Nam sinh hiếu học Thào A Chư khiến giảng viên ĐH Thương Mại cảm động
Nắm được thông tin về Thào A Chư, các thầy cô ĐH Thương mại đã triển khai chụp lại toàn bộ bài giảng và gửi tới em trong thời gian sớm nhất, để em có đủ tài liệu ôn tập chuẩn bị cho kì thi sắp tới.
Thào A Chư, sinh viên lớp K54P1, chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Thương mại, quê ở thôn Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lên núi học online
Trong những ngày thực hiện “ giãn cách xã hội” vì Covid-19, tôi “gặp” được những em sinh viên “về quê tránh dịch”, hằng ngày phải lên đỉnh dốc, lên đồi để bắt sóng 3G, 4G để cùng cả lớp học online.
Vốn dĩ nếu chỉ loáng thoáng nghe chuyện những ngày mưa gió rét các em phải ra khỏi nhà từ 4-5 giờ sáng để kịp giờ vào lớp lúc 6h45, tôi đã cảm thấy các em thật đáng nể, nhưng khi có cơ hội trò chuyện nhiều hơn, tôi thật sự khâm phục.
Khi dịch bệnh kéo dài, Nhà trường quyết định triển khai dạy và học online, Thào A Chư, sinh viên lớp K54P1, chuyên ngành Luật Kinh tế, Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Thương mại, quê ở thôn Pắc Bẹ, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, không thể đến giảng đường trực tiếp nghe giảng vì sóng 4G ở khu nhà em rất kém.
A Chư lo không thể tải được phần mềm để học online hoặc có tải được cũng khó lòng nghe giảng đầy đủ, em đã xin bố mẹ xuống huyện thuê nhà trọ để tiện học tập hơn, nhưng bố mẹ thương và lo cho con, sợ rằng dưới huyện đông người, khó tránh ảnh hưởng dịch bệnh, nên em đã ở lại nhà và hằng ngày vượt qua quãng đường xấp xỉ 7km lên đồi để “vào lớp”.
Ngày trời nắng, A Chư mất một giờ đồng hồ đi xe máy khoảng 4km rồi đi bộ tiếp 3km để tới điểm có sóng, còn trời mưa thì em dành khoảng hai giờ đi bộ đi học vì đường trơn trượt, không thể đi xe máy.
Những ngày học thông hai buổi, sáng em tự mình mang cơm lên đồi để ăn trưa và ở lại học tiếp buổi chiều. Ngoài giờ học, em lại trở về là một cậu con trai của gia đình làm nông, với những công việc thường ngày giúp bố mẹ như nấu cơm, làm nương, kiếm củi, kiếm thức ăn cho lợn, gà.
Kỳ thi sắp tới, mà cuộc chiến chống dịch Covid-19 có lẽ sẽ còn kéo dài khiến nỗi lo của A Chư cũng lớn hơn, khi em không có laptop, khiến việc xem slide bài giảng do Nhà trường cung cấp trên điện thoại cũng trở nên khó khăn hơn (do khi tải về bị lỗi font, khó có thể xem toàn bộ bài giảng).
Nắm được thông tin về Thào A Chư, các thầy cô Trường Đại học Thương mại đã triển khai chụp lại toàn bộ bài giảng và sẽ gửi tới em trong thời gian sớm nhất để em có đủ tài liệu ôn tập chuẩn bị cho kì thi sắp tới.
Tôi đã bắt đầu cuộc nói chuyện với em Thào A Chư với nỗi tò mò, không biết hằng ngày em vượt qua những khó khăn gì để “đến lớp” như vậy. Nhưng bên cạnh câu chuyện đó, tôi nhận ra một gia đình ấm áp và sự nỗ lực không ngừng vươn lên của ba anh em trai A Chư.
Em kể, bố mẹ đều làm nông ở quê, không biết chữ, nhưng luôn tin tưởng và là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho ba anh em trong sự nghiệp học hành.
Anh trai A Chư chọn học ngành Y, còn em trai hiện đang đóng quân tại Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ huyện Mộc Châu. Việc chọn ngành, chọn nghề đều do ba anh em tự tìm hiểu, bảo ban nhau.
