Nam sinh bị cứa cổ, nữ sinh gãy chân vẫn đi thi
Nam sinh bị cứa cổ, nữ sinh gãy chân phải bế vào phòng thi, những thí sinh dù gặp phải sự cố nhưng vẫn quyêt tâm đỗ tốt nghiệp THPT năm nay.
Sáng 2/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra trên cả nước với môn thi đầu tiên là Ngữ văn. Cùng điểm lại những trường hợp thí sinh gặp sự cố đáng tiếc trước khi kỳ thi diễn ra.
Hà Nội: Nam sinh bị bác cứa cổ chống nạng đi thi
Ngày 19/5 dư luận cả nước xôn xao khi một thanh niên bị chính người bác của mình cứa cổ. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, người bác đã nuôi ý định trả thù và đã dùng dao cứa cổ đứa cháu trai đang chuẩn bị thi tốt nghiệp cấp 3. Nạn nhân là Trịnh Duy Linh, 19 tuổi, đang là học sinh lớp 12 một trường THPT ở TP. Hà Nội.
Thí sinh Trịnh Duy Linh chống nạng đến phòng thi. (Ảnh: VTC News)
Với sức khỏe không tốt, nhiều người đã nghĩ Duy Linh không thể thi tốt nghiệpTHPT năm nay nhưng em vẫn thuyết phục gia đình để cố gắng tham gia. Sáng nay, chàng trai này vẫn tham gia dự thi môn Ngữ văn tại Hội đồng thi trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội).
Duy Linh bước ra khỏi trường thi cùng sự trợ giúp của mẹ với nét mặt nhăn nhó bởi vết thương chưa lành. Tuy nhiên, Linh không dấu được sự hào hứng vì đã hoàn thành khá tốt bài thi môn Ngữ văn.
Chàng trai này cho biết: “Đề thi cũng khá khó với em, vì em không có thời gian ôn nhiều, nhưng may mà em vẫn làm khá tốt, chắc khoảng 70%”.
Quảng Nam: Nữ sinh bị gãy đùi phải bế vào phòng thi
Sáng nay, tại điểm thi Trường THPT Duy Tân (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) nhiều người xúc động khi chứng kiến cảnh một người đàn ông bế con gái vào phòng thi số 7.
Thí sinh Võ Thị Thanh Nhẫn được cha bế vào phòng thi.
Ông là Võ Văn Sinh (49 tuổi, trú tại P.An Phú, TP.Tam Kỳ) cha của thí sinh (TS) Võ Thị Thanh Nhẫn (18 tuổi). Trước kỳ thi khoảng nửa tháng, nữ sinh này đã bị gãy đùi phải nối xương và bó bột nên không thể tự đi đến phòng thi.
Cha nữ sinh này chia sẻ: “12 năm đèn sách giờ đến kỳ tốt nghiệp nên dù có bận rộn tới đâu tôi cũng bỏ để đưa cháu đi thi. Do chân cháu còn đau nên tôi không dám cõng mà phải bồng vào tận phòng thi”.
Quảng Trị: Hai thí sinhgãy chân chống nạng, ngồi xe lăn vào phòng thi
Video đang HOT
Tại hội đồng coi thi THPT số 2 Đông Hà (ở trường THPT Lê Lợi, TP Đông Hà, Quảng Trị) có 2 thí sinh đặc biệt khiến nhiều người chú ý. Cả hai thí sinh này đều bịgãy chân nhưng vẫn cố gắng đi thi và quyết tâm thi đỗ.
Đó là thí sinh Hoàng Thị Thúy Kiều, bị gãy chân trái cách đây 4 tháng phải chống nạng đi thi, và Lê Lợi cũng phải nhờ người nhà đẩy xe lăn tới tận phòng thi.
Hoàng Thị Thúy Kiều. (Ảnh: Dân trí)
Lê Lợi. (Ảnh: Dân trí)
Được biết hai thí sinh này đều có học lực khá nhưng do bị tai nạn giao thông nên phần nào ảnh hưởng đến thời gian ôn tập trước khi thi. Mặc dù vậy, chia sẻ trước khi bước vào phòng thi môn Văn, hai bạn đều thể hiện quyết tâm đỗ tốt nghiệp.
Nghệ An: Một thí sinh tử nạn, 4 em bị thương vì tai nạn giao thông
Tại Hội đồng thi tại trường THPT Anh Sơn I (Nghệ An) có 4 thí sinh được xét đặc cách là: Lê Thị Loan (SN 1995, lớp 12A4), Nguyễn Ngô Anh (SN 1995, lớp 12A4), Nguyễn Văn Thiện (SN 1995, lớp 12A6) đang nằm điều trị tại bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An; Nguyễn Văn Hiệp (SN 1995, lớp 12D3) đang điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Anh Sơn.
