Nam sinh Hưng Yên trúng tuyển 3 trường đại học Mỹ
Là một trong rất ít học sinh ở tỉnh Hưng Yên ứng tuyển đại học Mỹ, gặp nhiều khó khăn không biết phải hỏi ai, chia sẻ với ai, Lê Hoàng Bách vẫn quyết tâm giành học bổng thực hiện ước mơ du học.
Hoàng Bách (sinh năm 2002) là học sinh trường THPT Chuyên Hưng Yên. Chính việc học lớp chuyên Anh đã tạo nền tảng để em chạm tay tới ước mơ đến vùng đất mới.
Lê Hoàng Bách.
Bách từng đạt Giải ba Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia ViSEF 2019; Giải khuyến khích Hội thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia ViSEF 2018.
Niềm đam mê ngoại ngữ đã giúp em giành Giải khuyến khích Olympic Tiếng Anh quốc gia 2019; Giải khuyến khích Olympic Tiếng Anh quốc gia 2020; Giải nhất Tỉnh Hưng Yên cuộc thi “Giao lưu hùng biện tiếng Anh” 2019.
Dù gặp nhiều cản trở nhưng Bách luôn tận dụng tối đa những cơ hội phát triển bản thân. Năm 2019, em nhận học bổng toàn phần “Chrysalis” – chương trình trại hè được phối hợp tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận IES và Đại học Queensland – một trong 8 trường Đại học nghiên cứu hàng đầu tại Úc.
Chuyến đi là cuộc giao thoa giữa các nền văn hóa châu Á và châu Úc. Em gặp được nhiều bạn mới từ khắp các quốc gia với muôn vàn bản sắc và truyền thống.
Điều này đã tái khẳng định trong Bách tầm quan trọng của việc trở thành một công dân toàn cầu để cùng chung sống và làm việc trong môi trường quốc tế.
Bách nhận giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018 – 2019.
Bách tham gia Trại sinh trại hè HVIET 2019 – một trại hè được tổ chức bởi các học sinh Đại học Harvard, mô phỏng hình thức giáo dục khai phóng ở Mỹ cùng một số hoạt động tình nguyện tại Trung tâm từ thiện và hướng nghiệp Phật Tích, trợ giảng tiếng Anh tại Hope School Hưng Yên, tình nguyện viên tại sự kiện “Khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo” ở Thanh Hóa…
Say mê nghiên cứu khoa học, Bách đạt giải Ba tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế ISEF 2019.
Những hoạt động của em từ khoa học tới tình nguyện đều bắt nguồn từ niềm đam mê khám phá và giúp đỡ mọi người. Theo Bách, không quan trọng là bạn làm gì, quan trọng là bạn làm việc theo sở thích, đam mê và phải thực sự yêu những gì bạn làm. Đó cũng là tiêu chí của em khi tham gia hoạt động ngoại khoá.
Với thành tích tốt về học tập và ngoại khoá, Hoàng Bách vinh dự nhận Huy chương “Thanh niên tiên tiến toàn quốc 2018″ do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Video đang HOT
Hoàng Bách (trái, ngoài cùng) nhận Huân chương Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2018.
Hoàng Bách ứng tuyển 2 vòng sớm là ED và EA và nộp hồ sơ 5 trường đại học. Em đỗ 3 trường trong đó có Đại học Fordham, Đại học Lawrence và Đại học Union trong vòng ứng tuyển sớm này.
“Những ngày ra kết quả, vào giữa tháng 12/2019, em với mẹ vô cùng hồi hộp. Sáng nào em cũng mở email ra kiểm tra và thấp thỏm chờ quyết định từ các trường đại học.
Niềm vui đầu tiên đến vào ngày 13/12 khi em nhận được thư báo đỗ từ trường Lawrence với mức hỗ trợ tài chính 40.000 USD/năm. Chỉ một ngày sau đó, Đại học Fordham lại mang về niềm vui cho gia đình em với học bổng và hỗ trợ tài chính 50.000 USD/năm – cũng là mức hỗ trợ tài chính và học bổng lớn nhất mà em nhận được.