Thào A Chư và bố
Mỗi nỗ lực, cố gắng của ba anh em trong học tập giống như thay chính bố mẹ mình viết nên ước mơ ngày trước, vì bố mẹ A Chư luôn nói với con mình rằng: “Ngày xưa bố mẹ rất thích được đi học nhưng không bao giờ được đi, nên giờ các con phải cố gắng lên, bố mẹ sẽ luôn là bàn đạp động lực để thúc đẩy các con”.
Video đang HOT
Từ nhỏ, xem nhiều đọc nhiều về những phiên tòa, A Chư đã nuôi ước mơ trở thành luật sư, vì em thấy nghề luật sư yêu cầu nhiều cả về kiến thức đời sống, xã hội, bên cạnh việc phải nắm rõ về pháp luật. Và may mắn, em luôn có cả gia đình, bà con ở bên cạnh ủng hộ quyết định của mình.
Thào A Chư rất đa tài, em có thể chơi đàn, thổi sáo, thể thao…
Năm 2017, chàng sinh viên dự bị Thào A Chư đã chọn thi khối C, ngành Luật, Học viện Biên Phòng, tuy đạt 28 điểm nhưng may mắn chưa mỉm cười với em. Sau một thời gian tự mình tìm hiểu, em đã quyết định đăng ký thi lại Đại học Luật Hà Nội và ngành Luật Kinh tế của Đại học Thương mại.
Năm 2018, Thào A Chư đã chính thức là tân sinh viên Đại học Thương mại, Khóa 54, và bắt đầu hành trang trở thành một luật sư tương lai.
Thào A Chư cũng có nhiều sở thích bình thường giống như bao sinh viên khác, em thích nhạc, có thể chơi đàn, thổi sáo, thích chơi thể thao và thích đọc sách vở, tài liệu liên quan tới xã hội, pháp luật Việt Nam.
Thào A Chư luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện
Đối với A Chư, thời gian đẹp nhất trong hai năm làm sinh viên Đại học Thương mại vừa qua chính là thời gian học giáo dục quốc phòng tại cơ sở Hà Nam. Ở đó, em được sinh hoạt chung cùng các bạn, và có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động thể thao, giải trí.
Tâm đắc với lời một người thầy giáo cũ từng dạy rằng “cuộc đời con người sống chỉ có một lần, sống là cho, chết cũng là cho, hãy mở rộng tâm hồn để hưởng thụ, để sẻ chia, để yêu thương, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, không cảm thấy nuối tiếc điều gì”, nên em cũng luôn cởi mở, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Có lẽ đó là lí do vì sao ngay từ năm học đầu tiên của thời Đại học, Thào A Chư đã đăng ký tham gia vào Câu lạc bộ tình nguyện của Khoa và trở thành thành viên chính thức. Tuy nhiên, với lịch học và lịch đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt khá dày nên tới năm thứ hai, em đã không thể tiếp tục đồng hành cùng cả đội.
Thào A Chư đã giành được suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt trong sự kiện “1000 CEO 2019″.
Kỳ I năm học 2019-2020, đáp lại những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của mình, Thào A Chư đã giành được suất học bổng dành cho sinh viên nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt trong sự kiện “1000 CEO 2019″.
Sau hai ngày trò chuyện cùng Thào A Chư, em nhắn cho tôi rằng, từ mai em sẽ xuống huyện thuê trọ, vì trên em đi lại khó khăn, mà sắp tới có nhiều bài kiểm tra quá, em sợ nếu mạng cứ không ổn định thế này thì khó mà nộp được bài kiểm tra.
Khi tôi còn chưa kịp gửi lời động viên và chúc em học tốt, thi tốt, A Chư đã nói cảm ơn tôi “rất rất nhiều vì chị đã bỏ thời gian ra để thăm hỏi em”. Không, em à, chị mới là người phải cảm ơn em, vì chính những cố gắng và nỗ lực của em giúp chị thấy cuộc sống này thật đẹp. Chúc em khỏe, học tốt, thi tốt và đạt được ước mơ trở thành luật sư của mình nhé.
Anh Thư
Những học trò "thay đổi" thầy cô
Không có điện lưới, không sóng điện thoại, hoặc sóng yếu, đêm thắp đèn dầu... việc học từ xa đối với nhiều học sinh miền núi tưởng như không thể. Vậy mà chính các em đã truyền cảm hứng, "thay đổi" các thầy cô.
