Nam sinh từng trượt trường chuyên đỗ 7 trường đại học top đầu
Trần Đức Thắng, nam sinh từng thất vọng vì trượt trường chuyên đã tự đặt ra mục tiêu phải đoạt giải Học sinh giỏi Văn cấp quốc gia.
Vừa qua, Thắng trúng tuyển 7 trường đại học top đầu cả nước.
Một số thành tích nổi bật của Đức Thắng:
Giải Ba môn Ngữ văn kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia 2021.
Giải Nhất môn Ngữ Văn kỳ thi Học sinh giỏi thành phố 2020.
Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô 2018.
Học bổng tài năng Đại học Anh Quốc Việt Nam BUV.
Trúng tuyển Đại học VinUni.
Trúng tuyển vào 5 trường đại học công lập: Đại học Sư Phạm Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao.
Thành viên đội Quán quân cuộc thi High School Best Dance Crew 2020 (giải thi đấu nhảy dành cho học sinh THPT toàn miền Bắc).
Trưởng ban PR và vũ công dự án nhạc kịch GLams 2020
Trưởng ban Media câu lạc bộ Nhảy trường THPT Phan Đình Phùng.
Cố vấn chủ tịch câu lạc bộ Từ thiện Youth of PDP, câu lạc bộ Báo chí Humans of PDP.
Trần Đức Thắng (2003, Hà Nội) được tuyển thẳng vào 7 trường đại học top đầu cả nước gồm 5 trường đại học công lập và 2 trường đại học tư thục đắt đỏ.
Quyết tâm đoạt giải học sinh giỏi quốc gia để được xét tuyển thẳng vào đại học
Đức Thắng trúng tuyển 7 trường đại học top đầu về chất lượng và quyết định sẽ trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương.
Ngay từ lớp 11, khi bạn bè bắt đầu thi chứng chỉ tiếng Anh, xin học bổng du học, nam sinh trường THPT Phan Đình Phùng đã nhận ra bản thân cũng cần tìm một con đường cho riêng mình để tiến gần hơn với cánh cửa các trường đại học top đầu và đó chính là con đường xét tuyển thẳng.
Đức Thắng phân tích: “Mình học không tốt các môn tự nhiên, môn Toán của mình chỉ dừng ở mức khá và với điều đó thì cánh cửa các trường đại học top đầu sẽ không mở ra với mình.
Video đang HOT
Hơn thế, sau 2 tháng ôn thi học sinh giỏi Văn cấp quốc gia, mình gần như mất gốc toàn bộ các môn. Vì vậy, mình đã dồn hết tâm huyết để ôn tập cho kỳ học sinh giỏi quốc gia nhằm hướng tới một giải thưởng nổi bật để có thể xét tuyển thẳng”.
Nỗ lực bền bỉ, Đức Thắng đã được hái trái ngọt, trở thành sinh viên của Đại học Ngoại thương – ngôi trường công lập hàng đầu Việt Nam.
Từ một học sinh học trường chuyên, điểm Văn trên lớp làng nhàng 7-8 điểm, để có thể cạnh tranh với hàng nghìn bạn trường chuyên, lớp chọn trên cả nước trở thành học sinh giỏi cấp quốc gia môn Ngữ văn, trúng tuyển 7 trường đại học top đầu đó là cả một quá trình nỗ lực của Đức Thắng.
Những năm tháng cấp 3, dù không học ở một môi trường không chuyên nhưng Đức Thắng vẫn luôn duy trì thói quen và tư duy của một học sinh chuyên Văn thực thụ: “Khi nghe giảng, thầy cô nói những câu hay, câu lạ là mình ghi chép lại ngay và về nhà tìm hiểu thêm.
Ngoài ra, mình đọc nhiều sách, xem nhiều phim, tham gia các hội thảo về cách viết văn, mày mò các bài giảng bổ ích trên Youtube. Quan sát cuộc sống và cầu toàn tỉ mỉ trong viết lách khiến mình học như một học sinh trường chuyên”.
Chia sẻ về lý do từ chối các trường công top đầu và những trường tư thục đắt đỏ khác để lựa chọn Đại học Ngoại thương, Thắng bày tỏ đó là vì ấn tượng với tôn chỉ của trường “Khác biệt để dẫn đầu”. Hiện nay, bạn trẻ đã có những buổi học online đầu tiên với tư cách sinh viên Ngoại thương.
“Khi vấp ngã đừng bao giờ đứng dậy tay không”
Nam sinh trúng tuyển 7 trường đại học từng tự ti và xấu hổ vì trượt trường chuyên.
