Năm sai lầm khiến trẻ không giỏi tiếng Anh
Cô Moon Nguyen, thạc sĩ Ngôn ngữ học tại Mỹ, chia sẻ những sai lầm khiến trẻ khó “bứt phá” tiếng Anh khi học tại Việt Nam.
1. Phó thác việc học của con cho trung tâm/giáo viên
Trừ các con học chương trình quốc tế, nếu chỉ đi học thêm tiếng Anh và thêm vài ba tiết ở trường, con chẳng thể tiến bộ nhanh như bố mẹ mong muốn. Đó là lý do nhiều bố mẹ cứ than phiền tại sao con học lâu rồi mà vẫn phản xạ kém, không tiến bộ và tự tin. Muốn con giỏi, bố mẹ cần đầu tư thời gian của bản thân giúp trẻ sử dụng tiếng Anh tại nhà thông qua đọc sách, nói chuyện… bằng tiếng Anh.
Ảnh: Shutterstock.
2. Ép con đi học tiếng Anh dù chúng không muốn
Có thể nói đây là sai lầm phổ biến của nhiều bố mẹ. Vì quá sốt ruột, nóng lòng cho con đi học để “bằng bạn bằng bè”, nhiều bố mẹ ép con đi học dù chúng khóc lóc không chịu. Nếu rơi vào hoàn cảnh này, bố mẹ cần tìm hiểu lý do và nhẹ nhàng nói chuyện với con là tại sao con lại không muốn đi học.
Có thể, phương pháp dạy chưa phù hợp khiến con không hứng thú, hoặc con có một trải nghiệm tiêu cực nào trước đó. Bố mẹ cần nhớ, điều quan trọng để giỏi một ngôn ngữ là phải thích nó.
3. So sánh con mình với con “nhà người ta”
Video đang HOT
Bố mẹ thường hay có tâm lý so sánh trình độ của con mình với các bạn khác cùng tuổi. Điều này, dù vô tình hay hữu ý, sẽ không làm con giỏi hơn. Việc so sánh ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của trẻ, khiến con nghĩ mình kém.
Mỗi đứa trẻ phát triển ngôn ngữ theo những lộ trình riêng, giống như khi học đi, có những trẻ chỉ mất 8 tháng, có trẻ mất tới 18 tháng để chập chững bước đầu tiên. Hồi sang Mỹ ba năm trước, trong khi con trai mình lớn 6 tuổi chỉ mất hơn một tháng để giao tiếp tự tin, thì con gái 4 tuổi mất đúng một năm để bắt đầu nói tiếng Anh tự tin. Mọi sự so sánh đều khập khiễng.
4. Bố mẹ không học tiếng Anh
Trẻ thường nhìn và học theo bố mẹ. Muốn con chăm thể dục thể thao, bố mẹ cũng phải hăng say luyện tập. Muốn con hay đọc sách, bố mẹ cũng phải thường xuyên đọc sách. Tương tự, nếu khát khao con nói tiếng Anh giỏi, bố mẹ cũng phải chịu khó học ngoại ngữ. Rất nhiều bố mẹ tìm đến và tâm sự phải rất cố gắng học tiếng Anh để bắt kịp và học cùng con. Mình rất hoan nghênh tinh thần cầu tiến đó.
5. Nghĩ rằng không nên nói tiếng Anh với con vì mình nói không chuẩn
Câu hỏi nhiều phụ huynh hỏi mình nhất là “Có nên nói tiếng Anh với con ở nhà không? Nếu mình nói không chuẩn, con sẽ học theo mình thì sao”?
Trước tiên, bố mẹ cần cân nhắc mục đích khi sử dụng tiếng Anh ở nhà với con. Có phải là con sẽ chỉ học tiếng Anh từ bố mẹ? Thường là không. Con đi học trên lớp, ở trung tâm, qua video trên Youtube, qua các apps tiếng Anh khác, như vậy bố mẹ nói chuyện chỉ để tạo môi trường sử dụng tiếng Anh cho con.
Trong trường hợp này, bố mẹ rất nên dùng tiếng Anh với con. Điều này sẽ giúp con hình thành phản xạ giao tiếp nhanh và hiệu quả. Tất nhiên, nếu bố mẹ có một chút kiến thức căn bản về phát âm tiếng Anh để biết cách nói rõ ràng, dễ hiểu, và tự tin hơn thì còn tuyệt hơn nữa.
Moon Nguyen
Sáu cách giúp con thích đọc tiếng Anh
Cô Moon Nguyen chia sẻ cách giúp hai con có thể ngồi đọc sách ba buổi trong những ngày nghỉ phòng Covid-19 mà không biết chán.