Nơi nào có sóng, nơi đó là phòng học
HS Giàng A Anh là người dân tộc Mông, ở bản Háng Tày xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải - Yên Bái, là học sinh Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương.
Em Giàng A Anh học từ xa dù không có điện lưới.
Anh cho biết, nơi Anh ở chưa có điện lưới, sóng điện thoại thì phải đi rất xa mới có được 1 vạch. Hằng ngày, đúng 8h sáng, Anh đến đúng chỗ có sóng theo hẹn với thầy cô. Buổi tối, muốn học bài, Anh phải sử dụng đèn dầu hoặc ngồi bên bếp lửa.
Câu chuyện của Giàng A Anh tưởng như rất xa lạ với học sinh thành phố, thì lại là quen thuộc với nhiều học sinh vùng dân tộc thiểu số.
Em Lường Thị Thắm, học sinh lớp D2K45 của Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương chia sẻ, nghe tin nhà trường tổ chức việc học tập và giảng dạy bằng hình thức trực tuyến, em vừa mừng lại vừa lo lắng.
Mỗi ngày, Thắm leo đồi đến mỏm đá quen thuộc, nơi có thể bắt sóng ổn định để học.
Bởi vì, laptop thì ít bạn có; điện thoại cấu hình thấp; sóng 3G và wifi lại yếu. Có bạn phải chạy khắp nơi có sóng tốt để học; có bạn phải trèo lên những cành cây thật cao hay leo đồi thì mới có sóng để học.
Mỗi ngày Thắm phải leo đồi vài cây số đến với mỏm đá quen thuộc, nơi có thể bắt sóng ổn định để học cùng các bạn.
Trước khi học thì phải hoàn thành hết việc nhà. Có khi, giữa các ca học lại chạy về nhà nấu cơm.
Ngoài ra, hằng ngày Thắm có nhiệm vụ đi chăn bò cho bác và chăn luôn hai con bò của nhà mình.
Cũng giống như Thắm, em Hoàng Minh Đức, dân tộc Thái, Bản Là 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cũng vừa chăn trâu vừa học bài.
"Đuổi bò lên núi xa để có thể bắt sóng ổn định rồi học luôn. Có lúc vừa phải cắt cỏ cho bò vừa tranh thủ học bài. Đôi khi mải nghe thầy cô giảng bài mà lưỡi liềm cắt cả vào tay. Rồi vừa đuổi bò trên đồi vừa học không nhìn đường mà vấp ngã đến xước cả tay chân", Thắm tâm sự.
Thế nhưng, với Thắm, đó vẫn là niềm vui, vì vẫn được học, đặc biệt là có sự giúp đỡ tận tình từ các thầy cô.
Em Sùng Seo Hà học từ xa trong điều kiện không điện lưới, không internet.
Em Sùng Seo Hòa (ở bản Huổi Moi, Nà Hỳ, Nậm Pồ). Nơi Hòa đang sống cũng không có điện lưới, không có mạng Internet, không có điện thoại smartphone, đến cả nạp pin điện thoại hay đèn pin để học bài cũng là điều khó khăn.
Hòa học qua các tài liệu được các thầy cô gửi qua mail, qua bưu điện và khi làm bài tập, bài kiểm tra em làm xong sẽ gửi lại qua bưu điện để thầy cô chấm.
Phòng học được dựng giữa rừng của em Lùng Thị Loan chỉ với vài tàu lá cọ.
Lớp học của em Lùng Thị Loan (lớp C2k45), dân tộc La Chí thông Già Nàng, xã Nhà Khương, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang chỉ là vài tàu lá cọ, được lợp "dã chiến" trên mấy chiếc cọc tre đóng vội. Bàn học cũng là miếng gỗ, gá tạm lên mấy chiếc cọc. Giữa núi rừng bao la, Loan kết nối với các thầy cô, không bỏ bài học nào.
Thầy cô được truyền cảm hứng từ trò
Trao đổi với PV KH&ĐS về việc học tập của các học trò, TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học Dân tộc Trung ương cho biết, Trường có đặc thù là 100% học sinh là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Internet hay điện thoại thông minh là điều xa xỉ.