Ngày 22/12, Đại học Union mang về thêm niềm vui cho em khi mức hỗ trợ tài chính trường cung cấp gần 40.000/năm.
Tuy nhiên, khi nhận được thư đỗ của Đại học Fordham, em đã hình dung về việc trở thành tân sinh viên tại ngôi trường vô cùng danh giá về đào tạo ngành kinh doanh quốc tế ở thành phố New York, một trong những thành phố năng động nhất nước Mỹ”, Bách kể.
Bách nhận giải Học sinh giỏi quốc gia Tiếng Anh năm 2019.
Ấp ủ ước mơ du học từ những năm cấp hai, Bách tìm hiểu các quốc gia phù hợp với mình và ngành học của mình, vạch sẵn kế hoạch du học gồm nhiều trường hợp như: đi học ở Mỹ thì phải có học bổng hay đi học ở Úc nếu không đủ học bổng thì mình sẽ phải kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống…
Tuy nhiên, việc theo đuổi ước mơ của em mới thực sự bắt đầu khi thuyết phục thành công và có được sự ủng hộ của bố mẹ vào đầu năm lớp 11.
Bắt đầu muộn hơn phần lớn các bạn của mình, Hoàng Bách đã phải thực sự cố gắng 200% để theo kịp về mảng học tập và thi chuẩn hóa. Ngày đó, em vừa thi khoa học kĩ thuật, vừa thi học sinh giỏi quốc gia, vừa phải tăng mức điểm trung bình trên lớp và vừa ôn SAT, IELTS.
“Làm tất cả những việc đó cùng một lúc là thử thách, hơn nữa em phải di chuyển từ Hưng Yên lên Hà Nội liên tục để học SAT. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của em, một học sinh tỉnh lẻ, khi chỉ ở những thành phố lớn mới có những khóa học SAT chất lượng – một kỳ thi rất quan trọng và phải đạt điểm cao nếu muốn đỗ trường top cũng như xin học bổng.
Hơn nữa, phong trào du học ở tỉnh cũng chưa phát triển như những thành phố trọng điểm nên em cũng gặp nhiều khó khăn khi làm hồ sơ cũng như thi chuẩn hóa vì không biết phải hỏi ai, phải chia sẻ với ai”, Bách tâm sự.
Nhưng sau này, nam sinh Hưng Yên đã gặp những người bạn chung mục tiêu khi hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng hay ngoại khóa trong và ngoài nước, tiếp cho em thêm động lực để có được thành quả như hôm nay.
Trải qua quá trình đăng ký đại học khá vất vả đã giúp Bách rút ra những bài học cho bản thân và em muốn chia sẻ những gì em học được cho các bạn.
Ba điều lớn nhất em học được giúp em thành công đó là: luôn biết phân bổ thời gian cho công việc một cách hợp lí; làm đến đâu, gọn đến đó, hoàn thành những công việc mình đặt ra theo danh sách độ cấp thiết trước khi chuyển sang việc khác; đặt ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bản thân.
Bách cùng các bạn tại Trại hè Harvard – HVIET 2019.
Theo Bách, bài luận cá nhân (Personal statement) và hoạt động ngoại khóa là hai yếu tố quyết định giúp em đạt được thành công khi ứng tuyển vào đại học Mỹ.
Nội dung Bách truyền tải qua bài luận chính là định kiến giới trong xã hội Việt Nam hiện đại. Những trải nghiệm có thật của bản thân trong quá khứ đã được em lấy làm dẫn chứng cho các luận điểm trong bài luận.
Từ những việc như con trai phải thích đá bóng thì mới xứng làm đấng mày râu hay con gái thì phải dịu dàng, giỏi thêu thùa, nữ công gia chánh. Đây chỉ là những định kiến rất nhỏ trong cuộc sống.