Đây là 4 thí sinh bị thương trong vụ ô tô điên đâm nhóm 6 học sinh đang trên đường đi ôn thi về vào chiều ngày 23/5 làm 2 em học sinh khác tử vong.
Thí sinh tại điểm thi Phan Bội Châu (Nghệ An) trao đổi lại bài sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh Phạm Hòa.
Trước đó ngày 1/6 Sau khi đến làm thủ tục thi và xem số báo danh, trên đường về em Trần Thị Hằng Nga, học sinh lớp 12A2, trường THPT Nam Yên Thành, Nghệ An bị tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông.
Sự việc đã được gia đình báo lên nhà trường, phòng GD-ĐT huyện và Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Nghệ An. Hiện nay, ban giám hiệu trường THPT Nam Yên Thành đang cử đoàn giáo viên đến thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình em Nga.
Đà Nẵng: Thí sinh suy nhược cơ thể bỏ dở kỳ thi
Đó là thí sinh Lê Thị Mỹ Tiên (Đà Nẵng) đã gắng gượng bắt taxi hơn cây số đến hội đồng thi vào sáng 2/6. Khuôn mặt tái mét, đôi chân mềm yếu, Tiên không thể tự đi, mà có người dìu. Tuy nhiên, được ít thời gian làm bài thi, sức khỏe Tiên không đảm bảo nên được cán bộ hội đồng thi sơ cứu.
Lê Thị Mỹ Tiên. (Ảnh: Tiền phong)
Ông Phan Nguyên, chú họ Tiên cho hay, do áp lực kỳ thi, ôn luyện nhiều nên mấy ngày trước Tiên đổ bệnh, nhập viện BV Đà Nẵng điều trị. Theo giấy chứng nhận của bệnh viện này, Tiên bị suy nhược cơ thể, yếu 2 chân, khó có thể đi lại.
Theo ông Nguyên, trước giờ thi, gia đình có trình bày hoàn cảnh với Hội đồng thi nhưng hội đồng thi không tiếp nhận nên Tiên phải vào thi. Được ít phút thì đau nặng, Tiên phải bỏ trắng bài thi.
Chánh văn phòng Sở GD – ĐT thành phố Đà Nẵng Đặng Hùng cho hay, hiện chưa thấy Hội đồng thi Trần Phú báo cáo cụ thể về trường hợp em Tiên.
Theo quy chế, Hội đồng thi phải tiếp nhận trường hợp em Tiên và có cách giải thích chính đáng để gia đình hiểu. Với tình trạng trên, Tiên thuộc diện xét đặc cách tốt nghiệp, tuy nhiên phụ thuộc vào học lực, hạnh khiểm suốt năm lớp 12 phải đạt từ loại khá trở lên mới đủ điều kiện.
AN HOÀNG
Theo Infonet
Bức ảnh mùa thi cảm động và chuyện gà gáy sáng trăng
Một tác phẩm nhiếp ảnh mà cuộc đời trong đó rất chân thật, gần gũi, gây "sốt" ầm ầm là phải. Đó là bức ảnh mùa thi cảm động "Cha trông con ngủ" được báo chí đăng tải với nhiều tán đồng của bạn đọc, bạn viết gần xa.
Con trai tôi năm nay hết năm thứ ba đại học, lò dò trên mạng rồi bỏ bàn phím chạy ra mách "Có bức ảnh tuyệt hay, bố xem đi!". Tôi, chả là vừa góp tiền mua cho cu cậu chiếc máy ảnh, cứ nghĩ nhiếp ảnh gia trẻ có "tác phẩm" trình bố, hóa ra...
Đó là bức ảnh mùa thi rất cảm động "Cha trông con ngủ" mà sau đó báo chí đăng tải với rất nhiều tán đồng của bạn đọc, bạn viết gần xa.
Vào blog của bạn tôi, cũng thấy bàn về bức ảnh ấy, lại có liên hệ với bố mình ngày đưa em gái đi thi, về niềm hạnh phúc có một người bố yêu mẹ, thương con hết mực, âm thầm vươn lên, vượt lên.
Tự dưng lại nhớ câu chuyện cũng về một người bố đưa con đi thi, ngồi chờ con bên gốc cây trưa nóng , mệt mỏi rồi vô tình...ngáp! Bạn tôi là phóng viên đài nọ đã rất kỳ công để bấm được giây phút thần tình ấy, đưa lên thời sự đài quốc gia. Bấy giờ thi cử tập trung hết về Hà Nội, vất vả, tốn kém, nhiêu khê. Hình ảnh "ngáp" ấy cũng như chuyện dở khóc, dở mếu trước cửa ...toilet nhà đông khách quê sáng sớm, cho đến nay vẫn còn khiến bao nhiêu người ngán ngại.