Để được tuyển thẳng vào 7 trường đại học như ngày hôm nay, Thắng rất biết ơn những vấp ngã trong quãng đời học sinh của mình, đặc biệt là cú ngã trong kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10. Năm đó, Đức Thắng đã trượt cả hai nguyện vọng vào trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngôi trường cậu mơ ước suốt những năm cấp 2.
Bước vào cấp 3 với sự thất vọng cùng bỡ ngỡ, việc sinh hoạt câu lạc bộ là cánh cửa khác mở ra với nam sinh này. Thời gian trôi qua, bên cạnh những người bạn mới và tìm thấy niềm vui ở hoạt động tập thể, Đức Thắng đã lấy lại tinh thần, đứng dậy và bước tiếp dưới mái trường THPT Phan Đình Phùng.
Theo Đức Thắng, nếu không có cú ngã khi thi chuyển cấp, bản thân bạn trẻ sẽ không có được nhiều động lực và quyết tâm như vậy trong suốt những năm cấp 3.
“Khi vấp ngã các bạn đừng đứng dậy tay không vì sẽ có người nắm tay bạn, nâng đỡ bạn để cùng đứng lên giống như mình vậy. Nếu không có một bàn tay nào đưa ra trước mặt bạn lúc đó, bạn có thể vịn vào bất cứ thứ gì gần gũi để đứng lên.
Đó có thể là cái vịn vật chất hoặc cái vịn tinh thần. Bạn sẽ luôn có những người thật sự yêu thương bạn động viên, an ủi, luôn có những niềm đam mê, sở thích của riêng mình. Hãy đứng dậy cùng chúng, đứng dậy cùng mọi người. Không ai một mình trên thế giới này”, Đức Thắng chia sẻ.
Những thành viên trong nhóm nhảy là những người bạn gắn bó nhất với Đức Thắng trong quãng đời học sinh. (Đức Thắng ngoài cùng bên phải).
Nhớ lại quá trình trưởng thành trong những năm cấp 3, nam sinh Ngoại thương chia sẻ về những áp lực từ học tập. Hồi chuông đầu tiên vang lên, báo động khiến Thắng phải thay đổi, nhìn nhận lại bản thân đó là vào học kỳ 1 năm lớp 10.
Lúc đó, việc tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa tuy giúp Thắng rèn luyện được các kỹ năng mềm nhưng đồng thời điểm số trên lớp cũng trở nên bấp bênh, không giữ được phong độ tốt và có những lần cô giáo chủ nhiệm đã phải nghiêm túc nhắc nhở để Thắng.
Đặt biệt, những kỳ thi quan trọng đánh dấu trên con đường học tập của nam sinh Ngoại thương đều trùng với những dự án nhạc kịch mà bạn trẻ này rất tâm huyết. Sáng đi thi, tối về diễn nhạc kịch hay sáng đi học, chiều đi tập nhảy là nhịp sống đã quá quen với Đức Thắng.
Trong tương lai, Đức Thắng mong muốn được hoạt động trong 2 lĩnh vực đó là truyền thông và nghệ thuật. Vào thời điểm này, với Thắng, để nói về một con đường sự nghiệp tương lai còn nhiều khó khăn. Bạn trẻ cần thêm thời gian để lắng nghe chính mình và trải nghiệm nhiều hơn.
Đức Thắng muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ khác câu nói “Hãy để tâm tiếng nói nội tâm nhỏ bé nhưng bền vững trong bạn hơn là những tiếng ồn ào, náo loạn từ bên ngoài” của Jonh Mason. Nam sinh Ngoại thương mong rằng mọi người sẽ luôn lắng nghe tiếng nói của bản thân và chọn lọc những ý kiến đánh giá khách quan để tiếp thu.
Hiện tại, Đức Thắng đang sở hữu kênh Tiktok @trndcthg chia sẻ về những bí quyết học Văn với gần 45 nghìn lượt theo dõi.
Ảnh: NVCC
Nuôi nghị lực từ căn gác trọ áp mái
Cách đây 3 năm, Lê Thị Hiền nhận tin trúng tuyển vào lớp chuyên Văn, Trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) trong niềm vui ngỡ ngàng.
Góc học tập 3 năm cấp 3 của Lê Thị Hiền.
