Nam sinh trường huyện ở Hà Tĩnh với thành tích đáng nể về công nghệ thông tin
Bằng năng khiếu tin học và nỗ lực rèn luyện, chỉ sau 5 năm tiếp xúc với máy tính, cậu học trò Hoàng Phi Hùng – lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã giành nhiều giải thưởng về công nghệ thông tin (CNTT) cấp tỉnh và khu vực.
Hoàng Phi Hùng là thành viên duy nhất trong khối THPT không chuyên có mặt trong đội tuyển thi HSG quốc gia môn Tin học của tỉnh.
Sinh ra trong một vùng quê nghèo (thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc, Lộc Hà), tự học là chủ yếu nhưng trong suốt 5 năm liền, Phi Hùng đều đạt giải cao tại các kỳ thi Tin học do tỉnh và khu vực tổ chức.
Đó là các giải thưởng như: thủ khoa HSG tỉnh năm 2018 – 2019, thành viên đội tuyển thi HSG quốc gia của Hà Tĩnh năm 2019 – 2020 và huy chương đồng Cuộc thi Tin học dành cho học sinh khối trường chuyên THPT khu vực duyên hải miền Trung và đồng bằng Bắc Bộ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết – mẹ của Hùng cho biết: “Vợ chồng tôi làm nghề may và buôn bán nhỏ; nuôi 4 con ăn học (Hùng là con thứ 2 trong gia đình) nên còn khó khăn. Mặc dù vậy, khi phát hiện cháu say mê và có năng khiếu môn Tin học, chúng tôi đã cố gắng tạo điều kiện cho cháu học tập”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết luôn sát cánh, tạo điều kiện để con trai nuôi dưỡng và phát huy niềm đam mê
Năm 2015, Phi Hùng vào lớp 7, lần đầu tiên được tiếp xúc với ngôn ngữ lập trình, em đã bộc lộ năng khiếu Tin học nổi trội. Ngoài giờ học ở trường, về nhà, Hùng không có máy tính để thực hành. Để tạo điều kiện cho con học tập, chị Tuyết đã phải đi vay 5 triệu đồng mua cho Hùng một chiếc máy tính để bàn đã qua sử dụng.
Ngay trong năm học đó, Hùng đã giành giải 3 Cuộc thi Tin học trẻ toàn tỉnh. Tiếp đó, các năm lớp 8, 9 và 10, Hùng đạt giải nhất tất cả các kỳ thi HSG tỉnh bộ môn Tin học.
Video đang HOT
Đặc biệt, năm học 2018 – 2019, Hùng là thủ khoa HSG môn Tin học tỉnh Hà Tĩnh với số điểm 19,5/20.
Năm học 2019 – 2020, em là thành viên duy nhất trong khối THPT không chuyên có mặt trong đội tuyển thi HSG quốc gia môn Tin học của tỉnh Hà Tĩnh.
Hoàng Phi Hùng bên bộ sưu tập về thành tích học tập của mình
Tháng 5/2020 vừa qua, Hùng tiếp tục lập thành tích khi mang về 1 tấm huy chương đồng (Hà Tĩnh đạt 1 huy chương vàng và 5 huy chương đồng) trong cuộc thi tin học dành cho học sinh khối trường chuyên THPT từ Đà Nẵng tới Bắc Ninh. Phi Hùng là thành viên duy nhất của khối THPT không chuyên duy nhất tỉnh được đặc cách tham dự cuộc thi này.
Phi Hùng chia sẻ: “Em đặc biệt yêu thích và say mê Tin học từ khi được các thầy cô ở trường dạy về ngôn ngữ lập trình. Trước đó, khi sử dụng máy tính em cứ băn khoăn câu hỏi, điều gì đã khiến các chương trình phần mềm, apps… chạy được, ai là người tạo ra nó… Và câu trả lời là kỹ sư lập trình, những người viết lên ngôn ngữ lập trình cho các phần mềm máy tính. Đó chính là lý do em yêu thích và đam mê môn học này”.
Ngoài học giỏi, Phi Hùng còn là tiền đạo của đội bóng đá nhà trường và có sở thích chơi đàn ghi-ta.
Thầy Phan Mạnh Trường – giáo viên chủ nhiệm 2 năm học của Hùng tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ: “Phi Hùng là học sinh thông minh và ngoan hiền, chăm chỉ. Ngoài năng khiếu nổi trội là môn Tin học, em ấy còn học giỏi hầu hết các môn tự nhiên và xã hội. Trong lớp, Hùng luôn hòa đồng, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Em đã được vinh danh điển hình tiên tiến của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi giai đoạn 2015 – 2020″.
Đội tuyển HSG quốc gia môn Tin học Hà Tĩnh chụp ảnh cùng thầy giáo phụ trách năm học 2019 – 2020. (Hoàng Phi Hùng đứng ở hàng đầu, thứ 2 bên trái sang.) Ảnh: NVCC
Nói về dự định tương lai, Phi Hùng cho biết: Mục tiêu trong thời gian tới của em là nỗ lực đạt giải cao tại kỳ thi HSG quốc gia năm học 2020 – 2021 để được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Xa hơn, em ước mơ trở thành một kỹ sư lập trình CNTT giỏi.
"Xây dựng tình bạn đẹp" trong trường học ở Hà Tĩnh
"Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã góp phần giáo dục ý thức, đạo đức, lối sống cho học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Mỗi khi mùa mưa đến, cả gia đình em Nguyễn Thị Lệ (học sinh Lớp 11A11) lại sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu. Bố mẹ Lệ đều bị khuyết tật bẩm sinh, người "mắt không thấy", người "tai không nghe" nên ước mơ giản đơn về một ngôi nhà tránh mưa tránh nắng mãi chỉ là mơ ước.
Em Nguyễn Thị Lệ (người ở giữa) tranh thủ ôn lại kiến thức với các bạn cùng lớp trong giờ giải lao.
Đến cuối năm 2018, với sự kêu gọi, vận động tích cực của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Trường THCS Thụ Hậu (nơi em trai Lệ đang theo học) và các tổ chức đoàn thể, gia đình Lệ đã có ngôi nhà mới kiên cố.
Em Nguyễn Thị Trang (Lớp trưởng lớp 11A11) chia sẻ: "Để san sẻ những vất vả, nhọc nhằn mà Lệ phải gánh vác, các bạn trong lớp thường xuyên lui tới thăm hỏi, trò chuyện cùng bố mẹ của bạn; chủ động dọn dẹp, chăm sóc vườn tược, làm việc nhà; hướng dẫn em trai của Lệ học hành... Chúng em tin những tình cảm đó của các bạn sẽ giúp Lệ và người thân ấm lòng, vượt qua khó khăn".
Còn đối với lớp 10A5, các bạn lại gắn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ thông qua các buổi sinh hoạt của CLB "Sách và những người bạn". Mỗi tuần một buổi, các thành viên CLB lại giới thiệu một cuốn sách hoặc một bài viết cảm nhận sau khi đọc một tác phẩm hay.
Lớp 10A5 gắn kết tình bạn và hỗ trợ nhau học tập qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa.
"Ngoài mục đích tạo sân chơi cho các bạn yêu sách, trong những buổi sinh hoạt như thế, chúng em còn được ôn lại bài, đồng thời hỗ trợ nhau học tập, bạn khá kèm bạn yếu... Qua đó, bạn bè hiểu nhau hơn" - em Hoàng Thị Mai Thơ (lớp 10A5) - Chủ nhiệm CLB cho biết.
Nhờ thường xuyên vun đắp cho những tình bạn đẹp, tình trạng bạo lực học đường tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi hầu như không xảy ra.
Là người trực tiếp quản lý học sinh và hoạt động phong trào của nhà trường, thầy Lương Hữu Lợi - Bí thư Đoàn trường nắm bắt khá sát sao tâm lý của học trò. Thầy Lợi chia sẻ: "Ban cán sự lớp, cán bộ các chi đoàn đóng vai trò như "cột ăng-ten" bắt sóng, nếu phát hiện những xích mích, mâu thuẫn là phải báo cáo ngay để thầy cô kịp thời can thiệp, hòa giải. Đó cũng là cách chúng tôi phát huy ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng trường học không bạo lực; trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi gặp bạo lực học đường cho học sinh".
Với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi đã nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Thầy Phạm Duy Diễn - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi cho biết: "Chương trình "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã được Đoàn trường duy trì trong nhiều năm học qua và đã phát huy hiệu quả thiết thực.
Không chỉ tạo được môi trường học đường lành mạnh, các em học sinh còn có điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống. Qua đó góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu dạy tốt, học tốt và hướng đến xây dựng nhân cách, giá trị đạo đức bền vững cho giáo viên, học sinh".
Sau thời gian kêu gọi, đại diện nhà trường trao điện thoại hỗ trợ cho em Nguyễn Thị Thảo lớp 10A8 phục vụ học online trong đợt nghỉ tránh dịch Covid-19 (ảnh chụp tháng 4/2020).
Thầy Diễn cũng thông tin thêm, năm 2019, nhà trường đã huy động được 72 triệu đồng hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Trong đợt nghỉ học tránh dịch Covid-19, nhiều học sinh đã được tặng điện thoại thông minh để phục vụ học online. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục kêu gọi cán bộ, giáo viên, học sinh cũ đóng góp cho quỹ "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nguyễn Văn Trỗi"...
Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình "Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường" đã tạo được sức lan tỏa lớn, khơi gợi lên tinh thần đoàn kết, tính tự giác cùng nhau phấn đấu, tiến bộ của mỗi học sinh.
Hà Tĩnh: Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo có bố bị mù, mẹ điếc bẩm sinh Học giỏi, biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, nhưng số phận lại không may cho em, bố bị mù, mẹ câm điếc. Nhưng Lệ đã vượt khó học giỏi, đạt thành tích cao trong học tập, trở thành tấm gương cho bạn bè noi theo. Bố mẹ và em Lệ tại căn nhà riêng của mình. Gia cảnh khó khăn, thiếu thốn...