Để con yêu thích và có thể tự đọc tiếng Anh về sau này, đầu tiên bố mẹ cần đầu tư thời gian đọc tiếng Anh cùng con. Khi đó, bố mẹ có thể cùng con giải thích những từ khó và hướng dẫn cách đọc, tư duy để hiểu câu chuyện. Điều này cũng tăng cường sự gắn bó với nhau. Dưới đây là 6 kinh nghiệm mình đã áp dụng tương đối thành công giúp con yêu sách.
1. Để con tự chọn sách
Khi chọn cuốn sách muốn đọc, con chắc chắn sẽ hào hứng hơn. Tuy còn nhỏ, việc trao quyền tự chủ cho con là cần thiết, giúp chúng trở nên tự tin hơn. Nhà mình có thói quen ra hiệu sách để con chọn sách, bao giờ con đọc xong thì lại đi mua sách mới. Với những cuốn có nhiều tập như Diary of a Wimpy Kid, sau khi mua vài tập và thấy con muốn đọc, mình có thể đặt hàng online để tiết kiệm thời gian.
2. Thiết lập thời gian và không gian cố định để đọc sách
Việc thiết lập thời gian cố định khá quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách cho con. Ví dụ, bố mẹ có thể đọc sách cho con trước khi đi ngủ và chọn một không gian cố định để đọc. Bình thường, khi phải đi học, con thường đọc sách sau khi làm xong bài tập. Đợt nghỉ dịch này, chúng đọc sách cả sáng, chiều và tối, nên lượng đọc cũng tương đối lớn.
Ảnh: Shutterstock.
3. Giúp con tăng cường hiểu nghĩa của câu chuyện
Bố mẹ không giỏi tiếng Anh có thể sử dụng audio đọc mẫu và cùng con tìm hiểu ý nghĩa của câu chuyện. Những bố mẹ tiếng Anh đã tốt có thể đọc cho con nghe, lưu ý dùng ngữ điệu khi đọc để lời các nhân vật trở nên sinh động, tránh giọng đều đều. Điều quan trọng là trong quá trình đọc, bố mẹ nên hỏi con một số câu để xem chúng có hiểu không, và giải thích nếu cần thiết. Khi đọc sách có tranh, bố mẹ có thể dùng tranh để con phán đoán câu chuyện, hoặc đoán từ mới dựa trên ngữ cảnh.
4. Vừa đọc vừa chỉ vào chữ cho các bé chưa biết nhiều chữ
Trẻ nhỏ chưa biết đọc sẽ không hiểu mối liên hệ giữa "tiếng" và "chữ". Việc đọc cho con những mẩu sách đơn giản, vừa chỉ tay vào chữ vừa đọc cũng giúp con hiểu rằng chữ và tiếng có liên hệ, và dần nhận biết mặt chữ tốt hơn. Nếu chữ đó thường xuyên lặp lại trong bài, bố mẹ có thể đôi khi dừng lại và để con "thử" tự đọc chữ đó xem sao.
5. Giúp con liên hệ những gì đã đọc với thực tế
Ví dụ trong mẩu truyện mình đọc cho con về "cleaning up", mình có thể giúp con liên hệ với bản thân con đã "clean up" (dọn dẹp) sau khi chơi đồ chơi chưa và có nên làm như vậy không.
6. Chuyển sang các loại sách mới
Khi mới đọc sách, quan trọng nhất là hứng thú nên bố mẹ cần lựa chọn những loại mà con thích. Về sau này, dần dần có thể hướng con đọc những loại sách "hàn lâm" hơn như khoa học, lịch sử, danh nhân. Khi chuyển đổi loại sách, mặc dù con có khả năng đọc tốt rồi, bố mẹ vẫn dành thời gian ngồi đọc, đồng hành cùng con.
Tiếng Anh là ngoại ngữ với trẻ, việc đọc mà không hiểu là rất bình thường. Do đó, nếu bố mẹ ngồi đọc và giảng giải trong thời gian đủ lâu, các con sẽ dần tò mò và ưa thích những loại sách mới này. Đây là tiền đề giúp chúng tự đọc về sau.
Moon Nguyen
Cậu bé 14 tuổi chinh phục 8.0 IELTS, PET 166/170: Bảng điểm toàn 10, biết đọc sách song ngữ từ năm 7 tuổi Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, bé Hà Duy Anh (sinh năm 2007) đã lập kỷ lục là một trong số ít những thí sinh nhỏ tuổi nhất chinh phục bài thi IELTS với số điểm gần như tuyệt đối. Họ và Tên: Hà Duy Anh Sinh năm 2007, hiện đang học lớp 7.1trường THCS VSTARSCHOOL Đạt 8.0 IELTS, PET (166/170),...