Nhưng nữ sinh nghèo không ngờ, đó là một bước ngoặt, không chỉ đưa em đến ngôi trường mới, thay đổi cuộc sống, mà còn đạt được thành quả "trong mơ cũng không dám tin". Đặc biệt, trong căn phòng áp mái đó, đã nuôi lớn nghị lực, quyết tâm của nữ sinh rời quê vào thành phố. Đứng dậy từ thất bại, Lê Thị Hiền (Trường THPT chuyên ĐH Vinh) đã giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Văn, và đạt điểm cao Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Em nghỉ học cho chị vào trường chuyên
Lê Thị Hiền sinh ra, lớn lên tại xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Bố mẹ ly dị từ khi cô bé chưa nhận thức được nỗi đau đổ vỡ hôn nhân của người lớn và sự thiệt thòi, thiếu hụt gia đình trọn vẹn của mình và em trai. Năm Hiền chuẩn bị vào lớp 1, cũng là lúc mẹ em để lại 2 đứa con cách nhau 1 tuổi ở lại quê rồi vào TP Vinh làm thuê kiếm sống.
Hiền cùng em trai sống trong sự yêu thương, cưu mang của ông bà ngoại, vợ chồng cậu mợ. Hai đứa trẻ lớn lên, bảo ban nhau học tập, để mẹ yên tâm làm việc ở thành phố. Còn người bố không một lần qua lại, dù sinh sống cách đó không xa.
Hoàn cảnh éo le, vất vả, nhưng cô bé vẫn luôn lạc quan, sớm tự lập, tháo vát. Trong nhà, Hiền là chị cả của lũ trẻ gồm em trai và con của cậu mợ. Buổi đi học, buổi ở nhà trông em, dạy các em học bài và phụ quét dọn, nấu cơm cho ông bà. Vậy mà năm nào Hiền cũng đạt học sinh tiên tiến, học đều các môn.
Chị Hồ Thị Vân (SN 1977) - mẹ Hiền nhớ lại: "Tôi vào TP Vinh cách đây 13 năm, nấu ăn cho quán cơm bình dân của chị gái. Khách chủ yếu là người lao động, nên thu nhập của quán chỉ ở mức vừa phải, sau khi trừ chi phí, thuê mặt bằng. Tiền lương chị gái trả mỗi tháng tôi cũng không gửi về cho ông bà được bao nhiêu. Hai đứa con vì vậy cũng vất vả. Nhưng mỗi lần về nhà, hỏi chuyện thầy cô giáo của Hiền, ai cũng khen con bé khiến tôi cũng yên tâm phần nào".
Năm lớp 9, Lê Thị Hiền đạt giải Nhì thi HSG huyện và tiếp tục được chọn đi thi tỉnh nhưng thất bại. Cô bé không nản lòng, tiếp tục thi và đậu vào chuyên Văn, Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Lúc này, Hiền xin được vào thành phố đi học, giúp mẹ làm ở quán cơm, để được ở cùng mẹ như nỗi mong mỏi, nhớ thương suốt năm tháng tuổi thơ.
Em trai thấy Hiền vào Vinh, cũng nhất quyết theo cùng, không muốn ở quê nữa. Nhưng chi phí học tập ở thành phố của cả 2 chị em là gánh nặng quá sức với tiền công nấu ăn ở quán cơm bụi ít ỏi của mẹ. "Thằng bé đòi vào Vinh, nói "chị Hiền học giỏi, đỗ vào trường chuyên rồi, em không đi học nữa, mà đi làm kiếm thêm tiền giúp mẹ nuôi chị". Tôi khuyên mãi mà thằng bé vẫn kiên quyết. Cũng thấy tiếc cho con lắm, nhưng hoàn cảnh khó khăn quá, đành phải chấp nhận vậy", chị Hồ Thị Vân nghẹn giọng kể.
Vậy là từ đó, 3 mẹ con đoàn tụ ở thành phố Vinh. Quán cơm bình dân ban ngày mở cửa, ban đêm là nơi sinh sống của mấy mẹ con, bác cháu. Một gian buồng quây tạm bằng tôn phía cuối ki-ốt là chỗ ngủ cho tất cả những người trong gia đình tại quán. Bên trên, là gian gác xép dành cho Hiền cùng mẹ và em trai, cùng trải qua mùa hè hầm hập nóng và mùa đông lạnh buốt. Góc học tập suốt 3 năm của Hiền cũng ở trên đó, với chiếc bàn xếp bằng gỗ và giá sách nhỏ, cũ kỹ, gắn trên tường. Mỗi năm, sách vở cũ lại được Hiền cho vào thùng các-tông, để dành chỗ sách vở mới.