Thời tôi đi thi, chỉ tập trung về huyện lỵ, cách nhà khoảng 15 km (chứ không phảỉ ròng rã 300 km từ Yên Thành - Nghệ An ra Thanh Trì - Hà Nội mà phải còng lưng, mỏi gối đạp xe với 30.000 đ trong túi như học trò Thuận vừa được báo chí loan). Trọ nhà dân, gửi gạo, lạc nhờ bà con nấu hộ. Chỉ tập trung vào thi cử chứ nhớ gì ăn uống. Thi xong, không kịp cám ơn gia đình vì họ đi làm chưa về. Thế rồi đạp xe về nhà, vừa hát vừa huýt vang đường vắng không phải vì làm bài tốt, phấn khởi mà vì... sợ ma.
Bức ảnh "Cha trông con ngủ" được đăng trên báo điện tử VnExpress và sau đó được cộng đồng mạng chia sẻ.
Tôi và người bạn thân nhất cùng làng, cùng đi thi dạo ấy, không "sướng" như cô học trò được bố quạt ngủ lấy sức giữa 2 môn thi căng thẳng trong tấm ảnh, hay như người bạn viết blog nói trên. Chúng tôi tự mình đạp xe đi thi (tất nhiên là vô cùng gần so với Thuận bây giờ). Bố bạn tôi hy sinh năm 1967 ở chiến trường B. Mẹ bạn tôi luôn đau yếu..
Bố tôi dạo ấy làm việc trên huyện, cứ mang xắc cột, đạp xe đi hết xóm, xã, huyện, tỉnh, trưa ngày tối bữa. Mọi việc nhà chủ yếu mẹ tôi lo liệu, kể cả việc học hành thi cử của con cái. Nhưng, đường xa, mẹ tôi hồi đó cũng như sau này không biết...đi xe đạp, nên bà chỉ đi bộ tiễn tôi ra khỏi làng rồi đứng nhìn theo tôi hễ nhảy lên xe là huýt sáo véo von.
Thú thực tôi không nhớ nhiều về chuyện học thi của mình hồi đó, mà chỉ nhớ chuyện về mẹ. Tôi có gì đọc được là ngốn lấy ngốn để, viết vẽ linh tinh, thức khuya, người nhắc tôi thu xếp sách báo gọn gàng và đi ngủ để mai còn dậy sớm là mẹ. Trường cấp 3 tôi học ở bên kia sông Lam, học trò phải qua đò ngang, đông người, tranh nhau, chen lấn nhau không ít lần khiến đò chìm ngay bên bến.
Vì vậy, muốn an toàn, không muộn giờ học chỉ còn cách dậy sớm, sang sông sớm. Người lo lắng nhất cho tôi suốt 3 năm học, lo nhất chuyện đò giang là mẹ tôi. Quen đến nỗi ngày nghỉ chủ nhật mà mẹ tôi cũng thức dậy như cách người lính thuộc ca trực, nhớ ra lại lên giường nằm nhưng không thể ngủ lại được.
Có hôm, trăng mây mờ tỏ, gà gáy nhầm canh ba, mẹ dậy nấu cơm rồi giục vội tôi ăn nhanh, muộn rồi, trời sáng rồi, mau kẻo chậm học, con ơi. Mẹ cũng gánh rau ra Chợ Lở luôn, hai mẹ con cùng đi. Ra đến bến đò vắng hoe. Chợ cũng chưa một bóng người.
Bác quét chợ (mẹ tôi có lần dặn "Các con phải biết thương bác ấy, bác ấy khổ nhất làng ta") thường đến sớm nhất cũng chưa thấy. Hóa ra lúc đó mới quá nửa đêm, gà ơi là gà, trăng hỡi sáng trăng...
Sau lần thi ấy, mẹ tôi kể, hai đêm chờ tôi, bà không hề chợp mắt mà chỉ trở ngang, lật dọc, quạt liên hồi vì nóng, vì muỗi và vì điều gì đó không nói được. Trước hôm tôi về, bà luộc một nồi khoai, rang sẵn một ống bơ lạc, ngồi nhìn ra cổng, ra phía tôi sắp sửa hiện ra không hiểu sẽ tươi cười huýt sáo vì làm bài tốt hay nhăn nhó cái mặt mà bà vô cùng quen thuộc và thường mắng khẽ ấy.
Để rồi một ngày bình thường như bao ngày chờ đợi không nói, không hiểu sao bố tôi lại đạp xe về nhà lúc mặt trời chưa chạm dãy Hòn Yêm, ghi-đông treo lủng lẳng một xâu bánh đa Đô Lương thơm ngon có tiếng. Tiếng ông sang sảng như thường lệ, nghe thật rõ, thật vui từ đầu ngõ "Mẹ thằng Cu mô rồi, về mau, về mau liên hoan Cu ta đỗ đại học. Giấy báo đây này. Cả huyện, cả xã biết rồi mà mẹ mi vẫn còn ở trong bếp...".
