Nâng cánh ước mơ cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt
Tiếp sức, nâng cánh ước mơ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tới trường được nhiều tập thể, cá nhân thực hiện, nhất là vào thời điểm năm học mới càng có ý nghĩa nhân văn hơn bao giờ hết.
Đại diện Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Hoằng Trường trao học bổng cho các cháu học sinh do đơn vị nhận đỡ đầu nhân dịp năm học mới.
Dù hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song như thường lệ, các chị Thu Hương, Tuyết Huy, Đỗ Minh, Mai Ngoát… – những nữ doanh nhân sinh sống trên địa bàn phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn lại góp tiền mua quần áo, vở, bút viết, khẩu trang và tiền mặt trao tặng cho các cháu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập.
Là một trong 62 cháu được tặng quần áo, vở viết và tiền mặt nhân dịp năm học mới 2021-2022, em Nguyễn Hoàng Long, học sinh lớp 10 Trường THPT Bỉm Sơn, xúc động chia sẻ: Cháu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố ốm nằm liệt giường, mẹ không có việc làm. Nhờ sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, nhà trường, các đoàn thể, nhà hảo tâm tiếp sức để cháu được đến trường. Do đó, cháu luôn cố gắng chăm chỉ học tập, rèn luyện để có một tương lai tươi sáng hơn.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng xa, 2 chị em cháu Ngân Thị Hạnh được bà nội cưu mang. Cuộc sống của bà cháu rất khó khăn, những tưởng phải khép lại ước mơ đến trường đi học. Song Hạnh may mắn được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát nhận đỡ đầu. Để đền đáp công ơn của các chú bộ đội biên phòng, Hạnh không ngừng nỗ lực cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện. Vì vậy trong suốt 4 năm liên tục học tại Trường THCS Tén Tằn, Hạnh đều đạt học sinh giỏi. Hiện cháu học lớp 10 Trường THPT Mường Lát.
Cũng có hoàn cảnh đặc biệt như Hạnh là các cháu Hà Thị Hằng, Lương Thị Trang, học sinh lớp 8B Trường THCS Tén Tằn; Hà Hữu Đạt, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Tén Tằn và Thạo Túy, học sinh lớp 8, Trường THCS Sốp Hào, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào), được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn nhận đỡ đầu.
Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khầu Tén Tằn, cho biết: Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, ban chỉ huy đồn đã quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường rà soát, lựa chọn đúng đối tượng để đỡ đầu, giúp đỡ. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đơn vị đã và đang “nâng bước em tới trường” cho 5 cháu, trong đó 3 cháu do kinh phí của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cấp, 2 cháu do đơn vị tự trang trải. Ngoài ra, đơn vị còn nhận nuôi 1 cháu ăn ở, sinh hoạt, học tập tại đơn vị theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Để có tiền chăm lo cho các cháu, ban chỉ huy đồn đã huy động kinh phí tự nguyện đóng góp của cán bộ, chiến sĩ; gắn vai trò xung kích của tuổi trẻ vào việc xung phong, tích cực tham gia chương trình và các hoạt động hỗ trợ khác nhằm tạo động lực cho các cháu. Trong thời gian nhận đỡ đầu, đơn vị thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với địa phương và nhà trường để theo dõi, chăm lo, bồi dưỡng các cháu, tạo điều kiện để các cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu và các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ trao tặng xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm… cho những cháu có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhân dịp khai giảng năm học mới; cùng tham gia vào chương trình “Nâng bước em tới trường”, tạo khí thế sôi nổi, lan tỏa rộng rãi chương trình trong cộng đồng.
Video đang HOT
Nằm trong chuỗi chương trình “Nâng bước em tới trường”, từ năm 2015 đến nay Đồn Biên phòng Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đã nhận đỡ đầu 5 cháu, trong đó có cháu thì mất mẹ, cháu mất cha, bố mẹ ly hôn. Người còn lại là chỗ dựa duy nhất cho con thì bị bệnh ốm đau, tâm thần… theo đó cơ hội tiếp tục đến trường của các em cũng hẹp đi nếu như không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đồn Biên phòng Hoằng Trường. Không những thế, các cháu còn nhận được sự dạy dỗ, tình yêu thương của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại Lam Sơn, ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Quang Quý còn trích một phần lợi nhuận của công ty làm nghĩa vụ đối với địa phương và công tác từ thiện đối với xã hội, với số tiền trên trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay công ty của ông Quý còn nhận nuôi 8 cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, trong đó cháu nhỏ nhất học lớp 3, cháu lớn nhất học lớp 8 và nhận nuôi các cháu cho đến khi học xong lớp 12.