Hiền và mẹ chia sẻ về cuộc sống ở trọ, làm thuê, đi học ở TP Vinh.
Lội ngược dòng sau lần vấp ngã
"Khi vào Trường THPT chuyên ĐH Vinh, so với các bạn, em không được thầy cô chú ý ngay từ đầu. Bởi em thi trượt HSG tỉnh lớp 9, điểm đầu vào chỉ nằm tốp giữa của lớp, trong khi nhiều bạn từng đạt giải cao và được tuyển thẳng. Nên em cũng không dám đặt mục tiêu cao, mà chỉ có gắng học tập để không bị đuối", Lê Thị Hiền nhớ lại.
Dù không có thành tích đầu vào nổi trội, nhưng cô Nguyễn Khánh Ly - giáo viên Ngữ văn, cũng là chủ nhiệm lớp - đã phát hiện tố chất và khả năng văn chương của Hiền qua các bài viết và khích lệ em phát triển. Lớp 11, Hiền được chọn là 1 trong 5 thành viên đội tuyển dự thi HSG quốc gia. Với em, đó là niềm vinh dự lớn, mà khi đặt chân vào trường em chưa từng nghĩ tới. Em cũng đã đặt rất nhiều hi vọng ở kỳ thi này. Nhưng Lê Thị Hiền là thành viên duy nhất của đội tuyển thi trượt!
Thất bại này là cú sốc lớn, khiến nữ sinh nghèo suy sụp suốt thời gian dài. Em nghĩ đến người mẹ vất vả làm thuê hàng chục năm, nghĩ đến em trai đã từ bỏ việc học hành, và công sức bồi dưỡng của thầy cô... "Em thấy có lỗi với sự kỳ vọng của thầy cô, không chút tự tin nào vào bản thân nữa và đã quyết định từ bỏ, không theo đội tuyển nữa", Hiền nhớ lại.
Một lý do khiến Hiền lo lắng, là năm lớp 12 rất quan trọng để ôn thi đại học. Dành quá nhiều thời gian công sức cho môn thi HSG quốc gia, sẽ khiến em không đầu tư cho các môn học khác. Nếu tiếp tục thất bại, liệu em có kịp để chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Nhưng một lần nữa, cô giáo chủ nhiệm lại động viên, giúp Hiền bước qua cái bóng mặc cảm, tự ti. "Cô nói em hãy cố gắng hết sức mình một lần nữa. Cô vẫn luôn tin tưởng vào em! Sự quan tâm, kiên trì của cô giáo đối với mình khiến em lấy lại quyết tâm.
Em cảm thấy mình đã có quá nhiều may mắn, khi bước chân vào một ngôi trường ở thành phố và được gặp một cô giáo chủ nhiệm, bồi dưỡng tuyệt với như vậy. Vì thế, năm lớp 12, em tiếp tục vào đội tuyển với suy nghĩ "chỉ còn một cơ hội cuối cùng" để làm lại và "chuộc lỗi" với thầy cô, với niềm tin của mọi người", Lê Thị Hiền chia sẻ.
Vấp ngã ở kỳ thi HSG quốc gia năm lớp 11 cũng đã giúp Lê Thị Hiền rút kinh nghiệm thi cử, tìm ra điểm hạn chế của bản thân. Hiền và cô cùng trò chuyện, phân tích về bài thi không đạt. "Những ý cần có trong bài em đều đáp ứng tương đối đầy đủ. Nhưng em không biết chọn lọc, đưa ra dẫn chứng đắt giá. Điều này khiến cho cả bài làm của em mờ nhạt, không có điểm sáng, tạo dấu ấn đối với ban giám khảo. Một lý do khác là không biết "căn" thời gian phù hợp cho từng câu hỏi. Dẫn tới bài làm thiếu cân đối", Hiền cho biết.
Lần thứ 2 vào đội tuyển, với nền tảng kiến thức sẵn có, Hiền đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo, thay đổi phương pháp tư duy, khả năng lập luận. Trước khi bước vào kỳ thi, em đã tự tin hơn rất nhiều về cả kiến thức lẫn kỹ năng của mình. "Thời gian làm bài 180 phút với 2 câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Khi đọc đề, em suy nghĩ, hình thành dàn ý của bài. Sau đó, em đã đặt bút viết một mạch với sự thăng hoa cảm xúc. Hoàn thành bài thi, dù có một số thiếu sót, nhưng em hi vọng và tin rằng lần này mình sẽ đoạt giải", Hiền nói.
Kết quả lại là một sự bất ngờ lớn, nhưng lần này không phải là nước mắt, mà là vỡ òa hạnh phúc. Lê Thị Hiền đã giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, cũng là thành tích cao nhất của đội tuyển Trường THPT chuyên ĐH Vinh. "Khi cô giáo gọi điện thông báo, thậm chí em còn quên luôn cả số báo danh của mình. Em nói cô đợi em tìm lại thẻ dự thi, đối chiếu lần nữa, rồi mới tin là sự thật", nữ sinh xúc động kể lại.
Thường ngày, Hiền vừa học, vừa phụ mẹ phục vụ quán cơm.
Ước mơ làm giáo viên
Sau hành trình dài theo đuổi, đứng dậy từ thất bại, Lê Thị Hiền đã đạt được mục tiêu của mình. Với giải Nhì HSG quốc gia môn Văn, Hiền cũng được tuyển thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Nhưng em vẫn tiếp tục ôn thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc vì "nếu chỉ đủ điểm đậu tốt nghiệp thì xấu hổ". Có lợi thế môn Văn, nên Hiền tập trung thời gian học thêm 2 môn Toán, Tiếng Anh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mọi chi phí ôn thi của em, đều được nhà trường hỗ trợ và cô giáo dạy miễn phí.
Những ngày ôn thi nước rút, dịch bệnh bùng phát, quán cơm đóng cửa, chỉ được bán mang về. Hiền vừa học, vừa phụ mẹ đi chợ mua thực phẩm, nấu nướng, đi ship cơm cho khách ở khắp TP Vinh. Nữ sinh cho hay: "Ngày nào cũng vậy, sau 8 rưỡi tối em mới có thể ngồi vào bàn học. Nhưng chỉ đến 10 rưỡi là đi ngủ, vì cả ngày làm việc mệt quá. Em cố gắng trong thời gian đó tập trung hết sức, không bị phân tán. Mỗi ngày em học 1 môn, cố gắng luyện đề để rèn kỹ năng làm bài, nhất là môn trắc nghiệm".
Hiền cho biết: "Em chọn sư phạm, một phần đỡ lo lắng học phí, nhưng lý do lớn hơn là từ những tình cảm, sự quan tâm của các thầy cô giáo đối với em suốt 12 năm học. Em nghĩ nếu em theo nghề sư phạm, được trở thành giáo viên, và giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn như thầy cô đã từng giúp mình, là điều hạnh phúc. Còn lựa chọn ngành tiểu học, vì em thích dạy học cho trẻ em".
Nữ sinh cũng đã lập kế hoạch cho cuộc sống sinh viên. Thời điểm này, mỗi ngày mở quán, Hiền và mẹ sẽ "bỏ lợn" 100 nghìn đồng để làm lộ phí đi nhập học. "Khi ra Hà Nội, em sẽ xin ở ký túc xá để đỡ chi phí, và đi làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Vất vả một chút cũng không sao, vì ở nhà, mẹ và em trai cực nhọc và thiệt thòi hơn", Hiền tâm sự.
Cô Nguyễn Khánh Ly - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A9 - Trường THPT chuyên ĐH Vinh cho biết: "Em Lê Thị Hiền là một học sinh có năng lực, thông minh, chăm chỉ, biết nỗ lực trong học tập và cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình éo le, thiếu thốn, nhưng em vẫn lạc quan và biết nỗ lực trong học tập, cuộc sống. Vì vậy, những thành quả em có được sau 2 kỳ thi quan trọng vừa rồi, là hoàn toàn xứng đáng. Sắp tới, Hiền cũng là một trong những học sinh được kết nạp Đảng của Trường THPT chuyên ĐH Vinh".
Ở Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Lê Thị Hiền cũng đạt thành tích cao với 3 môn khối D đạt 27,2 điểm (Ngữ văn 9,5 điểm; Toán 8,2 điểm và Tiếng Anh 9,5 điểm). Hiền cho biết, em đăng ký nguyện vọng vào ngành Sư phạm Tiểu học - Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Trẻ khóc vì không đỗ chuyên: Áp lực từ phụ huynh? Theo phụ huynh chia sẻ, khi biết phương án tuyển sinh vào trường chuyên, con em họ mếu máo vì con không có điểm cộng. Mới đây trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam đã chốt phương án tuyển sinh vào lớp 6. Theo đó trường đã xét tuyển học bạ và cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Phương án tuyển sinh này đã khiến...