Nghĩ rộng ra, một số phụ huỳnh còn ngăn cản sự phát triển lành mạnh của con mình theo chiều hướng như: con trai thì phải học giỏi và chuyên các môn tự nhiên thay vì chuyên Văn – Sử – Địa như con gái hay con gái mà đi nhảy hiện đại thì còn gì là nét duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.
Suy nghĩ này của họ đã vô tình khiến cho con mình mất đi động lực sống, niềm vui sống khi bị ngăn cản theo đuổi những đam mê ở nơi mà chúng có tài năng thật sự.
Vậy nên, với vai trò là cha mẹ, thầy cô, bạn bè, chúng ta nên ủng hộ đam mê của những người mình yêu thương để họ có thể phát triển một cách tốt nhất.
Ba lời khuyên mà Bách có giúp các bạn một bài luận cá nhân độc đáo chính là: plan ahead (lên kế hoạch cho bài luận trước deadline 3-4 tháng); use great examples (sử dụng thật nhiều ví dụ hay); double-check everything (luôn kiểm tra lại bài viết của mình, từ logic, nội dung, tới cách dùng từ, hành văn).
Bách tham gia Trại hè Úc Chrysalis 2019.
Nam sinh Việt dự định học chuyên ngành Global Business (Kinh doanh quốc tế) không chỉ vì em thích được hòa mình trong một môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ để phát triển bản thân mà còn vì ước mơ khởi nghiệp của em sau này. Hơn nữa, thành phố New York, thủ đô văn hóa và kinh tế của thế giới, sẽ giúp Bách rất nhiều trong việc khám phá tri thức ở nơi đây.
Tốt nghiệp đại học sẽ mở ra một chân trời mới cho những gì em có thể làm. Em có kế hoạch là xin việc ở những doanh nghiệp liên quốc gia để cọ xát cũng như trau dồi kinh nghiệm.
Tuy nhiên, ước mơ của Bách vẫn luôn là làm chủ một dự án bản thân tạo dựng. Vì vậy, việc tách ra khỏi các doanh nghiệp để tự làm chủ vẫn luôn là kế hoạch lâu dài của em.
Chi phí học đại học ở Mỹ
Ngoài khoản học phí từ 5.000 đến 50.000 USD mỗi năm tùy từng trường, sinh viên du học Mỹ phải tính đến nhiều chi phí khác như ăn ở, mua sắm, vui chơi.
Dưới đây là thống kê của Times Higher Education (THE) để phụ huynh, học sinh tham khảo:
Học phí
Mỹ là một trong những địa điểm du học phổ biến nhất nhưng cũng đắt đỏ nhất. Học phí trường đại học ở quốc gia này từ 5.000 đến 50.000 USD mỗi năm. Hầu hết chương trình đại học kéo dài trong bốn năm. Điều này đồng nghĩa sinh viên phải chi trả từ 20.000 USD đến 200.000 USD cho đến khi tốt nghiệp, tùy từng trường. Theo tính toán của THE, học phí trung bình dựa trên số liệu từ các trường đại học là khoảng 132.860 USD cho bốn năm.
Trong khi một số quốc gia có sự chênh lệch học phí giữa sinh viên trong nước, thuộc EU hay quốc tế, trường đại học Mỹ lại áp dụng học phí khác nhau giữa sinh viên trong và ngoài bang. Một đại học công lập thu 10.230 USD mỗi năm đối với sinh viên trong bang nhưng sinh viên ngoài bang sẽ phải trả gấp 2,5 lần - 26.290 USD. Có đại học tư nhân phi lợi nhuận thu 35.830 USD mỗi năm.
Ảnh: Shutterstock.
Chỗ ở
Nhìn chung, chi phí sinh hoạt dành cho sinh viên sinh sống và học tập ở Trung Tây Mỹ thấp hơn, còn ở Đông và Đông Bắc nước Mỹ đắt đỏ hơn. Chi phí trung bình cho một căn hộ từ 500 USD mỗi tháng (căn hộ một phòng ngủ ở nông thôn) đến 3.500 USD (căn hộ một phòng ngủ ở thành phố lớn), không biến động so với năm ngoái.
