Nâng bước học sinh nghèo đến trường
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng ở tỉnh Bình Thuận còn chung tay hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường
Trong căn nhà op ẹp rộng chưa đến 30 m2, em Nguyễn Thị Ánh Tuyến (học sinh lớp 11, Trường THPT Bùi Thị Xuân – phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) tất bật chuẩn bị sách vở cho một ngày đi học. Năm học trước, em đã định nghỉ giữa chừng vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn.
Thêm nguồn động viên
Cha làm nghề biển, thu nhập bấp bênh; mẹ chỉ đủ sức khỏe làm nội trợ nên nhiều lúc gia đình tính chuyện phải dừng việc học của Tuyến.
Nhận được thông tin về hoàn cảnh của Tuyến, Đồn Biên phòng Mũi Né – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã đến vận động gia đình tiếp tục cho em đến trường, đồng thời hỗ trợ chi phí học tập hằng tháng.
“Tôi rất xúc động khi con mình nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ các chú Bộ đội Biên phòng. Thu nhập của gia đình chỉ đủ chi tiêu qua ngày, nếu không có phần hỗ trợ này thì việc học của con tôi sẽ rất khó khăn” – bà Nguyễn Thị Thu Hương, mẹ Tuyến, bày tỏ.
Thực hiện chương trình “Nâng bước cho em đến trường” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận triển khai nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Mũi Né đã đỡ đầu, hỗ trợ học bổng cho 2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong dó, riêng chi phí mỗi tháng cho từng em là 500.000 đồng. Khoản hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đã giúp học sinh ở vùng biển này thêm nguồn động viên để viết tiếp ước mơ đến trường.
“Hai học sinh mà đơn vị đang đỡ đầu đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những em này đều hiếu học, có ý chí vượt khó nên hy vọng những phần học bổng sẽ phần nào giúp đỡ thiết thực cho các em” – trung tá Nguyễn Hữu Phan, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mũi Né, kỳ vọng.
Chương trình “Nâng bước cho em đến trường” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận triển khai từ đầu năm học 2015-2016 và nay đang được tiếp tục đẩy mạnh. Khi mới triển khai, đơn vị nhận đỡ đầu cho 46 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đến cuối năm học 2019, có 4 em trong số này đã hoàn thành chương trình THPT.
Video đang HOT
Hiện tại, ngoài Đồn Biên phòng Mũi Né, ở tỉnh Bình Thuận còn 8 đồn biên phòng khác cũng nhận đỡ đầu cho tổng cộng 19 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận còn trực tiếp nhận đỡ đầu thêm 23 trường hợp khác.
Ngoài việc được các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng gần gũi động viên, tất cả 42 học sinh này còn được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho thời gian 9 tháng thực học trong năm. Toàn bộ chi phí hỗ trợ học tập hằng năm 189 triệu đồng là từ sự tự nguyện tham gia đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Đồn Biên phòng Mũi Né trao học bổng đầu năm học cho em Nguyễn Thị Ánh Tuyến
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng trực tiếp đến nhà dân vận động phụ huynh tiếp tục quan tâm đến việc học của con em
Trách nhiệm và sẻ chia
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, để chương trình thực sự hiệu quả, Đảng ủy Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo cấp ủy các đồn biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể, trường học rà soát và bình xét từng trường hợp cần hỗ trợ. Công tác hỗ trợ chi phí học tập được duy trì từ lớp 1 đến khi học xong lớp 12 để các em có thêm điều kiện được đến trường.
Bên cạnh việc trợ cấp hằng tháng, các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh còn trực tiếp tham gia cùng địa phương, đoàn thể làm công tác vận động ở những vùng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ bỏ học cao. Nhờ đó, những em được đỡ đầu đã có thêm nghị lực để phấn đấu, phần lớn đều có kết quả học tập tốt.
“Hình ảnh thầy giáo, thầy thuốc mang quân hàm xanh đã gắn liền với truyền thống của lực lượng Bộ đội Biên phòng. “Nâng bước cho em đến trường” là một trong rất nhiều nội dung mà Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã và đang triển khai, bên cạnh các chương trình như: Con nuôi đồn biên phòng; xây tặng nhà tình thương, nhà tình nghĩa; tặng sách vở, đồ dùng học tập, sửa chữa bàn ghế… Những chương trình này có giá trị vật chất không lớn song đó là tình cảm, trách nhiệm và sự sẻ chia, giúp đỡ để các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường, thắp sáng ước mơ” – đại tá Đinh Văn Sáu – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận – nhìn nhận.
Những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ trọng yếu là bảo đảm an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới vùng biển đảo của tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Bình Thuận thông qua chương trình “Nâng bước cho em đến trường” đã chắp cánh ước mơ đến trường cho nhiều học sinh có nguy cơ dở dang việc học. Nhiều học sinh trong số đó đã bước tiếp vào cánh cửa trường đại học hoặc trang bị cho mình con đường học tập vững chãi để mở ra tương lai tươi sáng hơn.
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận: Hỗ trợ rất tích cực
Hằng năm, tỉnh Bình Thuận tổ chức chương trình “Tiếp bước cho em đến trường” trước mỗi năm học để chung tay, góp sức giúp đỡ các học sinh khó khăn có cơ hội tiếp tục đi học. Ngoài những doanh nghiệp lớn thì Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận là một trong những cơ quan nhà nước hỗ trợ rất tích cực cho các em. Tấm lòng từ những cán bộ, chiến sĩ của các đồn biên phòng đã lan tỏa, tạo động lực để nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên.
Nỗ lực mang "điều ước" đến học trò vùng khó
Là người dân tộc Khmer có hơn 8 năm gắn bó với học sinh vùng khó, cô Thạch Thị Bút Pha, giáo viên Trường Tiểu học Tuân Tức, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) luôn đồng cảm, chia sẻ với học trò.
Cô Thạch Thị Bút Pha cùng HS thăm khu di tích lịch sử.
Vượt khó cùng học trò bám lớp
Sau khi tham dự Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 tại Hà Nội, cô Thạch Thị Bút Pha càng có thêm động lực để cống hiến. Với vai trò Đại sứ chương trình "Điều ước cho em", cô mong muốn học trò vùng còn lắm khó khăn nhận được nhiều sự chia sẻ hơn từ cộng đồng, xã hội.
Hơn 8 năm gắn bó với ngành Giáo dục tại vùng đặc biệt khó khăn, cô Thạch Thị Bút Pha từng vượt qua nhiều khó khăn, cùng học trò bám trường, bám lớp. "Hơn 8 năm gắn bó với nghề dạy học là từng ấy năm tôi cùng học trò vượt qua bao khó khăn, vất vả để dạy học, đem ánh sáng tri thức về vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tôi rất vinh dự khi là giáo viên của tỉnh Sóc Trăng tham gia Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 tại Hà Nội. Sau Chương trình, tôi thấy bản thân mình phải phấn đấu nhiều hơn, đặc biệt là kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và xã hội chung tay giúp đỡ học sinh vùng khó.
Cô Bút Pha kể: Quê ở ấp Sóc Bưng, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng, cô được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Tuân Tức. Trường có 2 điểm (điểm chính nằm ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị và 1 điểm lẻ nằm ở ấp Trung Thống, xã Tuân Tức). Từ nhà đến trường để công tác gần 18 cây số, vì thế, buổi trưa cô phải ở nhà của cô Lâm Thị Kim Dung, đồng nghiệp dạy chung trường, đến chiều khi tan học cô mới về nhà.
Cô Thạch Thị Bút Pha cùng học sinh.
Thấu hiểu từng hoàn cảnh học trò
Dạy học vùng khó, cô tìm hiểu từng hoàn cảnh của học trò. Có nhiều học sinh khó khăn, cha mẹ đi làm thuê xa phải ở với ông bà. Con đường đến trường bằng ghe xuồng khoảng 6km nhưng các em luôn cố gắng. Điều đó khiến cô thêm gắn bó, yêu thương và cống hiến cho học trò nhiều hơn.
"Trường tôi thuộc vùng khó khăn của huyện Thạnh Trị. Nơi đây người dân chủ yếu là làm ruộng rẫy, phần lớn cha mẹ đi làm ăn xa gửi con ở với ông bà để đi học, có nhiều em cũng mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Không chỉ thiếu thốn về vật chất, các em còn thiếu đi tình thương của cha mẹ... Chính vì vậy trong quá trình học tập các em cũng gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở điểm lẻ thì càng khó hơn vì khu vệ sinh còn thiếu thốn, chật hẹp", cô Bút Pha chia sẻ.
Trường của cô Bút Pha cũng như các điểm trường khác còn thiếu về cơ sở vật chất để hoạt động đội như trống đội, trang phục nghi thức đội, âm thanh... Với vai trò là Đại sứ chương trình "Điều ước cho em", cô Bút Pha mong muốn các cấp, ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần cho học trò và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đó có thể là điều kiện điện, nước, sóng điện thoại; là bữa ăn đủ dinh dưỡng, nhà vệ sinh sạch sẽ; là giáo cụ, đồ dùng học tập, nhất là giáo cụ dạy tiếng dân tộc.
"Cùng 63 thầy cô giáo tham dự chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và trở thành những đại sứ đầu tiên của phong trào "5 điều ước", chúng tôi nỗ lực lan tỏa tinh thần sẻ chia đến mọi miền trên đất nước, để cùng hướng về giáo dục vùng khó, đầu tư phát triển giáo dục vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Chương trình "Điều ước cho em" sẽ giúp những điều ước của thầy và trò thành hiện thực; giúp thầy, trò thêm gắn bó với trường lớp và sự nghiệp GD-ĐT...", cô Bút Pha tâm sự.
Giáo viên biến thách thức thành cơ hội Những ngày tạm rời bảng đen, phấn trắng vì dịch Covid-19 không chỉ là một phần ký ức đặc biệt của năm 2020 mà còn là thách thức cho giáo viên khi chuyển qua dạy học trực tuyến để thích nghi với trạng thái bình thường mới. Giáo viên tiểu học dạy trực tuyến trong những ngày học sinh nghỉ dịch Covid-19 năm...