Trong khi đó, từ khi nghỉ Tết cho đến thời điểm này, học sinh cũng chưa quay trở lại trường. Sách vở, tài liệu, các em không mang về.
Khi dịch bệnh xảy ra, học sinh không thể quay trở lại trường học, nhà trường đã tiến hành khảo sát học sinh thành 3 nhóm đối tượng. Trong đó nhóm đối tượng thứ nhất là có thể tương tác được với được thầy cô qua mạng internet. Nhóm thứ hai là tương tác được nhưng lại bị động về thời gian, tức là các em phải đến những nơi có sóng thì mới tương tác được. Nhóm thứ ba là không thể tiếp cận được phương tiện để học.
Từ đó, Ban giám hiệu cùng các thầy, cô giáo đã họp bàn, quyết định tổ chức dạy học từ xa cho học sinh theo Tài liệu hướng dẫn tự học.
Một buổi sinh hoạt chuyên môn của các thầy cô giáo để thầy cô hiểu hơn khó khăn việc học từ xa của các em học sinh.
Các tài liệu này được thiết kế theo các modun với sự hỗ trợ của giáo viên dưới 3 hình thức: Giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo thời khóa biểu; giáo viên tương tác trực tuyến với học sinh theo điều kiện kết nối mạng internet của học sinh; giáo viên tương tác với học sinh qua điện thoại sau khi tài liệu được gửi tới học sinh qua đường bưu điện.
Việc học tập của các em cũng được các thầy cô giáo hết sức tạo điều kiện. Cùng một lớp học, nhưng tạo lập ở rất nhiều ứng dụng, như zalo, facebook... Học trò nào vào được ứng dụng nào thì sử dụng ứng dụng đó. Ngoài ra, các ca học cũng chia làm hai ca sáng, chiều. Buổi sáng nếu không có mạng thì các em có thể vào ca chiều để học.
Và kết quả, 100% các em học sinh đều đã tiếp cận được với hình thức dạy học từ xa của trường. 100% HS đã trả bài đầy đủ và được công nhận kết quả học tập.
Đặc biệt, chính những hình ảnh, lá thư mà các học trò gửi về cho nhà trường, sự nỗ lực của các em đã chạm tới trái tim các thầy cô.
"Chính các em đã truyền cảm hứng cho các thầy cô chúng tôi. Trong hoàn cảnh gian khó như thế mà các em vẫn say sưa học tập, tiếp thu tri thức. Vậy thì ở thành phố, điều kiện tốt hơn nhiều, lẽ nào các thầy cô không cố gắng để đáp lại sự tin yêu của các em? Các em đã khiến các thầy cô phải nỗ lực nhiều hơn nữa", TS Tuấn Anh chia sẻ,
Và nỗ lực ấy cũng theo đúng tinh thần mà nhà trường theo đuổi, đó là: Thầy cô chủ động thay đổi, học trò sẵn sàng vượt khó. Theo TS Tuấn Anh, việc học từ xa không thể nào đạt hiệu quả như học bình thường trên lớp. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả thầy và trò, thì đây là một giải pháp tình thế trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.
"Trường chúng tôi tổ chức sinh hoạt chuyên môn ở trên mạng để giáo viên biết rằng học trò học qua mạng khó khăn như thế nào. Thậm chí, tôi còn đề nghị giáo viên thử cầm một điện thoại cấu hình thấp, đứng ở nơi sóng kém, để hiểu được hoàn cảnh của những học trò cần được đồng cảm và giúp đỡ ra sao... Nhà trường sẽ vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu không bỏ rơi bất cứ học sinh nào, dù điều kiện học tập của các em có khó khăn đến đâu", TS Nguyễn Tuấn Anh.
Mai Loan
Trường đại học chi 42 tỷ đồng hỗ trợ sinh viên mùa dịch COVID-19 Với mong muốn hoàn thành kế hoạch học tập, giảm bớt những khó khăn tài chính cho sinh viên mùa dịch COVID-19, Đại học Thương Mại mở 2 gói chi hỗ trợ tài chính lớn. Trường quyết định giảm học phí 7% học kỳ 2, năm học 2019-2020, hỗ trợ chi phí 3G cho người học học online với tổng mức hỗ trợ...