Bố tôi nói câu đó rất vô tình, nhưng tôi thì nhớ mãi. Không nhớ sao được bao nhiêu tháng ngày khi cả nhà đang ngon giấc thì mẹ tôi lụi cụi trở dậy nhóm bếp, hôm nắng nóng cũng như khi gió lạnh. Không nhớ sao được khi củi tươi không bén lửa, gió theo vách thủng thổi tắt ngọn đèn, khói phả sặc sụa, mắt mẹ cay xè, mặt mũi quệt đầy bụi than, bồ hóng...Không nhớ sao được bát cơm, bát canh nóng sốt chờ bố về, trời trở gió mà thằng Cu không biết đã qua sông hay là chưa, bụng chắc sôi réo liên hồi, lốp xe quấn dây thun trưa nắng cầu trời đừng có đứt.
Làng Nhân Hậu quê tôi nghèo, nhà tôi cũng thế. Nhưng làng tôi tự hào nhiều người học giỏi, trưởng thành. Trước tôi, nhiều anh chị được gọi đi học nước ngoài, về nước làm đến cục trưởng, thứ trưởng... Cùng lứa tôi, có bạn đi học trường chuyên Phan Bội Châu trên tỉnh. Lần tôi thi đỗ Khoa Văn Tổng hợp thì làng tôi cũng góp ba "văn nhân" nữa, thêm tôi nữa vị chi bốn như cách nói của người làng. Chúng tôi có lần ngồi với nhau, buồn làm hớp rượu, nhắm hột lạc rang, bỗng có đứa thốt lên "Các cụ làng ta tài thật, xem mặt đặt tên rất chi là hợp lý. Làng Nhân Hậu mới đẻ ra toàn "văn nhân" thơ ca dào dạt...".
Mới rồi, làng tôi có cháu đỗ thủ khoa khối A Ngoại thương Hà Nội. Cu con nhà tôi về quê vớ được viết bài đăng báo là "Thủ khoa phụ hồ", chả là cu này vừa học vừa đi phụ hồ giúp bố. Hôm nhập trường, bố con ra Hà Nội tìm mãi mới đến đúng nhà tôi, mang theo một cân lạc vỏ, một xâu bánh đa sống và hai con gà, nói là cám ơn bác, quê nỏ có chi. Mừng vô kể. Lại người xóm ta học hành đỗ đạt, mở mày, mở mặt. Chả là mẹ thằng cu thủ khoa kia chỉ kém tôi dăm ba tuổi, cùng Xóm Sau, trưa tối nấu chè xanh là cứ gọi nhau ời ời.
Lại còn nói chuyện kiểu dọc chuối "Tui nói với hắn trước khi thi : Mi mà không đỗ thì chỉ có đi phụ hồ. Nhưng mi mà đỗ thì vợ chồng choa phụ hồ! Không ngờ hắn mần được thủ khoa, tỉnh,huyện, xã, xóm, bà con đến mừng suốt cả tháng ni, bác ạ."
Cùng lúc đó, mẹ tôi nhắn tin ra "Cháu nội nhà bác quét chợ lần ni đỗ đại học nguyện vọng 2, con nhớ về mừng cho nhà bác ấy. Ngày xưa, có lần mẹ nói mãi bác ấy mới chịu lấy tiền chợ, nói là nhà nghèo như nhau, nỏ lấy, bà để mà góp cho con đi học!".
Con trai lớn ông bạn nối khố cùng đạp xe đi thi năm nào (nay đã là đại tá - nhà văn) cũng vào Đại học Kiến trúc, lại phát huy cái nghề viết, vẽ đẹp như in mà bố nó hồi sinh viên viết bảng tin Khoa Văn bên gốc xà cừ lúc nào cũng người xem tấm tắc xúm đen xúm đỏ.
Tối hôm đó, bố con tôi dán mắt vào bức ảnh mùa thi cảm động "Cha trông con ngủ", đọc từng câu đến hết bài và vô số comment trên báo. Nhiếp ảnh gia trẻ sắp sửa vào nghề có lẽ đã hiểu ra điều gì từ bức ảnh bất ngờ mà giản dị đó. Còn câu chuyện gà gáy nhầm trăng, về bác quét chợ... thì có lẽ chỉ mẹ tôi và tôi thấm thía và mang theo suốt những tháng năm sau này...
Theo Bùi Nam Sơn
VietNamNet
Gieo ước mơ trên đôi nạng gỗ Nhọc nhằn nhích từng bước trên đôi nạng gỗ nhưng các thí sinh này không hề nản chí, vẫn đi thi đại học để thực hiện ước mơ của mình. Tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có hai thí sinh như thế. Đó là thí sinh Trần Thị Lai (sinh năm 1994) quê ở Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng...