Nâng bước cho học sinh vùng khó khăn, biên giới
QĐND – Nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế- xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp hàng vạn học sinh (HS) đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường, góp phần xóa bỏ đói nghèo cùng những tập tục lạc hậu suốt bao đời nay.
Gieo chữ giữa đại ngàn
Ai có dịp đặt chân đến các bản làng xa xôi của Tổ quốc đều nhận thấy, hầu hết khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, tỷ lệ đói nghèo cao, năng lực sản xuất và trình độ dân trí thấp, tập quán sinh hoạt lạc hậu, tình trạng du canh, du cư còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Quyết định 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người” có ý nghĩa thật đặc biệt đối với đồng bào dân tộc miền núi. Đề án với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, HS, sinh viên, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các dân tộc rất ít người, bổ sung vào đội ngũ cán bộ nguồn phục vụ địa phương, đất nước. Đề án được áp dụng đối với 9 dân tộc là: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao thuộc 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum. Sau 5 năm triển khai, đã có 13.655 lượt trẻ em, HS, sinh viên các dân tộc rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 110 tỷ đồng.
Video đang HOT
Lớp học đơn sơ ở Nậm Kè, Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: Hoàng Trường Giang.
Tặng chăn ấm cho học sinh nghèo Mường Nhé, Điện Biên. Ảnh: Hoàng Gia Minh.
Là người con của dân tộc Cống, được thụ hưởng chính sách từ đề án, em Lùng Thị Nga, bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Tây Bắc, phấn khởi cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của đề án, chắc chắn giấc mơ được đến trường của em sẽ bị dang dở. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo của bản. Ngoài việc đi học không tốn kém gì, sau khi thi tốt nghiệp THPT em còn được địa phương cử đi học đại học theo hệ cử tuyển”.
Chia sẻ về đề án này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, sau 5 năm thực hiện, đề án cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Cơ sở vật chất: Trường, lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các điểm trường có các dân tộc rất ít người được đầu tư xây dựng; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng lên. Nếu trước đây, tỷ lệ huy động HS đến lớp chỉ đạt khoảng 55%-60%, đến năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ dân tộc rất ít người 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, cấp THCS đạt 98,83%. Đáng chú ý, tỷ lệ bỏ học của HS dân tộc rất ít người giảm. Năm học 2014-2015, tỷ lệ bỏ học cấp tiểu học của cả 6 tỉnh là 0,14 %; ở cấp trung học cơ sở là 1%, ở cấp THPT là 1,3%. “Chất lượng giáo dục cũng được cải thiện, từ chỗ nhiều địa phương không có HS nào vào được THCS, THPT, trong 5 năm đã có 103 em học trung cấp, 40 em học cử tuyển, 2 em học dự bị đại học và 21 em đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.
Tâm huyết với sự học nơi rẻo cao, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, còn có sự đồng hành của những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Trong câu chuyện với Thiếu tá Đoàn Ngọc Báu, Trưởng ban Thanh niên BĐBP, chúng tôi càng thêm cảm phục trước tình cảm gắn bó, hết lòng với đồng bào vùng biên giới bằng cả tình thương, trách nhiệm của người thầy quân hàm xanh. Thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương phát động, tuổi trẻ BĐBP đã xung kích triển khai chương trình “Nâng bước các em tới trường”. Qua hơn 1 năm triển khai, đã có 1.013 HS, thuộc 40 dân tộc được hỗ trợ tiền mặt, với mức 500.000 đồng/HS/tháng, đạt tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn trong lực lượng BĐBP cũng đã vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây mới lớp, trường học, củng cố nhà ở giáo viên trên địa bàn biên giới với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Tấm lòng của những người thầy giáo quân hàm xanh không chỉ đong đếm bằng những con số mà là sự chăm lo tận tình cho các em HS. Trong số hơn 1.000 HS được các thầy giáo quân hàm xanh đỡ đầu, có những em là người dân tộc thiểu số rất ít người; một số em mồ côi cả cha lẫn mẹ; có những em mắc bệnh hiểm nghèo… Cảm thông với những hoàn cảnh đó, 18 em đã được nhận nuôi tại các đồn biên phòng, được cán bộ, chiến sĩ chăm lo như con. Còn với những HS khác, hằng ngày, hằng tuần, các đồn thường xuyên cử cán bộ theo dõi, kèm cặp, định hướng học tập cho các em. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ BĐBP bám bản, bám làng giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống trở nên thật gần gũi, góp phần khẳng định anh Bộ đội Cụ Hồ luôn là điểm tựa vững chắc cho đồng bào nơi phên giậu của Tổ quốc.
Để trẻ em vui đến trường
Tuy nhiên, đại diện các địa phương đang được thụ hưởng hỗ trợ từ đề án giai đoạn 2010-2015 tỏ ra rất lo lắng khi đề án đên thơi điêm kết thúc mà chưa có chính sách kế cận tiếp tục hỗ trợ học sinh. Các ý kiến cho rằng, vận động HS dân tộc thiểu số đến trường đã rất khó, riêng với HS dân tộc rất ít người lại càng khó khăn hơn vì gia đình các em thường sinh sống ở những nơi xa xôi, hiểm trở; tập tục lạc hậu và rất nghèo, đồng bào chưa có ý thức đầu tư cho giáo dục…, nếu không có hỗ trợ, se co rất nhiều HS bỏ học.
Nêu rõ hơn về sự cần thiết phải có chính sách kế cận để hỗ trợ cho các em HS, ông Nguyễn Phùng Đạt, Phó ban Giáo dục dân tộc, miền núi, Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, phân tích: Đối với HS vùng xuôi, vài trăm nghìn không tác động quá nhiều đến cuộc sống của các em nhưng với HS dân tộc rất ít người, đó là một khoản tiền lớn, quyết định việc các em có tiếp tục đến trường hay không. Do đó, trong khi chờ Chính phủ ban hành chính sách mới, ông Nguyễn Phùng Đạt đề xuất Bộ GD-ĐT nên duy trì hỗ trợ của đề án cho các em học sinh đến hết năm học này. Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng Phòng Giáo dục dân tộc (Sở GD-ĐT Kon Tum) Văn Trọng Lưu và Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Ka Lăng (Lai Châu) Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trẻ em miền núi đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sống ở những vùng đặc biệt khó khăn, vì vậy, Chính phủ cần mở rộng đối tượng đối với tất cả trẻ em, HS, sinh viên đồng bào dân tộc miền núi chứ không nên dừng lại ở 9 dân tộc như trong giai đoạn vừa qua. Có như vậy sẽ không tạo khoảng cách, dẫn đến học sinh không so bì nhau khi cùng học chung lớp, chung trường.
Chia sẻ về công tác hỗ trợ học sinh dân tộc miền núi trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bô GD-ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, HS, sinh viên các dân tộc rất ít người theo quy định tại Quyết định 2123/QĐ-TTg cho đến khi có chính sách mới. Mong muốn Chính phủ giao Bô GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ học tập (bao gồm các dân tộc có số dân dưới 10.000 người theo quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2016.
Theo QĐND