Theo đó, công ty mua cho mỗi cháu 1 chiếc xe đạp trị giá 1,7 triệu đồng, 2 bộ quần áo/năm học và cấp tiền 4,5 triệu đồng/cháu/năm. Ngoài ra, các cháu còn được hưởng các chế độ khác như con của cán bộ, công nhân viên trong công ty nhân các dịp lễ, tết và phần thưởng cho những cháu đạt thành tích cao trong học tập.
Bước vào năm học mới 2021-2022, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã dành tặng hàng nghìn suất học bổng, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhiều cháu phải học trực tuyến, thì sự lan tỏa tấm lòng nhân ái, cùng chung tay hành động, mua sắm thiết bị học trực tuyến hỗ trợ cho trẻ em nghèo, hoàn cảnh đặc biệt trong vùng dịch, nhằm bảo đảm quyền học tập cho các cháu, càng có ý nghĩa thiết thực.
Học trực tuyến vùng khó: Lên đồi, xuống sông... tìm sóng
Nhà nằm ở vùng "lõm" sóng điện thoại, trong khi nhà trường thực hiện dạy trực tuyến để tránh dịch, nhiều HS, SV ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát phải đem sách vở, điện thoại ra đường... hứng sóng học bài.
Em Tặng Thị Diện - sinh viên Trường ĐH Hồng Đức dựng lều trên đồi học trực tuyến.
Giờ học... bập bõm
Em Tặng Thị Diện hiện là sinh viên lớp K23A, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hồng Đức, nhà ở bản Pù Quăn, xã Pù Nhi, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).
Do địa hình nơi gia đình em Diện ở, sóng điện thoại rất yếu, vì thế để thuận lợi cho việc học trực tuyến, bố em phải dựng chiếc lều ở trên một đồi đất cao. Mỗi sáng, Diện mang sách vở, giấy bút và chiếc điện thoại của mình lên chòi để tiếp sóng và học bài. Tuy nhiên, ở khu vực này tiếp sóng cũng chập chờn, nên việc tiếp cận bài vở cũng không được thuận lợi.
"Những hôm trời mưa, hay mất điện lưới, em phải nghỉ học. Em chỉ mong sao đợt dịch bệnh này được khống chế, để chúng em xuống trường học trực tiếp. Hàng ngày, các thầy, cô giáo lên lớp đều động viên chúng em cố gắng khắc phục khó khăn, chịu khó học tập vì tình hình dịch bệnh đang khá phức tạp.
Thực ra, việc học trực tuyến, nếu có điều kiện về thiết bị, máy móc và tiếp sóng tốt cũng không đáng ngại lắm. Tuy nhiên, do khu vực gia đình em sinh sống, sóng điện thoại rất yếu, nên đành phải lên đồi đi... tìm sóng", Diện chia sẻ.
Còn em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát lại phải "đi tìm sóng" điện thoại ở... dưới sông Mã, để có thể học bài trực tuyến.
Nhà Khanh ở khu tái định cư mới - bản Co Cài, xã Trung Lý (Mường Lát) sát với triền sông Mã. Thế nhưng, khu vực nhà Khanh lại khó tiếp được sóng điện thoại, nên em phải xuống bè nuôi cá lồng của gia đình để ở và học bài.
"Từ hôm 6/9 đến nay, em học trực tuyến bằng điện thoại. Lớp em có hơn 40 bạn và một số bạn học ghép nữa, nên rất khó khăn để vào lớp, nghe giảng suốt cả buổi. Chúng em chỉ mong sao hết dịch để được lên trường học trực tiếp với thầy cô. Hai hôm nay, trời mưa rất to, nước sông đang dâng (đây là vùng lòng hồ thủy điện Trung Sơn - PV), nên khi xuống bè ngồi học, em cũng rất lo lắng", Khanh tâm sự.
Giáo viên Trường THPT Mường Lát (Thanh Hóa) dạy trực tuyến trên lớp học. Ảnh: Thế Lượng
Thử thách sự kiên nhẫn
Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát cho biết: Địa bàn thị trấn Mường Lát đang trong vùng giãn cách xã hội, nên nhà trường phải tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, do điều kiện còn nhiều khó khăn, nên nhà trường không thể bố trí cho học sinh học theo lớp được, mà chỉ tổ chức 3 lớp (mỗi khối 1 lớp).
"Trước mắt nhà trường tổ chức như vậy để giáo viên, học sinh làm quen với phương pháp dạy và học online. Sau khi giáo viên, học sinh thành thục phương pháp dạy và học rồi, nhà trường sẽ triển khai đại trà, đồng thời nâng cấp hệ thống hạ tầng", thầy Văn cho hay.
Cũng theo thầy Văn, để thực hiện chương trình dạy và học trực tuyến, nhà trường hợp đồng với VNPT huyện Mường Lát một gói cước trong vòng 3 tháng. Mỗi phòng Room chứa được 300 học sinh vào truy cập mạng.
"Những ngày đầu thực hiện phương pháp dạy, học trực tuyến, cả giáo viên và học sinh đang còn lúng túng. Nhưng đến thời điểm này, mọi việc đã suôn sẻ hơn và đang đi vào nền nếp.
Về kinh phí đường truyền, gói cước cũng không phải quá đắt, nên trước mắt nhà trường ký hợp đồng 3 tháng với VNPT, để thử nghiệm. Sau khi hết giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh trở nên ổn định, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh quay lại trường học", thầy Văn chia sẻ.
Em Ngân Thị Khanh, học sinh lớp 12C, Trường THPT Mường Lát học trực tuyến trên bè cá lồng ở sông Mã.
Liên quan đến vấn đề học sinh có đủ điều kiện, thiết bị, máy móc để học trực tuyến hay không? Thầy Văn cho biết, theo khảo sát của nhà trường, hiện có khoảng 70% học sinh có máy tính, hoặc điện thoại.
"Trong số 30% học sinh còn lại không tham gia vào lớp học trực tuyến đa phần đều gặp khó khăn, như: Không có thiết bị để học trực tuyến, hoặc do gia đình các em ở bản vùng sâu, xa không có sóng điện thoại. Do đó, nhà trường đang lên kế hoạch, sau khi hết giãn cách xã hội, học sinh trở lại trường, các thầy cô tăng cường dạy bù chương trình cho các em. Nhà trường cũng hy vọng, dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, để đón học sinh quay lại trường học.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, trong thời gian này, các thầy cô đang triển khai ôn tập, củng cố lại kiến thức cho các em. Mục tiêu trước mắt là, làm sao để giữa giáo viên và học sinh tương tác lẫn nhau thành thạo việc học trực tuyến. Sau khi giáo viên, học sinh đã thành thạo việc dạy và học trực tuyến, nhà trường mới triển khai dạy vào chương trình chính khóa.
"Nhà trường cũng xây dựng kế hoạch cho tình huống nếu phải học trực tuyến lâu dài. Chúng tôi sẽ lập danh sách những học sinh không thể học trực tuyến và báo cáo lên cấp trên, để di chuyển các em về ở khu ký túc xá của trường. Bởi, nhà trường có khu ký túc xá chứa được hơn 60 học sinh.
Như vậy, số học sinh này sẽ cùng ăn, ngủ tại trường, để giáo viên có thể dạy trực tiếp cho các em được. Còn những em có điều kiện tiếp cận được phương pháp học trực tuyến, thì vẫn phải ở tại nhà để học. Nhà trường cũng đã xác định, nếu dịch bệnh kéo dài, khó khăn đến đâu, sẽ cố gắng khắc phục đến đó với tinh thần học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học", thầy Văn nói.
Cô Hà Thị Hương, giáo viên dạy Ngữ văn khối 12, Trường THPT Mường Lát cho biết: Những ngày đầu học trực tuyến nhiều học sinh lúng túng. Khi bước qua tuần thứ 2, tình trạng có cải thiện hơn, nhưng số lượng học sinh tham gia vào lớp học chỉ đạt khoảng 50 - 60%. "Nhìn chung, những em tham gia được lớp học đều chăm chú nghe cô giáo giảng bài và chịu khó làm bài tập. Tuy nhiên, do phương pháp dạy trực tuyến không hiệu quả bằng dạy trực tiếp, giáo viên không quán xuyến hết được cả lớp, nên có học sinh không hào hứng học", cô Hương cho hay.
Cù Đức Hiếu, cậu học trò xuất sắc Gặp em trong giờ ra chơi, tôi thật sự bất ngờ với vẻ ngoài của Cù Đức Hiếu (lớp 11B8, Trường THPT Bỉm Sơn) - học sinh được vinh danh với nhiều giải cao trong các cuộc thi của nhà trường, thị xã, của tỉnh và Ngành Giáo dục và Đào tạo. Em Cù Đức Hiếu và thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng...