cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ lối sống quyết liệt, đầy đam mê dấn thân vì một ước muốn lớn lao, góp phần thay đổi mang chiều hướng tốt lên cho trẻ em vùng khó khăn.
Vì thương em tìm cách nuôi em
Tớ đã từng theo lũ trẻ vào rừng, suốt buổi trưa đói vàng mắt, bò bằng cả bốn chân len lỏi vào lùm sâu bẻ măng mang về nhà tụi nhỏ luộc chấm muối…
Tớ nhìn thấy thằng bé húp sì sụp bát canh bí đỏ nấu lễnh loãng cùng ba con dế. Đó là bữa trưa của một cậu bé 10 tuổi mất mẹ, bị bố bỏ rơi Trung gặp và trò chuyện trong một chuyến khảo sát điểm xây trường ở Tây Nguyên. Cậu bé theo chúng bạn đến lớp học bữa đực bữa cái. Ở xứ đó, mất mùa, một năm bà con đứt bữa bảy, tám tháng là chuyện thường, trẻ con đói triền miên…
Lớp học tuềnh toàng tranh tre nứa lá, gió thổi tứ phía, bàn ghế được ghép từ những thân cây còn nguyên vết sần sùi vì không được bào kỹ. Trận mưa bão năm ngoái, cơn lốc bất ngờ ập đến, một lớp học đổ sụp vì mưa lốc, thầy trò thoát nạn trong gang tấc. Chuyện được Trung chia sẻ trong chuyến đi khảo sát ở Chung Chải (Điện Biên) năm ngoái.
Đi đến đâu Hoàng Hoa Trung cũng tận mắt chứng kiến cảnh đói khổ vất vả của bà con đồng bào vùng khó khăn, sự gian khó nhọc nhằn của trẻ em trên hành trình học tập. Từ thực tế nhiều ngày sống cùng bà con người Mông ở Mường Nhé (Điện Biên), Hoàng Hoa Trung mới lý giải được, tại sao trường đã xây đẹp đẽ khang trang, nhưng trẻ em vùng cao vẫn bỏ học.
Ý tưởng Nuôi em được viết thành dự án không lâu sau đó, với mong muốn một ngày sớm nhất, các em không bị đói khi đến lớp. Với cách làm hết sức cụ thể, mỗi cá nhân nhận nuôi một bé, bằng số tiền 150 nghìn đồng mỗi tháng họ đóng góp, bé được ăn bán trú tại trường. Sau sáu năm thực hiện mô hình này, gần 20 nghìn người tham gia Nuôi em , đồng nghĩa với từng đó em nhỏ của chín tỉnh trên cả nước đang được chăm chút hơn mỗi ngày.
Nhìn lại cả quá trình hoạt động tình nguyện của Hoàng Hoa Trung thấy rằng, dẫu cho ý tưởng luôn mới, nhưng điểm nhất quán từ ngày đầu cho đến nay, đó là anh luôn dựa vào sức mạnh cộng đồng, tích tiểu thành đại, góp gió thành bão, tất cả đều từ chung tay góp sức của nhiều cá nhân. “Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích” – anh luôn nói với những cộng sự của mình điều tâm đắc đó.
18 tuổi, Hoàng Hoa Trung từng xoay xở đủ mọi cách, không nề hà bất cứ việc gì để có tiền giúp trẻ em nghèo. Từ dự án làm Thiệp nhân ái thời đầu, những năm 2000, Trung cùng các bạn gây quỹ bằng đi xin gốm lỗi, gốm tồn kho để bán.
Rồi phân công nhau đi bán bảo hiểm xe máy, làm đồ thủ công, bán nông sản cho bà con, bán đất trồng cây cảnh, vẽ, in hình trên áo phông, mỗi người là “dũng sĩ bạt” mang những tấm pa-nô áp-phích bằng bạt không còn dùng nữa vận chuyển về che chắn cho các điểm trường tranh tre liếp lá dột nát…
Video đang HOT
Từ số tiền kiếm được ban đầu, Trung đứng ra thành lập Dự án Ánh sáng núi rừng nhằm xây trường học cho trẻ vùng cao. Với sự giúp sức của lực lượng Bộ đội Biên phòng, năm 2012, nhóm họ xây dựng trường đầu tiên tại huyện Phong Thổ, Lai Châu với trị giá 160 triệu đồng.
Với gần 400 triệu đồng từ lao động của cả nhóm và sự chung tay góp sức của các nhà hảo tâm, họ quyết tâm sớm xóa sổ 20 điểm trường tranh tre nứa lá. Đó quả là quyết định táo bạo bởi thời điểm đó, cậu thanh niên 20 tuổi mặt búng ra sữa Hoàng Hoa Trung có gì để tạo dựng niềm tin ngoài việc chứng kiến anh và nhóm lăn lộn kiếm tiền gây quỹ không nề hà.
Hoàng Hoa Trung cùng nhóm thiện nguyện cho đến nay đã vận động các nhà hảo tâm xây được 32 điểm trường tại Điện Biên và Lai Châu. Mô hình chung là trường xây bằng gạch, khung sắt thép, được trang bị đầy đủ thiết bị từ lớp học, bếp ăn, nhà công vụ, nhà vệ sinh, sân chơi.
Và Sức mạnh 200 0
“Sức mạnh 2000″, “Tiền lẻ mỗi ngày triệu người chung tay, xây nghìn trường mới” những lời phát động quyên góp đầy sức hiệu triệu dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) với mục tiêu tích tiểu thành đại để hướng đến tất thảy trẻ em đến trường không bị đói, xóa sổ toàn bộ trường tạm trên toàn quốc, xây những cây cầu kiên cố trên các tuyến đường cheo leo hiểm trở…
Trung luôn có cách cụ thể hóa mục tiêu, thể hiện dễ hiểu, cụ thể nhất có thể. Thí dụ anh làm phép tính, với 100 nghìn người ủng hộ 2.000 đồng mỗi ngày, sẽ có 300 điểm trường mới được hoàn thiện. Đông đảo, rộng rãi người tham gia hơn nữa, thì mục tiêu tưởng to tát sẽ được hoàn thành.
Với sức lan tỏa của Dự án 2.000, bằng chứng trong năm 2020, mặc dù dịch dã rình rập hết đợt này đợt khác, thiên tai lũ lụt bủa vây, “Sức mạnh 2000″ đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực, 31 công trình điểm trường, nhà nội trú đã xây xong đưa vào sử dụng, hàng trăm công trình khác cũng đã hoàn thành. Điều ấm lòng hơn cả là 20 nghìn bé được no ấm mỗi ngày đến lớp…
Ngay sau đợt miền trung đối mặt với trận mưa lũ lịch sử tháng 10 năm ngoái, chứng kiến cảnh mưa lũ cuốn trôi cây cầu nối giữa hai bờ ở Tây Giang (Quảng Nam), Hoàng Hoa Trung nhanh chóng lên dự toán số tiền cần để xây cầu khoảng 400 triệu đồng.
Cùng lúc anh mong mỏi đủ tiền để xây dựng điểm trường cho gần 40 trẻ em mầm non của bà con dân tộc Chứt và Bru – Vân Kiều ở vùng sâu heo hút phía tây Quảng Bình, dự kiến hết 350 triệu đồng. Nói là làm, mọi thông tin cũng như tâm tư suy nghĩ của anh đều được cởi mở chia sẻ hằng ngày trên trang cá nhân. Sự chân thành, thẳng thắn và tấm lòng không vụ lợi của Trung có sức thuyết phục thật lớn.
Vừa kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức, một mặt Trung lo các thủ tục giấy tờ, bắt tay khởi công ngay sau đó không lâu. Công cuộc tái thiết lại cuộc sống hậu lũ lụt luôn bộn bề khó khăn, nhưng cái cần được ưu tiên trước hết là bảo đảm an toàn đi lại cho bà con và trẻ có trường để học. Xây cầu, xây trường là việc cần làm ngay, càng sớm càng tốt. Không đao búa to tát nhiều lời, Trung chỉ chia sẻ giản dị, tự nhiên về việc anh và cả nhóm cần gấp rút thực hiện.
Với những đóng góp và dấn thân vì cộng đồng bằng các hoạt động tình nguyện, Hoàng Hoa Trung được Forbes Việt Nam bình chọn là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất của Việt Nam 2020; nhóm Tình nguyện Niềm tin năm 2020 nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019, hai năm đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia…
Điểm trường ở Chung Chải (Mường Nhé, Điện Biên) sau khi dự án Ánh sáng núi rừng triển khai.
"Hiệp sĩ miền núi" giấc mơ đến trường cho trẻ
Dám nghĩ, dám đột phá, những việc chàng trai Hà thành Hoàng Hoa Trung đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc. Trung và các thành viên của nhóm Tình nguyện niềm tin đã chủ động gây quỹ sáng tạo để duy trì các dự án.
Làm từ thiện với "tư duy 0 đồng"
Giữa bộn bề công việc thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung đã tranh thủ trò chuyện với chúng tôi vào buổi trưa tại trụ sở Trung ương Đoàn TNCS HCM. Có lẽ vì dám nghĩ khác mà những việc chàng trai Hà thành 30 tuổi đã làm được khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Thay vì kêu gọi ủng hộ như những nhóm khác, các thành viên của nhóm Tình nguyện niềm tin đều chủ động tìm kiếm các hình thức tổ chức chương trình, gây quỹ sáng tạo để duy trì các dự án. Nhiều ý tưởng gây quỹ sáng tạo đã được nhóm thực hiện theo nguyên tắc như: gây quỹ không tốn tiền gốc, hoặc gây quỹ bằng sản phẩm có ích cho người mua, đã mang lại nguồn thu lớn. Dự án đầu tiên Trung làm là Thiệp nhân ái cho trẻ em nghèo - nhằm giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm các tấm thiệp bán để có thêm thu nhập. Chỉ trong vòng 5 năm, Trung và đội tình nguyện đã giúp các em nhỏ bán được hơn 2 vạn tấm thiệp.
Nhóm của Trung hoạt động với cách thức: chủ động gây quỹ, vừa tạo ra tài chính chủ động cho dự án xã hội, vừa là cách để lan tỏa dự án. Ưu tiên gây quỹ 0 đồng. "Thực ra tư duy 0 đồng cũng chính là xuất phát từ khó khăn của mình, bởi ban đầu mình không có gì trong tay, không có vốn, cũng không có quan hệ gì cả..." - Trung chia sẻ.
Trung đã cùng các bạn sang làng gốm Bát Tràng xin từng nhà những sản phẩm gốm hỏng, gốm lỗi, thậm chí đào những khu vực bãi rác gốm để bán tại các sự kiện online, offline gây quỹ được hơn 60 triệu đồng trong hơn 3 năm.
Hay Dự án ve chai niềm tin (năm 2012) là gom ve chai gây quỹ, chỉ trong 2 tuần triển khai gây quỹ 10 triệu đồng từ 10 ký túc xá sinh viên để mua 8 cặp lồng gà và 4 con lợn giống, tặng 10 hộ dân sống chung với H có hoàn cảnh khó khăn tại Sóc Sơn... Sau đó là hàng loạt dự án gây quỹ như bán bảo hiểm xe máy, bán nông sản cho bà con, bán đất phù sa sông Hồng... Cũng từ đó, Trung có cái tên Trung "đồng nát".
Điều khác biệt nữa so với các nhóm tình nguyện khác là Trung loại bỏ cụm từ "ủng hộ" ra khỏi các dự án xã hội mà mình làm với tư duy cho rằng: Thiện nguyện bền vững phải thực hiện các dự án bền vững, cộng đồng đánh giá cao, tự xin đóng góp, chia sẻ cho nhau...
Đem trái tim nóng ấm lên thắp sáng núi rừng
Từ 2009, nhận thấy phong trào tình nguyện tại Hà Nội lan toả mạnh mẽ, tham gia của rất nhiều thành phần: Sinh viên, các công ty... nên nhóm đã chuyển đối tượng là trẻ em vùng cao và thực hiện các dự án trên vùng cao Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên: Với tên gọi: Dự án Ánh Sáng Núi Rừng - chuyên xây trường học, thực hiện các dự án phụ trợ hỗ trợ điều kiện học tập, dạy học của thầy cô giáo, các em học sinh cùng dân bản.
Chàng trai Hà thành đặt ra mục tiêu: Xóa sổ trường tạm, không có trẻ em dân tộc thiểu số nào vì đói mà bỏ học. Với tư duy làm tình nguyện: Bám sát đối tượng mục tiêu: Trẻ vùng cao - "thiếu gì thì làm dự án nấy" cùng quan điểm: chủ động gây quỹ - làm thật - minh bạch - truyền thông thật để nhà tài trợ thấy hiệu quả rồi tự giới thiệu nhau, tự tìm đến chứ không cần vác hồ sơ đi vận động tài trợ. Từ năm 2009 đến tháng 1/2020, dự án này đã xây dựng được 29 điểm trường.
Năm 2014, thấy trường học được xây dựng mới khang trang sạch sẽ hơn nhưng trẻ vùng cao vẫn bỏ học, Trung đã quyết tâm đi theo gót các em sau giờ tan lớp ban sáng mới phát hiện ra các em không có cơm nên phải vào rừng nhặt hạt, đào măng, củ... về nhà tự luộc ăn, vì thế không kịp học buổi chiều. Nhiều em nhà xa tới 4 - 5km đường rừng núi quanh co đi tới lớp cũng phải 2 - 3 tiếng đi bộ.
Thực tế đó đã thôi thúc Trung xây dựng dự án Nuôi em và sau đó, chính thức được phát động, triển khai. Với tư duy 1 người nuôi 1 em nhỏ bản cao với số tiền mỗi tháng chỉ là 150.000 đồng, rất phù hợp với nhiều tầng lớp trong xã hội làm thiện nguyện. Sự minh bạch và hiệu quả thiết thực của dự án Nuôi em đã khiến số người tham gia ngày càng đông, thậm chí tăng đột biến, năm 2020 đã có tới 20.000 tham gia nuôi cơm cho 20.000 em.
Ngay sau đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung cuối tháng 10/2020, Trung đã tự đặt mục tiêu là phải huy động 750 triệu đồng để xây dựng 1 trường học và 1 cây cầu cho miền Trung. Những công trình xây trường học sau lũ được Hoàng Hoa Trung thực hiện cùng với các công trình trong dự án "Sức mạnh 2.000 - Tiền lẻ mỗi ngày - Triệu người chung tay - Xây nghìn trường mới" do Trung sáng lập và điều hành, được phát động cuối tháng 2/2020 dưới sự bảo trợ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia.
Xuất phát từ ý tưởng "tích tiểu thành đại", chương trình đặt mục tiêu xóa hàng ngàn trường tạm tại Việt Nam, xây hàng trăm cây cầu và hàng chục ngàn nhà nhân ái. Với nhiều người, mục tiêu đó có vẻ hơi "viển vông", nhưng Hoàng Hoa Trung nghĩ khác. Anh tin rằng, nếu mỗi người tặng 2.000 đồng/ngày thì với 100.000 người tham gia sẽ có khoảng 300 điểm trường được khởi công xây dựng. Nếu có 2 triệu người tham gia, sứ mệnh chương trình sẽ được hoàn thành.
Ban đầu, dự án xây được trung bình 1 - 2 điểm trường, nhưng với sự tin tưởng, đóng góp của cộng đồng và cách làm mới mẻ, dự án Sức mạnh 2.000 đã đạt được sự tăng trưởng đột biến trong năm 2020 với 102 công trình được xây dựng bao gồm: điểm trường, dãy nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh...
Mục tiêu tới năm 2025 là gây quỹ, kết nối, và xây 100 điểm trường trên Việt Nam, tập trung tại 2 huyện Mường Nhé và Nậm Pồ của tỉnh Điện Biên. Từ đó, kết nối hơn 30 đội nhóm thiện nguyện, tình nguyện, công ty thực hiện trách nhiệm xã hội... với mục tiêu năm 2040, xoá toàn bộ trường tạm tại Việt Nam.
Nguyện cả đời làm tình nguyện
Chàng trai mang trái tim đầy nhiệt huyết đó đã liên tục khởi xướng, thực hiện nhiều mô hình có tính nhân rộng cao như: Dự án Nuôi em, dự án Nước sạch bình gốm Unicef, dự án Năng lượng gió mặt trời, dự án Đi Ra Từ Rừng, Tủ sách vùng cao, Đồ chơi cũ cho trẻ mầm non bản cao...
Chia sẻ về những điều mình đang ngày đêm cống hiến cho cộng đồng, Hoàng Hoa Trung nói rất giản đơn: "Với tôi, mỗi người có một đam mê, sở thích cháy bỏng để theo đuổi, để được sống chứ không chỉ tồn tại, sở thích nào có ích cho người khác, cho cộng đồng thì tôi ưu tiên nó hơn. Từ nhiều năm nay, thiện nguyện là một trong những sở thích lớn nhất của tôi".
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, Hoàng Hoa Trung vẫn miệt mài xách ba lô đi dọc miền rẻo cao tiếp tục các dự án đang và sẽ triển khai. Tôi nhận được tin vui rằng, Trung đã mở rộng dự án Nuôi em ra thêm 5 tỉnh, nâng tổng số tỉnh triển khai dự án lên 13, đã có hơn 20.000 trẻ em được nhận nuôi và hơn 10 công trình đang bắt đầu được cải tạo, xây mới ở các tỉnh miền núi như Đăk Lắk, Lai Châu, Hà Giang... Các dự án cứ nối dài, liên tục bởi khát vọng, đam mê thắp ánh sáng núi rừng của chàng "hiệp sĩ miền núi" 30 tuổi này./.
Chàng trai Hà Nội từ ý định tự tử đến mong muốn thiện nguyện cả đời Từng có ý định tự tử vì bế tắc trong cuộc sống, song hoạt động thiện nguyện đem lại động lực, khát vọng cống hiến cho tràng trai trẻ ở Hà Nội. Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X, chúng tôi bắt gặp Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm tình nguyện Niềm Tin, chàng trai Hà Nội sinh năm 1990...