Chỗ ở trong khuôn viên trường là ký túc xá với hai hoặc ba người một phòng. Sinh viên sẽ phải dùng chung phòng tắm và nhà vệ sinh. Các phòng trong ký túc xá giá trung bình từ 5.304 đến 8.161 USD, bao gồm tất cả tiện ích và chi phí liên quan đến nhà ở. Giá thấp nhất được tìm thấy ở trường công lập đào tạo hai năm và cao nhất tại các trường đại học tư thục. Sinh viên có thể tham khảo trên web trường bằng công cụ tính toán chi phí chỗ ở và ước tính học phí.
Sinh hoạt phí
Chi phí Internet là 35-60 USD mỗi tháng, tiện ích trong nhà và điện thoại hàng tháng khoảng 50 USD. Các tiện ích trong nhà có thể có hoặc không bao gồm tiền thuê nhà như tiền điện 50-100 USD mỗi tháng, lò sưởi 50-100 USD. Tiền nước, hệ thống nước thải, thu gom rác được trả bởi chủ nhà, tuy nhiên người thuê cũng có thể phải chi trả 50-75 USD mỗi ba tháng.
Một số khoản chi tiêu khác
Xăng giá 2,3 USD mỗi gallon (4,5 lít). Thẻ giao thông công cộng hàng tháng khoảng 50-60 USD, một số khu vực ưu đãi cho sinh viên.
Chi phí mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa hàng tuần từ 20 đến 70 USD tùy thuộc vào chế độ ăn uống, giá rau quả tươi. Nhiều trường sẽ đưa phí các bữa ăn vào chi phí ký túc xá, gọi chung là phí ăn ở.
Một bữa ăn trong nhà hàng giá khoảng 15 USD. Một chai rượu vang giá khoảng 15 USD và một cốc bia giá 6-8 USD.
Chi phí một đêm đi chơi tùy thuộc và địa điểm và hoạt động nhưng trung bình ở Mỹ khoản này là 81 USD mỗi đêm. Một lần đi xem phim tại rạp khoảng 9 USD. Nếu tập gym ở phòng tập, trung bình mỗi tháng sinh viên phải trả 58 USD.
Các loại hỗ trợ tài chính
Khoảng 85% sinh viên đại học tại các trường công lập và 89% tại trường tư thục phi lợi nhuận được hưởng lợi từ một số loại hỗ trợ tài chính. Các trường uy tín nhất ở Mỹ, với chi phí học tập thuộc hàng cao nhất lại mang tới cho sinh viên sự hỗ trợ tốt nhất. Ví dụ, khoảng 91% sinh viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) được nhận hỗ trợ tài chính.
Hỗ trợ tài chính có nhiều dạng như học bổng, trợ cấp. Một số dạng chỉ dành cho sinh viên Mỹ nhưng cũng có nhiều gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế. Nhiều đại học cung cấp công việc trong khuôn viên trường cho sinh viên.
Ngoài ra, có một vài chương trình học bổng nổi tiếng do chính phủ Mỹ tài trợ cho sinh viên quốc tế như Fulbright và học bổng Hubert Humphrey.
ID sinh viên cũng giúp các bạn được giảm giá 10-50% cho quần áo, vé xem phim, vào bảo tàng, đi xe bus Greyhound và thuê nhà ở trên Airbnb.
Kinh nghiệm đỗ 6 trường đại học Mỹ của nữ sinh chuyên Văn Đoàn Quỳnh Linh, cô gái chuyên Văn năng động xinh đẹp trường Ams mới đây được 6 trường đại học Mỹ mời nhập học. Em dự định theo học ngành Truyền thông tại Đại học Case Western Reserve. Trong mùa du học năm nay, Quỳnh Linh ứng tuyển 7 trường trong đợt nộp sơ sớm (Early Action và Early Decision I). Kết quả,...